Mục đích tham Thiền là để khai mở trí huệ, cầu giải thoát. Chúng ta phải chuyên tâm trì chí tham cứu câu "Ai là kẻ niệm Phật?" Khi tham tới cực điểm, quý vị sẽ quên bẵng tất cả mọi vọng tưởng-quên ăn uống, phục sức, ngủ nghỉ, và thậm chí quên cả đại, tiểu tiện! Lúc bấy giờ, "gió thổi không lọt, mưa rơi không thấm," quý vị chỉ miên mật tham chữ "Ai" mà thôi! Một niệm duy nhất này kiên cố như kim cang, không gì phá hoại nổi. Bấy giờ, quý vị "trên không biết có trời, dưới không biết có đất, ở giữa không biết có người"-tức là đạt tới cảnh giới "không có người, không có mình, không có chúng sinh, không có thọ giả"; và đó cũng là lúc mà quý vị thể nghiệm được trạng thái "trong không có thân tâm, ngoài chẳng có thế giới"-mình cùng vũ trụ đã hợp thành một thể.

Xưa kia, nhiều bậc đại đức cao tăng đã có thể đạt tới trình độ "nhất niệm bất sinh" (không sinh vọng tưởng):

"Tuy suốt ngày ăn cơm, nhưng chưa hề ăn một hạt gạo.

Tuy suốt ngày mặc áo, song chưa hề mặc một sợi tơ."

Khi đạt tới cảnh giới "vô nhân, vô ngã," không còn sự chấp trước về mình, người, thì làm gì có thời giờ để khởi vọng tưởng nữa chứ? Các vị ấy cho rằng lãng phí một phút cũng có thể làm vuột mất cơ hội khai ngộ, do đó họ chuyên tâm tham cứu câu "Ai là kẻ niệm Phật?"; chưa tìm ra được chữ "ai" thì họ chưa chịu nghỉ ngơi. Tìm chữ "Ai" là phương pháp khống chế vọng tưởng tốt nhất.

Tại Chùa Cao Mân ở Dương-châu có một vị sư tên là Diệu Ðộ. Khi Thầy tham Thiền tới trình độ "đi mà không biết là mình đang đi, đứng mà không biết là mình đang đứng, ngồi mà không biết là mình đang ngồi, nằm mà không biết là mình đang nằm," thì cái gì Thầy cũng chẳng nghĩ tới, chỉ chú tâm vào câu "Ai là kẻ niệm Phật?" mà thôi. Có một hôm, Thầy muốn tiểu tiện nhưng vì chuyên tâm tham cứu chữ "Ai" quá miên mật nên Thầy vào lộn Thiên Vương Ðiện và lầm tưởng phía trước bệ Ðức Bồ-tát Vi Ðà là nhà xí! Ngay lúc sắp tiểu tiện, Thầy chợt ngẩng đầu lên và thấy Bồ-tát Vi Ðà đang trừng mắt nhìn mình, tay thì giơ cao cây bảo-xử, khiến Thầy sợ hãi đến tỉnh táo cả người! Biết là mình đã đến lộn chỗ, Thầy vội vã sụp lạy Bồ-tát Vi Ðà, sám hối tội lỗi, cầu xin Bồ-tát tha thứ.

Vì sao có thể có chuyện như vậy? Là vì Thiền-sư Diệu Ðộ chuyên tâm dụng công, một lòng một dạ tham cứu chữ "Ai," hoàn toàn không để ý đến những việc khác, cho nên Thầy mới lầm tưởng Thiên Vương Ðiện là nhà vệ sinh!

Có người nghĩ vớ vẩn rằng: "Tôi cũng bắt chước Thiền-sư Diệu Ðộ, tôi sẽ lên đài Quán Âm thay vì dùng nhà vệ sinh!" Nếu quý vị cố ý làm như vậy thì quý vị cách xa Ðạo mười vạn tám ngàn dặm rồi! Quý vị nên biết rằng Thiền-sư Diệu Ðộ chẳng bắt chước ai cả, Thầy chỉ nhất tâm tham cứu câu "Ai là kẻ niệm Phật?", mải miết tập trung tinh thần vào một vấn đề, do đó mới xảy ra cớ sự như vậy. Nếu quý vị cố ý bắt chước đi sai đường thì thật là sai lầm vô cùng; cho nên, ngay cả cái ý tưởng muốn bắt chước này quý vị cũng chớ nên có! Phải nhớ rằng:

"Sai một ly, đi một dặm."

