VẤN: Xin Sư cho con hỏi là người được xưng danh Thanh Hải Vô Thượng Sư, nào là Pháp thiền tu ông Tám con nghe họ nói rất nhiều từ bạn bè ở hải ngoại là có đúng là những vị thầy giảng theo Phật pháp không ạ? Nhìn trên mạng con thấy hội của những vị này cũng rất đông, đến khuyến chiêu dụ con cũng rất nhiều và bảo đây là những vị đã chứng đắc quay trở lại giúp giáo hóa chúng sanh. Thú thật là con thấy như thế nào ấy khi nhìn những hình ảnh của người gọi là Thanh Hải Vô Thượng Sư, tại sao một người nữ lại gọi mình bằng danh hiệu này và những bài giảng toàn tuyên bố là Phật sống, là người quay lại cứu nhân độ thế. Con không biết nhiều lắm về Phật Giáo nhưng con nghe nói Đức Phật khi giáo hóa cho ai các Ngài đâu có tự xưng tên vỗ ngực và tự hiện ra những thần thông mà mê muội tín đồ. Tuy nhiên, ai cũng bảo con họ là những bậc chân tu thượng thừa, nào là nên tu theo pháp môn của họ để nhanh chứng đắc. Có một số bảo con là khi nghe như bị bỏ bùa, cứ bị vô mê hồn trận và khó thoát lắm nên đừng đến gần. Xin Sư cho con biết họ là ai, có đáng tin cậy không? Con làm thế nào để không bị mê muội dính vào những tà đạo hay những lời giảng tà đạo chiêu dụ khắp nơi. Con xin cảm ơn Sư

ĐÁP:

Chúng ta thử tìm hiểu một ít về pháp tu của các vị Thanh Hải vô thượng sư và Ông Tám.

Thanh Hải Vô Thượng Sư:

Người sáng lập Quán Âm Pháp môn (hay còn gọi là Đạo bà Thanh Hải), một đạo giáo hoạt động tại hải ngoại.

Thời gian tu tại Đức, bà thọ Tam Quy Ngũ Giới với thầy Thích Như Điển, với pháp danh là Thị Nguyện. Sau đó bà qua Ấn Độ xuất gia, trước tiên là với các vị Lạt ma Tây Tạng, sau theo học với một người Ấn Độ đạo Sikh tên là Jampa Ghesbe Ngawang Dargey và người kế tiếp là Thakar Singh, một giáo sĩ thuộc dòng Surat Shabd Yoga và chính vị này đã truyền pháp “Thanh Sắc Quang Ảnh” cho bà.

Năm 1983 Thanh Hải đến Đài Loan thọ giới Tỳ Kheo Ni tại một Đại Giới Đàn ở Đài Bắc thuộc Giáo Hội Phật Giáo Đài Loan. Trong thời gian trước khi thọ giới, Thị Nguyện được gởi đến Linh Sơn Phật Học Viện tại Đài Bắc của thầy Thích Tịnh Hạnh để tá túc học tập vì Thị Nguyện là người Việt Nam. Nơi đây thầy Tịnh Hạnh ban cho pháp hiệu là Thanh Hải.

