Một mùa an cư kiết hạ vừa trở về trong bao nổi hân hoan chờ đón của tất cả tăng ni Phật tử. Đây là ba tháng chuyên tu tăng tuổi đạo trao dồi hạnh đức mà bất cứ một người tu hành nào cũng đều phải trải qua. Hàng Phật tử tại gia xem đây là thời gian để dâng cúng những gì tốt đẹp nhất lên Tam Bảo mong nhờ sức tu trì của quý tăng ni hòng mang thêm chút duyên lành.

Xem thêm:

Video: Dinh Dưỡng Chay Và Sức Khỏe - Những Điều Cần Biết - Bác Sĩ Minh Nguyệt (Hoa Kỳ)

Thức Uống Nhiều Đường Gây Bệnh Nghiêm Trọng Cho Các Nhà Sư Thái Lan

Là Phật tử, cúng dường tam bảo vừa là một phước ân, vừa là một nghĩa vụ. Tất cả đều ở tâm tùy hủy không phân biệt, không chỉ là cúng dường tịnh tài tịnh vật chu toàn đời sống quý vị xuất gia còn là những nhu yếu phẩm cần thiết khác để xây dựng nên đạo tràng. Phật tử cứ tùy tâm, nếu không cũng có thể góp sức làm Phật sự, công quả, nấu cơm, phát quà, dọn dẹp bổn tự, bảo vệ chùa chiền. Đó đều là những hạnh cao cả tốt đẹp của tứ chúng đồng tu.

Thông thường nghĩ đến cúng dường tam bảo, mọi người đều nghĩ ngay đến cúng tiền, gạo, mỳ gói, dầu ăn, đường, hoa quả, trái cây, rau củ, bột ngọt, xà phòng, nhang, đèn. Nếu chùa có xây dựng sẽ cúng dường những vật liệu hay công sức góp vào. Mùa an cư kiết hạ hay những lễ cúng trai tăng, ngoài tịnh tài thường luôn kèm khăn, kem đánh răng, bàn chải đánh răng, tập viết, đặc biệt là y áo. Một số vận động cúng kinh sách, tượng, tranh ảnh, băng đĩa, hùn phước phóng sanh, phát cơm từ thiện. Tất cả đều là những việc làm tốt đẹp thể hiện hạnh lành của người Phật tử.

Những việc cúng dường cứ thế tiếp diễn, năm nọ tháng kia gần như không có gì thay đổi dù đời sống ngày càng hiện đại. Một số Phật tử thân cận với chùa mới biết chùa cần gì để cúng những thứ cần thiết. Tuy nhiên, đa phần Phật tử chỉ cúng như thông lệ, gần như không biết những thứ mình cúng có cần thiết cho chùa hoặc chùa đang cần gì. Quý tăng ni với tâm không biệt, không đòi hỏi nên Phật tử cúng gì nhận đó và cũng ngại góp ý với Phật tử sợ sẽ bị hiểu lầm người xuất gia đòi hỏi, yêu sách Phật tử.

Tuy nhiên, nếu quý Phật tử đi sâu nhìn vào bổn tự sẽ thấy quý tăng ni hiện bị bệnh rất nhiều, nhất là các bệnh như tiểu đường, cao huyết áp, đau nhức, cao mỡ trong máu và béo phì. Đây thường là những bệnh dành cho người ở ngoài với đời sống sung túc, ăn uống dư thừa, đặc biệt là các thực phẩm đồ hộp, đồ ăn nhanh đầy chất béo đường. Người xuất gia ăn chay thanh đạm thế tại sao lại bị bệnh này quá nhiều? Có nhiều nguyên nhân nhưng cốt tủy ở chế độ dinh dưỡng thiếu đúng đắn.

Theo thống kê ở Thái Lan, bệnh béo phì và nguy cơ bị tiểu đường ở các nhà sư là khoảng gần 50% dù các nhà sư chỉ ăn một bữa trước ngọ. Đó cũng là do các thực phẩm cúng dường toàn chất ngọt béo cùng với việc uống các loại nước ngọt, nước tăng lực như bò húc để tăng sức khỏe nhưng thật sự đó là những loại nước có chất kích thích.Thêm vào đó, với sự thiếu vận động thể dục thể thao, thiếu kiến thức về sức khỏe, dinh dưỡng, tình trạng bệnh xảy ra ở giới xuất gia rất nhiều, không chỉ ở Thái Lan mà ở các quốc gia khác cũng vậy.