Nhiều người ở trong Thiền-đường song chẳng chịu dụng công, cứ ngồi nghĩ ngợi lăng nhăng: "Sao chưa có ai đánh khánh vậy kìa? Mau mau khai tịnh để mình duỗi chân duỗi tay, vươn vai ưỡn lưng cho đỡ mỏi đi chứ!" Hoặc có người thì vọng tưởng tới chuyện ăn uống: "Vẫn chưa tới giờ ăn sao? Ðói bụng chịu hết nổi rồi!" Có người thậm chí tính toán: "Ðã mười hai ngày rồi, như vậy là còn chín ngày nữa công đức mới viên mãn. Mong sao xong lẹ lẹ cho rồi để mình khỏi phải bị hành tội nữa!" Người ta tham gia Thiền-thất thì mong cho thời gian càng dài càng tốt để được có thêm cơ hội khai ngộ, còn những người này ngồi trên Thiền-sàng mà cứ như ngồi trên bàn chông, lúc nào cũng thấy bứt rứt xốn xang-nếu không đổi chân thì lại vươn vai, không ngồi yên được. Người ta thì nhập Ðịnh, còn họ thì nhập "phi phi," vọng tưởng lăng nhăng không ngớt. Nếu đã như vậy thì việc gì phải đến tham gia Thiền-thất? Cứ làm bộ làm tịch ra vẻ tu hành để làm gì kia chứ? Chi bằng đừng tới tham gia để khỏi phải tự chuốc lấy đau khổ cho rồi!?

Song, quý vị nên biết rằng muốn chấm dứt sinh tử thì phải đem hai chữ "sinh tử" treo ngang mày để hễ mở mắt là thấy vấn đề sinh tử, nhắm mắt cũng không quên chuyện tử sinh. Lúc nào cũng phải dụng công tu hành thì mới có thể chấm dứt được sinh tử. Nếu tại Thiền-đường mà quý vị không luôn luôn nghĩ đến việc "liễu sinh thoát tử," trái lại lúc nào cũng nghĩ ngợi lăng nhăng, cứ lo vọng tưởng của mình chưa đủ nhiều, thì thật là đáng thương biết bao!

Người dụng công tu Ðạo thì không được khởi vọng tưởng dù chỉ trong một giây. Có câu rằng:

"Ðại sự vị minh, như táng khảo tỷ."

(Việc lớn chưa rõ, như đưa đám cha mẹ.)

Khi chúng ta chưa hiểu được "sinh tử đại sự" thì cũng đáng buồn thảm, bi ai giống như cha mẹ qua đời vậy. Do đó, lúc tham Thiền thì phải luôn luôn dụng công tu hành, chớ lãng phí một giây một phút và cũng chớ buông lung. Dụng công tới lúc "lô hỏa thuần thanh," công phu chín muồi, thì tự nhiên sẽ có cảm ứng. Có cảm ứng thì công phu mới tương ưng. Cho dù đã khai ngộ rồi quý vị cũng vẫn phải không ngừng cố gắng tiến tới trước. Ðừng lười biếng, đừng tự giam hãm mình nơi "hóa thành;" đừng cho rằng tới đây là hết, rồi không muốn tiến thêm nữa. Những ý tưởng như vậy chính là các hòn đá cản trở sự tu hành.

Biết rõ ràng là vọng tưởng không làm ta khai ngộ, vậy thì tại sao vẫn cứ khởi vọng tưởng chứ? Biết rõ ràng đó là vọng tưởng mà tại sao không quét sạch chúng đi? Ðó chính là khuyết điểm của đa số người đời - biết rõ mà vẫn cố ý vi phạm. Nói rõ ra tức là quý vị vẫn "không thể nhìn thủng, chẳng thể buông bỏ," vẫn còn chấp trước cái này, câu nệ cái nọ, chấp nam chấp nữ..., kết quả là lãng phí hết thời giờ quý báu.

Thời gian đả Thiền-thất là vô cùng quý giá, bởi vì không dễ gì mà gặp được cơ duyên tốt đẹp như thế. Trong thời gian này, quý vị hãy ném hết mọi vọng tưởng lên chín tầng mây để cho lòng được thanh tịnh, chuyên chú vào câu "Ai là kẻ niệm Phật?" Ðừng xao lãng! Mọi người hãy nỗ lực tham Thiền! Tham! Tham! Tham!

(Thiền thất 12/1980)98

HT Tuyên Hóa




Có phản hồi đến “Không Trừ Vọng Tưởng Thì Chẳng Thể Khai Ngộ”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com