Lúc chăm sóc những người bị ung thư miệng, tôi thường nghĩ đôi lúc mình bị mụt nước lở trong miệng thì rất đau, nhất là khi ăn những thức ăn chua cay vào thì rất rát, huống chi vết thương lở loét cả hàm của những người này, khi uống nước lạnh cũng phải đau đến run. Khi chúng ta mở miệng nói lời không tao nhã chỉ dùng năm sáu giây để nói một câu mà câu nói đó làm cho người nghe đau lòng cả đời, và khi quả báo hiện ra thì cũng đau đớn như những người bị ung thư hàm này! Trầu và rượu có thể đem lại cho người ta một chút khoái lạc nhất thời nhưng cũng đem đến những sự đau khổ không thể nào giảm nhẹ khi mang bịnh vào thân. Chúng ta phải nên cẩn thận, một giây phút vui sướng ngắn ngủi đi qua rất nhanh, thời gian chịu đau trên giường bịnh một ngày dài như một trăm năm!

Xem thêm:

Lắng Nghe Tiếng Hát Sông Hằng - Phần 1

Phòng khám bịnh số 1 và số 2 của bịnh viện nối liền nhau bằng một cánh cửa tự động. Một hôm tôi thấy có một bà khoảng năm mươi mấy tuổi nằm ở phòng 1. Bà bị ung thư vú và cần một loại thuốc nhưng bảo hiểm lao động chưa chịu trả cho thuốc này nên ngoài việc đau bịnh bà phải lo kiếm tiền trang trải chi phí thuốc men; bà thường khóc thầm vì chịu đựng không nổi áp lực quá lớn. Lúc đó bên phòng 2 có một cô mới ba mươi mấy tuổi và cũng bị ung thư vú, nghe được chuyện của bà bên phòng 1 nên lấy hết tiền trong túi rồi nói với tôi: “Nhờ bác sĩ trao cho bà ở phòng kế bên”. Cô vừa khóc vừa nói: “Chúng tôi đều chịu chung cái khổ này”. Tôi rất cảm động và khen ngợi tinh thần Bồ Tát vị tha của cô, tôi hiểu rõ hoàn cảnh của cô còn thiếu thốn hơn bà kia rất nhiều. Con của cô còn nhỏ nên phải gởi người ta nuôi giùm, tiền lương của chồng cô rất thấp, lại không có bảo hiểm, tiền dành dụm đã xài hết để trả tiền bịnh viện và mổ xẻ. Khi cô được giới thiệu đến bịnh viện để trị liệu phóng xạ, cô tính bỏ mặc vận mạng đẩy đưa và không trị bịnh nữa vì không có tiền; nhưng khi cô nhìn thấy dòng chữ trên tường: ‘Cho dù ngày mai là ngày tận thế, tối nay tôi cũng phải trồng đầy hoa sen trong vườn’ nên mới nghĩ lại, đi về nhà má mượn tiền, tiếp tục trị bịnh và duy trì mạng sống. 

Cô nói: “Sanh mạng thiệt là vô thường và có nhiều thử thách đầy đau khổ, tuy tôi không có khả năng lớn lao gì nhưng tôi có một chút tâm nguyện là hy vọng làm hết sức mình, giúp đỡ cho những người đồng cảnh ngộ cho họ sớm lìa khổ được vui”. Tôi rất cảm động; hai người này đều bị bịnh ung thư nhưng một người thì âu sầu khổ não; còn một người thì vượt thoát sự bi ai của mình, giúp đỡ, an ủi, và lau nước mắt cho người khác, phát huy tiềm năng của mình; khi còn sống thì mỗi ngày trồng một hoa sen, dần dần có nguyên hồ sen thơm phức. Thử nghĩ trị bịnh nan y đòi hỏi bao nhiêu sức chịu đựng và bao nhiêu sự giày vò; nếu đem sự giày vò này đổi lấy mạng sống âu sầu khổ não có phải là rất đáng tiếc không? Tại sao không ‘trồng hoa sen thanh khiết’ trong tâm khảm của mình, cho dù chỉ nở một nụ cười thì cũng là bố thí, có thể làm cho mình và người khác đều được vui! Có câu là: ‘Chỉ cần một niệm từ bi phát khởi, tật bịnh cùng khốn đều không ngại !’

