Là một trong 2 đại lễ quan trọng nhất trong năm của Phật giáo, lễ Vu lan - báo hiếu trùng với ngày “Xá tội vong nhân - Rằm tháng Bảy” đã đi vào đời sống của người dân đất Việt.
Đã từ nhiều năm nay, lễ Vu lan - báo hiếu (15 tháng 7 Âm lịch) không chỉ là ngày lễ trọng truyền thống của Phật giáo mà đã trở thành sự kiện văn hóa tâm linh của người dân Việt Nam cũng như người dân Thành phố Hồ Chí Minh, mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc tưởng nhớ công ơn cha mẹ, tổ tiên và những việc làm thiện nguyện, hiếu nghĩa đầy tình nhân ái với những người có hoàn cảnh khó khăn, cộng đồng và xã hội.
Là một trong hai đại lễ quan trọng nhất trong năm của Phật giáo, lễ Vu lan - báo hiếu trùng với ngày “Xá tội vong nhân - Rằm tháng Bảy” đã đi vào đời sống của người dân đất Việt như một lễ hội văn hóa tinh thần chứa đựng tình tri ân sâu sắc với những người đã khuất và những hoạt động phục sự cộng đồng xã hội.
Tinh thần báo ân, báo hiếu trong ngày lễ Vu lan của Phật giáo rất phù hợp, hòa quyện với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên thiêng liêng của người Việt. Chính vì vậy, Vu lan - báo hiếu không chỉ là ngày lễ của các tăng, ni, tín đồ phật tử mà còn là ngày lễ chung của mọi người dân đất Việt hướng tới những giá trị cao quý của việc xây dựng đời sống gia đình hạnh phúc, nhắc nhở bổn phận trân trọng những gì đã có, tích cực tu tâm, hành thiện để tỏ lòng biết ơn với cha mẹ, tổ tiên và góp công xây dựng cộng đồng an vui, hạnh phúc.
Theo Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, mùa Vu lan là mùa tri ân, mùa báo hiếu của người con Phật nhưng cũng là nét văn hóa truyền thống của người Việt nhớ đến công ơn cha mẹ, tổ tiên.
Ngày này còn gọi là ngày đền đáp công ơn cha mẹ, ơn Tam bảo, ơn Tổ quốc, đồng bào, ơn những người đã hy sinh vì đất nước. Đặc biệt, đối với giới tăng, ni, ngày lễ Vu lan - báo hiếu (Rằm tháng Bảy) là một ngày vô cùng quan trọng, là thời điểm kết thúc 3 tháng An cư kiết hạ, đánh dấu ngày khánh tuế thêm một tuổi đạo của người xuất gia, tu hành theo đạo Phật.
“Mỗi độ Vu lan về, mỗi người con Phật cũng như Giáo hội Phật giáo Việt Nam không chỉ cầu nguyện cửu huyền thất tổ, cha mẹ bản đời, mà còn cầu nguyện cho các vong linh Anh hùng Liệt sỹ, đồng bào tử nạn, những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc; thể hiện tinh thần hiếu thuận, “đồng hành cùng dân tộc” qua những việc làm thiết thực chăm lo giúp đỡ những người nghèo khó, những người già cả, neo đơn, khó khăn, đặc biệt những người chịu ảnh hưởng do đại dịch COVID-19,” Hòa thượng Thích Thiện Nhơn chia sẻ.
Theo thông lệ hàng năm, vào mùa Vu lan - báo hiếu, những người theo đạo Phật đến chùa cầu kinh, cầu siêu cho vong linh những người đã khuất và chúng sinh được yên nghỉ; cầu cho những người đang sống được mạnh khỏe, hạnh phúc, ấm no. Các phật tử thường tổ chức ăn chay tại gia, cúng gia tiên, cúng phóng sinh và đến chùa cúng dường, cầu siêu, dâng y, bố thí chúng sinh làm phúc để tích đức, hóa giải nghiệp chướng, cầu mong cha mẹ bình an.
Mùa Vu lan - báo hiếu năm 2020 diễn ra trong bối cảnh tình hình phức tạp của dịch COVID-19 với việc hạn chế số lượng người tham gia các hoạt động công cộng để phòng dịch. Vì vậy, những hoạt động từ thiện xã hội đã trở thành hoạt động chính của phật tử, người dân Thành phố Hồ Chí Minh nhân mùa lễ Vu lan và biến ngày lễ này trở thành một lễ hội của tình người, lòng nhân ái.
