Lời giới thiệu.
Bác sĩ Quách Huệ Trân là một bác sĩ chuyên khoa ung thư, bà rất nhiệt thành và tận tâm trong công việc. Lòng từ bi và thuần thành của bà không những đã đem lại sự khích lệ to lớn cho bịnh nhân mà còn cảnh giác những người khỏe mạnh, làm cho nhiều người phát tâm học Phật và niệm Phật. Sau đây là bài nói chuyện với các bạn học ở Huệ Trí Phật Học Xã của Ðại học Trung Nguyên, nội dung rất phong phú cảm động. Tuy là đang bị bịnh ung thư trầm trọng, bác sĩ Trân vẫn ráng chịu đau và dùng lòng tín nguyện niệm Phật vô cùng kiên cố của mình lên giảng đài thuyết pháp; khi tuyên bố bị bịnh bà nói: ‘Bây giờ vừa đúng lúc để tôi nhất tâm niệm Phật và chuẩn bị vãng sanh’ (Sau lần nói chuyện này bác sĩ Trân từ chức và lên núi đi xuất gia).
Trong cuộc sống trầm luân khổ hải này, chúng ta không chịu buông xả và tham luyến tất cả những gì ‘của mình’; ai cũng đầu tắt mặt tối, bận rộn suốt cuộc đời, đến phút cuối cùng nhìn lại [chỉ là một con số không to lớn] rồi âu sầu than thở. Thưa quý vị, quý vị muốn cuộc đời của mình như thế nào? Làm sao để vượt ra khỏi sự trói buộc của luân hồi sanh tử? Chúng tôi hy vọng bài này sẽ đem nhiều tư duy và chất liệu có thể giúp quý vị tìm ra phương hướng [về quê hương] của mình!
Kính thưa quý thầy cô, kính thưa quý bạn:
Khi lên giảng đài này, tôi cảm thấy rất bối rối và xấu hổ khi nhìn thấy phía dưới phần đông đều là những người trong hàng tiền bối, bậc thầy cô của mình. Trước hết xin giải thích tại sao một người mạt học dở ẹt như tôi cũng lên giảng đài nói chuyện với quý vị? Ðây là do ảnh hưởng của một bịnh nhân cho nên tôi thường kể lại câu chuyện của bịnh nhân này và nói lên lý do người này đã giúp cho tôi hiểu được nhiều vấn đề. Chúng ta thường phải trả một giá rất đắt mới có thể hiểu được một câu nói trong kinh, nhiều khi chỉ một câu kinh thật đơn giản. Cô này mới có ba mươi mấy tuổi thì bị ung thư ruột già. Khi cô đến bịnh viện cứ khóc hoài không thôi. Lúc đó tôi mới làm bác sĩ tập sự thuộc khoa ung thư, xem bịnh lý mới biết cô đã mổ qua hai lần nhưng ung thư vẫn tái phát trở lại, đúng là vô phương cứu chữa. Cô khóc hoài nên nói không ra tiếng nữa, thiệt là không biết làm sao, muốn tìm bác sĩ để hỏi rõ bịnh trạng của mình. Hôm đó tôi hết ca trực liền đến phòng bịnh để thăm cô và cũng nhân tiện giới thiệu sơ lược một ít Phật pháp cho cô biết. Không ngờ cô nghe xong, xúc động, mở mắt thật to, nói: “Tại sao bấy lâu nay không có ai nói cho tôi biết về những chuyện này? Tại sao tôi đã sống ba mươi mấy năm đầy phiền não và đến lúc sắp lìa đời tôi mới được nghe Phật pháp?”. Tuy là chỉ có mấy câu nói thật ngắn nhưng hình như đã xoi thủng tim tôi. Sau đó cô bật khóc và làm tôi cũng khóc theo, khóc một cách rất bức rức. Lúc bấy giờ Tuyết Công lão ân sư (lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam) còn tại thế và giảng kinh vào ngày thứ tư mỗi tuần. Mỗi ngày khi làm xong việc tôi thường ở lại bịnh viện để nói chuyện và an ủi bịnh nhân, ngoại trừ ngày thứ tư vì phải đi nghe Tuyết Công giảng kinh. Cô thấy mỗi thứ tư tôi đều rất vui chuẩn bị đi nghe giảng nên nói: “Tôi cũng hy vọng có thể đi theo (nghe giảng) nhưng rất tiếc không có cơ hội”. Tôi đáp: “Trong tương lai cô cũng sẽ có dịp đi được”. Cuối cùng cô cũng đã được đi nghe kinh, lúc đến giảng đường Hoa Nghiêm ở thư viện Từ Quang tôi thấy cô ngồi ở vài hàng ghế phía trước. Nhưng đến nửa buổi giảng cô vừa ôm bụng vừa khóc và đi về, bịnh tình của cô biến chứng nặng nên cô đau quá không thể tiếp tục nghe kinh. Lúc đó tôi chợt hiểu được một câu trong bài khai kinh kệ:
‘Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp.
Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ.
Ngã kim kiến văn đắc thọ trì.
Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa’.
Vì ảnh hưởng của cô nên từ hôm đó trở đi tôi không ngại sự hiểu biết còn thô thiển của mình, luôn luôn cố gắng, tích cực hơn, và muốn mau mau giới thiệu cho mọi người những điều trọng yếu trong Phật pháp [mà mình hiểu được], nói cho đại chúng biết những sự hạnh phúc mà Phật pháp có thể đem lại cho mọi người. Hạnh phúc này tiền tài mua không được, kẻ ăn trộm cũng không thể lấy mất. Trong bất cứ trường hợp và cảnh giới nào và không kể người ta dùng quan niệm ‘phước’ hay ‘họa’ trong thế gian để đo lường những cảm nhận hạnh phúc này, trong nội tâm của chúng ta đều luôn luôn đầy đủ sự an tịnh, hạnh phúc, và tươi sáng.
Tôi hỏi các vị đạo hữu ở Phật học xã nghiên cứu đề mục hay kinh điển gì trong khóa học này, bác Hứa trả lời là đang thảo luận ‘Kinh Bát Ðại Nhân Giác’. Chắc ai cũng đã xem qua kinh này và có thể đã học thuộc lòng rồi. Ðiều giác ngộ thứ nhất là:
‘Thế gian vô thường, quốc độ mong manh, tứ đại khổ không, năm ấm vô ngã, sanh diệt đổi dời, hư ngụy không chủ…’.
Tuy là biết thuộc lòng nhưng phần đông chúng ta không tin như vậy. Tuy Phật nói thế gian là khổ, là vô thường, nhưng bạn lại cảm thấy nhân gian rất vui sướng! Mỗi sáng thức dậy ăn bánh uống cà phê, …, ngước mắt nhìn lên, ôi chao trời trong mây trắng, đời sao mà sung sướng thế! Nếu được vậy thì cũng thường thôi, nhưng những lúc như vậy trôi qua rất nhanh. Giả sử một lúc nào đó, chuyện khó khăn thử thách thình lình xảy ra, khi đó bạn sẽ không thấy trời trong mây trắng, không thấy trăm hoa đua nở, trong lòng của bạn sẽ không còn cảm thấy vui sướng nữa. Ở đây tôi xin kể một vài câu chuyện thật mà tôi đã gặp khi làm việc ở bịnh viện. Trong những câu chuyện này, mỗi bịnh nhân đều là giáo sư của tôi, mỗi người đều kể cho tôi một đạo lý mà đức Phật đã nói trong kinh điển, họ ấn chứng (chứng minh) những điều Phật dạy, họ làm cho tôi hết lòng tin tưởng lời Phật nói và tin đức Phật là ‘người nói lời chân thật, không bao giờ nói dối’.
Có nhiều bịnh nhân hỏi tôi: “Bác sĩ năm nay bao nhiêu tuổi?”.
Tôi trả lời: “Ba mươi hai tuổi”.
Lại hỏi: “Bác sĩ lập gia đình chưa? Tôi làm mai cho”.
