Viết xong đề tựa mới thấy câu hỏi thì đơn giản nhưng câu trả lời lại vô cùng phức tạp, rắc rối. Tôi cứ tưởng dễ. Mới biết trong đời mình chắc có nhiều cái lầm lẫn. Và tôi cho rằng, đây là một cái lầm lẫn không nhỏ - làm gan trả lời câu hỏi bạn đã hỏi tôi từ mười năm trước.
Vâng, dạo đó bạn cứ nằng nặc muốn biết tại sao tôi đi tu. Đi tu có gì "special" không. Chắc phải có duyên cớ gì thầm kín lắm. Tôi mà cố nhớ lại, thì ôi thôi, có đến sang năm tôi mới nhớ hết những lý do, những thắc mắc bạn đã nêu lên. Tôi nhớ rằng, dạo đó tôi chỉ cười cười vì không biết trả lời thế nào cho phải. Mà nói mình không biết thì lại ngại bạn chê tôi quê - đi tu mà không biết chi cả. Thành thử, tôi đã áp dụng nghiêm túc cách xử thế của người khôn ngoan: biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe. Và tôi chỉ lắng tai nghe bạn hỏi đi hỏi lại câu hỏi đó, không chừng có đến mấy chục lần rồi đó. Tuy vậy, tôi lấy làm lạ bạn à. Cũng một câu hỏi, thế sao mỗi lần nghe in tuồng có cái gì khác khác ở trong. Ví dụ, lần đầu nghe bạn hỏi thì tôi cho rằng bạn muốn "chọc quê" tôi. Rồi cái hôm đi thăm bảo tàng viện ở Nữu Ước, cũng với câu hỏi đó, nhưng với ánh mắt đăm chiêu và nghĩ ngợi của bạn, thì tôi cho rằng bạn hơi “serious”, muốn biết chuyện người lớn. Rồi mới hôm nào đây, bạn nhắc lại "món nợ" và đòi tôi trả - trả lời câu hỏi xưa gần bằng trái đất của bạn - thì tôi cho rằng, bạn thật tình muốn "biết" tại sao tôi đi tu.
À ha, thì ra bạn cũng ghê thiệt. Nhớ dai quá đi. Tại sao tôi đi tu thì chuyện đó có liên quan gì đến bạn đâu mà bạn để tâm chi cho mệt. Tôi biết rồi, hay bạn cũng như hàng chục người mà tôi đã gặp, hỏi vậy là để thỏa mãn tính tò mò, hiếu kỳ của mình. Như tôi đã nói ở trên, bạn hỏi đã nhiều lần thì chắc là phải khác với thiên hạ chỉ muốn biết một chút đời tư của tôi cho vui. Do vậy, mà tôi hơi hơi cảm kích đó bạn à. Cảm kích vì biết rằng, trên đời này còn có ít nhất là một người thường quan tâm đến cuộc đời tu hành của mình. Tôi thường tự an ủi, mình làm việc gì mà có ĐƯỢC một người hiểu mình thì kể như quá đủ. Rồi từ chỗ cảm kích, tôi có tâm niệm biết ơn bạn. Nhờ bạn, mà mỗi lần đọc thầm bài thơ xưa:
Nhất bát thiên gia phạn Cô thân vạn lý du
Kỳ vị sanh tử sự
Giáo hóa độ xuân thu
Mà có người tạm dịch là:
Bình bát cơm ngàn nhà
Thân chơi muôn dặm xa
Chỉ vì đời sanh tử
Giáo hóa tháng ngày qua
... thì cái cảm giác "cô thân", "vạn dặm" như có hơi hướm ấm áp và gần gũi hơn là tôi thường nghĩ. Ngoài kia, còn có bạn, còn có những người bạn khác cùng tâm huyết thì sao mà "cô thân" được, phải không bạn?
Nhưng bạn biết không, đó chưa phải là lý do tối hậu khiến tôi buộc lòng phải "lên tiếng" đối với câu hỏi của bạn đâu. Lý do chính là vì tôi... nhát gan. Chết rồi, ai đời lại dại dột đi thú nhận điều bí mật lớn lao của mình như thế này, hỡi thiên địa! Cứ cho là bạn thắng một bàn, tôi chịu nhận cái nguyên ủy sâu xa nhất trong việc làm này - viết ra là vì mình nhát gan, sợ mắc nợ đời. Cũng tại thầy NH hết, có dịp tôi sẽ "bắt đền" thầy! Thầy giảng rằng, mình đi tu rồi thì phải cố xả bỏ cho hết những tâm niệm tham luyến đối với thế gian. Có vậy mới giải thoát được. Chứ còn bám víu vào những tâm niệm thường tình thì khó mà ra khỏi tam giới. Rồi thầy còn nhấn mạnh thêm: phải bỏ hết, dù đó là phước, là đức, là công lao xây dựng thiện nghiệp, vì tất cả đều là huyễn tướng. Nghe như kinh Kim Cang bạn há. Đúng rồi, trong kinh có dạy: chánh pháp còn phải bỏ huống hồ phi pháp. Mọi chuyện xảy ra ở thế giới hiện tượng này đều do duyên mà thành thì sớm muộn gì cũng do duyên mà ly tán. Cho nên phải xả bỏ thì mới thong dong được.
