VẤN: Con rất đau khổ và không biết hóa giải như thế nào về chuyện giữa con và gia đình. Con sinh ra trong một gia đình không quá khó khăn nhưng khi nhìn nhiều việc xảy ra giữa gia đình nội ngoại và chính dòng họ mình, con không cầm được nước mắt. Họ hàng con đều ít nhiều theo Phật giáo nhưng rất là mê tín dị đoan, toàn hay đi cúng bái, dùng bùa ngãi theo những người tà đạo, thầy bói để rồi tổ chức nhiều lễ cúng bái theo họ để đổi đời. Nhiều người học hành và có địa vị rất cao nhưng lòng tham vô đáy. Từ nhỏ, con hay suy tư và buồn nên tâm rất bấn loạn, thể xác gầy yếu bệnh liên miên. Điều làm con khổ nhất là mẹ của con. Mẹ con rất là nóng nảy, bảo thủ, chỉ muốn mọi thứ theo ý mẹ, bắt mọi người phải phục tùng mình nên con cũng phải sống theo con đường do mẹ con định ra. Thời gian gần đây, con biết được một chút về Phật pháp, được một số bạn trên mạng khuyên bảo, chỉ dạy tu hành, con mừng lắm thì lại buồn hơn nhìn nghiệp quả gia đình. Con không còn có thể nghe lời mẹ con bắt làm như xưa với những điều con cho là không đúng, trái với đạo lý hoặc ép người khác theo mình. Nhiều lúc con rất là uất giận, buồn, không thể nào ngồi nghe mẹ nói mãi nên bỏ đi thì bị mẹ mắng chửi là con bất hiếu, dùng rất nhiều từ ngữ nặng nề. Con đã cố gắng nghe chỉ dạy ráng niệm Phật hồi hướng cho mẹ nhưng cũng chẳng hiệu quả gì. Con ngày càng chán nản và nhiều khi đã nghĩ đến việc không muốn sống dù biết theo Phật giáo là sẽ bị đọa. Xin Sư cho con lời khuyên làm cách nào để con hóa giải được chuyện này để con còn có niềm tin tiếp tục sống theo lời dạy của Đức Phật.
ĐÁP:
Việc gia đình là mối tương quan ruột thịt, phải có tinh thần trên thuận dưới hòa, sống có thứ lớp. Tuy nhiên về mặt tín ngưỡng, mỗi người có sự lựa chọn, chúng ta cũng không nên áp đặt buộc ai phải theo ai, Bạn không nên khổ tâm vấn đề nầy. Việc theo Phật cần có thời gian, nhơn duyên và sự tĩnh thức, khi nào họ thấy Đạo Phật là nguồn hạnh phúc cho gia đình, có lợi ích cho các thành viên trong gia đình thì họ phát tâm đến với Đức Phật cũng không muộn.
Giáo pháp Đức Phật dựa vào luật nhân quả để hướng dẫn con người thoát khỏi những tai ươn, tự chúng sanh có thể tu tập làm lành lánh dữ, phát tâm ăn chay, giữ giới và giữ cho tâm tánh thật tĩnh táo, tránh luyến ái nhiều mà đọa lạc tử sanh. Sau đây Sư sẽ dẫn giải về ý nghĩa của niềm tin chân chánh để tự mọi người nhận định.
Ban đầu theo Phật cần có niềm tin chánh tín: “chánh” có nghĩa là sự đúng đắn, ngay thẳng, liêm khiết; “tín” là niềm tin. Hai từ “chánh” và “tín” ghép lại có thể được hiểu là niềm tin chân chánh. Phản nghĩa “chánh tín” là “mê tín”.
“Mê tín” là một dạng tin tưởng thiếu cơ sở, mơ hồ, hoang tưởng, ích kỷ, thiếu sự nhận định sáng suốt...không đem đến lợi ích cho cuộc sống cá nhân, gia đình hay xã hội, thậm chí còn đem lại sự tổn hại cho gia đình, như: mất hạnh phúc, chia rẻ yêu thương, nghi kỵ lẫn nhau, cáu ghét đối phương, tạo nên môi trường nóng bức, phong ba bão táp cho những người thân yêu ruột thịt…
Người mê tín đị đoan, ham thích “bùa ngãi, đồng bóng, thích cô cậu ông lên bà xuống” nên họ chỉ phụng sự cho bùa ngãi, cho mê tín dị đoan, cho ích kỷ, chứ không có thời gian rỗi rảnh lo cho mình, cho gia đình, một ít hạnh phúc cho thân tâm cũng không có, do bùa ngãi, đồng bóng xen vào giữa gia đình rồi.