Thế còn ở Việt Nam thì sao? Dù chưa có một cuộc nghiên cứu chính xác nhưng con số này chắc không hề thấp, dù là chùa có được cúng dường đầy đủ, sung túc hay thiếu kém, tình trạng cũng không khá hơn. Hãy thử nhìn vào những bữa ăn ở chùa quý vị sẽ thấy. Ba bữa ăn đều là cơm trắng, một ít canh, một ít rau, đậu hủ có thể kho hay chiên, khá hơn có thể thêm nấm, một chút trái cây.

Ở các bữa cúng trai tăng hay trai phạm, húy kỵ, lễ tết giỗ chạp có thể khá hơn, đồ ăn nhiều hơn, thay cơm bằng bánh mỳ, bún, phở, bánh trái rất nhiều. Nhìn có vẻ rất sung túc, rất ngon. Tuy nhiên, tất cả đều là những loại thức ăn quá nhiều chất đường, nhiều tinh bột, nhiều dầu mỡ, dư thừa năng lượng trong khi các loại khoáng chất, vitamin, chất đạm đều bị thiếu trầm trọng.

Có chùa Phật tử cúng quá nhiều gạo trắng không có chỗ chứa dẫn đến hư mốc, phải mang đi cúng dường các nơi. Rau quả có khi Phật tử gởi cúng về đã hư thối, rất nhiều chùa không có điều kiện để giữ lạnh rau củ quả nên dẫn đến hư mục, lên mốc, gây hôi thối cho chùa, cho người nấu ăn và quý tăng ni phải ăn đồ hư thiu như vậy.

Dầu ăn được cúng dường cho chùa không phải tất cả đều là dầu tốt, dầu có nhiều thành phần chất béo không no để bảo vệ tim mạch. Ở chùa khi nấu ăn, vì chiên xào quá nhiều và chiên đến lúc hết dầu, sử dụng dầu trở lại ngày nọ tháng kia làm cho các độc chất từ dầu đi vào tim mạch gây cao mỡ trong máu, nghẽn tim, nhồi máu cơ tim.

Ở các chùa thôn quê, chùa ở miền núi, không có khả năng đi chợ, gần nơi có thể có thực phẩm nên đồ ăn cứ kho chiên ngày nọ tháng kia đến khi nào hết mới thôi. Vì vậy đồ ăn rất mặn, không còn dinh dưỡng, các loại dầu đã chuyển thành độc chất, dù biết vậy nhưng đành nhắm mắt để ăn với cơm hay chút rau luộc qua ngày.

Có chùa vì không đủ nhân lực để lo tam bảo nói chi đến việc cơm nước nên thay bằng mì gói cho bữa sáng hoặc dùng mì gói nấu làm canh ăn với cơm. Vả lại cứ mỗi khi quý Phật tử đến cúng chùa đều luôn mang cúng mỳ gói nên phải tìm cách tiêu thụ. Tuy nhiên, mỳ gói với quá nhiều chất bảo quản, nhiều lớp dầu bám thấm bên ngoài hay trong gói gia vị toàn bột ngọt, chất béo sẽ gây bệnh trầm trọng thêm.

Các loại nước uống hiện nay cũng là một phần gây bệnh rất nhiều. Nhiều quý tăng ni sử dụng nước ngọt, các loại nước ép đóng chai công nghiệp chỉ có hương liệu trái cây nhưng toàn đường hóa học, các loại nước tăng lực nhưng thật sự là có chất kích thích chỉ toàn đường, gây béo phì và tiểu đường rất cao. Ở các buổi lễ thay bằng các loại nước pha trái cây nhiều đường, các loại chè, chè Thái, nước viên sủi bọt đầy đường. Nhiều quý Phật tử vì thương quý thầy và đa phần với tâm lý chung của người Việt, cái gì nhiều tiền đều là tốt nên thay bằng nước yến, nước lon, nước sâm. Tuy nhiên, dinh dưỡng trong các loại nước này rất thấp, chỉ đa phần toàn đường với các loại năng lượng vô ích chỉ làm tăng bệnh tăng cân mà thôi.