Nghe xong, tôi về nhà nằm gác tay lên trán suy nghĩ. Suy nghĩ dữ lắm. Tôi tự hỏi, không biết câu hỏi người khác đặt cho mình, nếu mình không trả lời thì không biết mình có mắc nợ họ không. Cái đầu tôi bèn trả lời: có chứ sao không. Có là vì còn có câu hỏi tức là có câu trả lời. Chà, cái đầu tôi lúc này bày đặt lên giọng triết lý dữ a! Nhưng nghe cũng được, hơi có lý phần nào. Lúc nào mà mình còn có tâm niệm nghĩ về câu hỏi, tức thì câu trả lời cùng lúc sanh khởi, phải vậy không? Do đó, cuối cùng, tôi quyết định trả lời bạn "quách" cho rồi, chứ không lại mắc nợ thì khổ tấm thân... 98 pounds này.
Như vậy, kể như yên phần đầu. Bạn biết tính tôi mà, chuyện gì đã quyết định thì trước sau gì tôi cũng cố làm cho được, hay ít ra phải thử năm lần bảy lượt trước khi tuyên bố... không làm nữa. Thưa bạn, đây là câu trả lời rất chân thành của tôi.
***
Để bắt đầu, tôi không thể không kể cho bạn nghe hình ảnh của chú điệu Pha. Năm ấy, tôi lên mười, đang học lớp ba trường làng thì tôi gặp chú vào một buổi chiều tan học. Chú thật hiền. Nhìn mặt chú, thấy chú cười là mình cảm nhận một cái gì vui vui hiển hiện ngay trước mắt. Sở dĩ tôi nhớ chú lâu, cho đến bây giờ là vì hai lý do: thứ nhất, hình ảnh một người tu hiền lành, dễ thương; và thứ hai, vì suốt trong bốn mùa tám tiết của trời đất, tôi thường bị một "thằng anh trời đánh" con ông bác hay ăn hiếp trong khi đó thì chú Pha lại thương tôi, hay cho tôi bánh. Hai chuyện tương phản với nhau "ăn ở" trong lòng tôi từ thuở nhỏ. Khi lớn lên, học những bài học đạo đức trong sách Minh tâm bửu giám do ba tôi dạy, thì tôi đã có một sự chọn lựa rất rõ ràng: làm một người tu thì hay hơn.
Tôi phải kể cho bạn nghe nhiều về chú Pha mới được, vì theo tôi, tôi đi tu là do cơ duyên được làm bạn với chú. Quê chú ở làng Tân Tô, bạn à. Làng đó cách phi trường Phú Bài khoảng hai cây số. Nhưng chú lại tu ở chùa Vạn Phước ở làng tôi. Nói là ở chùa nhưng thật sự chú chỉ lên đó khi có việc chùa, còn thì chú ở nhà của ba má chú ở tại Tân Tô, hay ở đâu tôi không biết. Mỗi khi lên chùa Vạn Phước thì chú phải đi xe đạp mất hơn giờ đồng hồ. Cái hôm đầu tiên mà tôi gặp chú là khi chú dắt chiếc xe đạp qua một mương nước tại xóm tôi. Từ xóm tôi, chú sẽ băng qua một cồn cát, nóng ơi là nóng, trước khi vào cổng chùa Vạn Phước nằm cạnh một con sông nhỏ, người quê tôi gọi là con hói.
