Hương Xuân ngây ngất tràn khắp mọi ngã đường sau những ngày tết Nguyên Đán đón con trở về quê hương lần thứ ba trong sự bận rộn bất ngờ. Một chuyến trở về Việt Nam ngoài dự tính không đợi mong để lại trong con biết bao nhiêu tình cảm luyến lưu đầy kỷ niệm. Con đã được về chốn cũ nơi lưu dấu bao ký ức vẹn nguyên, được đến những nơi tâm linh chùa chiền cần đến và làm được nhiều điều bổ ích cho gia đình, bạn bè và cả những người con không hề quen biết thuận với ngành nghề y khoa của mình.

Xem thêm:

Quan Âm Tu Viện: Nơi Sưởi Ấm Những Tâm Hồn Xa Quê

Một Vòng Quanh Quan Âm Tu Viện

Ngày đầu tiên đặt chân về quê nhà giữa khuya mùng bốn tết, đường phố vắng hoe lát đát bóng người. Chắc có lẽ chỉ những ngày tết đường Sài Gòn mới thưa vắng như vậy nên con được nhìn rõ phố phường cảnh vật thật sự về đêm. Hương sắc ngày tết vẫn ngập tràn trên khắp các ngã đường với hoa kiểng đèn lồng, bản hiệu, khẩu ngữ mừng xuân. Lần đầu tiên con về quê hương vào những ngày tết sau mười ba năm xuất ngoại.

Sáng mùng năm tết, hành trình tâm linh đi thập tự bắt đầu. Nơi dừng chân đầu tiên như tất cả những chuyến về Việt Nam là Quan Âm Tu Viện Đồng Nai, chùa của thầy tổ. Chùa ngập trong hoa, vàng rực với những chậu mai ngập cánh bay là đà theo gió. Xuân sang chùa cũng được thay áo mới thêm tươi xinh, rực rỡ dẫu “Xuân qua trăm hoa rụng, xuân tới trăm hoa cười.”

“Lên chùa, thấy Phật không hai

Chúng sanh là Phật tương lai sẽ thành

Một trăm lẻ tám Hồng Danh

Trang nghiêm cõi Phật, tịnh thanh tâm mình

Lên chùa lạy Phật nghe kinh

Ma-Ha-Ca-Diếp lặng thinh, khẽ cười.”

Hoa trái đến hẹn lại lên khoe dáng xuân thì căng đầy sức sống. Ngoảnh nhìn thầy tổ sau bao năm, bóng thời gian lại phủ oằn đè nặng đôi vai theo lẽ vô thường dầu tâm hạnh nhựa sống trao truyền chánh pháp cho hàng hậu học ngày mỗi sâu dày. Nhìn bóng thầy già nua tiều tụy con xót xa dầu vẫn chọc cười nhìn thầy con thấy cả một bộ xương xá lợi khi còn tại thế. Ông Sư vẫn vậy, vẫn luôn chu toàn chăm lo cho con như một người ông đối với đứa cháu phương xa trở về. Quyển sách Hỏi Đáp Phật Học Tập 1 từ trang nhà Linh Sơn Phật Giáo cuối cùng đã được xuất bản còn những quyển cuối cùng ông Sư cũng để dành tặng cho con.

Đặc biệt lần trở về này, con lại có duyên diện kiến ông Già, ni sư Thích Nữ Hạ Huệ Giác, vị thầy bổn sư ban truyền pháp danh cho con. Ông Già cũng bị bệnh, phải ngồi xe lăn, sắc vóc cũng già nua theo vô thường nhưng tâm luôn rực sáng để bảo ban, chỉ dạy rất nhiều Phật tử có duyên đến thăm viếng. Cũng như những vị thầy khác, con chỉ xin ông Già chú nguyện cho ba má của con, giúp con ân triêm trên con đường tu học, làm việc cứu người.

