VẤN: Con là một hành giả tu Tịnh Độ, ăn chay, niệm Phật và cũng hay đến các đạo tràng niệm Phật, tụng kinh với đại chúng. Thỉnh thoảng con cũng tham gia vào ban hộ niệm cho người sắp lâm chung. Con nghe một số thầy giảng cách tốt nhất để có công đức thù thắng trong vấn đề niệm Phật nguyện vãng sanh là nên cúng dường kinh sách, tượng Phật, phóng sanh. Ban đầu con cũng thấy vui vì đó là việc tốt, cúng miễn phí để mọi người biết đến Phật pháp. Tuy nhiên, sau này con thấy không thoải mái vì thấy kinh sách tượng Phật không được xem trọng. Bởi vì là miễn phí nên rất nhiều người lợi dụng đến thỉnh xin rồi bán lại, có người không quý kinh, cầm kinh sách như cầm giấy gói hàng, vức bỏ lung tung rồi lại xin thỉnh trở lại. Ở nhiều chùa nếu bảo phật tử phát tâm cúng tượng Phật, nhất là được khắc tên người hiến cúng thì ai cũng hoan hỷ nhưng bảo cúng dường để làm chuyện Phật sự giúp người thì không mấy ai hoan hỷ. Nhiều nơi tổ chức khắc kinh, khắc các bản kinh chú lên đá, tổ chức lễ rất lớn mừng công trình hoàn thành. Vì Phật tử được thuyết giảng cúng dường tượng Phật là công đức bậc nhất nên nhiều chùa không có chỗ để thờ hết các tượng Phật. Con thắc mắc làm như vậy là có tốt không? Có nên khắc tên người hiến cúng dưới chân các tượng Phật, Bồ Tát không? Nếu không cúng dường kinh sách, tượng Phật mà dùng để làm các việc Phật sự khác như vậy công đức có bằng nhau không? Con xin cảm ơn Sư rất nhiều.
ĐÁP:
Trước nhất, Sư tán thán công đức Phật tử là hành giả tu Tịnh độ, ăn chay niệm Phật, thường xuyên nhập chúng tu học là việc cao thượng hiếm có trong đời. Người tu Tịnh độ thường là khoan dung độ lượng, bởi hạnh nguyện thừa hành Bồ tát đạo bao giờ cũng song hành cùng các liên hữu Tịnh độ tông.
Người Phật tử sau khi quy y, tâm tánh có khác với người chưa quy y, phát nguyện một hành trình “học Phật tu nhơn” một đời bất thối chuyển, chỉ mong cầu sanh Tây phương Cực lạc, rồi ngồi thuyền đại nguyện hồi nhập Ta bà để cứu độ chúng sanh. Chúng ta nguyện sanh mà không sanh, không sanh mà sanh, chẳng có con đường nào khác hơn. Chỉ có điều nầy nhắc các Bạn: “người tu Tịnh độ làm bất cứ Phật sự nào với quần chúng, với mọi người thì không nên thối chuyển”. Chẳng hạn như phát tâm cúng dường kinh sách Phật, ấn tống cúng dường tượng Phật, dùng mọi phương tiện để cúng dường giáo pháp Phật, như khắc kinh Phật lên đá để lưu lại cho đời sau mọi người cùng đọc, cùng chiêm ngưỡng... thì Bạn cứ phát tâm thanh tịnh cúng dường; ai hữu duyên nhận được và trân trọng sự cúng dường pháp khí do Bạn cúng thì người đó được phần phước huệ vô biên; ai vất bỏ xem thường kinh sách, tượng Phật thì gánh lấy quả báo vô minh sanh tử luân hồi.