Theo một nhà nghiên cứu tôn giáo phương Đông cho biết lối tu Quán Âm của Thanh Hải không phải xuất xứ từ đạo Phật, càng không phải là pháp môn Nhĩ Căn Viên Thông của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát mà chính là pháp thiền Yoga của phái Sant Mat hay còn có tên gọi khác là Surat Shabd Yoga và vị Thầy truyền cho Thanh Hải là Sant Thakar Singh (26/3/1929 – 6/3/2005), được biết đến với cái tên là Sant Mat Master. Ông đã truyền phương pháp ấn tâm, năm câu chú hay năm danh hiệu God, và pháp tu “Thanh Sắc Quang Ảnh” (Ánh sáng và Âm Thanh) cho đệ tử Thanh Hải trước khi rời Ấn Độ. Điều này được xác nhận bởi Hoà Thượng Tiến Sĩ Thích Tịnh Hạnh, Viện Trưởng Học Viện Phật Giáo Đài Loan. Trong thời kỳ ban đầu truyền đạo, Thanh Hải đã thừa nhận Thakar Singh là Sư Phụ, nhưng sau đó đã phủ nhận. Trong các lễ Hiến máu mừng sinh nhật cô, các đệ tử được cô cho biết cô được Đại Minh sư Khuda Ji đã chờ cô 450 năm tại Hy Mã Lạp Sơn để truyền điển lực và phép thiền “Quán Tưởng Âm Thanh và Ánh sáng Thiên đường”. Thanh Hải cho biết cô là đệ tử đầu tiên cũng là duy nhất của Đại Sư Khuda Ji. Cô đã từng tu pháp thiền nầy trước đó, nhưng Đại Sư Khuda Ji chính là người truyền đạt cho cô nguồn tâm linh cuối cùng, đó là bí quyết của việc Truyền Tâm Ấn hay Rửa Tội Bằng Đức Thánh Linh. Chỉ có một số rất ít các Đại Sư, những người đã đạt được sự Tối Thượng Thừa mới có thể truyền Tâm Ấn. Đại Sư Khuda Ji đã rời thế giới vật chất không lâu sau khi hoàn tất sứ mệnh thiêng liêng và giao phó công việc lại cho Thanh Hải.

Phương pháp tu này do một đệ tử của Thanh Hải kể chi tiết cách thực hành như sau: Đầu tiên người truyền dạy Pháp Môn Quán Âm dặn dò bạn không được phép truyền dạy cho người khác. Chỉ có Minh sư (Thanh Hải) hoặc những người làm sứ giả cho Minh sư thì mới được truyền pháp và điển lực “Tâm ấn” là của Minh sư chứ không phải của người dạy.

Trước khi được ghi danh để trở thành đệ tử của đạo Thanh Hải thường thì bạn được cho một cuốn “Sách biếu” giới thiệu về Thanh Hải và Pháp Môn Quán Âm. Hoặc được người thân, bạn bè cho xem, nghe các băng đĩa hoặc đọc sách báo về đạo Thanh Hải để bạn tin. Sau đó bạn sẽ được dạy pháp thiền “Phương tiện”, mỗi ngày hành thiền nữa tiếng đồng hồ và ăn chay trường, cho đến khi nào người liên lạc viên ở tỉnh mà bạn đang sống báo cho biết thời gian và địa điểm để được truyền “Tâm ấn” chính thức làm đệ tử Thanh Hải (trích bách khoa toàn thư Wikipedia).

Ông Tám

Nói đủ là Ông Tám Ông Tư: Phương pháp Thiền theo Vô Vi do cụ Đỗ Thuần Hậu (1883-1967) (tục gọi Ông Tư) tìm ra năm 1942 tại Việt Nam, sau một khoảng thời gian dài tìm đường học đạo. Và hiện nay đang được phát triển dưới sự hướng dẫn của Thiền Sư Lương Sĩ Hằng (pháp danh Vĩ Kiên, tục gọi ông Tám).

Phương pháp Thiền này có tên là Đời Đạo Song Tu, nghĩa là không bắt buộc người hành Thiền phải theo điều kiện gì, như ăn chay, cạo đầu hay không có gia đình...v.v. Đời sống vẩn bình thường và Thiền mỗi tối, thế là đủ, mọi việc lần lần nó sẽ tới tùy theo căn cơ.

Khác hẳn các Pháp Thiền khác, Thiền Vô Vi đặt căn bản trên Điển Quang và có 3 Pháp (động tác) chính:

       1. Soi Hồn : Mục đích của Pháp này là dùng nhân điện trong người đặt trên các hyệt Châm Cứu trên đầu để khai thông những nẻo hóc “lố bịch của thần kinh” làm giảm đi sự Sân Hận của con người. Trên quan điểm Đạo khi ngồi Soi Hồn là tập trung Tinh Khí Thần trong người lên bộ đầu để giúp cho khai mở trung tim bộ đầu là Thiên Môn.