Một vị ân sư khác con luôn kính nhớ là cô Hoa. Cô không khác mẹ hiền lúc nào cũng lo cho con từng miếng ăn, nước uống. Con biết cô Hoa, cô Hồng từ sáu năm trước khi lần đầu về Việt Nam, đến Tu Viện lúc các cô còn làm việc không ngừng nghỉ ở nhà bếp. Ngày ấy trong tâm con và kể cả bây giờ, con không hiểu nổi sức mạnh và động lực tinh thần nào mà các cô có thể trụ vững chu toàn tất cả mọi công việc ở nhà bếp cho cả chùa và đại chúng hơn hai mươi năm trời. Ở nhà con chỉ lo cơm nước cho vài người mà lúc nào cũng thở than, mỏi mệt, chán nản trong khi nhìn các cô không lúc nào thiếu vắng nụ cười dù bận rộn đến đâu.

Lần nào cũng vậy, dầu ở tu viện hay khi con gọi về, cô đều vui vẻ hỏi thăm, lo lắng đủ thứ cho con. Buổi trưa ở hải ngoại con không có ăn cơm, chỉ uống nước nên về tu viện cô thường thắc mắc lo lắng sợ con đói, sợ bất an. Cô cười bảo bao nhiêu năm con vẫn đơn sơ giản dị, không đổi thay nhiều mà con thầm cười vì ở ngoài người ta gọi đó là nhà quê hoặc nhìn con toàn tưởng làm công nhân xí nghiệp. Nếu cô biết được đã ba ngày con chưa ngủ giờ nào mà đi suốt không nghỉ chắc cô còn lo hơn nên con chỉ cười bảo cô đừng lo gì. Bao nhiêu năm nhìn cô vẫn vậy, không đổi thay gì, người lúc nào cũng tươi trẻ chắc nhờ cô luôn hoan hỷ vui cười và luôn sẵn tâm làm tất cả mọi việc có lợi cho người khác quên thân mình.

Sau khi đến chùa viếng chào các vị thầy tôn kính, con bắt đầu đi thập tự các chùa của tông phong dưới sự giúp đỡ của một chú Phật tử đầy từ tâm. Tịnh thất và cô nhi viện Long Phước Điền là điểm dừng chân thứ hai. Chùa đã được xây dựng khang trang và đẹp hơn ba năm trước. Dầu đã được nghe rất nhiều về hạnh nguyện của sư cô trụ trì chăm sóc các trẻ em bị thần kinh, bại não trở lại bình thường, thành người có ích cho xã hội nhưng con vẫn không khỏi xúc động khi đến đây. Ở nhà nuôi một hai trẻ em bình thường đủ lục căn đã mỏi mệt thì làm sao cô và đại chúng lo lắng nuôi cho mấy chục em bé bị thiểu năn thành nhân thì chỉ có Bồ Tát mới có thể làm.

Bất ngờ ở đây, con lại bị một thầy hương đăng nhận ra là admin của trang nhà Linh Sơn Phật Giáo. Từ nào giờ làm việc phật sự, con rất ít khi trò chuyện cá nhân với ai về điều gì. Vả lại ở hải ngoại nên những chuyện này lại càng không có. Giữa dòng người đến chùa thăm viếng khá đông vậy mà thầy vẫn nhận ra làm con bối rối chỉ biết xá chào cảm ơn. Thầy còn lì xì tặng lộc đầu năm làm con vừa vui vừa áy náy vô cùng. Cũng như ở cốc thầy, dù con hiếm khi xuất hiện khi có người hay giới thiệu, con vẫn bị nhận ra. Mỗi lần như vậy con rất e ngại không biết sẽ phải nói gì nên luôn tìm đường lẫn ra ngoài mặc mọi lời dị nghị khen chê. Khổ sở nhất là ở cốc của ông Sư, con bị ông Sư giới thiệu với từng khách đến thăm cùng trang nhà trước máy tính làm con hết đường trốn chạy, chỉ cười xá chào trước mọi lời bình phẩm khen tặng của bá tánh thập phương.