Vào hôm tôi gặp chú Pha, chú mặc áo nhật bình màu lam. Đầu đội nón lá, chân đi giày săng đan. Tôi không nhớ chú có mang mắt kiếng hay không. Nếu có thì chú có vẽ mô phạm nữa đó. Mà thật ra, dù không có mang mắt kiếng thì chú trông cũng đạo mạo lắm rồi, bạn à. Tôi thích nhất là nụ cười của chú. Ui chao, hiền ơi là hiền. Đoạn trước, tôi có nói đến "thằng anh" con ông bác của tôi. Nó nhỏ hơn tôi hai tuổi, vậy mà nó mạnh gớm. Lần nào, đánh lộn thì nó cũng hơn tôi, nhất là nó cứ đá và vật tôi xuống đất. Không bao giờ nó cười với tôi, mà nó có cười thì nụ cười của nó cũng không thể nào "đẹp" như nụ cười của chú Pha. Chú lại thương tôi rất mực. Không biết vì sao mà lần nào tôi tới chùa Vạn Phước thì chú cũng dành phần hơn cho tôi. Như phát chuối, thì tôi được hai trái, trong khi đó mấy đứa khác chỉ được một trái. Và thỉnh thoảng, chú còn cho tôi lau dọn bàn thờ Phật với chú nữa. Oai lắm chứ, bạn ha. Mới mười tuổi mà đã được làm "Phật sự" rồi đó! Tôi nhớ nhất là hình Phật Di Đà thờ ở chánh điện của chùa. Sau này, tôi mới biết rõ, đó là hình ảnh Ngài đứng trên tòa sen tiếp dẫn. Đó là một loại khung hình có gắn đèn điện phía sau, y như kiểu hình Phật mà thầy TH ở chùa Từ Quang hay làm. Bây giờ lớn thì thấy nó cũng không có gì đặc biệt, chứ lúc đó tôi thấy khung hình ấy linh thiêng và quý giá lắm. Rồi mỗi lần hoàn thành công việc, chú lại dắt tôi ra giếng bảo rửa ly tách và đôi lúc xách nước tưới hoa. Những công việc đó, tôi làm với tất cả thích thú, thấy mình có công đóng góp công sức cho chùa. Nhất là thấy vui vui khi làm việc chung với chú Pha. Để rồi, tôi cứ mong tuần tới chú lại lên chùa, với chiếc áo nhật bình, với chiếc xe đạp, và tôi lại được chú cho xôi, cho chuối.
Thời gian làm việc chùa theo kiểu "vô công dụng hạnh" của thiền môn đó chỉ kéo dài chừng hai năm. Vì sau khi học xong Tiểu học thì tôi lên trọ học ở Huế, học bậc Trung học. Tuy có về thăm nhà mỗi tháng một lần nhưng tôi không gặp lại chú Pha nữa. Chú đã thọ giới Cụ túc, được bổ đi làm việc ở một ngôi chùa khác của Tỉnh hội? Hay chú trôi giạt đến một vùng đất khác? Cái tuổi mười hai, mười ba, tôi thật tình không thể tưởng tượng hay hiểu rõ được. Có điều, hình ảnh của một người tu hiền từ, an vui, sống một đời sống giản dị ở mãi trong lòng tôi; và hình ảnh đó, khi ẩn khi hiện, theo sát cuộc đời của tôi. Nhất là chiếc áo nhật bình!
Để tôi làm oai giảng cho bạn nghe về hai chữ "nhật bình" lồng trong chiếc áo đó nhe. Này người bạn thân của tôi, cái khác giữa thế tục và đời sống người xuất gia là ở chỗ này. Nhật bình nghĩa là có một sự bình thường, không giao động, trong đời sống hàng ngày. Và phải là hàng ngày mới đúng nghĩa đó bạn à. Chứ không phải là bị gián đoạn, là tùy hứng đâu. Đời sống của người tu tiếp nối từ giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác trong tâm trạng bình an. Đành rằng, cuộc đời có lắm sự trái ngang, đau khổ, đôi lúc người tu cũng phải chịu chung cọng nghiệp mà bị vướng vào vòng lẫn quẫn của thế gian. Tuy nhiên, khi xúc sự và đôi lúc đối mặt với phiền não, người tu vẫn có cách xử sự khác với người thế gian. Lấy ví dụ, cùng đi vượt biên, cùng ở trong cảnh sóng gió hãi hùng, cùng ở trong hoàn cảnh như nhau nhưng người tu có đạo lực thì giữ được bình tĩnh, làm những điều gì có thể làm để trấn an mọi người. Chứ không phải khi thấy sóng gió thì lo sợ cuống cuồng, đôi lúc còn để cho sự nóng nảy, buồn phiền đốt cháy thân tâm. Mặc chiếc áo nhật bình cũng chỉ để che thân nhưng bên trong còn hàm chứa một sức sống của người mặc nó. Gặp bạo lực, ta giữ tâm thương tưởng. Bị hiểu lầm, mình lấy sự bao dung, tha thứ làm phương châm hành động. Còn khi có sự tranh chấp thì người tu giữ tâm bình thản, đặt ngoài tai mọi sự khen chê, phân biệt.