Tôi liền hỏi họ: “Cuộc sống của bà rất sung sướng phải không?”
Thật kỳ lạ không có một người nào đáp là ‘phải’ hết! Cho đến một hôm tôi gặp một bịnh nhân bị ung thư cổ tử cung, mỗi lần đến khám bịnh đều trang điểm thiệt là đẹp, thoa môi son thiệt đỏ, móng tay chân đều có sơn màu rất đẹp. Khám bịnh xong bà muốn làm mai cho tôi. Bà nói:
“Cháu tôi làm việc ở bịnh viện Quốc Thái, người rất lịch sự đàng hoàng”.
Tôi hỏi bà: “Bà thiệt là rất sung sướng phải không?”
Bà nói: “Phải, chồng tôi đối xử rất tốt; con cái rất có hiếu, nhà cửa rất sung túc”.
Như vậy thật là sung sướng, xin chúc mừng cho bà. Bà là người duy nhất nói mình có hạnh phúc, thiệt là mừng giùm bà. Tại vì khi bịnh nhân bước chân vào bịnh viện thì thường khóc và than:
“Bác sĩ không biết đâu, tôi phải mượn tiền của người ta để lại đây khám bịnh, con cái không vui chút nào”;
Hoặc là: “Ôi chao lúc về nhà không ai đếm xỉa tới; mang bịnh lâu quá rồi người ta không chịu chăm sóc nữa”.
Cũng không ai thăm hỏi: “Thưa ba ăn cơm chưa?”.
Hoặc là: “Từ lúc tôi mắc bịnh này, chồng tôi bỏ đi luôn”.
Phần lớn là thuộc vào loại này, tình tiết không giống nhau nhưng nội dung hoàn toàn tương tợ; chỉ có bà này thiệt là may mắn có được hạnh phúc. Nhưng qua một thời gian ngắn sau đó, y tá coi báo ngạc nhiên nói bà đó đã tự tử. Cô y tá nói: “Trong báo đăng tin bà được vớt lên từ bờ sông ở ….Bà bỏ nhà ra đi hết năm ngày, sau đó thì tự tử”.
Tôi hỏi: “Bà đó rất sung sướng, rất hạnh phúc, sao lại tự tử?”.
Thưa quý vị, chúng ta thử nghĩ xem tại sao lúc đó niềm thương yêu của chồng không thay đổi được tâm niệm muốn tự tử của bà? Tại sao sự hiếu thảo của con cái cũng không kéo bà lại được? Tại sao tiền bạc không mua được sự an ổn của tinh thần? Chồng thương yêu cho mấy và con cái hiếu thảo đến đâu cũng không thay thế được sự đau đớn trên thân thể của bà. Một người đàn bà xinh đẹp như thế tại sao lại phải trốn khỏi nhà đi lang thang rồi cuối cùng phải nhảy vào dòng nước đen tối? Có lẽ vì trước đó bà cảm thấy cuộc đời quá xinh đẹp, chưa nếm qua mùi vị của sự khổ, bà chưa biết qua: ‘thế gian vô thường, quốc độ mong manh’, cho nên trong tâm không có chuẩn bị tâm lý, gặp chuyện thử thách trong đời chịu không nổi, không có ‘chích ngừa’ để phòng bị, không có khả năng đề kháng, chịu đựng khổ không được nên mới tự tử. Tôi rất hối hận trước đó không giới thiệu Phật pháp để cho bà thay đổi quan niệm và hướng về quang minh, hướng về Di Ðà. Những sự khổ này có lẽ mọi người sẽ nghĩ: ‘Ðó chỉ là thiểu số, người tự tử rất ít’. Thiệt ra người tự tử rất nhiều, tôi làm việc trong khoa ung thư, nếu có ngày nào không gặp bịnh nhân muốn tự tử thì ngày đó phải được kể là ngày rất tốt, rất hiếm! Thiệt đó, mỗi ngày tôi thường nghe câu: ‘Tôi nên chết sớm thì tốt hơn’. Khi người ta cầu mong khỏe mạnh và sự quan tâm chăm sóc mà không được toại nguyện thì thường thường sẽ tự sát. Ban đêm trong bịnh viện tôi thường phải đi giải quyết những chuyện tự tử này. Không phải là họ cố ý không muốn sống nhưng bị bịnh đau khổ quá nên không biết cách nào để chịu đựng nữa.