Có một bé trai mới sáu tuổi đã bị ung thư tuyến lâm ba (lymphatic cancer), mới có bây lớn đã phải trải qua rất nhiều đau khổ. Mỗi khi lượng bạch huyết cầu của em lên cao thì bác sĩ phải chích một loại thuốc có tác dụng phụ là ói mửa. Việc làm cho em vui nhất là khi lượng bạch huyết cầu giảm xuống quá thấp, thấp đến độ không thể làm trị liệu hóa học được, bác sĩ sợ độ bạch huyết cầu quá thấp thì dễ bị nhiễm trùng có thể nguy hiểm đến tánh mạng; đối với em mỗi lần như vậy thì em vui sướng như ở tù được thả ra, tạm thời có thể ‘miễn bị hành hình’! Em nói với tôi: “Mỗi ngày ngoại trừ xem TV thì cũng là xem TV”. Nhà em cũng khá giả nên em được ở một phòng bịnh riêng. Em nói: “Cô em gần lập gia đình rồi; cô mời em làm ‘em bé cầm bông’ trong hôn lễ của cô. Phải chi em có thể trưởng thành thì tốt biết mấy, nhưng không biết có thể lớn nổi không?” Ðây là lời nói của một em bé mới sáu tuổi, thiệt là làm cho người nghe được không khỏi ngậm ngùi. 

Có lúc em ngồi ở phòng đợi để chờ chích thuốc, trước đó em rất vui khi mang đồ chơi đến đó, nhưng đến cửa phòng thì nhớ lại ‘đau khổ gần đến, gần bắt đầu rồi’ cho nên cụt hứng ngay. Ðôi khi em cắn chặt răng đưa tay tự mình tìm ra một mạch máu rồi nói: “Lấy chỗ này đi”. Ðôi lúc em cũng buồn hiu không chịu đi vô, em không khóc ra tiếng, chỉ khóc khe khẽ, lệ ướt đẫm mi. Lần đầu tiên đến để rút máu từ vành tai em đã khóc hết hai giờ đồng hồ. Cho đến nay đã chịu khổ quá nhiều lần rồi, em thừa hiểu khóc hoặc là nhõng nhẽo thì cũng không giúp ích được gì nên em rất dũng cảm để chịu đựng. Thiệt là một em bé quá đáng thương. Trong đời sống chúng ta không muốn già nua thì phải đoản mạng (chết yểu), nếu không muốn chết yểu thì phải già nua!