Tôi có dịp xem khá nhiều hồ sơ bệnh án của quý tăng ni, đến chùa tư vấn trực tiếp, kể cả trên mạng, gần gũi với các chùa, tìm hiểu đời sống ở chùa cùng nhiều sự suy tư của các vị xuất gia, tôi rất chạnh lòng. Tôi đã cúng dường thuốc cũng như rất hoan hỷ sẵn sàng tư vấn bệnh cho quý Ngài mọi lúc mọi nơi trong nhiều năm qua. Khi về Việt Nam, tôi đều cố gắng đến chùa tự phát tâm xin được giảng nói về dinh dưỡng sức khỏe, khám bệnh trả lời trực tiếp. Tuy nhiên, đó chỉ là những việc bé nhỏ không đáng và tất cả lại đâu trở vào đấy. Nguyên gốc của vấn đề ở chế độ dinh dưỡng, vận động, vệ sinh môi trường nhưng chỉ biết lặng nhìn vì không biết phải làm sao.

Là một Phật tử, cũng là một thầy thuốc, tôi luôn hoan hỷ làm những điều cần thiết và luôn cầu mong cho tất cả quý tăng ni Phật tử đều khỏe an để phụng sự tam bảo. Đó là ân phước của tôi và tôi tin quý vị cũng như tôi vậy. Xin cho tôi được góp ý thành tâm về một số vấn đề quý Phật tử nên cúng dường những nhu yếu phẩm nào cần thiết cho chùa để giữ gìn sức khỏe cho quý tăng ni, tránh cúng dường thừa gây hư hao, lãng phí. Xin quý vị hoan hỷ  thứ tha nếu như có điều gì không đúng hoặc chưa thực tế với đời sống của người Việt Nam.

1. Gạo – nên cúng gạo lứt

Quý vị nên hỏi ở chùa có thiếu gạo không và nên chọn gạo tốt để cúng. Thay vì chỉ cúng gạo trắng, quý vị nên cúng thay với gạo lứt vì có thêm dinh dưỡng, có chất xơ, các loại vitamin, ít đường. Ở chùa cũng nên luân phiên thay các bữa nấu với gạo lứt để giảm bệnh. Với người bị bệnh tiểu đường cần phải hạn chế ăn cơm trắng, bánh mỳ, phở, bún.

2. Dầu ăn

Khi chọn các loại dầu ăn, quý vị nên chọn cúng các loại dầu tốt như dầu mè, dầu nành, dầu Olive, dầu Canola, các loại dầu có hàm lượng chất béo không no cao như polyunsaturated fat hay monounsaturated fat. Quý vị nên nhìn vào nhãn thực phẩm để chọn dầu. Không nên chọn các loại dầu hay các loại thức ăn có trans fat vì đây là các loại chất béo cực độc gây bệnh cho cơ thể. Không nên chiên dầu ở nhiệt độ cao, nhất là dầu Olive rất dễ cháy khi chiên. Không nên sử dụng dầu chiên quá hai lần hay sử dụng khi dầu bị đục vì dầu sẽ chuyển thành độc chất gây hại cho cơ thể. Nên hạn chế các loại thức ăn chiên xào quá nhiều.

3. Bột ngọt

Bột ngọt không tốt, thường gây ra các bệnh dị ứng, đau nhức, mệt mỏi, nóng bức, khó tiêu, nhất là ở những người bị bệnh tim mạch hay bệnh gan hoặc ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, các chùa cũng hay dùng và Phật tử thay vì cúng các loại bột nêm nấm thay thế đều mang cúng bột ngọt rất nhiều. Các loại nước tương được cúng cho chùa không phải đều là loại nước tương chọn lọc, ít muối, ít chất nêm, có khi là nước tương lít, nước tương không rõ nguồn gốc. Chao và tương nếu quá nhiều muối quá mặn cũng chính là nguyên nhân gây ra các bệnh cao huyết áp và tim mạch cho người xuất gia.

