Lâu nay Ngọc Hằng rất hiếm khi có thời gian đi dạo xung quanh hay trò chuyện trên mạng với những bạn Phật tử của tất cả các tông phái dù ngày ngày đều làm phật sự cúng dường trên trang nhà Linh Sơn Phật Giáo. Chẳng biết nhân duyên gì gần một tháng nay Ngọc Hằng phải vô tình đọc quá nhiều thông tin không được tốt, phần nhiều đa phần là các bạn kể cả Phật tử tại gia và xuất gia tranh luận, chống phá, công kích giữa các pháp môn và bắt đầu đâm ra công kích chính cá nhân của bạn mình. Đã có một thời Ngọc Hằng thường xuyên bị các bạn đạo gởi thư, nhắn tin đến khuyến dụ phải theo vị thầy nọ thầy kia, pháp nọ pháp kia mới là đúng với chánh pháp và pháp môn Niệm Phật, nguyện cầu vãng sanh là không đúng với giáo lý nhà Phật, là pháp môn tự chế làm biến dạng tinh thần của Phật Giáo. Có bạn con phân tích cho Ngọc Hằng thấy rằng niệm Phật là sự đè nén cảm xúc, là không thể làm cho trí huệ tăng trưởng, là không giải quyết rốt ráo vấn đề làm Ngọc Hằng buồn cười vì biết rằng những bạn này chưa bao giờ biết niệm Phật và thật sự có lẽ chẳng biết điều đơn giản nhất của Phật giáo là tùy thuận chúng sanh, tùy duyên hóa độ.

Cũng như mọi lần, Ngọc Hằng lại đi than kể với thầy. Thầy lại tiếp tục an ủi, giải thích, sách tấn động viên tinh thần của Ngọc Hằng. Thầy dạy từ từ rồi con sẽ còn thấy nhiều chuyện khác ghê gớm hơn vậy và tất cả đã được Đức Phật tiên đoán hết rồi con. Thời nay là họ tranh pháp không ngừng nghỉ, chỉ lo xây chùa, đúc tượng, làm những thứ bề ngoài tốn kém chứ không phải lo tu và mới rãnh rỗi có thời gian đi tranh luận với nhau không được lợi lạc gì cả. Pháp phật là vô tận vô cùng đối trị với muôn vàng bệnh của chúng sanh nên không thể có một bài thuốc, một công thức riêng nào cho bất cứ một ai. Vì vậy, thuốc nào trị được đúng bệnh thì đó là thuốc hay không kể mắc rẻ. Thuốc dù có mắc có hay cách mấy mà không trị được bệnh hay uống lộn thuốc thì chỉ gây ra tác dụng phụ, thậm chí chết người mà thôi. Do đó, ai nói gì mặc ai mình đi con đường mà mình có an lạc, hạnh phúc, bình an cho cả mình và người thì con cứ tiếp tục hành trì.

Chiều nay, tự nhiên Ngọc Hằng mở băng đĩa nghe giảng của Ni Trưởng Thích Nữ Huệ Giác, viện chủ Quan Âm Tu Viện, vị thầy bổn sư đặt pháp danh cho Ngọc Hằng. Bài giảng Ni Trưởng nói về cách sống, cách niệm Phật. Ni trưởng bảo có nhiều vị đã từng đến thắc mắc sao các bài giảng của Ni trưởng đều rất đơn giản, bình thường, suốt ngày chỉ khuyên niệm Phật. Ni trưởng cười bảo Ni trưởng không giảng gì cao siêu cả, không nói những pháp trên trời mà không áp dụng thực tiễn mà chỉ giảng những gì Phật tử có thể hành trì. Nếu ngồi nói pháp trên trời mà không hành được Ni Trưởng cũng có thể nói cả ngày nhưng không được lợi lạc gì, đơn giản mà ai nghe cũng thấm cũng tu thì Ni trưởng mừng. Còn ai chê trách câu niệm Phật đơn giản quá thì Ni trưởng cười bảo đơn giản vậy chứ hay quên lắm vì họ đâu có hành trì. Câu nói “đơn giản nhưng hay quên” của Ni trưởng quá thâm thúy làm Ngọc Hằng bừng tỉnh thấy mình mãi đuổi theo những tranh pháp của mọi người mà quên mất câu lục tự để đưa lối cho mình về. Vì thế hôm nay, Ngọc Hằng xin kể cho các bạn nghe câu chuyện “Người Dốt Hay Cãi” để chúng ta biết nên điều chỉnh tu hành và đừng tranh pháp hý luận vô ích mà hãy gắng công hành trì pháp môn thuận duyên có lợi cho mình và bá tánh thập phương nhé. A Di Đà Phật