Tôi thường nghe người ta nói: chiếc áo không làm nên ông thầy tu. Tôi đồng ý với nhận xét đó. Nhưng cùng lúc, làm một người tu mà không có chiếc áo "nhật bình" thì dường như vẫn còn có cái gì thiếu sót. Phải quí chiếc áo, dù mới dù cũ, dù có sờn vai rách vải, chiếc áo nhật bình vẫn là một món hành trang thân thương của người tu. Mất một số tiền thì đi làm vài ba hôm, ta có thể có được. Nhưng mất đi "tinh thần nhật bình" trong chiếc áo nhà tu thì chắc lâu lắm mình mới tìm lại được kỷ niệm gần gũi, thân yêu. Đôi khi, cái mất mát đó sẽ kéo theo những mất mát khác nữa.
Bây giờ, đã hơn hai mươi năm trôi qua, ngồi đây chép lại hình ảnh chú Pha mà tôi vẫn không cầm được nước mắt bạn à. Không ngờ, mới ngày nào là một thằng bé lên chùa chỉ thích xôi, thích chuối, thích chơi đùa, mà giờ đây lại có duyên ở luôn trong chùa. Chú Pha mà biết được tôi đi tu, chắc chú cũng "không ngờ" như bạn... không ngờ. Không biết ngôi chùa Vạn Phước ở làng tôi bây giờ có còn người lui tới. Tôi nhớ, thầy Trú trì là người bán thế xuất gia, lúc đó có đem một đứa cháu ngoại cho ở chùa, làm điệu. Sau này, em đó có tiếp nối được bước chân của thầy, lo hương khói cho chùa không? Từ chùa, đi qua phía trái sẽ thông ra con sông nhỏ. Trước mặt chùa có một khu vườn là nơi tôi thường ra hái bông trang, chạy nhảy. Một hôm, tôi bị "thằng anh" trời đánh rượt, và tôi bị té trợt đầu gối. Chú Pha ở đâu sau chùa, nghe tiếng tôi la, chạy ra ngăn thằng đó và lấy vải rịt chỗ da bị sướt. Từ đó, tôi chợt hiểu thế nào là tình thương, rồi thầm nhủ trong lòng: đừng bao giờ ăn hiếp người khác.
Đến đây, chắc bạn đã nắm được đầu mối rồi phải không? Bắt đầu từ một vài hình ảnh dễ thương, cuộc đời dẫn mình đi vào con đường đạo lý từ lúc nào không hay. Rồi tùy duyên, tùy nghiệp, mình bước tới phía trước và dõng dạc đi lên. Với riêng tôi, hình ảnh chú Pha quả thật là một chiếc cầu cho tôi bước lên để băng qua giòng sông sinh tử. Không biết bồ tát Trì Địa, ngài thường bắc cầu gì hè? cho ai hè?
Ngó bộ bạn không mấy tin tưởng câu trả lời của tôi. Sao lại đơn giản như vậy được, chắc phải có gì "thầm kín" hơn nữa. Bạn muốn tôi "cung khai" thêm những chi tiết nữa phải không? Có lần, bạn vừa làm quan tòa, vừa làm biện lý, rồi còn đòi làm thêm luật sư biện hộ để... xử tội tôi mà! Thì cũng được, trên đời này, bạn biết rồi mà, có chuyện gì mà có thể hiện hữu đơn độc đâu. Một chút này, một chút kia, hợp chung lại với nhau mới thành sự việc. Hình ảnh chú Pha là một chánh duyên ban đầu, để rồi sau đó, duyên nọ nối tiếp duyên kia kết thành một đời sống: một ông thầy tu thích nghe tân cổ nhạc, hảo ngọt và ưa làm kẻ không nhà.
Nắng chiều chiếu qua cửa sổ, tạt một vạt nắng lên bức tường vôi và tôi chợt thấy bức hình đen trắng chụp ông Krishnamurti đã ngã màu. Cắn một miếng kẹo chocolate hiệu Snickers rồi từ từ nhai cho chất ngọt thấm vào kẽ răng. Bạn biết gì không, tôi nhắm mắt và thấy hạnh phúc hiển hiện trong lòng, mang vẻ mặt nhẹ nhàng, thanh thản. Đó, cũng vì chút đó mà tôi đi tu. Bạn chưa tin à?
***
Đọc thư bạn với nhiều cảm động đó, bạn à. Dễ gì mà thoát khỏi tay... người công dân Bến Ngự này, lại có thêm lời "hăm dọa" nữa chứ. Kể ra cũng chưa phải là quá đáng vì gần tám trang giấy, bày ra đủ cách để tra hỏi thân thế, ráng tìm mọi sơ hở trong lời văn, cách nói của tôi, mà bạn chỉ "giáng" một câu ở trên thì vẫn còn... nhẹ hều, bạn vàng à. Chung quy, bạn vẫn chưa tin một cách rốt ráo, hoàn toàn như ý tôi muốn. Sao lại đơn giản như vậy được, như bạn thường chấm câu sau khi đã nhíu mày.