Không nên cúng bột ngọt cho chùa và quý vị cũng không nên sử dụng bột ngọt rất dễ gây bệnh. Quý vị nên thay bằng các loại hạt nêm chiết xuất từ rau của quả hay nấm. Không phải các loại hạt nêm này là không có thành phần của bột ngọt nhưng thấp hơn, ít gây bệnh và tiêu hóa dễ dàng hơn. Quý vị cúng ít nhưng chùa có thể sử dụng và an toàn vẫn tốt hơn.

4. Mỳ gói

Quý vị nên hạn chế hoặc chọn các loại mỳ ít có thành phần chất béo, các gói hạt nêm không tốt. Thay vì cúng mỳ gói, quý vị cúng ngũ cốc, các loại hạt có chất đạm như đậu nành, bột đậu nành, đậu xanh, hạt điều hay các loại bột ngũ cốc khô để có thêm chất đạm.

5. Đường

Đường tinh luyện trắng nhìn rất đẹp, có thể để dùng nấu một số loại thức ăn không làm ảnh hưởng màu sắc nhưng hạn chế. Đường nâu nguyên chất chưa bị tinh luyện qua hóa chất an toàn hơn, hương vị khi nấu cũng ngọt ngào thơm ngon hơn. Tuy nhiên, nên hạn chế nấu hay sử dụng các loại đồ ăn quá ngọt và hạn chế đồ béo ngọt.

6. Hạn chế nước cốt dừa

Các loại món ăn Việt Nam, chè, cà ri, bánh trái đều bỏ rất nhiều nước cốt dừa hay sợi dừa. Nước dừa tươi rất tốt và ngon. Tuy nhiên, nước cốt dừa chỉ toàn là chất béo no rất dễ gây bệnh tim mạch, cao mỡ trong máu. Do đó nên hạn chế sử dụng nước cốt dừa.

7. Nước ngọt/nước tăng lực

Nên hạn chế và tốt nhất không nên cúng dường các loại nước ngọt. Thành phần nước ngọt, nước tăng lực với một số chất kích thích hay hàm lượng đường rất cao rất không tốt cho sức khỏe, dễ gây nghiện, tạo thói quen. Trong các loại nước ngọt như Coca Cola có hàm lượng caffeine như trong cà phê dễ gây mất nước, khó ngủ, kích thích tim mạch. Nước ngọt cung cấp năng lượng thừa gây béo phì. Kể cả nước yến, quý vị cũng nên hạn chế đừng nên lạm dụng. Thay vào đó, nên uống nước lọc, cúng hoa quả tươi, các viên vitamin C sủi bọt để uống tăng sức khỏe. Nếu được nên giúp chùa có hệ thống lọc nước sạch, khử kim loại nặng, khử mùi để sử dụng an toàn.

8. Không nên cúng dường thuốc lá – Cẩn thận với nhang thơm

Thuốc lá vô cùng độc hại, tàn phá cơ thể vì chứa hơn 4000 hóa chất gây đủ các loại bệnh cho cơ thể. Một số quý tăng sĩ vẫn còn hút thuốc và tôi luôn khuyên các vị nên hạn chế dẫn đến bỏ thuốc lá. Là Phật tử, nhất thiết chúng ta không nên cúng dường thuốc lá cho chùa vì chính là tiếp tay gây bệnh.

Khi cúng dường nhang, quý vị cũng nên chọn loại nhang ít tổng hợp và không có hóa chất, nhang nhỏ hay nhang hương liệu tự nhiên. Khói nhang rất độc, đặc biệt là các loại nhang tổng hợp, các loại nhang đủ mùi tổng hợp với nhiều độc chất có thể gây ra dị ứng, các bệnh về phổi và ung thư. Nên hạn chế đốt quá nhiều nhang hay ngửi quá nhiều hương nhang.

Các loại thực phẩm nên dâng cúng

1. Rau của quả sạch

Thực phẩm xanh và sạch gần như không chỉ thiếu ở chùa mà trong các gia đình Phật tử Việt Nam. Tuy nhiên, khi cúng dường chùa, chúng ta nên cúng cái loại rau quả còn tươi, sạch, có thể nấu dùng được hay dự trữ được một vài hôm nếu có thể. Rau quả xanh cung cấp rất nhiều chất xơ, chất khoáng, vitamin, tăng khả năng đề kháng. Tất cả mọi loại rau quả đều là cần thiết. Một số loại rau củ cần thiết giàu dinh dưỡng, chất đạm như đậu que, đậu đũa, bông cải xanh, rau lang, đập bắp và các loại rau luộc. Nếu quý tăng ni ăn kiêng sẽ dễ dàng hơn khi ăn nhiều rau đậu thay cho ăn cơm.

