VẤN: Con rất thích niệm Phật và cũng thường hay đến chùa niệm Phật với đại chúng. Tuy nhiên gần đây, mỗi khi con chia sẻ các bài viết về pháp môn tịnh độ trên mạng thì thường xuyên có một số bạn tự nhận là tu theo thiền tông đến chỉ trích, đưa bài của thầy các bạn ấy bảo cho con biết rằng nếu tin vào cõi tịnh độ, tin vào Đức Phật Di Đà, tin vào việc vãng sanh đó là điều không tưởng và đi ngược lại với giáo lý nhà Phật, không có cõi Tịnh Độ nào cả mà chỉ là những sản phẩm hoang tưởng mê hoặc tín đồ. Bạn ấy còn trích bài giảng cho biết Bồ Tát Quán Thế Âm là không có thật, đó chỉ là sản phẩm hoang tưởng và nếu chỉ là một vị Bồ Tát, chưa là Phật tại sao lại có khả năng giáo hóa người khác với đủ thứ khả năng. Bạn ấy bảo chính những điều được giảng nói về Tịnh Độ Tông như vậy là đi ngược lại với những lời dạy của Đức Phật khi xưa, Tịnh Độ Tông là không có thật, như là ở các tôn giáo khác, làm người ta không tin vào khả năng của chính mình, mất sự tự chủ, chỉ lo quỳ lạy cầu xin không chịu tu hành. Xin Sư cho con biết những điều bạn ấy nói là đúng hay sai? Cõi Tịnh Độ là có thật hay không? Tại sao lại có sự tranh luận như vậy?

ĐÁP:

Từ xưa, trong những xứ mà Đại thừa giáo được lưu hành, nhứt là Trung Hoa, tự lực môn và Phật lực môn thường khi thành đối lập, rất chướng ngại cho người học đạo, mặc dầu đều từ kim khẩu của Đức Thích Ca Mâu Ni tuyên thuyết và đều là của Đại đức Ma Ha Ca Diếp và A Nan Đà kiết tập. Vì chỗ lợi ích riêng cho một nhóm người đại căn đến cầu pháp, chư Tổ trong Thiền tông dùng trực chỉ chơn tâm kiến tánh thành Phật để khai thị đôi khi in như bài xích Liên Tông. Nhưng chính những lời ấy là chuyển ngữ đối với đương cơ chớ chẳng phải là lời thường dùng đối với tất cả.

Một ít người tăng thượng mạn tự cao tự phụ, theo kiến thức hẹp hòi của mình, vịn theo tiếng vang văng vẳng ấy, đường hoàng đứng ra công kích môn Tịnh độ cùng khinh hủy người tu tịnh nghiệp, để rồi chuốc lấy tội báng Phật, hủy Pháp, khinh Tăng. Vì môn niệm Phật vãng sanh là gốc từ Phật A Di Đà lập nguyện, Đức Thích Ca Mâu Ni chỉ giáo và lục phương chư Phật tán dương, nay bác môn Tịnh độ thời là hủy báng chư Phật vậy. Đã từ nơi Phật tuyên dạy thời môn Tịnh độ là giáo pháp chơn chính, bác Tịnh độ chính là hủy báng chánh pháp vậy. Nơi hội Hoa Nghiêm đức Phổ Hiền, trong hội Bát Nhã đức Văn Thù, cùng vô lượng đại Bồ Tát đều có lời phát nguyện vãng sanh Cực Lạc; Mã Minh Đại sĩ có lời khuyên tu niệm Phật trong luận Khởi Tín; Long Thọ Bồ Tát được Phật thọ ký vãng sanh nơi pháp hội Lăng Già, cùng vô số bậc đại Tổ Sư của các Tông Đại thừa, chẳng những Liên Tông mà cả Thiền Tông, Hoa Nghiêm Tông, nhứt là Pháp Hoa Tông, cho đến trong Duy Thức Tông, ngài Thiên Thân, ngài Khuy Cơ v.v... đều cực lực tán dương và hoằng truyền môn Tịnh độ. Nay bác Tịnh độ hay khinh hủy người niệm Phật thời chính là hủy báng chư Hiền Thánh Tăng vậy (trích Thiền Tịnh quyết nghi của HT Thích Trí Tịnh)

Các Bạn tu của tôi ơi! Niệm Phật A Di Đà thì cứ lo niệm Phật, có ai chê khen thì vẫn “niệm Phật!”. Chính đó là “thiền” của Đức Lục Tổ đấy Bạn a!

Nói gì thì nói, đối với Phật, Tổ sư...chúng ta đều là hậu sanh, phải kíp lo tu niệm, xem “sanh tử là sự đại” mới thoát khỏi luân hồi; đừng nên nói thiền nói lý, không nên tranh lấn từng lời nói, đừng xúc phạm đến “thiền”, không đụng chạm đến “tịnh”. Tranh luận cho nhiều xem đi xem lại tử sanh vẫn trong vòng tử sanh? Có hay ho gì đâu các Bạn ạ!

Chúng ta hãy nghe Trong kinh Hoa Nghiêm ngài Phổ Hiền, Kinh Bát Nhã ngài Văn Thù đồng phát nguyện : “Nguyện con đến lúc sắp lâm chung, tận mặt thấy Phật A Di Đà, liền được vãng sanh về Cực Lạc”.

Trong Thiền Tịnh quyết nghi Đại lão Hòa Thượng Trí Tịnh có trích lời: Văn Thù Bồ Tát bảo Pháp Chiếu Đại sư : “Muốn mau thành Phật không gì bằng chuyên niệm Phật A Di Đà...”. Và Quan Thế Âm Bồ Tát khuyên Từ Mẫn Tam Tạng : “Ông muốn truyền pháp để độ mình, độ người thời nên chuyên niệm Tây phương Cực Lạc thế giới A Di Đà và phát nguyện vãng sanh...”