Thôi thì, tôi cũng chìu bạn lần nữa. Để tôi cố nhớ lại xem, ngoài hình ảnh chú Pha còn có gì nữa không. À, chắc là có. Tuồng như đêm đó tôi khóc thật nhiều, dù chỉ khóc một lần thôi suốt sáu tháng trời ở trại tỵ nạn khi nhớ đến cha mẹ, anh em của tôi. Nguyên do có lẽ ở đây. Nhưng bạn đừng cười nghe, lúc đó tôi chưa đi... tu mà.
Thời gian là tháng 5 năm 1975.
Giựt mình tỉnh giấc, tôi dụi mắt và mơ màng không biết mình đang ở đâu. Khung cảnh chung quanh lạ hoắc, toàn một màu trắng với giường sắt, nệm bông, trong khi mới tháng trước tôi còn nằm trong lô cốt cạnh giao thông hào, với bao cát, với ngọn đèn mờ mờ không thấy rõ bàn tay. Phải một lúc sau, tâm trí của tôi mới làm việc trở lại và tôi nhớ ra là mình đang ở trại tỵ nạn Ft. Chaffee thuộc tiểu bang Arkansas của nước Mỹ. Ôi! Nghìn trùng cách trở rồi!
Và tôi bắt đầu khóc. Ban đầu, tôi chỉ khóc thầm thôi vì ngại đánh thức anh Lập, bác Vận đang ngủ ngon. Từng giọt nước mắt chảy ra, lăn dài trên má. Ướt đẫm cả chiếc gối, thấm vào môi thấy mằn mặn. Tôi để mặc cho cảm xúc tuôn trào. Rồi càng nghĩ về ba mẹ tôi đang ở bên kia bờ Thái bình, cả một đại dương cách trở, tôi càng tủi thân và nước mắt ứa ra, không kềm chế nổi. Tôi khóc lớn, không kể gì nữa cả!
Có lẽ tôi phải giải thích cho bạn biết tại sao. Mới chiều hôm trước, khi nhìn tấm bản đồ ở văn phòng hội Hồng Thập Tự, định được vị trí của mình đang đứng và xứ Huế xa xăm, tôi đã ngậm ngùi. Huống hồ, ý thức hệ của hai bên hoàn toàn chống đối nhau thì ngày về kể như không bao giờ có được. Bên nầy, tôi chỉ một thân một mình, còn ba mẹ tôi đang ở bên kia. Ai kia từng nói, tử biệt đã là một nỗi đau khổ lớn của kiếp người, và đôi lúc sinh ly cũng làm mình khổ đau không kém. Nghĩ đến đó, lòng bỗng chùng xuống. Một mình đếm bước về lại phòng, tôi viết dòng chữ dưới đây vào quyển sổ tay: TRỜI ƠI! MẤT HẾT RỒI. Tiếng kêu của một con nhạn lạc đàn. Quả thật, tôi mất hết rồi, bạn ơi, vì không có ba mẹ thì tôi sống để làm gì, có ý nghĩa gì?
Từ nhỏ, tôi đã được dạy dỗ là phải hiếu thảo với cha mẹ. Câu nói "trai thời trung hiếu làm đầu" như một câu kinh nhật tụng mà tôi trì tụng hàng ngày. Rồi lớn lên, dù có khi lang thang xóm trên làng dưới hoặc đóng quân giữa núi rừng, tôi vẫn mang trong lòng một tâm niệm thiết tha, đó là phụng dưỡng ba mẹ tôi cho trọn đạo làm con. Thế mà, biến động xảy ra làm cho tôi lạc mất gia đình. Mất gia đình thì làm sao tôi có thể gần gũi để phụng dưỡng hai đấng sanh thành? Tôi suy nghĩ như vậy và thấy tuyệt vọng vô cùng. Vì vậy, tôi khóc.
Tôi khóc sướt mướt như cha chết, mẹ chết. Có lúc, tôi nắm chặt song sắt của chiếc giường và muốn bẻ gãy nó ngay! Bao nhiêu tủi cực trong lòng, dồn nén từ hơn hai tháng trước có dịp tuôn trào ra khỏi "hai cửa sổ tâm hồn" của tôi. Ngày mất Huế, tôi theo đơn vị, cứ một mạch đi về phía Nam. Tâm trí bận rộn với chuyện thoát thân, nên chẳng có lúc nào nghĩ về gia đình. Đến bây giờ, thấy mình đã bình an trên xứ người nên bao nhiêu tâm tư ứ đọng, với những nhớ thương, tiếc nuối bỗng trào dâng lên. Khóc đến độ mệt lã người, tôi thiếp đi khi nào không hay. Nhưng cũng từ đó, tôi bắt đầu tìm hiểu về đạo Phật với ước mong là tìm ra câu giải đáp: vì sao tôi không thể kề cận, nuôi dưỡng ba mẹ tôi dù tôi rất muốn làm việc đó? Đó là tất cả hoài bão của tôi mà! Vả lại, tôi có làm tổn hại ai đâu, có làm ai buồn đâu. Tôi chỉ muốn làm một người con hiếu thảo theo sự tin tưởng của tôi. Vậy mà cũng không được. Nói ra, bạn cũng đừng chê tôi, chứ vào thời điểm nầy tôi chưa hiểu gì về giáo lý vô thường cả.