“Hoa nở hoa tàn việc thế gian

Ðường tu tự tại cảnh thanh nhàn

Việc gì cần đến thì ta đến

Như vậy trần gian tức Niết bàn”.

Con lại tiếp tục hành trình đến những ngôi chùa khác của tông phong như ba năm trước đây thầy từng dẫn con đi. Đến đâu con cũng được nhận rất nhiều lộc và quà. Đường lên tháp tổ đã rộng mở dễ đi hơn. Điểm duy nhất khác hơn mọi lần là con được leo lên núi Hàm Rồng, nơi tịnh tu của một sư thầy. Đường lên quanh co mất cả giờ nắng vô cùng nên lên đến nơi, cảnh sắc khác lạ, không gian như mở ra mát vô cùng. Con không hiểu sao chỉ có một mình thầy có thể cải tạo hết khuôn viên khu vưc tu xung quanh, trồng rất nhiều hoa cỏ cây trái nhìn đâu đâu cũng mát, cũng đẹp, cũng có sức sống.

Nhìn khắp lượt, cả giàn lan hàng trăm chậu bừng sắc đầy nhựa sống khác lạ mà con chưa bao giờ cảm thấy ở đây. Hơi núi rừng ít bóng khách hành hương nên ở đây khá tinh nguyên cổ kính. Lần đầu tiên con được ăn trái chuối sứ ngon và thơm đến vậy dù con không phải là người thích ăn chuối. Ngồi trò chuyện cùng thầy, nghe quá trình dựng xây khu tịnh tu này hơn cả chục năm làm con ngưỡng mộ vô cùng. Dù ở trên núi cao nhưng thầy rất hiện đại với việc sử dụng năng lượng sạch từ nước suối, điện từ pin mặt trời và cả hệ thống tưới tiêu đèn điện không gây ô nhiễm. Vừa hỏi thầy về rắn tu vì đây là Hàm Rồng thì ở đằng xa đã xuất hiện một chú rắn màu trắng làm con hoảng hồn dù đã được dặn những khu tâm linh phải biết giữ mình tránh khẩu nghiệp.

Lên Tổ Đình Linh Sơn vào lúc chiều tối vẫn không giảm lượng người hành hương đang từng đoàn leo lên núi làm con càng thương cảm cho các cô phải tu hành ở đây sẽ cực khổ và mệt mỏi hơn vì khách hành hương. Từng bước chân trở về con lại nhớ những ngày cùng ở cùng tu với các cô ở đây. Gặp các cô trong vội vả, không thể cùng ngồi ăn với các cô bữa cơm chiều, chỉ kịp đến chào các cô, cúng dường thuốc men dặn dò, gởi lộc đầu năm để trở xuống trước khi quá tối vì còn nhiều điểm phải đi làm con áy náy vô cùng hẹn lần tới sẽ về đây lâu hơn. Bước xuống núi trong tiếng chuông ngân vẳng với thời kinh công phu chiều trầm bỗng khắp núi rừng trong ngày đầu năm mới, con chợt chạnh lòng nhớ những ngày ba năm về trước thường cùng ngồi công phu tụng niệm bình an biết bao với các cô.

“Ngân lên khuya sớm trưa chiều

Chuông nhà ai vọng nghe đều ngày qua

Chuông chùa nào vọng tâm ta

Chuông tâm ta vọng ngân xa gọi người...”