Ngoài ra còn có người cầu sanh không được cầu chết cũng không xong, nằm trên giường bệnh rên siết. Có một người bịnh nguyên phần phía dưới bụng bị ung thư lở loét ra hết, bác sĩ phải mổ và làm một cái hậu môn tạm trên bụng, nhưng không cách nào trị lành được. Chất bài tiết trong ruột rỉ thẳng ra. Phòng của người này ở lầu ba, từ lầu hai đã nghe mùi hôi bay đến. Không phải người này có gì đặc biệt nhưng bất cứ ai trong chúng ta khi gặp phải trường hợp này đều như vậy. Khi con bà săn sóc cho mẹ bất đắc dĩ phải dùng một miếng vải để bịt miệng và mũi lại. Mỗi ngày bà đều muốn tự tử nhưng chưa gặp cơ hội. Một hôm nhân dịp con bà đi ra chợ mua đồ ăn sáng, bà rán hết sức mình ngồi dậy, leo qua cửa sổ từ lầu ba của bịnh viện nhảy xuống. Vừa đúng lúc đó người con về đến, nhìn thấy mau mau chạy tới để đỡ bà. Kết cục bà nhảy xuống không chết mà còn bị thương. Vốn là đã quá đau khổ bây giờ còn bị thương thêm, mỗi ngày đau đớn không thể nào diễn tả được, cầu sanh không được, cầu tử cũng không xong; mạng chưa hết tự tử cũng không chết. Cho dù tự tử chết đi rồi, vĩnh viễn trầm luân trong lục đạo luân hồi, sự khổ não vô tận lại tái diễn trở lại!
Nhà thơ Rabindranath Tagore có nói:
‘Sanh thời lệ tợ hạ hoa, tử thời mỹ như thu nguyệt’
(Lúc sống đẹp như hoa mùa hạ, lúc chết đẹp như trăng mùa thu).
Bạn muốn sống đẹp như hoa mùa hạ có lẽ cũng không khó lắm; nhưng muốn chết đẹp như trăng mùa thu thì phải ra sức chuẩn bị công phu mới được! Lắm lúc có nhiều người phê bình những người học theo Phật và nói: “Ôi chao, sao quý vị ưa nói chuyện ‘chết’, ưa nói chuyện ‘lâm chung’ quá, hình như đã xem thường cả cuộc đời. Trong cuộc sống có rất nhiều chuyện phải làm, đặc biệt là những người tu theo Tịnh độ như quý vị, ngày ngày cứ niệm ‘A Di Ðà Phật’, chuẩn bị để vãng sanh Tây phương, thật là quá tiêu cực”. Thật ra cuộc sống chúng ta giống như quá trình vẽ một con rồng, mỗi nét vẽ mỗi màu sắc đều rất quan trọng. Lúc lâm chung cũng như nét vẽ cuối cùng vào mắt rồng. Lúc sanh lúc tử đều rất quan trọng, không có nét vẽ nào có thể cẩu thả được. Niệm Phật là tâm niệm tối thiện nhất, tích cực làm cho lúc sống và lúc chết đều là chí thiện chí mỹ (tốt đẹp nhất).
