VẤN: A Di Đà Phật, thưa Sư! Gia đình chúng con quy y Tam bảo tại Quan Âm tu viện cho đến nay là 03 năm, 04 tháng, 9 ngày. Hằng đêm sau những giờ lao động, chúng con phát nguyện chuyên tu, chuyên trì khóa lễ Tịnh độ và dành 20 phút niệm Phật vào lúc 22 giờ theo lời Sư hướng dẫn.Ngoài ra, chúng con còn có thời điểm lễ bái 12 câu nguyện của Đức Bồ tát Quan Âm vào lúc 5 giờ sáng. Tất cả những công đức tu hành trên có làm cho gia đình, thân bằng quyến thuộc an lạc không, có ảnh hưởng đến mọi người trong gia đình và cộng đồng xã hội không, xin Sư từ bi hoan hỷ giảng giải?

ĐÁP:Đạo là quý ở tâm, khởi tâm quy y thì đạo niệm thành tựu, đạo niệm thành tựu thì ngoại cảnh bớt chi phối nội tâm, từ lực Phật, Bồ tát ngày càng tỏ sáng chiếu diệu. Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý từ đó giãm nhiệt, những sự việc và các hoạt động thế gian giãm căng thẳng. Lý giải thoát của nhà Phật chính là đây.

Sự giảm nhiệt của lục căn làm cho người cư sĩ tuy ở tại gia, thực tập tu hành ít nhưng “từ lực” Phật luôn chiếu diệu sáng soi tâm địa trong từng thành viên gia đình. Mỗi thành viên gia đình tiếp nhận được “từ lực” Phật như thế thì chỉ có xuất hiện tấm lòng tốt, lòng quảng đại, lòng hỷ xả, lòng đại từ, đại bi của giáo lý Phật xuất hiện. Một Phật, nhiều Phật xuất hiện trên thế gian từ đây, từ đó những cao ngạo, những hận thù, những ngã mạn tự nhiên tiêu pha.

Sự giảm nhiệt xuất phát từ lòng thành tín của người con Phật, sẽ làm cho môi trường gia đình êm ấm, hạnh phúc, mỗi người đều có sự thay đổi về lối sống nội tâm của chính mình, lục căn thu thúc, lục trần không quấy nhiễu, lục thức sạch trong, tâm địa không còn động loạn, tham sân si, sự hung hãn không còn thích ứng, trí tuệ tuyệt vời của từng thành viên xuất hiện, làm việc gì cũng thành công tốt đẹp, không phải váy lạy bao phen. Đáp ứng nhu cầu khát ngưỡng vì niềm tin của gia đình đối với Đức Phật càng ngày nhân lên và vang động trong cộng đồng, góp phần vào sự ổn định bản thân, gia đình, xã hội, khu phố, xóm làng.

Một ý thức mới vừa nảy sanh, cũng chính là thời cơ nghênh đón giáo lý Phật đến với gia đình, một nét đẹp văn hóa đến với quyến thuộc, một sự văn minh tiến bộ đến với từng thành viên gia đình, cởi bỏ những nề nếp sống cũ, nếp sống có mạnh hiếp yếu (giết vật nuôi thân), nếp sống không bình an trong cuộc thăng trầm sanh tử luân hồi (giàu ân ái); vất đi những lời nói không thật, chuyện có nói không, chuyên không nói có, bịa đặt đủ điều vu khống những điều xấu mọi người khác, khoe tốt cho riêng mình, kiến tạo cho khẩu nghiệp có sức thu hút con người, đem lại tình thâm giao giữa con người và con người, sự trầm lắng trong mọi sự giao động trong cuộc đời, giúp cho con người không còn hoang mang sợ hãi bởi những lới nói không thật, do nóng giận gây nên, do oán thù rồi bịa đặt nói xấu người khác đủ điều cho hả dạ, làm khổ đau lẫn nhau (không nói dối, khoe khoang, đâm thọc, rũa sả)

Quy y Tam bảo thọ trì ngũ giới cấm, sẽ xây dựng một gia đình hoàn hảo, không còn bạo lực, không có đấu tranh, thù hằn sân hận, không còn có những sự đấm đá bằng ngôn ngữ, bằng tay chân, không còn có những lòng oán hận vô cớ với tha nhân. Một người có quy y Tam bảo, thọ trì ngũ giới cấm thật sự với lòng thành tín tha thiết cũng là “người con Phật” luôn có lòng từ, nên khi thốt lên lời nói như trăm hoa đua nở, chào đón vạn xuân, chúa xuân lại về với niềm vui tươi trong nhân thế, cùng chia sẻ cho nhau những ngọt bùi cay đắng…đồng chấp nhận những sự cố ngoài ý muốn, không có những bất đồng ý kiến vô cớ. Cuộc đời của con người và bất cứ ở tầng lớp xã hội nào, lúc nào cũng muốn cho mình có một chấm son khi kết thúc, cho nên với nét đẹp hào hoa, đạo hạnh khiêm cung của người con Phật, lúc nào cũng sẳn sàng phụng sự cho nhau giữa con người và con người, giữa mình và tha nhân đồng giải thoát những thăng trầm khổ đau sanh tử luân hồi theo hành trình nhân duyên quả.