Công đức cúng dường kinh sách, tượng Phật:
Ngài Ấn Quang Pháp Sư nói về công đức ấn tống kinh sách, tạo tượng như sau: “...Chúng sanh trầm luân trong biển khổ, ắt phải nhờ vào thuyền từ cứu tế, sau này sẽ có lúc được độ thoát. Phật pháp hóa đạo trong thế gian hoàn toàn cậy vào kinh - tượng để duy trì hầu truyền đăng cho vô tận đời sau. Do bởi lẽ ấy, phàm những ai có thể phát tâm đối với kinh Phật, tượng Phật, hoặc khắc, hoặc chép, hoặc tạc, hoặc đắp, hoặc thếp vàng, hoặc vẽ vời; các cách in tạo như thế hoặc cạn kiệt tâm mình, một mình ra sức lo liệu, hoặc vì sức mình chẳng đủ bèn khuyên rộng rãi mọi người, hoặc lưu thông người khác đã in tạo để cúng dường, hoặc thấy người khác vừa in tạo bèn tán trợ hoặc hoan hỷ thì công đức của những người ấy đều thật rộng, thật lớn, chẳng thể dùng toán số tầm thường để tính toán được. Vì sao vậy? Phật lực vô biên khéo dẹp các khổ; chúng sanh vô lượng nghe pháp khó lắm. Nay những người gây công đức in tạo ấy khai thông cầu pháp, hoằng dương sự giáo hóa rộng lớn, thí rộng khắp bè báu, giúp khắp những ai hữu duyên. Tâm lượng ấy rộng lớn quả thật chẳng thể nghĩ bàn. Vì vậy, công đức ấy cũng rộng lớn chẳng thể nghĩ bàn”.
Không nên “khắc”, “in” tên mình vào tượng Phật, kinh tụng:
Việc cúng dường kinh sách, tượng Phật có công đức to lớn; tuy nhiên khi cúng tượng Phật, không nên khắc tên mình vào thánh tượng, lý do “thánh tượng sẽ được nhiều người lễ bái, lễ bái tượng Phật tức lễ bái tên tuổi người cúng, làm cho người cúng giảm phước. In tên tuổi người cúng vào sách Phật để nghiên cứu thì được, không in tên tuổi mình vào kinh bộ, kinh tụng, vì người cúng sẽ nhận lạy của người tụng kinh, người cúng kinh sẽ giảm phước, giảm thọ. Do đó cúng kinh, cúng Phật cầu phước báo không hiệu quả là vậy.
Theo đà tiến hóa ngày nay, Phật giáo có nhiều cửa hàng phát hành kinh sách, người Phật tử nên đến đó thỉnh kinh để tụng hoặc nghiên cứu, hoặc ấn tống, được phước báo. Việc nhận kinh sách Phật, kinh tụng, do người phát tâm ấn tống, đem nơi khác bán cho người mua là lỗi lầm lớn trong giới tu hành. Việc nầy đã vốn âm ỉ từ lâu... Nhưng thôi, chúng ta không bàn, vì người đối với kinh sách Phật bất kính như thế là người chẳng có căn lành, đức tốt nào cả, người ấy không tu hành, mà chỉ kinh doanh trên lòng tốt của người khác.
Phải tôn trọng sách Phật để tăng trưởng phước lực:
Trong những thập niên 60-70, các nhà in, thao tác việc in ấn kinh sách Phật bị lỗi, tiết kiệm, không bỏ giấy bị lỗi đem dùng vào việc gói lại các kinh sách phát hành, vẫn bị các Hòa Thượng pháp sư quở trách. Năm 1976, tại chợ Biên Hòa có một số giấy được đem ra gói hàng tạp hóa bán sĩ, lẽ cho người tiêu dùng như đường, đậu, bún, bột... giấy đó là giấy in kinh Pháp Hoa; Sư vội kêu Phật tử mua hết số giấy chữ kinh Pháp Hoa đem về tu viện thiêu hóa và khuyên chủ tiệm không nên dùng giấy kinh Phật gói hàng. Tại Quan Âm tu viện, khi nào có kinh sách hư nhiều, Sư liền nhờ một số vị Tịnh nhơn chuyên môn làm các việc lau kinh, bồi kinh, làm mới kinh, giúp cho người xem, người tụng không chán kinh bộ. Đối với tượng cốt Phật (cũ hư), Sư tập trung vào một chổ, sau đó đem về núi Dinh, đưa vào pháp tháp hang đá tôn trí đến muôn đời, nơi không bóng người đến xúc phạm tượng hư bể. Tượng hư bể còn quý kính như thế huống chi tượng thờ phải không Bạn?