Cho đến hơn một năm sau, khi đã được đọc một số sách nói về đạo Phật, cùng lúc có đôi chút thực tập, tôi mới nhận ra: quả thật, cuộc đời của con người quá mỏng manh, dễ thay đổi. Có những mong ước, mình tưởng là có thể giữ được mãi trong tầm tay. Vậy mà, chỉ mới đó, nay đã không còn. Ý tưởng báo hiếu, đền ơn cha mẹ cứ lảng vãng trong tâm trí của tôi. Tôi cho rằng, nếu không làm được điều đó thì cuộc đời mình coi như còn thiếu sót một việc làm rất lớn. Cho đến một hôm...
Bạn đừng tưởng là tôi... hoát nhiên đại ngộ dưới chân cầu Golden Gate! Không, suốt hai năm đầu tiên, tôi cũng phải đi học Anh văn và làm thêm việc quét trường để sống. May mắn là tôi biết được thư viện của đại học Berkeley có một section sách tiếng Việt. Tôi mừng như bắt được vàng. Sáng đi học, chiều đọc sách, đời sống tâm linh của tôi từ từ có sự biến chuyển. Có nhiều bài thơ hay, tôi đã được đọc qua với những ý tưởng siêu thoát, như:
Cuộc thế mơ màng giấc lợi danh
Được thua gì cũng chốn mê thành
Ruộng dâu muôn đám hườn thương hải
Lầu tía ngàn căn biến lộ hành
Tóc bạc bao giờ thay tuổi trẻ
Da dùn há dễ trở mày xanh
Trò đời nghĩ lại, chao ôi, ngán!
Cửa Phật chi bằng pháp bất sanh.
Pháp bất sanh của nhà Phật, có đúng là như vậy chăng? Nhiều đêm tôi vật lộn với những ý nghĩ trái ngược trong đầu. Hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác, cơn suy tư cứ tiếp diễn trong đầu óc người thanh niên mới lớn. Làm sao cho phải, cho đúng đây? Có thật cuộc đời là vô thường? Bây giờ mình mạnh khỏe thế nầy, đến khi bệnh hoạn kéo đến, thân xác mình sẽ thay đổi, héo tàn? Lắm lúc, tôi đã cố ý đánh lừa chính mình, bạn ạ. Bậy nào, chỉ có lúc mình đi lính, đánh giặc mới bị thương. Chứ bây giờ đang ở Mỹ, mình làm gì mà thân thể bị tổn hại, huống hồ bạn bè đã thường gọi mình là "Long đất", nghĩa là hiền như cục đất. Chắc là họ chỉ nói vậy để dọa thiên hạ thôi! Tôi dám nghĩ như vậy đó, bạn à. Sau này xét lại mới thấy mình lầm, chút nữa là bị Bụt phạt quỳ hương rồi. Nhưng cũng may, một hôm đọc một tập giáo lý mỏng, trong đó có đoạn nhắc đến sự thay đổi của kiếp người do Trang Nghiêm cư sĩ biên soạn:
Hơn sáu mươi năm
Thoáng dường xuân mộng
Tỉnh ra thôi một giấc hoàng lương!
Phù hoa bóng huyễn
Có mấy phong quang?
Nhìn xem đã rõ...
Cắt mối tơ vương
Mặc kẻ lao xao chốn hí trường!
Lầu xanh núi biếc
Bổn phận lo lường
Tùy duyên thong thả
Rửa bát đốt hương
Đem tâm quy hướng cõi thanh lương!
Mênh mang biển nghiệp
Đau khổ bao dường
Quay đầu trông lại thấy thêm thương!
Lập tức tâm trí tôi bỗng khựng lại. Đây là kinh nghiệm của một người trên sáu mươi tuổi, có thể làm cha mẹ mình, không lẽ lại đi lừa gạt mình. Và tôi càng giựt mình hơn nữa khi suy nghĩ về biển nghiệp mênh mang vô bờ của tôi và của mẹ tôi. Của tôi, có lẽ để dịp khác hãy bàn; bây giờ, tôi xin nói đến mẹ tôi với những nghiệp báo mẹ tạo có liên quan đến cái thớt sau hè nhà tôi.