Muốn gội rữa cho tâm hồn trong sạch, gạn đục lắng trong, làm cho thân tâm thanh thản, mọi người cần có sự tín tâm. Sự tín tâm trong Đạo Phật, trước nhất phải không do ai gợi ý, mà phải xuất phát từ một ý thức mới “vô duyên từ” , tự ta phát tâm tìm đến giáo pháp Đức Phật, tìm hiểu học hỏi, nghiên cứu thật sâu sắc về giáo lý Phật đà, như: cuộc đời của Đức Phật, vấn đề tam quy ngũ giới, những phương pháp cứu người khổ đau, oằn oại trong cuộc đời, học những hạnh lành của Phật, Bồ tát về các gương hiếu hạnh với mẹ cha, các pháp nầy xuất hiện thì ý tưởng mê tín dị đoan tự nhiên rơi rụng và chấm dứt.
Đại đa số Phật tử hiện nay, tìm hiểu Đạo Phật thực dụng nhiều hơn là nghiên cứu tu học. Thực dụng là khi gặp những khổ đau thì đến cầu Phật để được an lạc, song khi an lạc thì không tín ngưỡng nữa. Các vị ít được giáo hóa tự mình làm cho mình an lạc. Ví dụ: khuyến tấn tín đồ không làm ác là nhân, mọi việc lành đến là quả, đấy là tự ta cầu an cho ta đó. Giai đoạn hai phát tâm quy y thọ giới, khi đã có giới trong mình, do giữ giới nên điều xấu ít đến và lần lượt không còn. Giai đoạn ba làm cho thân khẩu ý không còn nóng vội…nên các nghiệp chướng tự nhiên rơi rụng, thân tâm nhẹ nhàng, nhân cách khiêm cung, đáng mến, mọi người xung quanh nhìn thấy muốn làm theo, không cần khuyến thiện ai cả.
Sở dĩ Bạn khổ tâm là vì tư tưởng của Bạn và gia đình còn “so le”, Bạn muốn cho cha mẹ, anh em, mọi người đi theo ý hướng tu hành của Bạn, nhưng vì họ không làm theo, mà còn khuyên ngược lại Bạn, trường hợp nầy vì họ chưa đủ duyên lành để theo Phật, nên Bạn khổ tâm đó thôi. Sư có lời khuyên nên chấm dứt tư tưởng đó thì an lạc. Khi nào các thành viên trong gia đình đủ duyên lành thì họ đến với Phật.
Hằng ngày ngoài công tác xã hội và gia đình, đêm đến rỗi rãnh, 19 giờ nên niệm Phật, niệm danh hiệu: “Nam mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ tát” 3 lần rồi tiếp đọc bài:
Nam mô đại bi Quán Thế Âm,
nguyện con mau biết tất cả pháp.
Nam mô đại bi Quán Thế Âm,
nguyện con sớm được mắt trí huệ.
Nam mô đại bi Quán Thế Âm,
nguyện con mau độ các chúng sanh,
Nam mô đại bi Quán Thế Âm,
nguyện con sớm được phương tiện khéo.
Nam mô đại bi Quán Thế Âm,
nguyện con mau lên thuyền bát nhã.
Nam mô đại bi Quán Thế Âm,
nguyện con sớm được qua biển khổ,
Nam mô đại bi Quán Thế Âm,
nguyện con mau được đạo giới định.
Nam mô đại bi Quán Thế Âm,
nguyện con sớm lên non Niết Bàn.
Nam mô đại bi Quán Thế Âm,
nguyện con mau về nhà vô vi.
Nam mô đại bi Quán Thế Âm,
nguyện con sớm đồng thân pháp tánh.
Nếu con hướng về nơi non đao,
non đao tức thời liền sụp đổ.
Nếu con hướng về lửa, nước sôi,
nước sôi, lửa cháy tự khô tắt.
Nếu con hướng về cõi địa ngục,
địa ngục liền mau tự tiêu diệt,
Nếu con hướng về loài ngạ quỷ.
Ngạ quỷ liền được tự no đủ,
Nếu con hướng về chúng Tu La,
Tu la tâm ác tự điều phục,
Nếu con hướng về các súc sanh,
súc sanh tự được trí huệ lớn.
Mỗi đêm niệm chừng 20 phút, niệm xong rồi hồi hướng nghỉ ngơi cho thanh thản; Bạn sẽ an lạc.
HT Thích Giác Quang