Khi phát tâm ấn tống kinh sách Phật, phải thưa thỉnh vị Trụ trì chỉ dẫn nên ấn tống kinh sách gì? Kinh nào phổ cập sâu rộng trong quần chúng thì ấn tống, người xem sẽ tôn kính. Kinh nào đã phổ biến quá nhiều, không nên tiếp tục ấn tống, vì người đọc sẽ hủy họai, xem thường, không nhận kinh ấn tống, hoặc nhận rồi bất kính, bỏ bê lăn lóc, vung rải khắp nơi, phá họai chánh pháp, thật là lỗi lầm lớn!
Ngày nay còn có những vị quý kinh Pháp Hoa, xem thường kinh Địa Tạng; quý kinh Vô Lượng Thọ, xem thường kinh Di Đà; quý kinh Di Đà, xem thường kinh Dược Sư v.v... đấy là hành động của người có căn lành, nhưng không có duyên! Việc xem thường kinh sách Phật hôm nay trở thành căn bệnh nhiễm trong đại chúng, cần chấn chỉnh.
Tạc tượng Phật để tôn thờ:
Việc tạc tượng Phật, khắc chữ kinh sách Phật trên đá thường là việc của các vua chúa, các đại gia, hiệp hội Phật tử ở Á châu thường thực hiện để cúng dường Phật pháp. Nhiều thánh tượng được tạc thật vĩ đại như: Đại tượng Phật Leshan Giant Buddha, Tứ Xuyên, Trung Quốc - tượng Phật Emerald Buddha, Thái Lan - Đại tượng Phật Daibutsu, Nhật Bản - tượng Gia Vihare, Sri Lanka - tượng Monywa Buddhas, Myanmar - tượng Phật Di Lặc trong tư thế đứng thẳng, cao 72m, nằm bên cạnh hồ Emei, ở thị trấn Emei, gần Beipu, thuộc tỉnh Xinzhu, Đài Loan - tượng Phật khổng lồ xây dựng tại chính tâm của một chiếc hồ nhân tạo thuộc thành phố Hyderabad, Ấn Độ, tượng cao 17m nặng tới trên 320 tấn - đền thờ 602 tượng Phật ở Borobudur được xây vào thế kỷ thứ VIII sau công nguyên trên đất nước Indonésia.
Tại Afghanistan, quận Bamiyan, vua Asoka và các bậc Đại trưởng lão vãng bối, truyền bá giáo pháp Phật và vào thế kỷ thứ III (trước công nguyên) đã tạo hai tượng Phật: một tượng cao 38 mét (năm 507), một tượng cao 53 mét (năm 554) để tôn thờ, nhớ tưởng đến lời dạy của Phật và chính nơi đây Đức Phật thuyết pháp nhiều nhất trong đời giáo hóa của Ngài và nhiều luận sư nổi tiếng ra đời như Nagasena... (trong kinh Phật gọi là xứ Gandhãra). Tượng Phật đã được Unesco công nhận là di sản văn hóa của thế giới. Năm 1996, lực lượng Taliban vào Kabul cho đập phá một tượng Phật mất một phần đầu. Năm 2001, lực lượng Taliban tiếp tục dùng thuốc nổ làm hư hại hoàn toàn các tượng Phật (tin Reuters 9/3/2001), làm cho những người con Phật và những người không phải tín đồ của Phật trên hành tinh phải bàng hoàng đau lòng vô tận.