“Một thuở nọ, Đức Phật đang ở trong vườn Kỳ-Thọ Cấp-Cô-Ðộc, thành Xá-Vệ, giảng pháp cho đồ đệ nghe. Thính chúng trong pháp hội nầy gồm hàng tại gia, xuất gia đủ cả tứ chúng, và vua quan, đại thần, tể tướng, bá quan, vạn dân, hơn tám vạn người.

Gần đến giờ ngọ, các thầy tỳ-kheo phân thành từng đoàn bưng bình bát vào thành Xá-Vệ khất thực. Trên đường đi vào thành, trời còn sớm, chưa đến giờ ngọ, các thầy tỳ-kheo mới bàn với nhau rằng: "Trời hãy còn sớm, nếu chúng ta vào thành khất thực e rằng các tín chủ chưa chuẩn bị kịp thức ăn cúng dường. Tốt hơn, để tránh sự phiền lòng vội vã của người tín chủ có thể khởi tâm không được hoan hỷ trọn vẹn, thì chi bằng chúng ta cùng nhau tạm thời đi vào giáo đường của đạo Bà-la-môn nghỉ chân một lát, đồng thời cũng để nghe họ giảng đạo ra sao, rồi sau đó đi vào thành khất thực thì có lẽ hợp thời hơn".

Nghe vậy, đa số đều đồng ý kéo nhau vào giáo đường Bà-la-môn. Các thầy tỳ-kheo lễ phép chào hỏi xong, mỗi người kiếm chỗ ngồi nghe theo các đạo trưởng Bà-la-môn và đồ chúng của họ luận đạo. Các thầy Bà-la-môn bàn cãi đạo lý với nhau, ai cũng tranh phần đúng, ai cũng nói mình có lý, ai cũng nói ý kiến của mình là hợp với chân lý hơn, đáng để thực hành. Các thầy Bà-la-môn luận cãi nhau mỗi lúc một sôi nổi không còn giữ được thái độ bình tĩnh nữa, đưa đến những lời thề thốt văng tục, và tiếp theo đó là chân tay gậy gộc, cuối cùng trận đấu khẩu luận đạo của họ biến thành trận ẩu đả hỗn loạn.

Các thầy tỳ-kheo thấy vậy cùng nhau đứng dậy lặng lẽ bỏ đi để vào thành khất thực. Ðến giờ ngọ, các thầy tỳ-kheo đều trở về tịnh xá thọ trai.

Sau khi thọ trai xong, tăng chúng vây quanh Phật và đem những việc đã nghe thấy ở giáo đường Bà-la-môn vừa rồi, bạch lên Đức Phật: "Bạch đức Thế-Tôn! Những người đạo Bà-la-môn họ vì tìm chân lý mà biện luận tranh cãi nặng lời, đến nỗi dùng tới dao gậy đả thương nhau. Như thế thì chừng nào họ mới đạt được chân lý? Cúi xin đức Thế-Tôn từ bi chỉ dạy để cho chúng con được rõ".

Ðức Phật mỉm cười hiền hòa đáp: "Nầy các con! Tất cả đều do si mê mà ra. Không phải các người Bà-la-môn kia chỉ ngu dốt sân hận ở một đời nầy đâu! Mà ta nhớ từ thuở quá khứ xa xưa, trong một kiếp nọ, cũng ở cõi Ta-bà nầy, có một nhà vua sùng tín đạo Phật. Ngày ngày ngoài việc triều chính ra, nhà vua còn chuyên cần nghiên cứu thông hiểu nghĩa lý kinh Phật, thực hành lời Phật dạy. Trái lại đình thần dân chúng trong nước không nhiệt tâm hâm mộ Phật Pháp, không thông hiểu đạo lý của chư Phật. Xem một vài trang kinh sách Phật, rồi họ tưởng là đủ thông hiểu lời chư Phật dạy. Họ tỏ ra khinh mạn tự cao tự mãn. Vì vậy, tâm trí hiểu biết của họ đối với giáo nghĩa của chư Phật chẳng khác nào như bọt nước trong biển cả, như ngôi sao đối với ánh trăng, như miệng chum đối với quãng trời bao la cao rộng, như ếch ngồi đáy giếng, như hồ ao nhỏ bé đối với đại dương. Lại có lắm kẻ còn tin theo giáo thuyết tà ma ngoại đạo. Ðể cho quần thần dân chúng tỉnh ngộ, hâm mộ nghiên cứu giáo lý Phật-Ðà, nhà vua truyền lệnh tìm hết những người mù trong nước từ thuở còn lọt lòng, tập trung lại tại một nơi trong hoàng cung.

