VẤN: Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng tranh luận rất sôi nổi về vấn đề ngoại cảm. Một số thông tin cho rằng đa số các nhà ngoại cảm, kể cả các nhà ngoài cảm nổi tiếng như cô Phan Thị Bích Hằng đều là giả mạo và việc dùng ngoại cảm trong vấn đề tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ trở thành một ngành nghề kiếm lời, lợi dụng lòng tin tưởng của người dân để trục lợi vì sự đồng bóng, mê tín dị đoan. Ngựợc lại, nhiều thông tin và kể các nhà ngoại cảm đứng lên đính chính rằng những thông tin như thế là sai lệch, là phủ nhận đóng góp của họ, mọi thứ đều có xác suất đúng sai và đó là trò chuyện trong vô hình không ai kiểm chứng được. Điển hình gần đây là việc dùng các nhà ngoại cảm tìm kiếm xác của chị Huyền trong vụ thẩm mỹ viện Cát Tường cũng bất thành. Vậy theo quan điểm nhà Phật, ngoại cảm là có thật hay không? Vì sao có người có khả năng ngoại cảm và có người không? Người làm việc về ngoại cảm nếu nhận tiền của bá tánh thập phương như vậy có đúng không? Có phải ngoại cảm là sự hiển linh hay là sự ứng hiện của một vị thánh thần nào không? Con xin cảm ơn Sư ạ.
ĐÁP:
Theo Sư, thì ta không bàn, không ôm đồm! Tuy nhiên do đa số Phật tử muốn tìm hiểu về “ngoại cảm” ích lợi hay hại thế nào, đứng về góc độ nhà Phật, Sư dành thời gian nhận định từng cung bật và ngôn luận với các Bạn.
I . Giáo lý nhà Phật:
Sự hiện hữu của thế giới quan, trong cõi Ta Bà có thế giới chúng ta đang cư trú, đại để phân ra có thế giới hữu hình (có hình thể), có thế giới vô hình (không hình thể). Trong thế giới hữu hình, như con người có mang thân lục đại (máu, thịt, gân, xương, có sự nhận định hiểu biết…); thế giới vô hình là thế giới chư Thiên, các cõi trời, nhân phi nhân, cõi địa ngục nóng lạnh, không hình thể, không mang thân lục đại. Thế giới có hình thể là thế giới có sự tương quan giữa các vật thể với nhau, như: mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, thân xúc chạm v.v… Thế giới vô hình là thế giới mà chúng ta khó nhìn thấy biết được sự sống bên đấy.
Theo nhà Phật, chỉ có Đức Phật, các vị Bồ tát, An la hán, các nhà tu Phật có đẳng cấp, những bậc tu hành đắc đạo mới thấu thị về thế giới vô hình, tùy theo quá trình tu chứng mà đắc đạo, như : cõi Niết bàn vô dư (vô hạn), niết bàn hữu dư (giới hạn), cõi Tây phương Cực lạc, hoặc tùy theo hạnh nguyện mà các ngài đến với các cõi trời, các loài nhân phi nhân, hay các cõi địa ngục để giáo hóa chúng sanh… và tự tại trong các thế giới đó.
Hiện nay các nhà ngọai cảm có tiếng tăm, đã và đang làm chấn động quần chúng, thu hút các gia đình liệt sĩ ở Việt Nam trong vấn đề tìm mộ liệt sĩ, phán đoán sự việc, sự kiện.... Thật ra, đối với nhà Phật thì chẳng ra sao cả; theo giáo lý nhà Phật, trong hai hệ truyền thừa Nam, Bắc tông thì con người sau khi chết, ngũ uẩn (sắc thân và tâm thức) của họ không tồn tại, tan rã và trở về với lục đại: đất, nước, lửa, gió, thức đại, không đại… và chỉ có một cuộc tái sanh theo nghiệp thức, gọi là luân hồi báo ứng, chấp nhận thọ báo (thiện hay ác), những gì họ đã tạo ở kiếp sống vừa qua. Như vậy, chúng ta có quyền hiểu: “không có vong hồn nào tồn tại”.
Đối với các nhà “Phật học cấp cao”, các nhà “học Phật có đẳng cấp” hiểu rất rõ hiện tượng “ngoại cảm” là phương tiện giúp đời ở một chừng mực nhất định nào đó mà nhà Phật gọi là phép ngũ thần thông, trong đó có “thiên nhãn thông”. Tuy nhiên các phép thần thông, các phương tiện hữu vi ấy “không thật”, là “giả”, là “huyễn hóa” vô cùng..
