Có thể nói, Đại lễ Vu lan - Báo hiếu của Phật giáo Việt Nam đã trở thành truyền thống lâu đời của dân tộc, đã thấm đẫm trong đời sống của người dân Việt Nam. Chúng ta đều biết nguồn gốc lễ Vu lan – Báo hiếu được bắt nguồn từ thời Phật còn tại thế.

Từ tích truyện Tôn giả Mục Kiền Liên sau khi tu đắc đạo, muốn cứu mẹ thoát khỏi chốn ngục tù, nhưng không sao cứu được. Tôn giả mới bạch Phật xin Ngài chỉ cho phương cách cứu mẹ. Đức Phật bảo rằng, dù ông có đủ thần thông nhưng cũng không thể cứu được mẹ hiền. Bởi lẽ nghiệp ác của bà quá nặng, chỉ có nhờ sức chú nguyện của 10 phương Tăng chúng mới có thể chuyển hóa được nghiệp lực sâu dày. Ngài Mục Kiền Liên y theo Phật dạy, nhân ngày Rằm tháng Bảy, ngày chư Tăng Tự Tứ, dâng lễ Trai tăng cúng dường. Nhờ lực chú nguyện của đức Phật và tăng chúng, cùng sự giác ngộ sửa đổi, sám hối của bà Thanh Đề mà bà được thoát khỏi địa ngục, sanh về cõi Phật. Đại Lễ Vu Lan được bắt nguồn từ đó:

“Đại lễ Vu lan đã đến rồi,

Hỡi đàn con hiếu chúng ta ơi!

Noi gương Bồ tát thần thông ấy,

Báo đáp thâm ân kẻo muộn thôi”.

Tinh thần báo hiếu đó dần dần đã đi vào dân gian và trở thành ngày “Vu lan Thắng hội”. Đây chính là ngày mà người con thể hiện tấm lòng hiếu thảo của mình đối với công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ.

Riêng đối với cha mẹ bảy đời thì người dân Việt Nam đã bày tỏ tấm lòng rất trân trọng, chẳng những họ đến chùa tụng kinh bái sám, nghe pháp cúng dường mà còn sắm sanh lễ vật dâng lễ nguyện cầu. Bởi lẽ:

"... Tháng Sáu buôn nhãn bán trâm

Tháng Bảy ngày Rằm xá tội vong nhân..."

Quả thật, ngày “xá tội vong nhân” hiện nay đã trở thành truyền thống quen thuộc của người dân Việt Nam chúng ta, xem đó như là một lễ hội lớn và rất quan trọng, đã được người dân ghi vào lịch sử sinh hoạt trong từng năm. Cứ mỗi năm, đến tháng bảy là hầu như nhà nhà trong tâm tưởng, đều chuẩn bị tinh thần và mọi hoạt động thiết thực để hướng về ngày lễ hội “Vu lan Báo hiếu”. Tất cả đều hướng về ông bà, tổ tiên và gần nhất là cha mẹ hiện tiền cũng như quá vãng, nhằm thể hiện lòng hiếu kính của mình đối với hai đấng sanh thành.

Đồng thời ngày Rằm tháng Bảy còn là ngày “Xá tội vong nhân” đã thấm nhuần sâu sắc vào trong tâm thức của người dân Việt Nam. Họ hiểu rằng vào ngày Rằm tháng Bảy, chẳng những dưới âm phủ người ta mở hết cửa ngục để thả tội nhân mà đồng thời còn biết ngày đó, các tội nhân được về cõi thế để thăm lại cháu con, mong cho con cháu làm các công đức lành hồi hướng cho họ được vơi đi phần đau khổ. Cho nên con cháu trên dương thế, ai ai cũng chuẩn bị thức ăn ngon đầy đủ để cúng tế cho ông bà, cha mẹ. Tuy cách suy nghĩ đơn giản nhưng trong đó mang đậm tinh thần “hiếu đạo”, luôn luôn nhớ đến người quá vãng, sợ họ bị đói khổ. Điều nầy đã thể hiện rõ nét qua những câu ca dao, tục ngữ sâu đậm nghĩa tình của người dân:

Nhớ ngày “Xá tội vong nhân”

Lên chùa lạy Phật đền ân sinh thành.

