VẤN: Khi Đức Phật đản-sanh, Ngài thị hiện đi 7 bước... và xướng lên rằng : " Thiên Thượng Thiên Hạ, Duy Ngã Độc Tôn ". Có sách lại chép rằng : " Thượng-Thiên Hạ Địa, Duy Ngã Độc Tôn ". Xin Sư cho con biết chữ ' Ngã " ở đây có nghĩa ra sao. Ý nghĩa của toàn bộ câu nói này của Ngài là gì? Nam Mô A-Di Đà Phật .
ĐÁP:
Trong kinh A Hàm, lúc đản sanh, Đức Phật đã nói một bài kệ bốn câu như sau và nói cho đủ như sau:
Thiên thượng thiên hạ
Duy ngã độc tôn
Nhất thiết thế gian
Sanh lão bệnh tử
Nghĩa là:
Trên trời dưới trời
Ta là trên hết
Tất cả thế gian
Sanh già bệnh chết
Người chưa học Phật pháp hay ngoại đạo hiểu chữ “ngã” là ta hay ám chỉ Đức Phật, chỉ có Đức Phật là bậc đáng được tôn sùng nhất, vì Ngài đã thoát vòng luân hồi sanh tử, còn tất cả thế gian vẫn còn bị sanh già bệnh chết khống chế. Nghĩ suy như thế có vẻ dành sự độc tôn cho Đức Phật quá, thật là tội nghiệp cho Đức Phật.
Khi nói duy ngã độc tôn không có nghĩa là người quá tự phụ, không tự xưng mình là trên hết, mà Đức Phật muốn nói đến cái ngã ở một từng cấp siêu việt hơn.
Phàm phu và ngoại đạo cho rằng ngã là chúa tể của cái thân, nó là thường trụ, trường tồn, cho nên sinh ra mê chấp, yêu mến thân mình và cái gì thuộc về mình, bênh vực cho ý tưởng của mình. Đó là ngã chấp. Thật ra đó là bản ngã hay vọng ngã, thân nầy chỉ là giả hợp. Có duyên thì tụ, hết duyên thì tan, ở phía sau năm uẩn không tìm thấy có một thực thể nào gọi là ta, cái của ta trường tồn bất biến.
Ngoại đạo thì nói cái ngã, đại ngã là duy nhất (độc tôn) chính là Phạm thiên, có quyền định đoạt cho đời sống chúng sanh và con người, cai quản con người.
Đức Phật thì không ! Ngài chỉ muốn nói đến chơn ngã, tức là cái ngã bất sanh bất diệt, cái ngã tự chủ, tự giác tự ngộ, không còn có sự kềm kẹp của thần linh, Phạm thiên ; chính ta định đoạt cho đời sống chúng ta, không ai có thể cho chúng ta giàu hay nghèo được mà chỉ có chúng ta mới định đoạt cho đời sống chúng ta mà thôi. Trong nhà Phật việc tu hành đắc đạo, ngự phục tham sân si, tiến đến niết bàn, hay không tu và sa đọa vào địa ngục cũng do chúng ta, chớ không phải Đức Phật định đoạt cho chúng ta, đấy là tính chất đặc biệt của giáo lý đức Phật từ suốt mấy ngàn năm qua đến nay vẫn còn phù hợp với loài người.
Mặc khác, chúng ta có thể hiểu câu “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” ở một ý nghĩa bình giảng khác như sau: Câu nói nhằm mang lại lợi ích cho người nghe, cho người thức tỉnh tự giác tự ngộ về giá trị làm người của họ.
Câu nói trên chúng ta có thể hiểu: Trên trời dưới trời này, đời sống của con người là có giá trị tự mình định đoạt! Hãy tìm hiểu giá trị của mình chứ đừng tìm hiểu giá trị nào nằm ngoài con người của mình, trước nhất là cần tìm giá trị nơi chính mình trước. Khi mình đã tìm thấy giá trị trí huệ nơi chính mình rồi thì hãy đem giá trị ấy để ứng dụng vào cuộc sống hiện hữu. Nếu chúng ta không hiểu được giá trị trí huệ sẳn có của chính mình thì mình sẽ bị lầm lạc trong cuộc sống.
Hiểu được câu nói trên, chúng ta không còn tự hạ thấp giá trị con người mình trong cuộc sống và cuộc sống đó do chính chúng ta định đoạt cho chúng ta, chớ không do thần linh hay Phạm thiên có thể định đoạt cho chúng ta được.
Đây cũng chính là sự suy tư cuối cùng ngày thứ 49, trước khi Đức Phật thành đạo dưới cội bồ đề Gaya, có hiệu là Thích Ca Mâu Ni.
HT Thích Giác Quang