VẤN: Hiện nay, con thấy có rất nhiều sư thầy, sư cô không đi học ở các trường Phật học nhưng lại đi học ở các trường đại học trung cấp bên ngòai. Một số làm các nghề như người ở ngoài đời, cũng kinh doanh, buôn bán, dùng toàn đồ hàng hiệu, xe sang, điện thoại đắt tiền, tiêu tiền không tiếc. Một số còn mở cả trung tâm xem tử vi, xem bói, xem tướng số, phong thủy, đỡ đầu cho các doanh nhân, hội họp với các đoàn doanh nhân Phật tử với tư cách là cổ đông và là người đỡ đầu về tâm linh. Thú thật là con cảm thấy không được thoải mái khi thấy hình ảnh những nhà sư lại ở các nơi dành cho giới tiền của giàu sang, xa hoa tốn kém, y áo rực rỡ, vây xung quanh toàn là giới thượng lưu. Con có nghe một số bạn tu bảo chỉ là phương tiện độ sinh theo Bồ Tát Đạo, là học theo ngũ minh độ đời thì không sao cả. Vậy ngũ minh là gì? Các nhà sư tu hành theo giới luật nhà Phật có được làm những chuyện như trên không? Quả thật con có cảm giác như là đi lừa đảo, vì danh vì lợi hơn là độ đời. Con biết mình là Phật tử không được bàn chuyện người tu vì có tội nhưng quá nhiều bạn bè và mọi người bàn tán ra vào nên con cũng không biết trả lời như thế nào? Xin Sư khai mở giúp con.

ĐÁP:

“Nhơn hư đạo bất hư” chỉ là câu nói bình thường của người xưa, nhưng cũng lắm hiện thực trong cõi đời nầy. Đạo của đức Phật đã cách xa Ngài đã lâu, nhưng điểm cực tắt giải thoát phiền não tham sân si, thoát ly tam giới, sống trong thế giới niết bàn, tây phương cực lạc và kể cả giới luật của Phật xưa nay cũng chưa từng thay đổi. Vì giáo pháp của Phật còn 16.800. 000 năm nữa mới đổi thay để đi vào thế giới của Phật Di Lặc giáo hóa (Phật học tinh yếu - Thích Thiền Tâm)

Giáo pháp đức Phật du nhập vào quốc gia nào, thì Đạo Phật sẽ hóa thân thành suối nguồn an lạc hạnh phúc cho con người tại quốc gia đó, điểm tô cho quê hương xứ sở đó thanh bình an lạc, trở thành tịnh độ niết bàn hiện thực, không còn cảnh áp bức bất công, không chiến tranh chết chóc tàn phá.

Sự hóa thân phải phù hợp với đời sống của dân tộc bản xứ, không làm khác hơn, vì làm khác hơn sẽ xa rời quần chúng, xa rời thì không thể giáo hóa họ vào Đạo, đó gọi là tinh thần tùy duyên bất biến, bất biến mà tùy duyên của Đạo Phật.

Trước khi hội nhập vào dòng đời để độ chúng sanh, người tu sĩ Phật giáo còn được un đúc, tu hành pháp môn tứ nhiếp pháp: “bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự”.

Bố thí là chia sớt, giúp đỡ người bằng tài vật hoặc bằng ý kiến, lời khuyên, thì giờ, khả năng, tâm lực, hay giáo pháp.

Ái ngữ là lời nói ôn hòa, thành thật và thân thiết. Lời nói như thế là phải phát xuất từ tình thương và sự hiểu biết; vì có tình thương thì lời nói mới êm dịu, thành thật, và có hiểu biết thì lời nói mới thích hợp cho từng người, từng lúc và từng hoàn cảnh.

Lợi hành là làm bất cứ việc gì có thể giúp ích cho người thăng tiến trong đời sống tinh thần và vật chất.

Đồng sự là quan tâm đến công việc của người và cùng giúp một tay với họ để hoàn tất công việc đó.

Trong quá trình tu chứng của Bồ tát ai cũng phải trải qua thời kỳ tu hành bốn pháp trên là để nhiếp phục chúng sanh, thu phục lòng người, nhưng cũng chính là tinh thần hội nhập, có kỷ cương.

Các nhà Sư Phật giáo Nhật Bản, thuộc hệ phái Tịnh độ Chân tông thì có gia đình, có tài sản, sống phú quý sang trọng, cuộc sống hóa thân vào dòng đời không khác… Đứng về góc độ nhà Sư Phật giáo Việt Nam sẽ thấy sao Thầy tu tha hóa biến chất, nhưng không, vì đó là Phật giáo Nhật Bản.

