Hàng vạn thiện nam tín nữ, du khách Bình Định và các tỉnh Gia Lai, Phú Yên sáng sớm 23.2 đã rồng rắn, chen chúc đổ về chùa Ông Núi (thôn Phương Phi, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát), tham dự lễ hội hàng năm được tổ chức định kỳ trong hai ngày 24, 25 tháng giêng.
Chị Lê Thanh Thủy (phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) vừa lách người xoay trở tìm chỗ đặt chân vào những bậc đá dẫn lên núi cao, vừa hổn hển nói trong màn sương mịt mờ buổi sáng:
“Tưởng chỉ mỗi mình lo xa, thức khuya dậy sớm, ai dè thiên hạ còn sớm hơn”.
Nhà cách điểm chùa hơn 20 km, Thủy nói phải dậy từ 5 giờ sáng, đến Cát Tiến loay hoay tìm chỗ gửi xe, quay ra đã thấy đông đặt người là người. Cũng mò mẫm từ lúc tinh sương như chị Thủy, bà Nguyễn Thị Nghĩa (65 tuổi, ở Mỹ Thắng, Phù Mỹ) phải cậy đến con cháu tháp tùng hai bên.
Dù tuổi cao sức yếu, hàng chục năm nay bà đều háo hức hành hương tới chùa Ông Núi. “Chẳng mong lợi lộc gì, lần nào tôi cũng chỉ cầu xin cho con cháu được bình an, gia đình hạnh phúc”.
Khách về Ông Núi đông đến nổi ở hai nhánh đường dẫn lên chùa, dòng người hun hút tưởng như bất động suốt buổi. Tại nhiều đoạn tuyến, chính quyền địa phương và ban tổ chức phải cắt đặt lực lượng cảnh sát giao thông, dân quân du kích, thanh niên tình nguyện túc trực chỉ dẫn, giữ gìn trật tự.
Ông Núi là ngôi chùa có gốc tích cổ xưa và được nhiều người tin là rất linh thiêng ở Bình Định. Chùa tọa lạc trên Chóp Vung, đỉnh cao nhất trong danh thắng Núi Bà ở huyện Phù Cát. Cái tên Ông Núi xuất phát từ danh hiệu “Mộc Y Sơn Ông” mà dân gian dùng gọi bậc chân tu khai tự. Theo một số thư tịch, năm 1702, có người tên Lê Ban lặn lội đến đây tịnh tâm tu tập. Nhà sư, đạo hiệu là Tịnh Giác, thường xuất hiện trước mắt người dân trong vùng dưới lớp quần áo tự làm bằng vỏ cây rừng nên được “gán” cho cái tên như vậy. Ông Núi là cách gọi nôm na, còn tên chữ của ngôi chùa là Linh Phong tự. Chùa Linh Phong có một vị trí khá đậm nét trong cuộc đời và sáng tác của danh nhân Đào Tấn. Vị đại thần, bậc hậu tổ của nghệ thuật hát bội ấy, lúc còn làm quan đã có lúc dốc sức cho sửa sang nâng cấp ngôi chùa. Đào Tấn cũng chính là tác giả bài “Linh phong tự ký” còn được hậu sinh nhắc đến tận hôm nay. |
(Theo Lao Động)