Hôm nay là ngày 1/12, ngày phòng chống căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS trên thế giới. Đối với những người làm về y khoa như tôi thì ngày này có một ý nghĩa khác khi nhìn lại những chặng đường đã qua của căn bệnh này sau gần 30 nó xuất hiện trên quả đất này cùng những tiến bộ khoa học và thuốc men chống lại căn bệnh thế kỷ.

Với phương pháp điều trị thích hợp thì người nhiễm bệnh có thể vẫn có cuộc sống bình thường, làm việc bình thường và sống được hơn 20, 30 năm hay thậm chí nhiều hơn, chưa ai biết được. Dù có lẽ hiện giờ thì số lượng người bị nhiễm bệnh HIV/AIDS không đáng là bao so với những người bị bệnh về tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường, đột quỵ, đau tim, chấn thương, những căn bệnh có thể giết chết người nhanh hơn cả HIV/AIDS rất nhiều nhưng nổi sợ hãi, ám ảnh và khoảng cách phân biệt với những người bệnh HIV này vẫn còn rất nhiều.

Theo thống kê của tổ chức y tế thế giới, hiện nay có khoảng 34 triệu người mắc bệnh HIV trong đó cao nhất vẫn là ở Châu Phi với khoảng 23 triệu người và Đông Nam Á trong đó có Việt Nam là 4 triệu người. Châu Phi, lục địa đen của cả thế giới lại là nơi hứng chịu tất cả những gì tồi tệ nhất của thế giới như đói nghèo, bệnh tật, chiến tranh và mỗi khi nghĩ về Châu Phi là người ta lại nghĩ về một nới tồi tàng, khổ đau, khủng hoảng nhất của thế giới. Dù cả thế giới và rất nhiều tổ chức nhân đạo, từ thiện ngày đêm hoạt động, làm việc ở đây giúp họ thoát khổ, ngăn ngừa giảm thiểu bệnh tật nhưng có lẽ nó cũng chẳng khác nào muối bỏ vào biển nên đâu lại vào đấy, nghèo khổ, bệnh tật lại trở về với nguyên mẫu của nó.

Chiến tranh, đói nghèo, thiên tai, bệnh tật đang hoành hành khắp nơi trên trái đất này chứ không riêng gì ở Châu Phi. Đôi khi tôi tự hỏi và tự thắc mắc rất nhiều tại sao con người càng tiến bộ, càng hiện đại, cuộc sống đầy đủ nhưng họ lại không cảm thấy hạnh phúc. Để có thể sống và tồn tại tốt mỗi người một ngày đâu cần phải cần nhiều vật dụng và thức ăn nhưng tại sao họ vẫn cứ đánh nhau, vẫn cứ gây chiến và đói nghèo vẫn cứ tiếp tục hoành hành.

Tại sao thiên tai mỗi ngày mỗi xảy ra khủng khiếp hơn với cường độ thiệt hại không ai có thể lường trước được. Vậy cuối cùng, con người ta sống trên trái đất này, tồn tại nhau hằng ngày như thế để làm gì hay chỉ ráng sống hết một kiếp người và chết thế là hết nên họ không cần và không quan tâm đến điều gì xảy ra ở tương lai?

Bao câu hỏi không biết nên giải thích thế nào đã ám ảnh tôi cho đến lúc tôi tìm đến với Phật giáo. Ngày xưa, tôi cũng chỉ bám víu vào những nhận định, những học thuyết về xã hội, về nhân chủng, về tiến hóa, về chính trị để phân tích hành động hay khuynh hướng thay đổi của xã hội nhưng chẳng cái nào làm tôi thỏa mãn và nó cũng chẳng khác nào một học sinh học thuộc lòng, thêm chút lý luận để trả bài đạt điểm cao. Tất cả những gì gây ra, xảy ra, hiện diện trên thế giới này đều do nhân duyên, quả báo mà thành và họ phải tự chuốt lấy những hậu quả do mình gây ra.

Thế mới có một thế giới toàn khổ đau như Châu Phi, một nơi người ta vô cùng cuồng sát, bạo loạn, sẵn sàng chết thay hay ôm bom tự sát như Taliban, bọn diệt chủng polpot hay sinh ra những tín ngưỡng cuồng loạn, háo sát khắp nơi trên thế giới. Chiến tranh thế giới thứ nhất, thứ hai đã giết chết đi không biết bao nhiêu người và trong thời đại này nếu chiến tranh xảy ra sẽ là chiến tranh của sinh học, hóa học, hạt nhân diệt chủng tất cả. Nghiệp sát của con người chất chồng nên vạn kiếp sự vay trả trả vay vẫn cứ xảy ra vô tận, liên hồi mà thôi.

Dù biết rằng tất cả đều do nhân quả, do tham sân si, do thỏa mãn bản ngã, thỏa mãn cái tôi, do vô minh che lấp nên con người ta mới hành động đầy tội lỗi như vậy nhưng sao tôi vẫn cứ thấy buồn, buồn lo cho cả mình và thương cho mọi người mà không biết phải làm như thế nào. Hằng ngày chăm sóc cho bệnh nhân với đủ thứ bệnh từ nhẹ đến nặng và nguy hiểm mà mọi người xa lánh, thấy họ dùng toàn độc chất giết chết mình dần dần để rồi sinh bệnh, dù khuyên răn họ thế nào họ cũng không bỏ được nên chỉ biết làm tròn bổn phận của một người thầy thuốc chăm sóc họ còn lại thì không thể quyết định thay cho họ được. Họ chán, họ buồn, họ đau, họ nghiện ngập nhưng họ lại cần có thuốc để điều trị hết tất cả các bệnh của mình. Cuộc đấu tranh về y đức lại xảy ra trong tâm và chẳng có câu trả lời nào là đúng là sai mà chỉ là tùy phương diện phán xét, bảo vệ mà thôi. Cán cân nào đo lường, quyết định trong những vấn đề về y đức và hành xử với họ đây?