Năm nay, thực hiện các chủ trương của Nhà nước về phòng, chống dịch COVID-19, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh khuyến khích phật tử, người dân làm lễ bằng niềm tin hướng về với Đức Phật dù bất cứ nơi đâu; hạn chế các hoạt động đông người, ngưng các khóa lễ, không tổ chức các hoạt động dâng hoa, dâng y. Các chùa, cơ sở thờ tự đẩy mạnh các hoạt động từ thiện xã hội…
Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Thông báo hướng dẫn các chư tăng, ni trụ trì các cơ sở tự viện trên địa bàn Thành phố tổ chức pháp hội Vu lan phù hợp với tình hình phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, đặc biệt yêu cầu đẩy mạnh thực hiện các chương trình, hoạt động từ thiện thiết thực hướng đến tinh thần “tri ân-báo ân,” quan tâm đến các Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách; gây quỹ, ủng hộ phòng, chống dịch; cứu trợ các gia đình gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch…
Thực hiện chỉ đạo đó, những ngày qua, tăng, ni, phật tử tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều hoạt động sáng tạo chào mừng đại lễ Vu lan - báo hiếu. Trong các ngày 21 và 26/8, Trụ trì chùa Thường Quang và các phật tử đã tổ chức bàn giao nhà tình thương tại phường 16, quận 8; tặng 100 phần quà cho người khiếm thị ở các quận 11, Tân Bình, Tân Phú.
Ngày 23/8 vừa qua, tăng, ni, phật tử chùa Vĩnh Nghiêm tổ chức chương trình hiến máu nhân đạo và tiếp nhận được 186 đơn vị máu. Cùng ngày, Ban Hoằng pháp - Giáo hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức trao tặng phần thưởng cho hơn 500 học sinh, sinh viên là con em phật tử đạt thành tích xuất sắc trong học tập; Ban Từ thiện xã hội trao tặng 3.000 phần quà cho người dân nghèo gặp khó khăn trong cuộc sống tại một số địa phương của Thành phố...
Bên cạnh các hoạt động từ thiện xã hội do các chư tăng của các chùa, nơi thờ tự tổ chức, các phật tử, người có tâm tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tích cực phát tâm, tích đức qua các việc làm hữu ích cho cộng đồng, xã hội như một lời báo hiếu cho người đã khuất và cầu nguyện an lạc cho người còn sống.
Chị Đinh Trường Giang, một phật tử tại gia ở Phường 1, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, dịp này, chị và các phật tử chùa Phổ Quang thường đến chùa cúng dường, cầu siêu, tổ chức lễ thả hoa đăng, phóng sinh…
Năm nay, do dịch COVID-19 hạn chế các hoạt động tổ chức tại chùa, chị và bạn bè tập trung vào các chương trình từ thiện hiến tặng tài chính, vật phẩm cho một số trung tâm nuôi dưỡng người già neo đơn, trẻ em mồ côi trong Thành phố; đóng góp tài chính mua trang thiết bị y tế cho công tác phòng, chống dịch tại Đà Nẵng, Quảng Nam…
“Làm từ thiện không kể thời gian nào trong năm nhưng trong mùa Vu lan, chúng tôi làm tập trung hơn, chu đáo hơn. Vừa qua, các phật tử, chư tăng tại chùa Vạn Đức (quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) đã trao tặng 200 phần quà cho người nghèo. Tuy chưa được nhiều như mong muốn, nhưng đó là việc làm mang ý nguyện đền ơn, báo đáp công cha nghĩa mẹ, thể hiện tình yêu thương con người, yêu thương cộng đồng trong mùa Vu lan - báo hiếu,” chị Giang cho biết.
Những hoạt động mang ý nghĩa xã hội trong mùa Vu lan góp phần lan tỏa những giá trị cao đẹp của Phật giáo trong cuộc sống, tôn vinh những giá trị đạo đức truyền thống của người Việt như lòng hiếu thảo, tinh thần nhân ái, yêu nước, tính cộng đồng…
Lễ Vu lan - báo hiếu với những nét văn hóa nhân văn đặc biệt của Phật giáo Việt Nam hòa quyện với truyền thống dân tộc đã trở thành một minh chứng sống động cho sự gắn bó giữa đạo và đời, giữa Phật giáo và dân tộc.
Ngày nay, lễ Vu lan - báo hiếu không chỉ bó hẹp là một sinh hoạt văn hóa tôn giáo mà đã trở thành một ngày lễ của tinh thần nhân ái giữa con người với con người; ngày của tinh thần trách nhiệm giữa cá nhân với cộng đồng, Tổ quốc./.
(Theo TTXVN)