Bây giờ, tôi yêu cầu bạn mở mắt nghe tôi nói một cách nghiêm chỉnh bạn nhe. Vì đây là chuyện của mẹ tôi; vả lại, bạn cũng tập tánh "lắng nghe" cho đàng hoàng chứ đừng theo thói quen, khi tôi nói bạn thường nhắm mắt và chỉ nghe chừng... nửa lỗ tai!
Bạn biết không, từ nhỏ tôi đã có máu giang hồ. Vì vậy, tôi thường bỏ nhà đi hoang, ngủ hoang. Khoan nghĩ bậy cho tôi, hỡi người bạn vàng. Đi hoang đây, có nghĩa là khi nổi máu "kiều phong", tôi vội nhét vài bộ áo quần, đi đâu vài tuần, rồi hoặc bị ba tôi đi tìm bắt về, hoặc tự động hồi chánh... vô điều kiện. Còn ngủ hoang thì dù nhà mình là nhà vách hẳn hòi, tôi vẫn thích đi ngủ nhà hàng xóm, mà nhiều đêm mưa xuống ướt như chuột lột. Tôi bất kể lời khuyên can của mọi người, giữ nguyên cái tật đó. Ăn nhiều trận đòn thập tử nhất sinh mà phần nhiều là do ba tôi nghiêm khắc trừng phạt. Mẹ tôi chỉ khóc thầm, dỗ dành. Tôi biết cả ba lẫn mẹ đều thương tôi, rất nhiều, nhưng mỗi người đối xử một cách. Riêng về mẹ tôi là người lo lắng cho gia đình từ trên xuống dưới, từ những vụ lúa ngoài đồng, cho đến việc trồng khoai, nuôi gà, ngày đơm tháng kỵ cho gia đình. Biết bao nhiêu công việc, mẹ tôi một tay trù liệu tất cả, bạn à.
Có một kỷ niệm làm tôi nhớ mãi tình thương của mẹ. Bữa đó là ngày tôi về thăm nhà định kỳ như thường lệ vì tôi trọ học ở thành phố. Buổi tối, bữa cơm gia đình rất đầm ấm, với các em ngồi quanh mâm cơm nhà nghèo. Đêm đó lại có trăng, chiếu vào một mảnh lớn kề bên chỗ mẹ tôi ngồi. Ăn uống xong, mấy đứa em gái dọn dẹp, tôi được "ưu đãi" cho đi ra sân chơi, (khỏi rửa chén như bây giờ). Đến giờ ngủ, tôi vừa nằm xuống thì nghe tiếng mẹ tôi nói nhỏ bên tai:
- Xuống bếp, mạ cho cái ni.
Tôi rón rén ngồi dậy, không biết mẹ mình sẽ cho vật gì, mà sao lại có vẻ "bí mật" như vậy. Khi xuống đến nơi thường dùng để ăn cơm cho cả nhà thì thấy mẹ tôi đã ở đó. Tiếng mẹ vẫn nói vừa đủ nghe:
- Đây nì, mạ trừa lại cho con đây. Ăn đi, mạ biết con ưng cơm cháy nên mạ dấu mấy đứa em mi.
(Phụ chú: Mẹ tôi muốn nói, mẹ tôi biết tôi thích cơm cháy nên, từ hồi chiều, đã dấu mấy đứa em tôi và chừa lại cho tôi mấy miếng cơm cháy đó.) Quả thật, tôi có tính thích ăn cơm cháy. Mẹ tôi biết ý như vậy. Tôi không khách sáo gì cả. Và cũng không cảm thấy hổ thẹn gì vì chiều nay tôi đã mua phần quà cho các em tôi, đó là ba ổ mì, cắt thành sáu phần, một đứa một phần. Tôi ăn ngon lành. Mẹ tôi ngồi bên cạnh. Phần thì sợ cả nhà nghe, phần khác lại thấy trong lòng dâng lên một cảm giác khó tả: đó là tình thương của mẹ. Bạn biết không, nhà tôi nghèo nên việc đi học của tôi là cả một sự cực khổ cho mẹ; nào tiền học phí, nào tiền cơm hàng tháng trả cho người bà con, dù cho phải chạy ngược chạy xuôi vay mượn, mẹ tôi vẫn không phàn nàn, mong cho tôi có được mớ chữ với đời. Có thể tôi đã quên hết những bài đại số, thường thức ở nhà trường nhưng tôi vẫn nhớ mãi bài học tình thương của mẹ tôi dạy.
Chưa kể đến những lời dặn dò trước khi tôi rời Huế, lên đường theo đơn vị di tản về hướng Nam, hình ảnh miếng cơm cháy và tình thương của mẹ làm tôi nhớ mãi. Càng nhớ thêm nữa khi đọc kinh Vu Lan vào mùa báo hiếu mỗi năm, và hình ảnh bà Thanh Đề với nghiệp báo ngạ quỷ làm tôi chợt nhớ đến tấm thớt sau nhà.