Sư xuất gia đã 53 năm, trong đó tu núi 5 năm (1960-1965), công phu thiền niệm miên mật, tụng kinh ngày 5 thời và thời khóa niệm “chuẩn đề tâm chú và đại bi tâm chú”. Khi xuống núi, đi học đến năm 1970 làm giảng sư đi thuyết pháp, nhìn người đối diện dù xuất gia hay tại gia đều tiên đoán được vận mệnh tu hành kết quả hay không kết quả của người đó và v.v… Tuy nhiên Sư chẳng thấy có hiện tượng cảm ứng nào cả (không có gì là ngoại cảm), chẳng qua là có quá trình tu hành, thân tâm tịnh lự, không bị tiêu hao năng lượng đó thôi. Đấy là việc của người tu sĩ có quá trình công phu miên mật, có Thầy Tổ đưa đường dẫn lối đó các Bạn, mà vẫn chưa đạt cứu cánh rốt ráo?
Thuở đức Phật sanh tiền, một đệ tử đi khất thực, đến dòng sông lớn, nhìn thấy vị đạo sĩ chân không, đứng trên nón lá đi qua sông một cách nhẹ nhàng không chìm. Còn nhà sư thì dùng một quan tiền trả tiền đò qua sông. Đến bên kia bờ sông, nhà Sư hỏi:
- Đạo sĩ tu bao nhiêu năm mà qua sông?
- Bần đạo tu 40 năm, nhà sư tu bao nhiêu năm?
- Mới 01 năm.
Vị đạo sĩ phải mất 40 năm tu để được qua sông, Nhà Sư mới tu chỉ tốn một quan tiền cũng được qua sông.. Như vậy, chứng tỏ trong giáo pháp Phật không chú trọng đến thần thông phép tắc. Xem đó là việc cản trở quá trình tu chứng của vị A la hán đệ tử Đức Phật .
II . “Tánh linh”:
Sư có người bạn tu cư gia, pháp danh Thiện Minh, cư trú phường Quyết Thắng, Tp.Biên Hòa, cách Quan Âm tu viện chừng 5 km. Bạn cùng tuổi có tư chất thông minh, nhưng ít tiếp xúc, Bạn thường xuyên khai khóa lễ tụng kinh Pháp Hoa, mỗi ngày lạy 48 lời nguyện của Phật A Di Đà, khóa tu 100 ngày lạy sám hối, Bạn có tánh linh soi thấu căn lành, căn dữ (soi căn) mọi người, nói huyên thuyên câu chuyện rồi cuối cùng khuyên người làm lành lánh dữ, ăn chay niệm Phật…Lúc bấy giờ mọi người gạn hỏi Sư, phải chăng nhà tu Phật linh thiêng như vậy? Sư trả lời chỉ là “diễn giả độ chơn đó thôi”, tu Phật là như thế, chẳng có gì là quan trọng! Pháp của Phật nói ra là vì chúng sanh mê muội, chứ nếu chúng sanh giác ngộ thì cũng chẳng có Phật, có Pháp xuất hiện trong thế gian.
Nên trong giáo lý Phật có câu: Như thế nào gọi là “Đạo”? - trả lời: Trước Đức Phật Oai Âm Vương không có Phật và chúng sanh nên gọi là “Đạo” (Phật Học phổ thông quyển I - tác giả HT Thích Thiện Hoa)
Hậu duệ của cư sĩ Thiện Minh:
Cháu Nguyễn Thị Thanh Vân, là con của Cư sĩ Thiện Minh, sanh năm 1972, bản chất thông minh từ lúc 5, 6 tuổi, nói chuyện gì có ra chuyện nấy, lớn lên đi học, giỏi xuất sắc hơn người, ăn chay trường, tụng kinh Pháp Hoa, lạy sám hối hồng danh; đến các năm học Trung học phổ thông cấp III, cháu được tuyển vào trường chuyên Lương Thế Vinh - Đồng Nai. Tại trường, bài vỡ Giáo sư vừa đưa ra là cháu làm ngay, hiểu biết bài học trước khi Giáo sư giảng, thậm chí đôi khi cháu còn biết Giáo sư giảng bài “sai”, đề nghị đổi Giáo sư… Tuy nhiên, đến khi cháu thành danh, trở thành nữ Bác sĩ, lập gia đình, các năng lượng trên không còn nữa.