Trong khoản cách cuộc đời, không có nhân nào là không tốt, vì trong cuộc đời luôn lúc nào cũng có những người tốt, mọi người tốt, đồng thời ai cũng muốn làm tốt, ai cũng có những tư chất thánh thiện của mình, ai cũng có danh dự, ai cũng có giá trị tương đối dĩ đồng. Theo lời Đức Phật dạy “tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”, Phật tánh đó chính là chủ nhân của chính mình và cuộc đời không xa lạ lắm; vì vậy tốt hay xấu cũng xuất phát từ ta, ta gieo nhiều nhân tốt, kết hợp nhiều nhân tố tốt, sẽ tựu thành những quả tốt và ngược lại thì như thế. Cho nên trong quá trình trau giồi trí tánh, tu thân, người Phật tử quy y Tam bảo nên thận trọng về quả báo, về giới luật, giữ gìn giới luật cho nghiêm minh trong lúc làm việc, trong khi xử thế, giữ gìn thân khẩu ý cho thanh bạch, buông bỏ những gút mắt trong nội tâm vốn không có, tránh những ác ý với mọi người, xả bỏ những ý nghĩ vu vơ, buông thư thân xác cho những độc tố nội tạng trong sạch và lần hồi tâm tánh thay đổi những xấu ác trở thành thánh thiện, sự an lạc không còn xa lạ với người con Phật. Lúc bấy giờ dù ta có muốn làm ác, nghĩ ác, nói ác các ác cũng không sanh khởi, chẳng những thế mà còn làm cho ta được nhẹ nhàng thân tâm trong hành trình hướng về cố hương tịnh lạc. Làm con Phật bao giờ và lúc nào cũng niệm tưởng, cũng muốn xây dựng cái tốt, nói lời nói tốt, khởi tâm thanh tịnh với mọi người.

Thế giới ta bà là thế giới mộng huyển, cuộc sống của con người luôn luôn có sự nhờ vả, tương thân tương trợ lẫn nhau và rất là vô thường. Hành trình về cố hương là một bước ngoặc, chúng ta cùng tạm dừng chân nơi đây, tạm ghé nhà bà quán xin uống một ngụm nước, nghỉ một đêm rồi sáng hôm sau ta cùng mọi người đều cất bước lên dường về cố quán; chậm một bước sẽ sẩy chân không còn kịp chuyến đò qua bên kia bờ giải thoát sanh tử luân hồi, nên cuộc sống chung trong thế giới nầy không có gì phải bận lòng với nhau, hứa hẹn với nhau điều nào cả.

Sự an vui lúc nào cũng hiện diện trong nội tại chúng sanh, luôn xuất phát từ nội tâm của con người, sở dĩ ta không có là vì đánh mất, khi tìm lại không được thì cau có nóng giận, càng nóng giận càng mất sự an vui, khó tìm lại được. Sự nóng giận có mặt thì tất cả những lời nói thô, cộc cằn, cư xử với nhau thiếu lịch sự, ân oán thù hằn, ghen ghét, xu nịnh, oan khiên trái chủ v.v... cũng đều có mặt trong nội tâm và ngày càng nhân rộng, do vậy mà bất ổn pháp giới, nhân sanh cấu xé lẫn nhau, xáo trộn cộng đồng. Người con Phật cần học những pháp hỷ xả, tha thứ những lỗi lầm của bạn bè, tránh những sự nóng giận không có cơ sở làm mất đi nhân cách chính mình, huống chi đối với người vô can với mình lại đi mạt sát, mạ lỵ, bịa đặt và vu khống cho hả cơn nóng giận, mất rồi đạo tình đạo nghĩa của thế nhân.

Công trình “làm người con Phật” là nên học hỏi và thực hành pháp kiên tâm trì chí, nêu cao chí nhẫn nại, nhẫn nại cũng chính là khổ hạnh, nhẫn nại có mặt thì vượt qua nạn tai, sự ô nhục được hóa giải, không có những pháp đối đãi như trên, kiến tạo một môi trường trong lành, bảo đãm cho sự an sinh an toàn trong xã hội và cuộc sống hiện hữu của chúng ta.

Tất cả những pháp học Sư đã trình bày, Phật tử tinh tấn mà hành trì như thế thật quý báu. Nhận thấy Phật tử rất tinh chuyên tu hành tại gia thật là tuyệt vời và nhất định từ lực Phật, Bồ tát sẽ hộ trì.

Sự hành trì công phu tu tập của Phật tử chính là kết quả bước đầu, việc công phu tu tập ấy tạo cho Phật pháp có mặt trong gia đình, Phật pháp có mặt chính là Đức Phật hiện hữu, sự an lạc luôn đến với gia đình, từng thành viên trong gia đình, đến ông bà cha mẹ tại tiền, xa hơn nữa là cửu huyền thất tổ ông bà cha mẹ quá thế nhiều đời cũng được âm hưởng năng lượng công đức, tiêu diêu nơi miền an lạc. Sự công phu tu tập thực sự tạo một năng lượng thánh thiện ban đầu xuất hiện gần, và lần lần ảnh hưởng xa dần trong thân bằng lục thân quyến thuộc, rồi đến thôn lân hàng xóm láng giềng, làm cho xã hội trong lành, góp phần kiến tạo một đời sống tinh thần văn hóa mới trên địa bàn dân cư.

Đức Phật lúc nào cũng hiện diện trong thế giới của chúng ta.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Thành Tâm Niệm Phật Tu Hành Có Giúp Chuyển Nghiệp Cho Gia Đình Và Xã Hội Không?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com