Nói chuyện từ nãy đến giờ nhưng chưa nói vào đề tài chính hôm nay: ‘Lắng nghe bài ca bên sông Hằng’. Mấy năm trước tôi có dịp đi qua Ấn độ và ngồi thuyền đi dọc theo bờ sông Hằng. Lúc đó trong lòng tôi rất an tịnh; âm thanh trên sông cứ cuồn cuộn nổi dậy làm tôi có cảm giác như là đang đi trong dòng nước ‘sanh tử’…. Khi lắng tai nghe những âm thanh này tôi nghe thấy trong đó có âm thanh của trẻ con, của người lớn, có tiếng khóc, có tiếng cười vui. …Tất cả những âm thanh này trộn lẫn vào nhau biến thành một câu vạn đức hồng danh: ‘A Di Ðà Phật’. Bạn hãy nhìn hình ảnh của sông Hằng, của từng làn sóng nhấp nhô, hình bóng của chính bạn, của người thân, bạn bè, mặt trời lặn, con chim và làn mây đang bay lơ lửng ở cuối chân trời, tất cả những hình bóng này hòa hợp lẫn nhau làm thành con sông ‘sanh mạng’. Chúng ta hãy cùng nhau xem những hình ảnh và lắng nghe bài ca bên sông Hằng này, từ bài ca ‘luân hồi sanh tử của sông Hằng’ cho đến bài ca ‘đức Phật giác ngộ’. Ðối với chúng ta sông Hằng là một con sông rất quen thuộc vì trong kinh đức Phật thường dùng danh từ ‘cát sông Hằng’ để hình dung ý nghĩa ‘vô lượng vô biên’. Trong con ‘sông Hằng’ sanh mạng này chúng ta đều là những người bơi lội qua sông….
Con thuyền cứ tiếp tục tiến tới và đi ngang một chỗ dùng để hỏa táng ở bờ sông. Phong tục mai táng người chết của Ấn độ rất đơn giản, họ không cần quan tài chỉ dùng vải bao bọc thi thể lại rồi đem thiêu ở bờ sông, cho đến bà Gandhi cũng không ngoại lệ (bà được dùng lá quốc kỳ để bao). Người giàu thì có đủ củi lửa nên có thể thiêu thành tro rồi đem bỏ xuống sông. Người nghèo thì thiêu qua loa một chút rồi đem thi thể bỏ xuống sông. Lúc tôi ngồi thuyền đi ngang một chỗ thiêu người chết này, dưới đống tro tàn còn thấy được một cái chân đen kịt thiêu chưa thành tro. Chúng ta thử hỏi cái chân thiêu nửa chừng này là của ai? Không lâu trước đó nó cũng có làn da rất mềm mại và được ôm ấp trong lòng mẹ. Có lúc nào đó cái chân này đang rảo bước trên bải cỏ xanh mướt, cũng có thể là có rất nhiều thanh niên muốn thân cận nó. Rồi theo thời gian trôi qua nó bắt đầu chai cứng và khô khốc khi người chủ của nó già đi. Rốt cục rồi nó biến thành một cái chân thiêu nửa chừng, đen kịt, nằm dưới đống tro tàn. Sau một thời gian nữa thì nó sẽ biến thành một đống cát trong sông Hằng. Thêm một lần nữa chúng ta hãy nhìn kỹ hình ảnh và lắng nghe bài ca bên sông Hằng. Những hình ảnh này của người Ấn độ mà cũng có thể là của chúng ta nữa!
Có một ông thường ngày rất thích ăn trầu, hút thuốc, uống rượu rồi sau này bị ung thư trong miệng. Khi đến bịnh viện khám thì chỗ bị ung thư đã lan rộng ra, lở loét đến quai hàm và gò má lủng lỗ. Chỗ lở cứ chảy nước vàng ra hoài, khi ông ăn uống thì thức ăn đều lọt ra ngoài. Cho dù ông uống rượu ngon trước đó ông thích nhất cũng rất đau, khi ăn trầu vào cũng đau như ‘nuốt viên sắt nóng’. Thân thể cường tráng của ông dần dần tiều tụy vì ăn uống không được; chúng tôi phải đút một ống dẫn đồ ăn từ mũi vô đến bao tử. Vợ ông rất hối hận và nói lúc trước hai vợ chồng họ cứ cãi lộn hoài. Bà kể lại: “Ðược rồi, ông chửi tôi ông sẽ bị ung thư miệng, tôi trù cho ông bị ung thư miệng. Ai ngờ rằng ổng bị ung thư miệng thật, người khổ nhất lại là tôi; ngoài việc phải chăm sóc vết thương cho ổng, đi khắp nơi kiếm bác sĩ trị cho ổng, còn phải lo kiếm tiền để trang trải…thiệt là khổ không cách nào diễn tả được”. Nếu bà biết trước được cảnh khổ bây giờ thì sẽ trân trọng những lúc còn khỏe mạnh và còn nói: “Lúc ổng chửi tôi, tôi thà đi lạy Phật một trăm lạy chúc phúc cho ổng, mời ổng ăn đồ ngon, tôi cũng không dùng lời ác độc để trù ổng”.