Sự linh ứng của cư sĩ Thiện Minh và tánh thông minh của cháu Vân thuộc “tư chất” nhưng chỉ tồn tại một thời gian nhất định, cho đến khi “tri thức bị lem ố theo thời gian” thì “cảm giác ấy…” không còn nữa!
III . Vấn đề ngoại cảm:
“Ngoại cảm không thuộc nhà Phật, xưa nay không có chư Tăng Ni nào giáo hóa, truyền giới quy y cho Phật tử làm việc “ngoại cảm”; các hoạt động tứ phủ, ông đồng bà cốt, xác cậu xác cô, vong nhập, soi căn, tiên tri bốc phệ... nằm trong nhóm “ngoại cảm” tín ngưỡng tâm linh dân gian. Theo từ điển Việt Nam (xb năm 1958) của Thanh Nghị, “ngoại cảm” có nghĩa “vì cảnh tượng bên ngoài mà cảm động”, “cảm xúc với thế giới bên ngoài” (sensation impression provenant de l’extérieur), sự cảm động có tính cách nhất thời, không kéo dài cả đời.
Về tổ chức: “Ngoại cảm” thuộc về tín ngưỡng địa phương, tự phát, tự sanh, tự diệt, không tổ chức thành một hệ thống, hay thuyết minh bằng sách vỡ và truyền thừa… Tuy nhiên tư chất (nature propre) ngoại cảm không phải ai cũng “có”.
“Người có phần ngoại cảm”, “phần căn”, “phần độ” từ ngữ dân gian gọi là “bị vong nhập”, “gọi hồn”, “biết việc của phần âm, nói tiếng âm” cũng là điểm hẹn đạo đức trong thế gian, nên lúc nào cũng phải thanh liêm chánh trực, không gian dối. Người có tư chất ngoại cảm vẫn phải nghiêm túc tôi luyện thật kỹ cương, phát huy đức trí, tu luyện nhiều năm mới đạt yêu cầu “thấu thị trong việc tiếp xúc với cõi âm”, giúp người. Ngược lại chỉ có sự cố “chết đi sống lại”, “hồi dương” để trở thành “nhà ngoại cảm” thì = 0.
Ví dụ như nhà ngoại cảm người Gruizia (Nga):
Bà Eugenia là Bác sĩ, sanh năm 1949, hồi đầu thập niên 80, bà được vinh dự chăm sóc sức khỏe cho nhiều nhân vật nổi tiếng như họa sĩ Ilya Glazunov, đạo diễn Masina và cả những nhân vật chóp bu trong giới cầm quyền khi đó như Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch Liên Xô Nikolai Baybakov. Đặc biệt, lãnh tụ Liên Xô Leonid Ilyich Brezhnev cũng tin tưởng giao phó nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho bà Eugenia.
Bà Eugenia là người có tư chất ngoại cảm, Bà nói: “Mỗi người trong chúng ta, dù là đàn ông hay đàn bà thì đều đã có sẵn một năng lực đặc biệt trong người. Chỉ có điều, năng lực này nằm dưới dạng tiềm ẩn mà người bình thường không thể phát huy được. Nếu như phát huy được năng lượng này thì rất thần diệu, làm được những điều rất phi thường như nâng vật nặng bằng ý nghĩ hay nhìn xuyên thấu tường, đọc được suy nghĩ người đối diện và thậm chí là phán đoán trước được tương lai. Người nào càng có năng lực đặc biệt mạnh thì khả năng nâng vật càng lớn, nhìn xuyên tường càng dày và đoán trước được tương lai càng xa”.
Câu chuyện cuối cùng của bà Eugenia:
Năm 2002, đứa con trai duy nhất của bà đã bị tai nạn xe hơi và bà thú nhận đó là một cú sốc quá lớn khiến cuộc đời không còn gì ý nghĩa nữa. Cay đắng hơn là những lời đàm tiếu xung quanh khả năng của bà trước đây có dịp bùng phát. Không ít kẻ chua cay đã mỉa mai rằng: “Nếu bà Eugenia có khả năng nhìn thấy trước tương lai thì đã không để con mình chết thảm vì tai nạn ô tô rồi. Đáng ra bà phải biết trước điều đó để ngăn cản con trai ra đường ngày hôm đó” hay “Nếu bà Eugenia có năng lực siêu nhiên cải tử hoàn sinh tại sao lại tiếc chút năng lượng đặc biệt mà không đem cứu con trai”? (bản tin tức 24 giờ).