Xin hỏi Bạn ấy có tu được bao nhiêu mà chê kinh Phật, chê lời Phật dạy, dù là Bạn đang ở ngôi vị Phật Thánh cũng chỉ là ở vị lai kiếp mà thôi, chứ hiện tiền mà thiếu niệm Phật, thì đường Thiền vẫn cách xa vạn dậm. Sở dĩ người tu có khen có chê là vì ngã ái chúng sanh, ngã ái còn thì ấm cảnh hiện ra, thiền vị cũng vong mất, thì còn gì mà khen chê.

Thường thì pháp môn niệm Phật dung thông cả ba căn, thượng căn tri thức, trung căn và bình dân. Có khi bạn ấy thấy người bình dân cũng niệm Phật được, rồi vội đánh giá môn Tịnh độ là thấp! Nếu ta chịu khó xem kỹ lại Kinh Hoa Nghiêm nói về phẩm Nhập Pháp Giới, ngài Thiện Tài sau khi chỗ tu chứng đã sánh kề với chư Phật, được Phổ Hiền Bồ Tát dạy cho mười điều đại nguyện để hồi hướng vãng sanh Tây phương Cực Lạc hầu chóng viên mãn Phật quả và cũng để khuyên khắp cả hải chúng trong Hoa Tạng. Xét về hải chúng trong Hoa Tạng không có một ai là phàm phu hay nhị thừa cả, chỉ ròng là bậc Pháp thân đại sĩ Bồ Tát, đồng phá vô minh, đồng chứng pháp tánh, tất cả đều có thể hiện thân làm Phật độ sanh nơi thế giới không Phật. Trong Hoa Tạng thế giới có vô số cõi Tịnh Độ, mà các vị Bồ tát chỉ chuyên quyết hồi hướng cầu sanh Tây phương Cực Lạc thế giới, huống chi ta là phàm phu, phước mỏng nghiệp dày chướng sâu tội nặng (Thiền Tịnh Quyết Nghi - HT Thích Trí Tịnh biên soạn).

Quán Thế Âm Bồ tát:

Thuộc Bồ tát Bát địa, tức là Bất động Tự tại, do phát đại nguyện trước Đức Thế Tự Tại Vương Như Lai mà chứng đắc vị trí Bất động Tự tại, có ngàn tay ngàn mắt, tức là vạn hạnh Bồ tát. Trong thế gian nầy ai Bất động Tự tại như Quán Âm thì chính đó là Quán Âm. Đức Quán Âm, ngài không có tự xưng Ngài là Quán Âm. Ngài đã tu vô ngã từ muôn vạn kiếp, không độc quyền làm Bồ tát, với danh hiệu Ngài, chúng sanh ai phát đại nguyện như Ngài thì cũng thành Quán Âm, nên không có vấn đề “thật hay giả”, “có hay không” Đức Quán Âm Bồ tát.

Cõi Tịnh độ thật hay giả:

Tịnh độ là cõi thanh tịnh, thế giới an lạc, là sự giải thoát chính chân chính đẳng chính giác, chúng sanh tu hành tam nghiệp thanh tịnh thì sống trong thế giới an lạc. Khi Bạn còn trong quá trình tu hành thì cõi ấy là “quyền”, tức là phương tiện, là đề mục quán tưởng để Bạn tiến thủ công phu (kinh Thập Lục Quán). Khi nào Bạn chứng đắc thì cõi ấy là “thật”, vì cõi Tịnh độ đó chính là Bạn: thân trang nghiêm thoát tục là “y báo” và chánh niệm là “chánh báo”, y chánh trang nghiêm là Tịnh độ. Do có Bạn nào đó tu lơ mơ nên dễ sanh nhàm chán, hoặc những người chưa học hiểu pháp môn, nghe chuột kêu “tức tức”, chim kêu “không không” nên bảo là: cõi Tịnh độ “không thật” đó thôi.

Pháp tu Tịnh độ do Phật thuyết trong kinh A Di Đà, Đại A Di Đà, Thập Lục Quán và trong các kinh Đại thừa đức Phật đều khuyên chư vị Bồ tát, Thinh văn sau khi mãn đại nguyện độ sanh, đều hồi hướng cầu sanh Tây phương Cực lạc. Các kinh chỉ dẫn Pháp tu Tịnh độ thuộc Bồ tát tạng, được chư vị Bồ tát kết tập ngoài hang Thất La Phiệt, sau Phật nhập diệt bảy ngày. Trong khi đó bên trong hang Thất La Phiệt kết tập Thinh văn tạng lần thứ nhất do ngài Ca Diếp chủ trì, ngài A Nan đọc lại các lời dạy của Phật (Nhị khóa hiệp giải, trang 6 - bản dịch Sa môn Thích Hành Trụ)

Tịnh Độ tông:

Dựa vào pháp môn tu niệm Phật, thì bàn việc tu chứng, bàn đến thế giới Tịnh độ của Phật A Di Đà là thật pháp. Ban không nên dùng từ Tịnh Độ tông để nhận định pháp môn tu là không đúng, vì Tịnh Độ tông một tông phái, một tổ chức có nhiều người tu tham gia tu hành, Bạn đã lạc vào tổ chức hành chánh thế pháp rồi, thế pháp thì hư hoại nên gọi không thật, mọi người sẵn sàng đốn phá Bạn đó thôi.

Chúc Bạn giữ vững niềm tin niệm Phật, thấm nhuần hương vị giải thoát.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Có Phải Pháp Môn Niệm Phật, Nguyện Vãng Sanh Là Đi Ngược Với Giáo Lý Nhà Phật?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com