Hai người cùng nhau niệm Phật trong ánh sáng từ bi trí tuệ của đức Phật thì không tốt hơn là cãi lộn hay sao? Rất tiếc là chúng ta thường chọn lấy những phương thức đối xử để gây đau khổ lẫn nhau; lúc chưa bịnh thì mặc sức hành hạ thân thể này, đến lúc mang bịnh rồi thì lại than trời than đất. Hy vọng là chúng ta trong những nhân duyên tương ngộ rất ngắn ngủi này, hãy dùng tâm từ bi chân thành đối đãi với nhau; sự giận tức oán hờn chỉ giúp tạo ra con đường đầy chông gai đau khổ ở phía trước. Ông rất thích đi câu cá; lúc tay mang trầu, rượu, và cần câu đi ra bờ sông thì ông cảm thấy rất thích thú. Nhưng đến khi bị ung thư loét hết miệng thì mới giựt mình sực tỉnh, mới biết được cảm giác của con cá khi bị lưỡi câu đâm thủng miệng. Vì miệng lở loét nên ông nói chuyện rất khó khăn, lúc tôi săn sóc vết thương cho ông, ông rán chịu đau và nói ra những lời hối hận này, cảm nhận được khi trước vì một chút khoái lạc nhất thời mà gây đau khổ cho những con cá; sự đau khổ đó bây giờ quay ngược lại đến với ông, cũng là đau khổ khi miệng bị lủng lỗ; khi miệng nuốt đồ ăn giống như cuống họng đang bị thiêu đốt, đang bị đâm bằng dao, đau quá cũng muốn giằng co giãy giụa như con cá cắn câu rán hết sức mình để thoát khỏi lưỡi câu. Ông dạy cho tôi một bài học nhớ hoài không quên, đúng là ‘nhân quả tơ hào chẳng sai!’. Có bài thơ như sau:
Mạc đạo quần sanh tánh mạng vi (Mạng vật yếu ớt đừng khinh
Nhất ban cốt nhục nhất ban bì Thịt, da, xương xẩu như mình khác chi!
Khuyên quân mạc đả chi đầu điểu Chớ bắn chim trên cành kia
Tử tại sào trung vọng mẫu quy. Chim non trong tổ đang mong mẹ về)
Có một bác bị ung thư miệng và cũng phải mổ để cắt bỏ tế bào ung thư ở gò má. Cuộc giải phẫu này rất phức tạp, phải chia ra mấy lần mới xong, phải cắt da ngực để đắp lại vết mổ ở gò má, và đòi hỏi rất nhiều sức chịu đựng. Ban đêm khi tôi đi tuần phòng bịnh nhân, tôi thấy đôi mắt của bác mở thao láo nhìn lên trần nhà, đêm đã khuya rồi mà bác ngủ không được; ngoài trời đêm tối lạnh, nước mắt của bác cũng rất lạnh lẽo thê lương; chúng ta phải làm sao để an ủi những bịnh nhân này? Bác đang đợi để mổ lần thứ nhì nhưng không sống được đến lần mổ cuối cùng. Có lẽ chúng ta thường chờ đợi để làm một công việc gì đó nhưng chưa chắc có thể sống đến lúc đó, cho nên chuyện tốt mau mau làm, niệm Phật phải niệm ngay bây giờ !
Bác Sĩ Quách Huệ Trân