Làm nhiệm vụ Duy-na phải chú ý điều này: Ðến giờ khai tịnh, vị Duy-na phải gõ một tiếng khánh báo hiệu, để mọi người chuẩn bị đứng dậy; khi thấy tất cả đã chuẩn bị xong bèn gõ thêm một tiếng khánh nữa, tức thì tất cả đồng loạt đứng lên, tiếp theo là hai tiếng mõ báo hiệu bắt đầu bước đi. Khi chạy hương thì phải chia ra làm hai vòng, vòng ngoài dành cho người chạy mau, vòng trong cho những ai chạy chậm. Ðây là một cách thức điều hợp, cốt sao cho tất cả cùng theo được dễ dàng, người chạy mau hay chạy chậm đều thích nghi. Người ta nói: "Xiết quá thì chặt, lơi tay thì lỏng; chẳng chặt chẳng lỏng mới nên công", ý nói không chấp vào một pháp nào nhất định, mà phải linh động.

Trong Kinh Kim Cang có câu: "Không có pháp nào nhất định có tên là A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề". Muốn một cái gì cố định tức là tạo thành vấn đề.

Kinh Kim Cang còn có câu: "Các pháp là bình đẳng, không có cao thấp". Do đó người tu cũng phải bình đẳng. Tuy rằng Phật có Tam Thân, Tứ Trí, Ngũ Nhãn, Lục Thông, nhưng Phật vẫn tự coi như không có gì khác với chúng sanh, do đó có câu nói: "Tâm, Phật, chúng sanh, cả ba không có sai biệt", tâm là Phật, Phật là chúng sanh; chúng sanh là Phật, Phật là tâm.

Chạy mau cũng tham thiền, chạy chậm cũng tham thiền, tự liệu sức của mình mà theo. Cốt ở chỗ tự nhiên, không kiểu cách, không có chút gì miễn cưỡng, cứ như thế dụng công, kiên nhẫn. Sống lưng thấy khó chịu, chân có đau, cũng đừng quan tâm. Thứ gì cũng không ham, cái đó gọi là bố thí. Thân không làm điều ác, tức là thân nghiệp thanh tịnh; miệng không nói chuyện thị phi, tức là khẩu nghiệp thanh tịnh; tâm không có vọng tưởng, tức là ý nghiệp thanh tịnh. Ba nghiệp thanh tịnh gọi là trì giới. Có thể chịu đựng sự đau, gọi là nhẫn nhục; có thể dụng công liên tục, bất chấp các khó khăn, mà không thối chí, gọi là tinh tấn. Có thể ngồi an ổn chẳng động, mà thường biết rõ ràng, gọi là thiền định. Do định mà phát sanh trí huệ, tức là Bát-nhã. Cả lục độ thành tựu viên mãn vậy là đáo bỉ ngạn, tới bờ giác ngộ.

Ðến khi chỉ tịnh, Thầy Duy-na phải xem chừng khi nào vị ban thủ đi tới đúng chỗ ngồi của người đó thì gõ một tiếng mõ. Khi tất cả đều đến đúng chỗ của họ rồi thì gõ thêm tiếng mõ nữa. Ai nấy ngồi xuống ngay ngắn, sống lưng thẳng, đầu không gục xuống, lưng không cong. Người ta nói "tọa như chung", nghĩa là ngồi như hình cái chuông, đầu ngay, lưng thẳng, tư thế an ổn và vững vàng.

Tham câu "Niệm Phật là ai" không có nghĩa là niệm (recite) câu thoại đầu này. Ðây là tham tức là nghiên cứu cái chữ "ai". Có người bảo: "Tôi biết rồi, niệm Phật là tôi". Như vậy là không đúng! Câu thoại đầu này nếu ta thực sự giải đáp được rõ ràng, tức là ta đã thấy tánh, tìm được cội nguồn của Pháp, nhờ đó mà ta đã về được quê nhà. Thực tế không phải đơn giản và dễ dàng theo như kiểu chúng ta nghĩ: "Chính là tôi đó mà! Tôi đang niệm Phật". Quý vị niệm Phật ư? Vậy khi con người quý vị chết thì còn niệm Phật được không? Quý vị sẽ bảo là "không". Nếu không thì sao lại nói là người niệm Phật là quý vị? Nên nhớ rằng người niệm Phật là không chết, nếu quý vị phải chết thì người niệm Phật không phải là quý vị. Niệm Phật thành Phật, nhưng ai thành Phật? Ai tới quả vị Phật? Quý vị đã chết rồi kia mà!

Bởi vậy, chính tại nơi này quý vị phải tham cứu, tham không buông lơi, cho tới lúc "biển cạn đá tan", cuối cùng sẽ tới ngày "nước chảy, đá hiện", và, trong khoảnh khắc quý vị bừng ngộ: "A! Nguyên lai là như vậy!"

Thiền thất khai thị tháng 12,1980

HT Tuyên Hóa




Có phản hồi đến “Tham Thiền Là Thực Tập Lục Độ Ba-La-Mật”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com