2. Yến mạch , bột ngũ cốc và đậu nành

Yến mạch là một loại thực phẩm tốt nhất theo tổ chức y tế thế giới. Trong yến mạch có hàm lượng các loại chất dinh dưỡng, chất đạm, chất khoáng, sắt, ít chất béo, các loại chất xơ cần thiết cho cơ thể. Đây có thể là thực phẩm lý tưởng cho những người bị bệnh tiểu đường, cao huyết áp, cao mỡ trong máu hay bất cứ mọi người để ngăn ngừa bệnh.

Thật ra hai loại thực phẩm chay tốt nhất thế giới chính là đậu nành và diêm mạch. Lý do tôi khuyên cúng và dùng yến mạch bởi vì diêm mạch không phổ biến ở Việt Nam, khó nấu hay mất thời gian hơn. Đậu nành là thực phẩm rất tốt nhưng nhiều người không thể sử dụng đậu nành thay cơm.

Yến mạch giá không cao và đã được mang về Việt Nam bán khá nhiều. Yến mạch có thể thay cho cơm hoặc ăn bữa sáng. Nấu yến mạch rất nhanh, chỉ vài phút hoặc có thể dùng lò vi sóng để nấu rất tiện lợi. Mỗi lần sử dụng không nhiều và có thể dùng được lâu.

Bột ngũ cốc nguyên chất hay các sản phẩm từ các loại hạt đậu nành nên được dâng cúng hay sử dụng. Quý tăng ni nên sử dụng thêm bột ngũ cốc để tăng cường chất đạm và các loại dinh dưỡng khác. Các loại sữa không đường từ đậu nành, sản phẩm từ đậu nành nên sử dụng vì đậu nành là thực phẩm chay tốt nhất và duy nhất cung cấp đầy đủ các loại amino acid cần thiết tái tạo chất đạm. Đậu nành không hề gây ra các loại bệnh hay làm tăng bệnh ung thư vú, ung thư tuyến liền liệt như nhiều người lầm tưởng mà bảo vệ các loại bệnh này.

Do đó, thay vì chỉ cúng gạo trắng, mỳ gói quá nhiều hay các loại sâm yến quá đắt tiền không mang lại dinh dưỡng dài lâu, quý vị nên thay bằng cúng gạo lứt và yến mạch, ngũ cốc, sữa bột, sữa đậu nành không đường sẽ giúp tăng cường sức khỏe, tránh lãng phí. Tôi đã cúng dường yến mạch cho quý tăng ni nhiều năm qua, đặc biệt là ở các chùa trên núi và quý tăng ni rất thích, ăn vào đỡ bệnh. Tôi cũng khuyến khích quý tăng ni nên sử dụng yến mạch và ngũ cốc nhiều hơn. Người Mỹ thường dùng yến mạch vào buổi sáng còn tôi sử dụng yến mạch cả ngày thay cơm.

3. Thuốc, Vitamin B12 và sắt

Thực phẩm chay gần như không có vitamin B12. Vitamin B12 rất quan trọng để tái tạo hồng huyết cầu, bảo vệ sức khỏe của não, tổng hợp thông tin di truyền DNA, giảm bệnh mất trí, giúp quá trình trao đổi chất tốt hơn. Về thuốc men các loại bệnh phải đến gặp bác sĩ. Tuy nhiên, quý vị có thể cúng dường cho chùa Vitamin B12, viên uống hay viên ngậm đều được và tôi khuyên tất cả những người ăn chay đều nên sử dụng vitamin B12. Liều lượng có thể 1000mcg mỗi ngày hay 5000mcg mỗi tuần, tùy sự thiếu hụt khi kiểm tra.