Sau hơn ba tháng trời, những người mù khắp nơi trong nước, được đưa về triều. Nhà vua lại truyền lệnh các quan trong triều và dân chúng cả nước phải tụ tập ở quảng trường trước cửa ngọ môn hoàng thành để chánh kiến cảnh thí nghiệm hy hữu. Ðồng thời nhà vua cũng ra lệnh cho quan quản tượng dắt voi ra để cho những người mù rờ và cho họ tự do phát biểu ý kiến theo sự hiểu biết của họ. Còn nhà vua thì đích thân chủ tọa cuộc thí nghiệm nầy.

Những người mù được dắt đến vây quanh, để họ tùy thích rờ mó voi một hồi lâu, rồi xem họ phát biểu sự hiểu biết của mình. Người rờ trúng chân voi, thì nói voi giống như cái quạt. Kẻ rời trúng vành lỗ tai, thì nói voi như cái rổ. Người rờ trúng đuôi, thì nói voi giống như cái chổi. Kẻ rờ trúng bụng voi, thì nói voi giống như trống chầu. Kẻ rờ trúng hông voi, thì nói voi giống như bức tường. Người rờ trúng lưng voi, thì nói voi như mặt bàn. Kẻ rờ trúng ngà voi, thì nói voi giống như cái kèn. Rồi cả bọn họ cãi nhau ôn ào để tranh phần đúng về mình.

Thấy bọn mù tranh cãi về sự hiểu biết của mình đối với voi, mỗi lúc một ồn náo. Không ai chịu thua ai, họ quờ quạng muốn đánh nhau. Thấy cảnh tượng như vậy, không nén được lòng, nhà vua bật cười to ha hả và phán với thần dân rằng: "Các quan văn võ triều thần và dân chúng cả nước đối với Phật Pháp hiểu biết chẳng khác nào như những kẻ mù kia hiểu biết về con voi". Rồi nhà vua ngâm lớn kệ rằng:

Thần dân cả nước khác chi mù
Phật Pháp hiển bày cứ vẫn ngu
Chẳng hiểu, chẳng tin, chẳng nghiên cứu
Nghông nghênh khoe mép, tưởng đặc thù.

Ngâm xong bài kệ, nhà vua hướng về thần dân giảng nói lớn rằng: "Ở đời có những kẻ chỉ mới học năm ba quyển sách, hiểu biết nông cạn như vài bụm cát trong bãi biển mà cứ tưởng mình thâm hiểu kinh điển diệu lý cao siêu, rồi vênh váo tự đắc, khua môi múa mép, tự cho ta đây là hơn cả. Những kẻ đó chẳng khác nào những kẻ mù rờ voi kia vậy". Nói xong, nhà vua đứng dậy thành kính chấp tay ngước mặt lên trời đọc lời đại nguyện:

Chúng sanh vô biên, thệ độ hết,
Phiền não vô tận, thệ đoạn sạch,
Pháp môn vô lượng, thệ nguyện học,
Phật đạo vô thượng, thệ nguyện thành.

Ðức Phật thuật câu chuyện trên xong, để giải đáp thắc mắc của các tỳ-kheo kia, Ngài hướng về đại chúng mà nói rằng: "Những người Bà-la-môn tranh cãi ẩu đả trong giáo đường của họ, mà các con vừa thấy đó, tiền kiếp của họ chính là bọn người mù rờ voi ở thời quá khứ. Họ ngu dốt không chịu tìm minh sư học đạo, không chịu thân gần thiện-tri-thức để học hỏi kinh điển, nghiên tầm nghĩa lý chơn chánh, chuyên tâm tu niệm, mà cứ tranh cãi hơn thua, nên mãi đắm chìm trong ngu dốt. Còn vị vua ở thời quá khứ đó, chính là tiền thân của Như-Lai ta đây vậy".

Ngọc Hằng



Có phản hồi đến “Câu Chuyện Phật Giáo Số 15: Người Dốt Hay Cãi”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com