       2. Pháp Luân Thường Chuyển (PLTC) : Hay nôm na là Thở ngồi. Mỗi ngày chúng ta đưa vào người biết bao nhiêu kí lô thực phẩm, mà từ bao nhiêu năm nay, nên trong cơ thể chúng ta nhiều Trược hơn là Thanh. Phương pháp Thở này khác hơn Thở bình thường là chúng ta Thở bằng bụng chớ không bằng phổi theo thông thường. Nhờ vậy số lượng dưỡng khí vào người sẽ nhiều hơn, kích thích sự hoạt động của ngũ tạng và loại dần những chất bã trong người và biến nó thành trong sạch (khứ Trược lưu Thanh). Trên quan điểm Đạo “Pháp Luân Thường Chuyển Huệ Tâm Khai”, sẽ đưa đến “con mắt thứ 3 thấy được những cái mà người thường không thấy”.

       3. Thiền Định : Tập trung trí ý trên Đỉnh đầu hay giữa trung tâm chân mày để quy tụ luồng Điển trong nội tạng, đạt đến trạng thái không và từ không đến khôn nữa mới thanh nhẹ, giải thoát. (Pháp Lý Vô Vi Khoa Học Huyền Bí Phật Pháp - Thiền Vô Vi bài của Minh Khải,14/9/1999).

Việc tín ngưỡng tôn giáo ngày nay trên thế giới rất phong phú, không còn độc tôn của Thiên chúa, Hồi giáo, Phật hay Tin lành và các tôn giáo lớn khác nữa, mà có rất nhiều tôn giáo ra đời khuyến thiện, giáo hóa con người theo lý tưởng riêng của vị sáng lập đạo giáo. Tuy nhiên có một số điều, người Phật tử chúng ta cần quan tâm:

1 . Tôn giáo đó có có thừa kế pháp môn tu của Phật ban truyền hay không?

2 . Tự sáng chế pháp tu nhưng có phù hợp với người đời không? Có làm tổn hại môi trường và người đời không?

3 . Có hướng thiện và đạo đức không? Minh lý đạo rốt ráo không?

4 . Mang lại hạnh phúc cho con người, làm đẹp môi trường giáo dục, văn hóa, xã hội, phù hợp với cộng đồng các quốc gia trên thế giới hay không? Không tham gia chính trị làm tổn hại con người và các quốc gia nơi tôn giáo đó có mặt?

5 . Không phục vụ riêng cho bản ngả, lợi ích cho bản thân, nhu cầu cho lợi ích một nhóm nhỏ để phục vụ cho bản thân?

Thì các tôn giáo đó hữu dụng cho con người và được xã hội loài người trên hành tinh tín ngưỡng.

Đạo pháp chẳng qua là nhơn duyên, theo một tôn giáo hay không theo tôn giáo, theo đạo nầy, đạo kia hay không, tùy nhơn duyên của các Bạn, nếu các Bạn đã là Phật tử. Trường hợp không theo, các Bạn cũng không nên khen hay chê, vì khen chê làm cho mọi người khen chê theo là không đúng. Khen chê tôn giáo khác, không phải là Phật tử, không khen chê tôn giáo khác, chính đó là truyền bá giáo pháp Đức Phật.

Là người đệ tử tốt của Đức Phật, giữ vững niềm tin, tôn sùng và đảnh lễ Đức Phật. Không có gì phải sợ hãi hoang mang các Bạn ạ!

HT Thích Giác Quang




Có phản hồi đến “Quán Âm Pháp Môn Của Bà Thanh Hải Và Thiền Vô Vi Của Ông Tám Có Phải Là Pháp Môn Của Phật Giáo?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com