Có một người mới ba mươi mấy tuổi đã bị ung thư mũi vào thời kỳ chót. Thường thường nếu ba mươi mấy tuổi đã chết thì có lẽ bạn nói rất đoản mạng. Nhưng cô này chỉ mới ba mươi mấy tuổi đã làm cho người nhà của cô cảm thấy không thể chịu đựng nổi nữa. Chồng cô phải vừa lo cho con vừa lo cho cô nên phải xin nghỉ hoài, và cũng vì vậy nên đã mất chỗ làm. Cả nhà lâm vào hoàn cảnh thiếu thốn và phải đến hội Từ Tế xin giúp đỡ. Hội Từ Tế đồng ý cho cô một số tiền to lớn để trợ giúp cô trả tiền nhà thương. Má cô đợi lâu quá nên than: “Tại sao lâu quá còn chưa đem tiền lại. Lâu quá!”. Tôi nói: “Người ta không phải thiếu tiền bà đâu. Tiền này là do hội viên dành dụm, ăn xài tiện tặn, từ bi đem đi giúp người. Họ không nhẫn tâm thấy bà chịu khổ chứ không phải người nào cũng giàu có gì đâu”. Bà thở dài ra! Không phải lo tiền bạc nữa! Nhưng không khí trong gia đình còn quá ngột ngạt. Bịnh nhân cũng không an tâm tiếp tục sống, má cô lo cho cô đã quá mệt mỏi nên nói: “Mày sao không mau chết cho rồi, làm hại tụi tao phải chịu khổ theo!”. Chồng cô khổ quá thường lại hỏi tôi: “Cổ còn ‘kéo dài’ được bao lâu nữa?”. Tôi nói: “Xin đừng dùng chữ ‘kéo dài’ được không? Sống được một ngày trong cuộc đời này thiệt là rất quý, tương ngộ một ngày thiệt là hiếm có”. Nếu chỉ chú trọng vào sự khổ và để ý đến chỗ tối tăm trong đời sống của mình, cho dù không có bịnh thì cũng là ‘kéo dài’ mạng sống. Nếu tích cực nghĩ về những chuyện tốt, cho dù đời sống rất khó khăn thì cũng đáng sống. Nếu trân trọng đời sống, ba mươi tuổi so với mười lăm tuổi cũng là trường thọ gấp đôi, so với người sáu tuổi thì cũng trường thọ hơn gấp năm lần.

Tâm địa có thể cải tạo vận mạng. Tôi có người bạn mới ba mươi mấy tuổi thì bị ung thư xương, trước sau tổng cộng đã phải giải phẫu hai mươi lần. Sau một lần động mạch ra máu không ngừng nên phải cưa đứt một chân. Ðời sống của cô còn khó khăn hơn người kể ở trên nhưng nhờ biết áp dụng Phật pháp, lấy tâm biết ơn đối đãi với nhau, cả nhà sinh sống còn vui hơn lúc chưa bị bịnh.

Cô nói với tôi: “Tôi rất may mắn, tôi mất đi một chân mà có thể nghe được Phật pháp. Nếu không nghe được thì không biết phải tạo ra bao nhiêu nghiệp tội, phải chịu bao nhiêu khổ đau”.

Chồng cô ở bên ngoài phòng mổ đợi qua hai mươi lần giải phẫu, quý vị biết được tâm trạng của ông chồng này không? Ông nâng đỡ chăm sóc cô như một vị Bồ Tát, không hề than thở chút nào. Sau khi biết Phật pháp, cô chống nạng cùng chồng nấu đồ ăn đem cho những người cùng bị bịnh và khuyên họ niệm Phật. Tôi hẹn với cô: “Cô học thuộc lòng kinh A Di Ðà rồi chúng ta cùng nhau đi lên núi vừa đi vừa lạy để hồi hướng cho những người bị bịnh ung thư”. Do đó cả nhà cùng với cô học kinh, con cô mới học đến tiểu học nói với cô: “Má học thuộc lòng kinh A Di Ðà một chữ không sai thì con cho má năm trăm đồng tiền thưởng”; Cô ở nhà vừa làm đồ thủ công vừa học kinh hoặc niệm Phật, đến tối thì trả bài cho mọi người nghe. Ðến ngày cô học thuộc hết quyển kinh, cô nói: “Cả nhà tôi từ trước đến giờ chưa khi nào vui mừng giống như hôm đó”. Kể cả tiền thưởng của con và tiền công kiếm được trong thời gian học kinh cô có được bốn ngàn đồng, cô đem toàn bộ đi cúng dường Tam Bảo. Vì muốn đi lên núi mỗi đêm khi cả nhà đã ngủ yên giấc, cô phải tập luyện lạy Phật. Nếu bạn thấy cô dùng một chân để lạy Phật bạn sẽ cảm động đến rơi lệ. Chồng cô tìm cách quyên tiền để làm cho cô một cái chân giả. Cô nói: “Nếu ông có thể quyên được mười vạn đồng thì xin đưa tiền này cho tôi để tôi bố thí; tại vì một cái chân cũng đủ dùng rồi”. Cô chỉ hai cây nạng rồi nói: “Tôi không phải là thiếu một chân mà ngược lại tôi dư một chân”. Khi cô nói câu này là lúc tế bào ung thư đã lan đến phổi nên phải mổ và trị liệu hóa học thêm một lần nữa. Nét mặt cô hồng hồng và thường có nụ cười thật tươi, nhiều khi còn tươi hơn những người không bịnh nữa. Cô nói: “Nhà tôi tuy là không giàu có gì nhưng bây giờ còn vui hơn lúc trước khi chưa cưa chân nữa”. 