Khoa học nhận định:
…Một người bình thường thu thập các hiện tượng, sự kiện từ thế giới bên ngoài qua năm giác quan có sẵn là khứu giác, vị giác, thị giác, thính giác, xúc giác. Đây là quá trình thu thập dữ liệu, dữ liệu này phải được phân tích, xử lý; từ đó mới tạo nên thông tin để có thể truyền tải cho người khác, hoặc tạo nên những hành vi và phản ứng của chính người đó.
Quá trình đó được thể hiện theo thứ tự như sau: 1/. Hiện tượng, sự kiện, 2/. xử lý, tổng hợp, 3/. hình thành thông tin, 4/. chuyển tải, ứng xử. Tất nhiên trong con người, bộ não làm nhiệm vụ phân tích xử lý tổng hợp, quá trình này có sự liên kết với những thông tin khổng lồ đang được lưu trữ trong não. Khi thông tin đã được hình thành, việc truyền tải và ứng xử với thông tin có được, lại phụ thuộc vào khả năng, trình độ, sự thụ hưởng giáo dục của chủ nhân bộ não đó.
Từ xưa đến nay, người ta đã ghi nhận được một số hiện tượng, trong một số trường hợp con người có thể đón nhận thông tin từ thế giới xung quanh từ năm giác quan cơ bản. Có lẽ do vậy mà cụm từ “ngoại cảm” ra đời muốn nói đến khả năng cảm nhận, cảm thấy sự vật, sự việc ngoài năm giác quan thông thường.
Hiện nay, một số nhà khoa học đang muốn lượng hóa, vật chất hóa hiện tượng này (của tác giả Nông Dân)
Ngoại cảm ở Mỹ châu:
Hình thức ngoại cảm phổ biến đầu tiên ở các nước Nam Mỹ như Brazil, chính là “gọi hồn”. Đây là một nghi lễ được các nhà ngoại cảm và các ông đồng, bà cốt thực hiện với niềm tin rằng họ có thể nói chuyện được với linh hồn của những người đã chết.
Tuy nhiên, phong trào “gọi hồn” đã bắt nguồn và phát triển cực thịnh ở nước Mỹ từ những năm 1840, và sau đó lan sang các nước nói tiếng Anh ở châu Âu.
Đến năm 1897, phong trào “gọi hồn” này đã thu hút được khoảng 8 triệu tín đồ đến từ Mỹ và các quốc gia châu Âu, trong đó phần lớn xuất thân từ tầng lớp trung lưu và thượng lưu trong xã hội. Chỉ đến những năm đầu thập niên 1920, phong trào này mới bắt đầu lắng xuống và dần dần suy thoái (Theo Khampha.vn).
Ngọai cảm chân chính:
Người có tư chất “ngoại cảm” thì chỉ dùng vào việc tìm mộ liệt sĩ làm việc “áp vong”, nói chuyện với “vong hồn”. Giúp các gia đình nói chuyện với người chết, không có xưng hô tiên thánh như một số tôn giáo nội sinh tại Việt Nam.
Giáo lý nhà Phật dạy: “không có vong hồn tồn tại sau khi chết”, không có vong hồn, thì ai nói chuyện với “vong”; mà ngoại cảm thì “áp vong”, “nói chuyên với vong hồn”, nên nói “ngoại cảm” không có liên quan đến Đạo Phật là vậy.
“Tư chất ngoại cảm” không phải ai cũng có, nhưng cũng chỉ có trong nhất thời rồi vụt tắt, nhà Phật gọi là “hiện tượng”, nó rất “vô thường”. Người có tư chất ngoại cảm là người có đạo đức và thiên về đạo đức nhiều hơn, giúp cho thiện căn tăng trưởng, trồng trái ngọt thì hưởng quả ngọt, không nên tham danh trục lợi, không tham lam tiền bạc mà dối người gạt đời, không làm tổn thương xã hội, không gây tiếng vang bằng cái “dở”, cái “giả” của mình. Đồng thời còn đem đạo đức khuyến giáo quần chúng, góp phần an sinh xã hội, giúp mọi người an lạc. Từ đó, có thể có nhà ngoại cảm chân chính hay không chân chính, có đạo đức hay không đạo đức. Còn việc “thật” hay “giả” dành cho nhà ngoại cảm tự tri.
HT Thích Giác Quang