Khắc kinh cúng dường Phật, phát huy chánh pháp, ngăn chận ngọai xâm:
Tại Myanmar, kinh đô Mandalay, chùa Kuthodaw, nơi kết tập kinh điển Phật lần thứ V vào năm 1871 (sau Phật niết bàn 1327 năm) là một quần thể gồm 700 tháp nhỏ bằng đá cẩm thạch trắng Kyauksagu. Phía trong mỗi tháp có một tấm biển đá ghi chép lại kinh Phật, mỗi phiến đá cao 1,5 mét, rộng 1 mét. Ngôi chùa được xây dựng từ năm 1857, Vua Mindon Min lo lắng trước sự xâm lăng của người Anh cả về lãnh thổ lẫn tôn giáo, đã quyết định để lại một công trình hoàng gia để truyền bá Phật giáo: bộ Tam tạng thánh điển bằng chữ Pali với chữ viết của người Myanmar được khắc trên đá, các rãnh chữ được vát vàng. Tương truyền, dù đọc miệt mài 8 tiếng mỗi ngày, du khách cũng phải mất đến 450 ngày mới có thể đọc toàn bộ “cuốn sách”. (Tinh An Lan Nhã - Khema rama - theo Ni chúng Phật giáo Nguyên Thủy 2009). Đệ nhị thế chiến lan rộng đến đây, người dân vào chùa tị nạn an toàn; không bên nào xâm phạm đến khu vực tôn thờ tam tạng thánh điển.
Chùa Phật Quang, Tp. Phan Thiết, Bình Thuận, hiện đang lưu giữ bộ kinh Pháp Hoa khắc gỗ, đời vua Lê Thuần Tông (1699 - 1735): Ngày 16/11/1987, tất cả Hòa thượng và Phật tử chùa Phật Quang tất bật quét dọn chùa để chuẩn bị cho ngày lễ vía Phật A Di đà, khi quét dọn đến bàn thờ Tam thế Phật, quý Sư thầy phát hiện một số tấm ván lót dưới nền bị gập ghềnh. Khui nắp cũi ra, mọi người ngỡ ngàng và vui mừng khôn xiết vì trong cũi là một bộ kinh Pháp Hoa được khắc trên 118 tấm gỗ thị đỏ, mỗi tấm dài 0,68m, rộng 0,26m, dày 0,026m với tổng cộng hơn 60 vạn chữ, tốn 28 năm điêu khắc. Điều đáng nói ở đây là bộ kinh được khắc ngược nhưng không sai, không lặp hay không thiếu một chữ nào so với bản gốc. Do được khắc trên gỗ thị đỏ, một loại gỗ tích nhiệt cao, không loài sâu mọt nào dám đến gần nên bộ kinh hầu như còn nguyên vẹn, dù đã hơn 300 năm (laodong.com.vn).
Chùa Haeinsa (Hải Ấn tự) là một trong những chùa Phật giáo hàng đầu ở Hàn Quốc, ngôi chùa nằm ở núi Gaya, tỉnh Nam Gyeongsang và được xây năm 802. Chùa Haeinsa nổi bật vì đây là nơi lưu giữ "Tripitaka Koreana" - bộ chạm khắc kinh Phật trên 81.258 tấm gỗ, được lưu giữ ở đây từ năm 1398. Ngôi chùa đã được Unesco đưa vào danh sách di sản thế giới năm 1995 (Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN Tp.Huế - theo phatgiaohue.vn)
Xây chùa để nguyện cầu cho đời sống lê dân:
Chùa Dâu, còn có tên là Diên Ứng, Pháp Vân (thờ thần mây), hay Cổ Châu, là một ngôi chùa nằm ở xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội khoảng 30 km (Kinh đô Luy Lâu của Việt Nam). Đây là trung tâm cổ nhất của Phật giáo Việt Nam, là một danh lam bậc nhất của xứ kinh Bắc. Người xưa còn xây chùa Đậu thờ Pháp Vũ (thần mưa), chùa Tướng thờ Pháp Lôi (thần sấm), chùa Dàn thờ Pháp Điện (thần sét) và chùa Tổ thờ Man Nương (chống hạn hán). Chùa Phật Tích thờ Phật A Di Đà được xây dựng vào năm 1057. Chùa Diên Khánh, trước gọi là chùa Hương Lậm, tỉnh Lạng Sơn được xây vào thế kỷ 15, triều đại Thái tổ Lê Lợi trị vì.
