Bây giờ sắp bắt đầu Thiền-thất.

Ở Thiền-đường thì chúng ta không niệm Phật; trong lúc đả Phật-thất thì chúng ta không tham Thiền. Bây giờ, chúng ta phải "đi cũng Thiền, ngồi cũng Thiền, đứng cũng Thiền, nằm cũng Thiền"-nói chung là đi, đứng, nằm, ngồi đều tham Thiền.

Trước kia, kẻ tham Thiền thì chẳng hề khởi niệm; đó gọi là "vô niệm":

Nhất niệm bất sinh toàn thể hiện.

Lục căn hốt động bị vân giá.

(Một niệm chẳng sinh toàn thể (chân tâm) hiện.

Sáu căn bỗng động, (Phật tánh) bị mây che.)

Tham Thiền tức là tham cứu "một niệm chẳng sinh." Tới đời Minh thì người ta mới áp dụng phương pháp "tham thoại đầu." Nay thì Thiền-đường nào cũng tham thoại đầu. Thoại đầu có nhiều loại, như "Ai niệm Phật?" hoặc "Khi cha mẹ chưa sinh ra ta thì mặt mày ta ra sao?" hoặc "Thế nào là 'chẳng có'?" v.v...

Tham Thiền là không khởi vọng tưởng gì cả. Thí dụ khi tham cứu câu "Ai Niệm Phật?" thì quý vị cứ suy nghĩ, tìm xem ai là kẻ niệm Phật. Song, kỳ thật đây cũng chỉ là một vọng tưởng; chẳng qua là chúng ta dùng một vọng tưởng để khống chế mọi vọng tưởng khác mà thôi. Biện pháp này gọi là "dĩ vọng chế vọng, dĩ độc công độc. Thậm chí niệm "A Di Ðà Phật" cũng là "dùng vọng chế vọng"; nghĩa là cái ý nghĩ niệm Phật là vọng, không thật. Và ngay cả cái niệm tham cứu câu "Niệm Phật là ai" cũng là vọng; song đó là vì một vọng tưởng này có khả năng khống chế được tất cả các vọng tưởng khác. Ðó là đạo lý tham Thiền.

Người tham Thiền thì "Phật tới chém Phật, ma tới chém ma," không chấp trước cảnh giới nào cả. Khi tham Thiền tới chỗ "trên không biết có trời, dưới không biết có đất, giữa chẳng biết có người; ngoài chẳng biết có vật, trong chẳng biết có tâm," thì bấy giờ quý vị sẽ hợp làm một với Pháp-giới, có thể hoát nhiên khai ngộ. Quý vị hãy nhớ: Ðừng bị lay chuyển bởi thanh-trần (ngoại cảnh), đừng nhìn đông ngó tây, và cũng đừng để cho tâm loay hoay, không chuyên nhất!

Khi tham Thiền đạt tới chỗ "không mình, không người, không chúng sinh, không thọ giả," thì quý vị sẽ chặt đứt được gốc rễ sinh tử và sẽ được gặp mặt Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni - bấy giờ quý vị mới biết được cái hay của việc tham Thiền.

Từ vô lượng kiếp tới ngày nay, chúng ta thật may mắn gặp được pháp môn "đả Thiền-thất." Do đó, chúng ta phải đặc biệt chuyên nhất, chí thành khẩn thiết, ra sức dụng công, đừng phung phí thời giờ quý báu, đừng nghĩ ngợi vẩn vơ về những chuyện ăn, mặc, hay chỗ ở; bởi "một chút thời gian là một chút mạng sống"-thời gian và sinh mạng đều quý báu như nhau:

Nhất thốn quang âm nhất thốn kim,

Thốn kim nan mãi thốn quang âm,

Thất lạc thốn kim dung dị đắc,

Quang âm quá khứ nan tái tầm.

Nghĩa là:

Một tấc thời gian, một tấc vàng,

Tấc vàng khó mua tấc thời gian,

Tấc vàng rơi mất còn dễ kiếm,

Thời gian trôi bẵng mới khó tìm.

Bài thơ trên nói lên giá trị quý báu của thời gian lúc bình thường, huống hồ là lúc đả thất-thời gian ấy còn đáng quý hơn nữa. Không ai biết được vào phút nào, giây nào mình sẽ khai ngộ; do đó, quý vị nên tranh thủ từng giây từng phút, đừng lãng phí. Hy vọng quý vị tham gia Thiền-thất đều dũng mãnh tinh tấn, không phóng dật, buông lung. Phải nhẫn chịu mọi thứ khổ thì mới đạt được an lạc. Chịu đựng được điều mà người khác khó thể chịu đựng, nhẫn nhịn được điều mà người khác khó thể nhẫn nhịn, đó mới là tinh thần tu Ðạo!

(Giảng vào tháng 9 năm 1975 tại Chùa Kim Sơn)



Có phản hồi đến “Tham Thoại Ðầu-Dùng Vọng Tưởng Ðể Chế Phục Vọng Tưởng”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com