VẤN: Hiện nay, tranh ảnh sách báo về Phật giáo rất phổ biến và con thường mua về để xem. Tuy nhiên, khi xem xong rồi con không biết phải xử lý như thế nào. Với sách báo thông thường con có thể mang đi bán ve chai hay để dùng lại nhưng với những sách báo, kể cả rất nhiều những quyển kinh đã hư cũ con không biết xử lý thế nào? Nếu mang ra sọt rác hay đi bán vẻ chai thì con sợ mang tội bất kính, có lỗi với tam bảo. Rồi kể cả những bó nhang đều có ảnh Phật con lấy nhang ra nhưng không biết xử lý ảnh Phật thế nào. Nhiều người khuyên con đốt đi nhưng con không dám làm. Vả lại con cảm thấy thật là hoang phí và làm ô nhiễm môi trường nếu mình mang hết sách báo như thế đốt đi. Con nghĩ nếu để tái sinh giấy lại thì có ích cho môi trường, cây cối không bị chặt phá. Tuy nhiên, làm như vậy mọi người bảo là con xem sách báo Phật giáo như một thứ rác, báo chí bình thường? Con hoang mang không biết xử lý làm sao, xin Sư từ bi chỉ dạy.
ĐÁP: Trong kinh Pháp Hoa phẩm Pháp Sư Công Đức, Phật dạy: “Công đức người trì kinh, truyền bá để khiến cho sức sống Pháp Hoa đó được tiếp nối không gián đoạn, thì người đó sẽ được công đức gì? Trong đây nói sẽ được sáu căn thanh tịnh. Tức là chỗ thấy nghe hiểu biết của mình đây đều luôn luôn sáng ngời, không gián đoạn, không bị sáu trần làm ngăn che lấp mất, chính chỗ đó là chỗ bảo nhậm Pháp Hoa hay là chỗ giữ gìn tri kiến Phật, ánh sáng Pháp Hoa thường hiển lộ nơi sáu căn.
Có được tướng này đó là công đức diệu ngộ sâu, có sức sống chân thật, không còn lui sụt nữa. Nếu người sống được chỗ này là phải một lòng tinh chuyên miên mật, không cho gián đoạn, nên Phật ở đây Ngài nói với Bồ tát Thường Tinh Tấn. Trước có phẩm Pháp sư, đây là Pháp sư công đức. Pháp sư ở trước thì giúp trợ phát cho người có tâm tín giải Pháp Hoa, phẩm Pháp sư công đức này nói thẳng kết quả hiện tiền cảm nghiệm được nơi người trì kinh, cho nên chỗ này sâu hơn
Lúc bấy giờ, Phật bảo Ngài Thường Tinh Tấn đại Bồ tát rằng: "Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhơn thọ trì kinh Pháp Hoa này, hoặc đọc, hoặc tụng, hoặc giải nói, hoặc biên chép, người đó sẽ đặng tám trăm công đức nơi mắt, một nghìn hai trăm công đức nơi tai, tám trăm công đức nơi mũi, một nghìn hai trăm công đức nơi lưỡi, tám trăm công đức nơi thân, một nghìn hai trăm công đức nơi ý, dùng những công đức này trang nghiêm sáu căn đều được thanh tịnh.
Thiện nam tử và thiện nữ nhân đó, nhục nhãn thanh tịnh của cha mẹ sinh ra, thấy khắp cõi tam thiên đại thiên, trong ngoài có những núi, rừng, sông, biển, dưới đến địa ngục A-tỳ, trên đến cõi trời Hữu Đảnh , cũng thấy tất cả chúng sanh trong đó và nghiệp nhân duyên quả báo chỗ sinh ra thảy đều thấy biết.
Như lời Phật dạy trong kinh Pháp Hoa, nói về trí năng của người thuyết giảng, trì tụng, viết kinh, tả kinh đều có công đức, trí tuệ… nhưng công đức dù nhiều hay ít cũng là công đức tuỳ hỷ truyền bá kinh Phật, nhằm để cân nhắc môn đệ của Ngài trong thời mạt pháp không nên hủy hoại xem thường kinh Phật, hoặc đốt chùa, đốt Phật, đốt kinh, phá hoại Phật Pháp...
Người Phật tử xưa, cách nay từ 50 đến 80 năm, thường nhặt hình Phật, giấy kinh, giấy chữ nho, chữ Việt suy nghĩ là chữ kinh bị vất bỏ những nơi nhơ uế, ngoài đường sá, đống rác đem thiêu hóa ở một nơi nào tinh khiết…việc làm tuy không là gì cả nhưng công đức vô biên đó các Bạn. Ở các chùa Việt Nam hay ở Quan Âm tu viện, các chùa lớn thường có tổ chức cho một ít Nhà Sư chuyên phục hồi kinh sách cũ, làm lại cho tươm tất, bắt mắt người đọc, thật công đức vô biên.
Tại các quốc gia trên thế giới, mỗi nơi đều có Viện Bảo Tàng, Thư Viện cổ là nơi trưng bày đồ cổ, những di tích văn hóa sử, sách cũ… Người thế gian còn biết quý trọng sản vật cổ, huống chi chúng ta là đệ tử Phật không quý trong kinh sách Phật hay sao?
Tuy nhiên ở phần giải đáp câu thứ nhất, Sư đã giúp cho các Bạn xử lý tượng cốt Phật hư bể rồi! Đối với kinh sách Phật cũ rách các Bạn cũng có thể đem vào tự viện gần nhất, như ở Quan Âm tu viện đáp ứng, Bạn nhờ chư Tăng ni giúp đỡ phụng thờ trong pháp tháp, hang điện, hoặc thiêu hóa.
Chắc chắn các Bạn sẽ an tâm. Việc xử lý sách báo Phật pháp hiện nay là việc làm rất là hờ hửng với Phật Pháp, không phải là việc làm của người tu sĩ biết tôn kính Phật pháp, là việc làm của người phàm phu, Sư không có ý kiến, để các Bạn tự giác.
HT Thích Giác Quang