Xây chùa, thờ Phật phát huy chánh pháp, giữ gìn quê hương:
Tượng Đại Phật Thích ca Phật Đài cao 11,6 mét tại chùa Thiền Lâm, Vũng Tàu (do Đại đức Narada - Sri Lanka phát tâm xây cúng) - Tượng đại Phật cao 7 mét ở chùa Bát Bửu Phật Đài, Bình Chánh - tượng Phật Sa Đéc Đồng Tháp - tượng Phật Niết Bàn dài 49 mét ở Tà Cú, Bình Thuận - tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tôn, nặng 4,5 tấn, đỉnh núi Yên Tử, Quảng Ninh - chùa Sắc tứ Quan Âm cổ tự, Tp.Cà Mau xây dựng năm 1840 - tượng Bồ tát Quảng Đức, Tp.Hồ Chí Minh - chùa Quốc Ân Khải Tường, Long Phước, Long Thành thờ Phật ngọc 32 tấn - Quan Âm tu viện, Biên Hòa tạc thánh tượng Quan Âm cao 7 mét; tôn trí thờ tượng Phật ngọc nặng 24 tấn.
Tại huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa hiện nay có 6 ngôi chùa được xây dựng quy mô hoành tráng kiên cố, đã có các chư tăng được Giáo hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa cử đến lo Phật sự, để cầu nguyện thế giới hòa bình, vạn dân an lạc, đáp ứng đời sống tôn giáo của người dân tại các đảo và ngư dân đánh bắt xa bờ tại vùng biển Trường Sa. (theo Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN ngày05/06/2014)
Đủ duyên thì phát tâm cúng kinh sách, cúng Phật, không đủ duyên thì cúng Phật sự khác:
Phật dạy: Giáo pháp Phật trụ thế 16.800 năm, nếu tính theo Phật lịch 2558, thì giáo pháp Phật còn trụ thế 16.242 ngàn năm nữa mới chuyển sang pháp giới Phật Di Lặc độ đời (Phật học tinh yếu - Thích Thiền Tâm). Người xưa ở vào thời điểm du canh du cư, phương tiện kém mà còn phát tâm làm các việc đại sự điêu khắc Kinh, thánh tượng Phật lên vách đá, trên gổ... Các thế hệ vãng bối đã vì chánh pháp mà phát tâm cúng dường tượng Phật khi cần thiết, xây chùa chiền phát huy chánh pháp và lo cho đời sống lê dân, giữ gìn giang sơn gấm vóc; huống chi chúng ta ngày nay sống trong thời đại tiến bộ, vật chất dồi dào... Người tu Phật nói chung, liên hữu tu tịnh độ nói riêng nếu có phát tâm làm Phật sự không nên suy nghĩ đắn đo. Có nhân duyên thì làm theo lời dạy của chư tôn đức Tăng Ni, cúng dường kinh, cúng dường Phật. Không có nhơn duyên thì làm Phật sự khác, việc làm nào cũng là Phật sự giữ gìn và phát huy chánh pháp.
Ấn tống là việc phải làm
Của người Phật tử áo lam thực hành
Cúng dường Phật phải tịnh thanh
Phổ biến hình thức chẳng thành tựu đâu
Cúng Phật chẳng có mưu cầu
Phước đức trí tuệ trao câu sữa mình
Không kinh doanh Phật mưu sinh
Mua bán kinh sách, ảnh hình khó coi
Thời nay chưng Phật sáng ngời
Nhưng cơ họai diệt Phật thời khó phân
Gần Phật không diệt tâm trần
Chỉ tu hình thức không cần tâm linh
Phật tử nên nghĩ đến mình
Tinh chuyên nội lực tụng kinh tịnh thiền