Ở Mỹ, thức ăn có thể gọi là thừa mứa, phung phí thì những nơi như Châu Phi không có lấy một miếng cơm mà ăn. Đồ ăn có thể dư thừa, nằm trong thùng rác của nước giàu lại là điều ao ước của nước nghèo. Tuy nhiên, bệnh về tâm thần, trầm cảm, tự sát lại rất cao với những nước có nền công nghiệp phát triển. Thế mới biết giàu nghèo gì cũng đều là khổ chỉ khác nhau về mặt hình tướng mà thôi.

Nghèo đói và bệnh tật , mức độ phân chia giàu nghèo sẽ càng phân hóa mạnh mẽ hơn với tốc độ phát triển kinh tế, tỉ lệ nghịch với nhân đức và y đức của con người. Còn nhớ vào năm 1994, khi nạn đói khủng khiếp xảy ra ở Xu đăng, rất nhiều người bị đói chết. Kevin Carter, một nhiếp ảnh gia nổi tiếng đã chụp tấm ảnh mô tả một em bé đang đói lả nhưng vẫn cố bò về phía trại phân phát lương thực của Liên Hợp Quốc, cách đó khoảng 1km. Đằng sau em bé, con chim kền kền đang chờ đứa trẻ bị chết để nó có thể ăn thịt. Bức ảnh đã đoạt giải Pulitzer 1994, một giải thưởng nhiếp ảnh cao quý.

Tuy nhiên, không ai biết điều gì xảy ra với em bé, kể cả nhà nhiếp ảnh Kevin Carter, người đã rời ngay khỏi hiện trường sau khi chụp. Vì thế, bức ảnh đó đã làm cho cả thế giới chấn động, bàng hoàng, lên án hành động cũng như suy nghĩ thiếu đạo đức của nhà nhiếp ảnh gia khi nghĩ đến giải thưởng mà không quan tâm đến em bé. Nếu nhiếp ảnh gia sau đó bế em bé đến trại phân phát lương thực của Liên Hiệp Quốc thì có lẽ sự việc đã khác đi rất nhiều. Không chịu nổi áp lực lên án của dư luận nên ba tháng sau, Kevin đã tự sát.

Hôm qua, ngồi nhìn lại tư liệu về thảm họa của căn bệnh HIV và hậu quả của thiên tai, chiến tranh, đói nghèo diễn ra trên khắp thế giới mà tôi không cầm được nước mắt dù những chuyện như thế này tôi phải đối diện trực tiếp hằng ngày từ nghề nghiệp của mình. Ánh mắt của em bé bị khối u não, tay chân teo quắp vì hậu quả của việc mẹ em phá thai nhiều lần đã bỏ em ở trại mồ côi đang cầm miếng bánh để ăn trong bộ quần áo không biết nói làm sao cứ ám ảnh lấy tôi trong giấc ngủ, mong được ôm em vào lòng chăm cho em ăn.

Buồn quá nên tôi gọi điện thoại về thỉnh với ông Sư, Hòa Thượng Thích Giác Quang kính mong sư gia hộ, độ trì cho tôi gặp được một người bạn đạo đồng tâm, hợp với công việc về y khoa của tôi đang làm để tôi có thể làm việc từ thiện bằng chính nghề nghiệp của mình. Tôi thấy mình quá may mắn nhưng tôi cần người giúp tôi, hiểu tôi, tiếp lửa thêm cho tôi làm những công việc thiện nguyện, ý nghĩa nhưng có thể nguy hiểm đến cho mình ở xứ người này. Tuy nhiên, tôi không sợ nguy hiểm hay bất trắc xảy ra cho mình vì tôi nghĩ rằng mình làm việc thiện thì sẽ luôn có sự gia hộ, độ trì của các vị Bồ Tát xung quanh mình.

Những gì tôi do chút phước đức và may mắn lấy được từ thế gian tôi hy vọng sẽ hoàn trả lại với một hình tướng, phương cách khác có ý nghĩa cho mọi người. Hy vọng một ngày gần đây, khi má tôi nghiệp chướng tiêu trừ mà hết bệnh, tôi sẽ có cơ hội làm việc cho các tổ chức thiện nguyện của thế giới như Liên Hiệp Quốc, tổ chức y tế thế giới hay tổ chức thầy thuốc không biên giới như rất nhiều những người thầy thuốc khác đã làm để mang tặng niềm vui, sức khỏe, may mắn đến cho những người bất hạnh và sống một đời lợi ích an vui.

Cầu xin chư Phật, chư Đại Bồ Tát, chư Hiền Thánh Tăng trì từ, gia hộ, độ trì cho con có đủ niềm tin và nghị lực, gặp được bạn hiền để giúp con làm được thêm nhiều việc thiện giúp đời. Cầu mong thế giới luôn hòa bình, bãi chiến đao binh, nhà nhà an hưởng thái bình, hạnh phúc.

Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Linh Cảm Quán Thế Âm Bồ Tát!
Ngọc Hằng



Có phản hồi đến “Tay Trong Tay Cùng Dựng Xây Thế Giới”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com