Mục Lục
Vào những năm cuối của triều đại Bắc Tống, Trung Hoa có một vị anh hùng dân tộc tên là Nhạc Phi. Cha ông qua đời khi ông còn thơ ấu. Mẹ ông là một người hiền đức, trí huệ. Cả hai mẹ con nương tựa nhau mà sống. Nhạc Phi được mẹ dạy học và dạy viết. Bởi nhà quá nghèo, không có tiền mua giấy bút và mực nên Nhạc Phi phải tập viết chữ trên cát; thế mà về sau ông nổi tiếng viết chữ đẹp. Ðến lúc trưởng thành thì ông đầu quân. Mẹ ông lúc ấy xâm trên lưng ông bốn chữ "tận trung báo quốc" để nhắc ông phải luôn ghi nhớ chí nguyện lớn lao cứu nước cứu dân.
Lúc bấy giờ quân Kim xâm lược Bắc Tống, chiếm Biện-kinh (Khai-phong), đày hai vua Hội Tông và Khâm Tông lên miền Bắc. Hội Tông là vua đã thoái vị, có hai người con là Khâm Tông và Khang Vương. Khang Vương lúc ấy đang ở Hàng-châu, liền lên ngôi, đặt tên nước là Nam Tống, tự xưng là Tống Cao Tông, phong Tần Cối làm Tướng-quốc. Ðương thời, các quan văn thì chủ trương hòa giải với quân Kim, nhưng các quan võ thì chủ trương chiến tranh.
Bấy giờ Nhạc Phi đại thắng quân Kim ở trấn Chu-tiên (rất gần Biện-kinh) và dự định tiến đánh kinh đô quân Kim ở Hoàng-long (tức Kiết-lâm, Nông-an bây giờ). Chẳng may Nhạc Phi bị Tần Cối đố kỵ và dùng mười hai đạo kim bài giả để triệu hồi về kinh thành. Nhạc Phi vốn mang tư tưởng "trung quân, ái quốc" nên vâng mệnh vua trở về kinh đô. Lúc tới sông Trường-giang, ngang qua Chùa Kim Sơn, ông đến bái kiến Thiền-sư Ðạo Duyệt.
Thiền-sư Ðạo Duyệt khuyên ông đừng trở về kinh thành, hãy ở lại Chùa Kim Sơn (Trấn-giang) xuất gia tu hành thì có thể sẽ tránh được tai nạn. Song, Nhạc Phi vốn đã coi thường sống chết và lại nghĩ rằng bổn phận kẻ làm tướng là phải tuân mệnh vua, không thể cho là "tướng ở ngoài có lúc không phải tuân theo lệnh vua." Do đó ông đã không nghe theo lời khuyên của Thiền-sư Ðạo Duyệt. Lúc chia tay, Thiền-sư tặng ông một bài kệ:
Tuế để bất túc,
Cẩn phòng thiên khốc,
Phụng hạ lưỡng điểm,
Tương nhân hại độc.
(Chưa đến cuối năm,
Ðề phòng trời khóc,
Dưới "phụng" hai chấm,
Hãm hại ngươi đấy!)
Khi Nhạc Phi về tới Hàng-châu, Tần Cối dùng ba chữ "Mạc tu hữu" (bịa đặt) để hạ lịnh bỏ tù hai cha con Nhạc Phi. Gần đến ngày thọ hình, Nhạc Phi mới chợt hiểu thâm ý bài kệ của Thiền-sư Ðạo Duyệt. Năm ấy, ngày hai mươi chín tết, trời mưa tầm tả. Nhạc Phi ngồi trong ngục lắng nghe tiếng mưa rơi và chợt vỡ lẽ rằng đại nạn đã kề bên. Lời tiên tri của Thiền-sư Ðạo Duyệt cuối cùng đã ứng nghiệm. "Phụng hạ lưỡng điểm" (dưới chữ "phụng" có thêm hai chấm) tức là chữ "tần," ám chỉ Tần Cối. Quả nhiên Nhạc Phi sau đó bị xử chém tại Phong Ba Ðình.
Bấy giờ Tần Cối hỏi đao phủ: "Nhạc Phi khi sắp bị chém có nói gì chăng?" Ðao phủ đáp: "Tôi chỉ nghe y nói rằng y hối hận vì không chịu nghe lời Thiền-sư Ðạo Duyệt ở Chùa Kim Sơn nên mới nhận lãnh hậu quả thê thảm này." Nghe vậy, Tần Cối vô cùng tức giận, liền phái Hà Lập tới Chùa Kim Sơn gấp để bắt Thiền-sư Ðạo Duyệt. Song Thiền-sư trong khi nhập Ðịnh một ngày trước đó đã biết được nhân duyên này, nên Ngài đã để lại một bài kệ:
Hà Lập tự Nam lai,
Ngã vãng Tây-phương tẩu.
Nhược phi Phật-pháp đại,
Khải bất lạc tha thủ.
Nghĩa là:
(Hà Lập từ Nam đến,
Ta nhắm Tây-phương đi.
Phật-pháp nếu không tường,
Ắt lọt vào tay hắn.)
Chuyện này chứng minh rằng khi công phu Thiền-định của người tu hành đã tới cực điểm thì có thể khống chế được sinh tử, muốn lúc nào vãng sinh cũng được, tự mình điều khiển định mệnh-đó là một điều rất đương nhiên. Thuở xưa, các Thiền-sư đều có công phu như vậy-tự do sống chết, toại tâm như ý. Ðời Ðường có vị Thiền-sư tên Ðặng Ẩn Phong, có thể lộn ngược đầu xuống đất mà viên tịch. Gần đây có vị Phật Sống ở Chùa Kim Sơn đứng mà viên tịch. Ðó đều là nhờ có công phu Thiền-định nên họ có thể đến và đi tự do, không bị hạn chế gì cả.
(Thiền thất tháng 12 năm 1980)
HT Tuyên Hóa