Đồ ăn chay cũng không nhiều chất sắt. Quý thầy có thể không bị thiếu hụt về sắt nhiều như quý cô bởi vì người nữ phải mang chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng bị mất máu gây mất sắt. Khi mệt mỏi hoặc khám sức khỏe nếu thiếu máu nên yêu cầu bác sĩ kiểm tra sắt, folate và vitamin B12. Nếu không thể kiểm tra có thể uống viên sắt mỗi ngày trong khi hành kinh và ba lần mỗi tuần. Tôi khuyên nên kiểm tra lượng sắt vì nếu lượng sắt quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và các cơ quan khác.

Với những tăng ni bị suy nhược, quý vị có thể cúng các loại thuốc bổ tổng hợp multivitamin, hoặc nếu đau nhức có thể cúng canxi +vitamin D, glucosamine đều được. Tuy nhiên, quý tăng ni nên kiểm tra xét nghiệm sức khỏe định kỳ

4. Omega 3 chay thay cho viên dầu cá

Vì quý tăng ni bệnh tim mạch và lượng mỡ trong máu, hàm lượng triglyceride khá cao do sử dụng tinh bột nên cần sử dụng viên Omega 3. Rất nhiều các sản phẩm Omega 3 là chiết xuất từ các loại cá, dầu cá hồi hoặc tổng hợp. Nhiều khi chúng ta không để ý khi cúng, sử dụng cũng không sao. Tuy nhiên, vì quý tăng ni ăn chay tu hành, quý vị nên chọn cúng loại Omega 3 chay như là từ hạt lanh Flaxseed Oil. Bơ hay các loại hạt điều, óc chó, hạnh nhân, đậu, hạt chia, bí đao đều có rất nhiều Omega 3.

5. Cúng tịnh tài thay cho y áo, vải, khăn, kem đánh răng

Thường trong các lễ cúng trai tăng, ngoài cúng tịnh tài đều có một món quà khác như dâng y, các đồ dùng khác như vải, kem đánh răng, bàn chải đánh răng, tập viết để làm quà, vừa nhìn trang trọng, đẹp mắt. Trên mạng tôi thường thấy có rất nhiều bạn kêu gọi hùn phước dâng y, từ vài chục, thậm chí vài trăm y cho các trường hạ. Mùa an cư kiết hạ thì không thể nào thiếu việc dâng y.

Nếu ở các chùa ít cúng trai tăng hay thiếu kém, điều này là hợp lý. Tuy nhiên, ở các chùa hay các nơi thường xuyên cúng trai tăng dâng y, những vật dụng này trở nên thừa. Có vị nói với tôi sau mùa an cư không biết mang đi đâu để tặng bớt vải vóc, các vật dụng khác nêu trên vì cả chùa ai cũng thừa đầy, có khi tặng lại cho Phật tử. Tuy nhiên, vải y của người xuất gia không biết mang đi đâu ngoài tặng cho các chùa ở xa hay nghèo. Chưa kể hiện nay, vải vóc rất tốt, đâu dễ hư rách như ngày xưa.

Ngày xưa khi thấy các cô trên núi không có vải y tốt, lại thường xuyên lao động nên tôi phát tâm cúng y hàng năm mà không hỏi ý. Tuy nhiên chừng hai ba năm, tôi thật sự không biết liệu các cô có thật sự cần y áo không nên hỏi trực tiếp. Các cô đều bảo rằng thiếu nhất là không có tịnh tài để có thể chi dùng cho cuộc sống, khám chữa bệnh chứ y áo không thiếu vì không hư. Tôi cũng nghĩ vậy và từ đó chỉ cúng tịnh tài, dù không nhiều nhưng tôi nghĩ đó là thực tế hơn.

Vì vậy tôi nghĩ quý vị khi phát tâm cúng gì cho chùa nên tìm hiểu hoặc hỏi xem quý tăng ni cần gì để cúng như thế cả hai đều vui hơn chỉ cúng thứ mình cần cúng gây dư thừa không uổng phí vô cùng. Có thể tôi hơi thực tế nhưng có lẽ cúng tịnh tài, các loại thực phẩm thuốc men cần thiết là dễ sử dụng và tốt nhất vì rất nhiều quý tăng ni hiện nay bị bệnh nhưng không có tịnh tài để chữa bệnh hay mua thực phẩm ăn uống giữ sức khỏe.