Đến với các nhà Sư Phật giáo Nga, Phật giáo Mongolia, các Sư ăn thịt thú cầm, như chúng ta ăn légume, tàu hủ, ngủ trên giường nệm, sống trong phòng có máy điều hòa đặc biệt không khác người thế tục… Đứng về gốc độ nhà Sư Phật giáo Việt Nam chúng ta sẽ thấy họ không phải là nhà Sư tu tịnh hạnh, nhưng không, vì đó là Phật giáo Nga, Phật giáo Mongolia...

Các nhà Sư tu hành bên nước Mỹ, nước Úc hay các nước Âu châu… sự cung cấp dưỡng nuôi (cúng dường) rất ít, nếu các vị không tạo tác cơ sở làm kinh tế làm gì có thể chính niệm an tâm tu hành.

Làm Phật tử chúng ta không nên chấp nê các hiện tượng trên.

Tuy nhiên ở Việt Nam nhà Sư đi vào đời hóa độ chúng sanh, có nếp sống như nhà Sư Phật giáo Nhật Bản, Phật giáo Nga, Mongolia, Phật giáo Mỹ, Úc, Âu châu thì sẽ mất niềm hy vọng đối với Phật tử Việt Nam.

Nhà sư sống nghiêng về “thế pháp”, “thế tục”, “vật chất” nhiều, thì cổ xe tam thừa sẽ tuột phanh nhanh chóng, làm gì đạt đến quả vị Diệu Giác Bồ tát?

Nói về giáo pháp ngũ minh: Thanh minh, luân thường đạo lý tu sĩ Phật luôn thể hiện tính đạo đức nhân bản khi gần gủi mọi người; Thanh minh cũng tức là ngôn ngữ học, người tu sĩ Phật phải có kiến thức giáo lý Phật học quảng bác mới tiếp cận quần chúng Phật tử giúp đỡ họ về mặt tu huệ - Nhân minh, lý luận thực tiển, kiến thức sâu rộng, có kiến thức sâu rộng, đây mới là cơ sở thuyết pháp độ sanh, có nhân minh mới có đủ lực để tiếp cận xã hội mà không bị lôi cuống theo dòng đời ngũ trược - Y phương minh, tham gia ngành thuốc, bào chế thuốc, làm bác sĩ, y sĩ cứu chữa bệnh nhân, cứu đời - Công xão minh, hiểu biết sáng chế những công cụ phục vụ cho đời sống con người, ngày nay biết sử dụng công nghệ thông tin, vi tính, website, internet phục vụ cho diễn đàn Phật học hiện đại, kịp thời thông tin những bài pháp hướng dẫn Phật tử tu học - Nội minh, thông suốt tam tạng thánh điển giáo lý đức Phật mà người đệ tử Phật phải học tập giáo lý tứ diệu đế, bát chánh đạo, lục độ vạn hạnh trong quá trình tu chứng, để có đủ trình độ hội nhập dòng đời hóa tha độ chúng.

Ngũ minh cũng chính là công hạnh của Bồ tát độ sanh, nhà Sư đi vào đời phải có đủ trí lực làm cho “đạo Phật hóa thế tục, chớ không phải thế tục hóa đạo Phật”. Hiện nay, thời mạt pháp, nhà Sư hội nhập với xã hội mà thiếu tu giới luật, tứ nhiếp pháp, tu pháp ngũ minh, lục độ, thập độ ba la mật khó mà hòa hài, chuyển tải giáo lý đức Phật đến với mọi người một cách chuẩn mực. Tu “tứ nhiếp pháp, ngũ minh” tức là “hòa mà không tan”, như pháp mà “truyền đăng tục diệm”, “tuỳ duyên mà bất biến, bất biến mà tùy duyên”, đem giáo lý đức Phật ứng dụng vào đời một cách nghiêm túc, mới thành tựu đạo nghiệp, nối chí tiền nhân.

Việc đời nên gác để ngoài tai

Việc đạo nên chăng vẫn học hoài.

Giáo pháp ngàn xưa còn vang đó

Tánh chân thường trụ kiến Như lai.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Tu Sĩ Xuất Gia Có Được Học Các Môn Ngoại Điển, Kinh Doanh, Xem Tử Vi Bói Toán Không?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com