Ngày 8/3, ngày lễ thiêng liêng dành cho những người phụ nữ đáng yêu và vĩ đại của cuộc đời, nhất là dành cho mẹ. Đây là một dịp đặc biệt để những người con nhớ ơn công đức cưu mang, dưỡng dục sinh thành của mẹ mà biết bao nhiêu câu ca dao, tục ngữ, bao nhiêu áng văn thơ ngàn đời vẫn không thể nào nói hết nên được. Từ ngữ văn chương dù phong phú, bao la vô tận vẫn không thể nào diễn tả được hết tấm lòng vĩ đại của mẹ bởi vì:

“Ngôn ngữ trần gian là túi rách

Đựng sao đầy hai tiếng mẹ ơi”

Ngày 8/3, ngày quốc tế phụ nữ, dù không được vinh danh ở Mỹ nhưng lại được đón mừng ở nhiều nước, đặc biệt là ở Việt Nam chúng ta vì rất phù hợp với truyền thống hiếu đạo, thương yêu, ca ngợi những gì đẹp nhất những người phụ nữ quan trọng của cuộc đời mang lại. Mẹ mãi là biển rộng non cao, là bầu trời hạnh phúc nuôi con khôn lớn nên người. Dầu cho thế sự có đổi thay, giông bão khắp muôn miền thét gào, mẹ vẫn mãi bên con, bảo vệ và dạy dỗ con nên vóc nên hình trong khắp cả không gian và thời gian.

Trong thời đại hiện nay, đời sống tiện nghi vật chất đủ đầy hơn trước nên có lẽ tình người cũng bị phai nhạt, bị vật chất hóa ít nhiều. Do đó, trách nhiệm làm mẹ làm cha càng khó khăn gấp bội để mong rèn đức luyện tài những mầm non tương lai thành những người con hiền giỏi mà xã hội đang cần. Đó cũng là lúc mà trách nhiệm giáo dục về tâm hồn, gieo cho con mình những tinh hoa của lòng yêu thương, đạo đức để thành nhân trước khi thành tài càng cần thiết hơn bao giờ hết. Nhìn lại những tấm gương hiếu đạo xưa kia, những câu chuyện giáo dục nhân cách rèn tâm cho con của người xưa vô cùng có giá trị trong thời buổi hiện đại. Nhân ngày phụ nữ 8/3 hôm nay, xin gởi tặng các bạn câu chuyện “Mẹ Mạnh Tử Dạy Con”. Nguyện mong những người phụ nữ trên thế gian sẽ có một ngày lễ vinh danh cho mình đầy ý nghĩa, hạnh phúc, an vui để tiếp tục vai trò hung đúc tâm can, giáo dục hiền nhân hiếu đạo có ích cho cuộc sống.

“Thuở nhỏ gia đình Mạnh nghèo khó, hai mẹ con lây lất sống ở những ngôi nhà mồ của nghĩa địa. Thấy người ta đào, chôn, lăn, khóc... Mạnh cũng bắt chước làm theo. Mẹ Mạnh thấy thế rất lo ngại, bà thầm nghĩ :

- "Chỗ này không phải là chỗ cho con ta ở".

Rồi lập tức bà dọn đồ đạc ra chợ ở. Mạnh thấy người cân bán mậu dịch đổi chác, cũng bắt chước làm theo. Mẹ thấy vậy càng lo ngại hơn nhiều, bà lại nghĩ:

- "Chỗ này cũng không phải là chỗ cho con ta ở."

Rồi tiếp tục bà dọn đồ đạc đến cạnh trường học ở. Lần này bà rất hài lòng vì từ khi về đấy Mạnh bắt chước học hành chăm chỉ. Bà vui vẻ nghĩ :

- "Đây mới là chỗ đáng cho con ta ở vậy!"

Một hôm thấy nhàhàng xóm giết lợn, Mạnh hỏi mẹ :

- Thưa mẹ, người ta giết lợn làm gì thế ?

- Để cho con ăn đấy. Bà lỡ miệng nói đùa.

Nói xong bà chợt nhớ là mình đã lỡ lời. Bà nghĩ :"Con ta thơ ấu, tri thức mới mở mang mà ta nói dối nó, thì chẳng ra ta dạy nó nói dối hay sao ?". Đoạn bà đi mua thịt lợn mà cho con ăn thật.

Lại một hôm khác, trong lúc bà đang dệt cửi, xa trông thấy con trốn học về nhà, bà buồn giận kêu Mạnh đến gần, lập tức cầm dao chặt đứt tấm vải đang dệt rồi mắng :

- Con đang đi học mà bỏ học thì cũng như mẹ đang dệt vải mà chặt đứt vải vậy.

Mạnh nghe mẹ dạy, cảm động sa nước mắt, và kể từ hôm ấy Mạnh học tập chuyên cần hơn trước gấp bội, nhờ đó Mạnh luôn là học sinh xuất sắc của lớp và về sau Mạnh trở thành bậc đại hiền minh triết.

LỜI BÀN:

Các bạn thân mến !

Giáo dục con theo kiểu của Mẹ Mạnh Tử thì Mạnh Tử không trở thành bậc hiền triết sao được. Thấy chỗ ở không thích hợp, lập tức dời đến nơi khác, đến nơi khác vẫn chưa thích hợp lại dời đến nơi khác nữa. Đến khi dời nhà cạnh trường bà mới thật sự hài lòng, vì sống ở đấy, Mạnh Tử sẽ bắt chước chúng bạn năng nổ chăm chỉ học hành mà trở thành người hữu dụng.

Cách giáo dục đó chúng ta thấy nổi bật ba ưu điểm :

1/ - Chọn môi trường sống thích hợp với trẻ mà Đức Phật ta đã dạy là :"Phải ở những nơi đáng ở", cốt để tránh những ảnh hưởng xấu từ môi trường, từ ngoại tại đem lại, bởi vì "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng".

2/ - Gieo vào tiềm thức trẻ những đức tánh không phỉnh phờ, chân thật để tạo cho trẻ một nếp sống đạo đức sau này.

3/ - Ám thị vào trí não trẻ tinh thần cần cù, chăm chỉ, siêng năng, không biếng nhác để giúp trẻ có một thái độ kiên trì nhẫn nại, khắc phục khó khăn gian khổ.

Nói chung, cha mẹ phải dạy con từ thuở nhỏ "Dạy con từ thuở còn thơ" để con cái quen dần với những thói quen tốt mà trở thành những người đức hạnh sau này.

Ngọc Hằng



Có phản hồi đến “Câu Chuyện Phật Giáo Số 14: Mẹ Mạnh Tử Dạy Con”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com