VẤN: Con có đọc một bài viết của một tác giả chuyên viết về Tịnh Độ, khuyên mọi người Niêm Phật như sau :"Trong kinh Phật dạy, một thần thức trải qua một cuộc cách ấm là tất cả công phu tu hành dang dở đều bị xoá sạch. Qua một đời khác phải làm lại từ đầu. Thiện căn phước đức dù có nhiều đi nữa, nhưng không gặp cơ duyên cũng đành tan tành theo mây khói" Con muốn hỏi câu nói này nằm trong kinh nào? Con muốn tìm hiểu vì điều này hoàn toàn mới lạ với con. Từ trước đến giờ con cứ nghĩ kiếp này mình ráng tu để quyết lòng về Tây Phương nhưng nếu sức tu của con còn kém, nghiệp chướng quá nhiều, chỉ biết cố gắng hết sức, nếu không được thì kiếp sau mình lại tiếp tục tu tiếp. Nào ngờ khi đọc thông tin này bảo tất cả các công phu tu tập đều bị xóa sạch khi sang kiếp khác. Con hiểu như vậy có đúng không? Con thật sự hoang mang. Xin Sư từ bi chỉ dạy.
ĐÁP: Trong kinh A Di Đà lược giải của Tổ sư Trí Húc Linh Phong, do Bồ tát giới Tuệ Nhuận biên dịch có lý giải như sau: “Đó là nói về ý nghĩa bất thối, khuyến giáo tu hành đến viên mãn, không tu lưng chừng, cho lấy có. Nếu tu lưng chừng, tái sanh kiếp sau tất cả các công phu tu tập đều bị xóa sạch…”
Bất thối có tác dụng gì? - Chính là niệm Phật vãng sanh; được vãng sanh thì có thể được bất thối chuyển. Tu các pháp môn khác đều không được an toàn lắm, vì không có bảo đảm. Giống như trì chú, trì được mấy năm, cảm thấy không có thành tựu gì rồi thôi không trì nữa; đó là thối lui đấy. Hoặc giả bạn niệm Phật đã mấy năm, cảm thấy không có tiến bộ chi, lại lui sụt đi. Hoặc giả đời này không lui sụt mà đời sau lại lui sụt. Đời này rất tinh tấn niệm kinh, trì chú, nhưng chưa thành công, đến đời sau lại không tinh tấn mà bỏ xuôi đi. Tại sao thế? - Bởi vì "Bồ-tát còn mê khi cách ấm, Thanh văn còn muội lúc ra thai", đừng nói chi đến phàm phu. Bậc Thanh văn một khi trụ thai cũng có thể quên mất thần thông đã có. Bồ-tát một khi đầu thai cũng còn bị mê đi, nếu gặp được thiện tri thức chỉ điểm cho phương pháp tu hành bèn có thể khai ngộ; nếu không gặp được thiện tri thức chỉ điểm cho, thì đời này sẽ bị lui sụt, đời sau càng lui sụt thêm nữa, sẽ không dễ gì lại phát được tâm Bồ-đề. Nhưng nếu vãng sanh về thế giới Cực-Lạc phương Tây thì không còn bị lui sụt nữa, chỉ có một mực tiến tới thôi, có thể đến được bốn thứ bất thối: Vị bất thối, Hạnh bất thối, Niệm bất thối và Cứu cánh bất thối.
Lời giảng của vị Thầy, đúng vì “bậc Thanh văn còn muội lúc ra thai, bậc Bồ tát còn mê khi cách ấm” bậc Thanh văn phát chí tu hành, Bồ tát phát nguyện độ đời, lúc mang thân tứ đại còn phải sợ mình bị mất chánh niệm huống chi phàm phu tu Phật như chúng ta làm sao tránh khỏi những giấc mộng kê vàng, quên mất kiếp trước làm sao bàn được việc có tu hay không tu.
“…kiếp này mình ráng tu để quyết lòng về Tây Phương nhưng nếu sức tu của con còn kém, nghiệp chướng quá nhiều, chỉ biết cố gắng hết sức, nếu không được thì kiếp sau mình lại tiếp tục tu tiếp…”
Câu nói trên dành cho những người tu hành lơ mơ, nay vầy mai khác, đôi khi có quyết tâm nhưng không có chí hướng thượng. Người tu Phật phải có quyết tâm, hướng thượng là tín tâm, phát nguyện và thực hành tinh chuyên, không nên tu hành cầm chừng. Trong pháp môn tu tịnh độ khuyến giáo một đời quyết tâm chính niệm để được vãng sanh; Tổ sư Tế Tĩnh khuyến giáo:” thật vì sanh tử phát lòng bồ đề, dùng tín sâu nguyện thiết mà chuyên trì hồng danh hiệu…”, chừng đó tâm các Bạn sẽ không trở lại thế cuộc nữa.
Các Bạn tu hành phải giữ vững ba tâm là chí thành tâm - thâm tâm - hồi hướng tâm, một đời vãng sanh thôi, chứ không trở lại thế cuộc nữa, đừng đễ lỡ làng khi vào thế cuộc phút chốc công đức tu hành trở thành mây khói, không người sách tấn, ai thấy mình cũng phải ngán ngẩm. Cụ thể, với một người tu xuất gia khi đã thối chuyển hoàn tục, có trở vào cũng tu hành chẳng bằng ai, mê lầm, mây mù che án bản tâm vốn xưa nay là chơn thật pháp, không có người kính trọng tôn vinh lần thứ hai!
HT Thích Giác Quang