6. Nên xem lại việc cúng quá nhiều kinh sách, tranh, tượng, băng đĩa

Là Phật tử luôn được giảng dạy hay đọc sách chỉ dẫn cúng dường kinh sách băng đĩa, hay cúng dường pháp công đức vô lượng. Tôi nghĩ thời Đức Phật ngày xưa việc in chép ấn tống kinh sách quá khó khăn nên rất cần những người phát tâm ấn tống. Tuy nhiên hiện nay, chỉ cần lên mạng không thiếu thứ gì. Kinh sách đều có đầy hết các cửa hàng, nhà sách. Tượng Phật, pháp bảo mọi chủng loại của nhiều nước đầy khắp không thiếu gì cả. Có nơi phát miễn phí rất nhiều băng đĩa, Phật tử mang về để ở nhà không buồn mở ra hay pháp bảo đầy nhà không chỗ chứa.

Trừ ở các vùng sâu, vùng xa hay một số người nghèo thiếu khả năng có thể cần thêm pháp bảo. Tôi nghĩ hiện nay pháp bảo đến dư thừa. Mùa an cư Phật tử hăm hở làm phát tặng hàng ngàn, hàng chục ngàn tượng Phật lớn nhỏ, kinh sách in ấn đến đầy xe chở khắp các chùa dù chùa không có chỗ chứa. Tất cả đều ở sự thành tâm. Có quý vị tăng ni còn nói với tôi mới cản hôm trước hôm sau đã có cả một xe kinh sách, phát tặng Phật tử rồi lâu lâu Phật tử mang trở lại cúng chùa rất buồn cười.

Tôi nghĩ nếu được chúng ta cũng nên tìm hiểu nơi chùa, đạo tràng, trường Phật học mình muốn đến cúng hiện đang cần gì, có thiếu kinh sách gì thay cho việc chúng ta chỉ cúng những gì chúng ta muốn trong khi nhu cầu của chùa không có. Thay vào đó, tiền để ấn tống pháp bảo tượng không cần thiết chúng ta cũng có thể góp với chùa để chỉnh trang nhà ăn, nhà vệ sinh được sạch sẽ, thay thế chén bát, xoong chảo nấu nướng ở chùa, sửa chữa bàn ghế hư hỏng, hùn phước cho các vị tăng ni khám chữa bệnh, xét nghiệm, giữ sức khỏe sẽ thiết thực hữu hiệu hơn.

Nếu quý vị thích cúng sách, pháp bảo, quý vị có thể cúng dường hay làm thêm những sách Phật giáo cho trẻ em, tặng cho các cháu nhỏ, xây dựng thư viện kinh sách, phòng đọc sách ở chùa để các Phật tử, kể cả các cháu nhỏ đều có nơi tìm đến nghiên cứu, học hỏi.

Cúng dường tam bảo là một việc làm cao đẹp và là bổn phận của Phật tử để đắp bồi dựng xây tam bảo. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên tùy theo hoàn cảnh, thời thế, tùy theo nhu cầu thiết yếu của từng chùa để phương tiện cúng dường cho hợp lý và hiệu quả để những vật lực và sức lực của mình được sử dụng trong sự hoan hỷ, vui vẻ, tránh lãng phí dư thừa. Nếu chúng ta cúng dường đúng đắn, nhất là các vật thực hằng ngày sẽ giúp bảo vệ sức khỏe cho quý tăng ni, tránh thêm nhiều vấn đề và chi phí phát sinh về sau càng thêm sầu khổ.

Cầu chúc cho tất cả các bạn cùng gia đình thêm nhiều phước duyên, tinh tấn tu hành, mãi luôn khỏe an. Nguyện cầu cho tất cả quý tăng ni một mùa an cư kiết hạ đầy hùng lực tu hành để thêm một tuôi hạ viên mãn.

Ngọc Hằng



Có 1 phản hồi đến “Nên Thay Đổi Cách Cúng Dường Để Bảo Vệ Sức Khỏe Cho Tăng Ni”

  1. Lan Hương đã nói

    Dạ em hoàn toàn đồng ý với chị. Chúng ta nên cúng những thứ cần thiết cho chùa và đừng cúng thực phẩm xấu cho chùa mang tội

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com