Dù cố gắng rất nhiều nhưng con vẫn chỉ đi đủ tám điểm chùa để trở về chùa gặp thầy cũng vừa lúc tám giờ tối dù chẳng ăn uống gì nhưng không mệt. Hai ngôi tự viện còn lại con cũng đã thăm viếng trước khi quay trở về Mỹ là Thiên Quang Ni Tự của sư cô Hương Nhũ và Nhất Nguyên Bửu Tự, nơi hàng năm tổ chức khóa tu Bá Nhật Trì Danh Cầu Sanh Tịnh Độ. Những ngày tháng còn lại ở quê nhà, ngoài việc thăm viếng vài thắng cảnh của quê hương với bạn bè và người thân, thời gian rãnh rỗi con đều đi chùa hoặc vào chùa tịnh tâm một mình không bước ra ngoài. Trừ một số bạn bè người thân cần gặp, con tinh giảm hết những cuộc gặp gỡ vô bổ, tốn thời gian để tâm thư thả lắng đọng ngắm cảnh vào chùa thanh lọc tâm mình.

Ngày thứ hai hữu duyên lại đi thập tự các chùa ngoài tông phong với một người em đầy tâm tu. Đây là những ngôi chùa lớn của Sài Gòn và cả nước, trung tâm tu học của các tông phái . Tới những địa điểm này, hai chị em thường ngồi ở đó khá lâu lặng tâm rồi mới đi nên hành trình không đi được nhiều chùa. Pháp Viện Minh Đăng Quang khá lớn và bình yên, chùa Huê Nghiêm trầm mặc với từng hàng Phật tử đang trì kinh Pháp Hoa, chùa Bửu Long Quận 9 như một công trình kiến trúc kỳ vĩ. Xúc động nhất là khi đến chùa Vạn Đức đãnh lễ tháp của HT Thích Trí Tịnh, ngồi dưới những tán tre trúc vàng tưởng nhớ đến công hạnh của Ngài và mới đó mà Ngài đã về cảnh phật một năm. Đến tượng đài Bồ Tát Thích Quảng Đức, một nơi bình yên thơm ngát một loại hoa rất lạ ngay giữa lòng Sài Gòn ồn ào, cảm giác dễ chịu vô cùng. Chùa Vĩnh Nghiêm vẫn ngập đầy người thăm viếng dù đã tối còn Việt Nam Quốc Tự, nơi cuối cùng của cuộc hành trình vì đã quá tối gần 9h, đèn hoa đăng vẫn treo khắp nơi lung linh huyền diệu.

Chuyến trở về Việt Nam lần này cũng giúp con làm được khá nhiều việc có lợi khuyến tu cho người thân cũng như khám chữa bệnh phát thuốc cho rất nhiều người, dù có rất nhiều người con chưa bao giờ biết đến. Hành lý con mang về không gì khác cũng là thuốc và thuốc nhưng vẫn thấy thiếu khá nhiều. Những việc làm này quá bình thường với con vì đó là ngành nghề của mình. Con chỉ tư vấn chữa bệnh dù rất đơn sơ, không là bao so với những bệnh nhân của con ở Mỹ nhưng mọi người vui mừng, phấn khởi vô cùng, giúp họ lấy được niềm tin yêu vào cuộc sống làm con cảm thấy rất vui, tự hứa với lòng mình sẽ cố gắng làm thêm nhiều việc phụng đạo giúp đời.

Chia tay thầy tổ, chia tay người thân cùng biết bao nhiêu bạn bè thân thiết, con buồn buồn quay trở về Mỹ sau bốn ngày thăm viếng Nhật Bản. Hành trang trên vai vẫn như mọi lần là rất nhiều pháp bảo cùng bao nhiêu lời chú nguyện được ban tặng từ thầy tổ. Một tháng thăm viếng quê hương trôi qua nhanh chóng giờ tiễn biệt sao quá cảm động bùi ngùi. Trước ngày rời Sài Gòn và sau khi về đãnh lễ thầy tổ, con đã ngồi ở chánh điện chùa Phổ Quang đọc kinh Địa Tạng thầy tặng xin sám hối tất cả nghiệp chướng tội lỗi con và gia đình đã gây tạo từ vô lượng kiếp, mong nghiệp nợ của má con sớm được tiêu trừ, hết báo thân sẽ về với cảnh Phật. Nhìn các phật tử đang đưa tay hứng hoa sa la nơi chùa Phổ Quang, con cũng mong tâm mình sẽ mãi giữ tròn đầy hoa đạo pháp, “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận. Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.”

