Mấy ngày qua, chuyện đồn thổi “Phật phổ hiền” hay “Phật ngự tọa” trên cây phía sau chùa Phước Sơn (xã Tường Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) đã làm mất an ninh trật tự (ANTT) tại địa phương do người đến xem ngày càng nhiều
Trước tình hình trên, chính quyền địa phương vận động chùa Phước Sơn tắt đèn cao áp trong sân chùa để người dân không tụ tập đông làm mất ANTT địa phương. Sư cô Thích Nữ Như Thắng, Phó trụ trì chùa Phước Sơn, đã đồng ý sẽ tắt đèn khu vực sân chùa, chỉ chừa lại 2 dây đèn ngay tượng Phật để phật tử đến thắp hương khấn bái hằng đêm. Kể từ đêm 24-12, do chùa tắt đèn cao áp nên người xem giảm dần.
Vào lúc 18 giờ 30 đêm 24-12, đoàn công tác của tỉnh đã đến làm việc với cơ quan chức năng huyện Tam Bình về tin đồn “Phật hiển linh” ở chùa Phước Sơn. Tham dự cuộc họp nhanh có ông Lê Ngọc Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Bình cùng MTTQ, các cơ quan, đoàn thể huyện, UBND xã Tường Lộc cùng Đại đức Thích Phước Hùng, Trưởng Ban đại diện Giáo hội Phật giáo huyện Tam Bình.
Đại đức Thích Phước Hùng cũng yêu cầu trụ trì chùa Phước Sơn tắt đèn ngoài sân lễ để người dân không đồn thổi chuyện mê tín dị đoan. Đồng thời, yêu cầu các ni sư giáo dục phật tử không nên tin tưởng chuyện “Phật hiển linh”, gây mất ANTT địa phương.
Đại đức Thích Phước Hùng khẳng định: Đây là chuyện mê tín dị đoan và những người tu hành theo chánh pháp không thể tin vào những chuyện hoang đường. Đại đức Thích Phước Hùng cho rằng: Đức Phật là người đã dứt khỏi luân hồi, đạt giác ngộ hoàn toàn, đạt giải thoát, chứng niết bàn.
Phật là người đã vượt qua mọi tham ái, là người biết phân biệt thiện ác, nhưng tâm không vướng mắc vào các phân biệt đó. Sau khi thị tịch, một vị Phật không còn tái sinh (hoại diệt).
Trước đó, tối 17-12 nhằm ngày 15-11 Quý Tỵ, tại chùa Phước Sơn có tổ chức đêm nhạc mừng ngày Khánh đản đức Phật A Di Đà. Để chuẩn bị đêm lễ, chùa Phước Sơn trang hoàng lễ đài rực rỡ với đèn lồng, đèn cao áp. Nhờ ánh đèn đêm lễ, 3 cây sao của hộ dân phía sau chùa được phủ sáng, làm ngọn cây rực sáng lung linh huyền ảo…
Có người tưởng tượng ra hình đức Phật ngự tọa trên cây và cho rằng “đức Phật hiện thân”. Thế là theo tin đồn, người hiếu kỳ kéo đến ngày càng nhiều.
"Nói Phật hiện thân hay hiển linh là những người không hiểu Phật pháp và giáo lý của Phật giáo. Người tu hành học Phật pháp phải dạy phật tử từ bỏ dục vọng đời thường để hướng thiện, tâm không u mê, dẫn đến mê tín dị đoan dễ bị người khác lợi dụng làm điều không tốt!" - Đại đức khẳng định.