Người niệm Phật ngay đời này đã có thể sống trong Tịnh độ, trong không khí vui vẻ hòa thuận của cuộc sống hàng ngày. Như phần đông người bịnh ung thư khác, cô cũng không tránh khỏi tình trạng kinh tế thiếu thốn; có người mời cô mở tiệm làm trò chơi điện tử cho trẻ em có thể kiếm rất nhiều tiền. Cô nói: “Tôi muốn thử chồng nên cố ý đem việc này hỏi ý kiến của chồng”. Cô rất vui khi ông nói: “Chúng ta là người niệm Phật, sợ con mình bị trò chơi điện tử mê hoặc thì làm sao có thể làm hại con cái của người khác!”. Tôi rất khâm phục hai vợ chồng này, tuy là trong hoàn cảnh khó khăn mà họ vẫn có những hành động rất cao thượng. Có nhiều gia đình cũng vì kinh tế khó khăn nên phải sa vào hoàn cảnh đen tối, ngược lại gia đình của cô nhờ bị bịnh mà có thể hướng về đức Phật, đem những chướng ngại khó khăn của mình biến thành những đóa hoa sen thơm ngát, rất xứng đáng làm gương cho người khác.

Có một người bị ung thư hàm miệng phải giải phẫu để cắt bỏ tế bào ung thư và phải cắt bỏ luôn xương hàm dưới. Bác sĩ phải cắt da trên ngực để đắp chỗ mổ và bất đắc dĩ ông trở thành người không có môi. Ông không thể ăn cơm, chỉ có thể uống súp hoặc thức ăn lỏng. Ông không thể ngồi ăn như người thường, phải nằm xuống để ăn, nếu không thì thức ăn sẽ đổ ra. Vì không có môi cho nên đối với ông không có chuyện ‘ngậm miệng lại’. Bạn hãy nhìn những người này làm thế nào rán hết sức mình để chịu đựng và chống chỏi với bệnh tật; có nhiều lúc tôi tự hỏi tại sao mình lại được may mắn hơn họ? Trong lúc chịu khổ đau như vậy ai nỗ lực thì cũng có thể vượt qua; tuy họ có hoàn cảnh và tâm trạng không giống nhau và có cái nhìn đời sống khác biệt nhau, nhưng tất cả đều tin sâu những gì Phật nói. Lúc tôi giải thích những điều Phật dạy cho người trẻ tuổi, nhiều khi phải nói đến khô cuống họng luôn mà họ cũng không tin; nhưng đối với những người đang chịu đau khổ trong bịnh viện, không cần nói gì hết, chỉ hỏi: “Khó chịu, đau khổ không?”.

Họ đáp: “Rất khó chịu, rất đau khổ”.

Tôi nói: “Phật nói thế gian là biển khổ, hãy niệm A Di Ðà Phật, đem tâm niệm hướng về phía quang minh, lìa khổ được vui”.

Họ không nói thêm câu nào nữa lập tức bắt đầu niệm A Di Ðà Phật. Hèn chi mới có câu: ‘Thập phương ba đời chư Phật đều lấy tám thứ khổ làm thầy’. Khổ là vị thầy tốt nhất, nhưng chúng ta phải đợi cho đến lúc này sao?

Bác sĩ Quách Huệ Trân





Có phản hồi đến “Lắng Nghe Tiếng Hát Sông Hằng - Phần 2”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com