Hay:

“Trung nguyên ngày hội Vu lan

Báo hiếu tiền nhân đến Đạo tràng

Đốt nén tâm hương thầm khấn nguyện

Bảy đời cha mẹ thoát u oan”.

Trong bài “văn tế cô hồn thập loại chúng sinh” của Nguyễn Du đã mở đầu bằng câu:

“Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt

Toát hơi may lạnh buốt xương khô

Não người thay buổi chiều thu

Ngàn lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng

Đường bạch dương bóng chiều man mác

Dặm đường lê lác đác sương sa

Lòng nào lòng chẳng thiết tha

Cõi dương còn thế huống là cõi âm …”

Câu thơ đã thể hiện sự ảnh hưởng rất sâu đậm của dân gian với truyền thống Vu lan của Phật giáo, bởi câu thơ đã gợi lên cho chúng ta thấy cảnh đói lạnh, khổ đau của tội nhân ở địa ngục, qua đó cũng là gợi mở lòng từ bi ở những con người còn sống ở nhân thế. Ảnh hưởng rõ nét nhất trong nhân gian là vào đầu triều Nguyễn từ Vua quan cho đến dân chúng, ai ai cũng lấy bài văn này để đọc trong các khóa lễ chẩn tế vào dịp Đại lễ Vu Lan hằng năm.

Sự ảnh hưởng ngày lễ Vu lan – Báo hiếu còn thể hiện rất rõ nét trong đời sống người dân qua những câu ca dao, tục ngữ thanh thoát nhưng đầy ý nghĩa:

Lên chùa dự lễ Vu lan

Cầu cho cha mẹ thoát đàng tử sinh.

Với tinh thần về chùa dự lễ Vu lan vào ngày Rằm tháng Bảy, chẳng những là để cầu nguyện cho cha mẹ hiện tiền được đầy đủ phước báu, sống đời an lạc, hanh phúc với cháu con mà còn thoát khỏi ngục tù sanh tử khổ đau của cha mẹ chín kiếp bảy đời. Dẫu biết rằng người con chưa biết cha mẹ đã thác sanh về chốn nào, nhưng từ sự ảnh hưởng cuộc sống, người dân luôn về chùa cầu nguyện cho mẹ cha được thoát đường sanh tử luân hồi. Tất cả đều xuất phát từ tấm lòng hiếu kính của con cháu đối với mẹ cha. Cổ nhân có câu:

“Đêm Vu lan trăng tròn gió mát

Trước Phật đài ngào ngạt hương trầm

Cầu cho thất thế song thân

Được về nước Phật tâm thần thảnh thơi”.

Cứ như là một quy luật tự nhiên, mỗi độ Vu lan về là khiến cho lòng người con thổn thức, thương nhớ, lo nghĩ về mẹ cha thật nhiều:

“Nhớ phụ thân không ngăn nước mắt

Biết hồn cha phương bắc phương nam

Mỗi năm đến lễ Vu lan

Cầu cho thân phụ Lạc bang được về”.

Ý nghĩa ngày Đại lễ Vu lan - Báo hiếu trong Phật giáo theo đúng lời Phật dạy là thể hiện lòng tri ân báo ân đối với ông bà cha mẹ hiện tiền cũng như đã khuất, đồng thời cũng là để hồi hướng kỳ siêu cho thập loại cô hồn chúng sinh, thính pháp văn kinh, siêu sanh tịnh độ, đã ảnh hưởng rất sâu rộng trong lòng dân tộc và hầu như trở thành truyền thống không thể thiếu trong đời sống nhân dân Việt Nam.

Thích Minh Thiện



Có 1 phản hồi đến “Ảnh Hưởng Truyền Thống Vu Lan Qua Ca Dao Tục Ngữ Việt Nam ”

  1. LỮ TUYẾT NGÂN đã nói

    vu lan báo hiếu, cha mẹ là tất cả ^_^

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com