Lần thứ ba trở về quê nhà, con đã thực sự tắm mình trong biển pháp của Phật Giáo, trong tình thương yêu của thầy tổ, người thân và bạn bè. Đây là chuyến trở về con ưng ý nhất vì đã làm được nhiều điều có ích cho rất nhiều người dù thân hay sơ với mình. Cảm ơn rất nhiều tấm lòng bồ tát gia đình của một người bạn đã giúp đỡ, lo lắng, chăm sóc cho con trong suốt những ngày ở quê nhà để con được ân triêm những việc mình cần làm. Xin tri ân chú đã không quản ngày đêm chở con đi tất cả những ngôi chùa con muốn đi. Con xin thành kính lạy tạ tri ân tấm lòng vô ngã vị tha đầy từ tâm mà thầy tổ mãi luôn thương quý, lo lắng giúp đỡ để con được thật sự có những ngày vô cùng hạnh phúc trong chánh pháp, để con hiểu thế nào là tâm linh cội nguồn.

Ngày con về hương xuân vừa hé nhụy. Ngày con đi nắng hạ lại vừa lên. Dù nắng hè ở quê nhà có oi nồng khó chịu nhưng trong tình thương yêu của thầy tổ, con luôn cảm thấy mát mẻ, thoải mái vô cùng. Xin tri ân các thầy đã nuôi dưỡng huệ mạng của con bao năm qua, giúp con có phước duyên rất lớn được cúng dường trai tăng làm thêm nhiều việc báo hiếu song thân gia đình. Ở nơi tu viện bình dị ấy, dầu xa cách nhưng con luôn biết rằng đây là mái nhà đầy tình thương lúc nào cũng có những vị ân sư luôn đợi chờ con trở về. Lạy tạ các thầy con xin trở về xứ người với bao nhiêu công việc thường nhật đầy bận rộn đang đợi chờ trước mặt nhưng mãi mãi trong tâm con luôn biết dầu có đi về đâu, các thầy cũng sẽ luôn soi lối dẫn đường cho con tránh nẻo ác tà. Hẹn một ngày không xa khi đủ duyên lành con lại trở về quê nhà đãnh lễ thầy tổ như mẹ như cha nơi Quan Âm Tu Viện Đồng Nai.

Ngọc Hằng



Có 3 phản hồi đến “Quan Âm Tu Viện Đồng Nai - Quê Hương Tâm Linh Lần Thứ Ba Trở Lại”

  1. Ngọc Bằng đã nói

    Rất mong được làm quen với bạn vi cung tông môn. Mình cung duoc Già dat pháp danh. Nay là ngày Già đã an nghĩ ở Tây Phương rồi

  2. Thùy Dương đã nói

    Hôm qua em cũng mới vừa về tu viện đãnh lễ thầy tổ, lạy tháp tượng Địa Tạng đen cầu nguyện cho bố được siêu thoát. Kỳ diệu lắm chị, tối về em ngủ mơ thấy bố cười rồi đi. Em cũng thích về đi lang thang trong tu viện, tất cả đều đơn sơ, bình an và thanh thản. Cảm ơn chị rất nhiều đã nói hộ lòng em.

  3. Diệu An đã nói

    Mừng chị trở lại quê hương và đến tu viện. Thật là hoan hỷ biết bao. Em cũng là phật tử của tông phong và tu viện. Em cũng được được các thầy vô cùng từ bi chỉ dạy nên em thấy mình cũng may mắn vì được là đệ tử của các thầy. Ước mong sẽ có ngày gặp được chị. Em ngưỡng mộ chị vô cùng, đạo đời vẹn toàn. Chúc chị có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục làm phật sự và chăm sóc gia đình chị nhé. A Di Đà Phật!

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com