Thớt là một tấm gỗ dùng để làm cá, làm thịt các loài súc vật. Không biết tấm thớt nhà tôi có từ hồi nào, tôi cũng không rõ. Có điều, tôi nhớ là nó mòn hẵn ở giữa. Trên đó, lằn ngang lằn dọc, hiện lên các nhát dao đã cứa xuống. Đó là nơi nhiều mạng sống đã bị chết dưới tay của mẹ tôi. Điều tội nghiệp cho mẹ là mẹ chỉ ăn một phần nhỏ, còn lại tất cả là cho chồng con, bạn hữu nhưng nghiệp báo thì mẹ tôi phải gánh chịu một mình. Lòng đau như cắt, bạn à. Tôi mà không quyết chí đi tu thì làm sao tìm phương cứu mẹ được đây, hỡi bạn? Huống hồ, sau đó tôi lại được cụ Tiên Điền đồng tình, khuyến khích:
Kiếp phù sinh như bào như ảnh
Có chữ rằng vạn cảnh giai không
Ai ơi! Lấy Phật làm lòng
Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi.
(Nguyễn Du)
Mùa Vu Lan về, tôi không muốn làm bạn buồn đâu. Bởi có bạn hỏi nên tôi mới trả lời mà thôi. Đó, cớ sự là như vậy đó, bạn đã tin chưa?
— đây, lễ Vu Lan vừa mới được tổ chức tuần vừa rồi, bạn à. Mai mốt đây, tôi cũng sẽ đi dự thêm vài ba buổi lễ ở vài nơi trong vùng nữa. Và bây giờ, tính theo ngày âm lịch dù đã qua mùa Báo Hiếu rằm tháng bảy, vậy mà tôi thấy hơi hướm của buổi lễ như vẫn còn đâu đây. Y như cách giải thích của quý thầy giảng sư thuở nào. Chúng ta, cử hành lễ Vu Lan trong mùa báo hiếu không phải một lần trong một năm (tôi nhắm mắt tưởng tượng thêm chút đỉnh thôi và thấy vài ngài còn cao giọng), do đó, chúng ta phải ý thức rõ tinh thần báo hiếu là việc làm suốt cả đời, từ ngày này qua ngày khác. Rồi, tôi xin đồng ý như vậy, không có một mảy may khó khăn gì cả. À, cũng vì vậy mà tôi muốn viết tiếp cho bạn về hình ảnh cái thớt sau hè nhà tôi đây.
Bạn biết không, hồi đó (tức là khoảng năm 1976, dịp cuối đông) cứ mỗi lần nhớ nhà là nhớ đến cái ảng đựng nước bằng xi măng cho cả nhà. Bên cạnh có tấm thớt bằng gỗ đã mòn ở giữa khá sâu. Bạn lại thắc mắc, sao lại mùa đông, mà lại vào dịp cuối năm. Có gì đặc biệt không? Ui chao, không có cách nào thoát khỏi cái nhìn như "thấu gan thấu ruột" của bạn được. Thôi để tôi confess với bạn đây: tôi có tật nghe tiếng mưa rơi là... lại nhớ cố hương. Cho dùng một chút xíu văn chương thôi cho vui cửa, vui nhà. Để tôi nói rõ cho rồi, là nhớ mạ đó, nhớ các em nữa. Mần răng mà không nhớ cho được, lúc đó là lần đầu xa nhà, lại không biết khi nào gặp lại người thân. Ôi thôi, nước mắt cứ chực ứa ra, và hình ảnh người mẹ suốt tháng năm tần tảo nuôi đàn con cứ hiện ra trong đầu óc. Có bản nhạc nói lên điều này nữa, bạn muốn nghe không:
Mẹ tôi tóc xanh nhuộm bạc mái đầu
Mẹ tôi đau buồn trỉu nặng đôi vai
Nuôi đàn con thơ nhỏ dại
Chỉ mong con mình có một ngày mai.
Thì bây giờ ngày mai của tôi là cuộc sống xa nhà, tứ cố vô thân. Nghĩ mà tủi thân chi lạ. Lẽ đó, cái thớt cứ hiện về như một nhắc nhở, cả về tình mẹ và cả về đạo lý của đời sống.
Nói cho ngay thì phải đợi tôi vừa tụng, vừa lễ sám mấy lần bộ Thủy Sám rồi, tôi mới hiểu nhiều hơn về lý nghiệp báo trong nhà Phật. Khi đó, mới thấy thương mẹ vô vàn.
(Thích Từ Lực)