Mùa bằng lăng cuối cùng cũng đã đến với thành phố Gainesville thuộc tiểu bang Florida của tôi. Bây giờ ra đường, hoa bằng lăng rợp sắc màu bao phủ rất nhiều con đường của thành phố. Giữa trưa hè nóng như thiêu như đốt, sắc hoa cánh mỏng nhiều màu vươn lên cao che bớt những tia nắng đốt người khoe nụ cười vươn lên bầu trời cao thăm thẳm. Ngày xưa ở Việt Nam, tôi chỉ thấy có duy nhất là hoa bằng lăng tím còn ở thành phố tôi, bằng lăng nhiều màu sắc, đẹp vô cùng. Trước nhà tôi ba cũng trồng được bốn năm loại hoa bằng lăng: hồng, tím, đỏ, trắng và hỗn hợp. Nhìn muôn vàn hoa bằng lăng tỏa hương khoe sắc rợp cả đất trời làm tôi liên tưởng đến hoa anh đào của Nhật Bản hay các vườn hoa anh đào ở New York vào mùa xuân. Hoa cũng nhiều màu, cánh mỏng và thường bay là đà theo gió rơi đầy trên lối đi đẹp như một bức tranh thủy mặc gợi lên bao nhiêu cảm xúc dâng trào, khó tả.
Theo làn hương nhẹ đưa của hoa, tôi bắt đầu thả mình là đà theo những con đường hoa xung quanh nhà. Ngước nhìn lên bầu trời, từng đám mây đang lững lờ trôi cùng tiếng gọi của những đàn chim thiên di về phía bìa rừng, tâm hồn tôi cũng bắt đầu chao động. Từng làn gió thổi qua tạo nên một bản nhạc du dương của cây cối với tiếng lá cây khua dòn làm tôi lại nhớ Nha Trang, nhớ làng quê thân yêu của mình ở Việt Nam. Cũng những buổi trưa hè như thế này, cũng những làn gió thổi qua mái tôn, qua những cây xoài bụi chuối xung quanh nhà ôm ấp cả một thời tuổi thơ êm đềm, tươi đẹp. Ngày còn nhỏ tôi vẫn thường lén trốn khỏi nhà đi chơi với bạn bè trong xóm thay vì đi ngủ và cũng bị ba đánh đòn vì tội trốn ngủ đi chơi này. Còn giờ ở đây, giấc ngủ buổi trưa là điều xa xỉ. Vì thế, có được những phút giây yên bình đi dạo bên rừng cây và vườn hoa dù chỉ một mình như thế này là niềm hạnh phúc duy nhất của tôi.
Tâm lan man theo dòng suy nghĩ cho đến khi chân đưa tôi tới bìa rừng gần hồ nước tôi thích lúc nào không hay. Trời lúc này cũng đã tắt bớt nắng nên khí trời nhẹ êm, dìu dặt. Nước mặt hồ sóng sánh nhưng không giao động nhiều. Nhìn sâu vào hồ, tôi còn thấy từng đàn cá lội tung tăng vui thích vô cùng. Men đến chiếc ghế gỗ ở giữa bờ hồ, tôi ngồi xuống ngắm cảnh. Khắp xung quanh, đất trời thu vào tầm mắt của tôi, tất cả đều hiền hòa, tươi đẹp, êm đềm vô cùng. Phía bên kia hồ, một hàng bằng lăng cũng đang trổ hoa đượm sắc màu. Rồi từng cơn gió thổi qua, muôn vàn cánh hoa mỏng manh bay là đà theo gió rồi rơi trên mặt nước sóng sánh lượn lờ. Nhìn hình ảnh đó, tự nhiên tôi ứa lệ khi nhớ đến một đoạn thơ trong truyện Hồng Lâu Mộng:
“Hoa bay hoa rụng ngập trời,
Hồng phai hương lạt ai người thương hoa?
Đài xuân tơ rủ la đà,
Rèm thêu bông khẽ đập qua bên ngoài.
Kìa trong khuê các có người,
Tiếc xuân lòng những ngậm ngùi vẩn vơ.
Vác mai rảo bước bước ra,
Lòng nào nỡ giẫm lên hoa thế này?
Vỏ du tơ liễu đẹp thay,
Mặc cho đào rụng, lý bay đó mà.
Sang năm đào lý trổ hoa,
Sang năm buồng gấm biết là còn ai ?”
Đây là đoạn thơ miêu tả cảnh cô Lâm Đại Ngọc đa sầu đa cảm thương từng cánh hoa mỏng manh rơi rụng như số kiếp phù sinh ngắn ngủi của con người. Cánh hoa đào mỏng manh xinh đẹp ấy nhưng cũng sớm phai tàn héo úa như chính cuộc đời của cô, một con người tài sắc vẹn toàn nhưng lại quá ủy mị, quá yếu đuối, quá đa sầu đa cảm bệnh tật liên miên nên nhìn đâu cô cũng vin vào chính con người của mình, vào số phận mỏng manh của mình. Giữa rừng hoa đào muôn sắc bạt ngàn trong trời mưa tuyết, hoa phủ đất trời sao người lại buồn nhặt hoa bỏ vào túi mang đi chôn vì cô không nhẫn tâm thấy hoa trôi lỡ làn và vùi dập theo dòng nước. Hoa từ cây tỏa ra, từ đất nuôi lớn thì cuối cùng phải được trở về với đất mẹ. Hạt bụi nào tạo nên kiếp con người để rồi cuối cuộc đời vô thường cũng trở về với cát bụi nguyên sơ. Cô vừa chôn hoa vừa khóc bởi vì;
“Giờ hoa rụng có ta chôn cất
Chôn thân ta chưa biết bao giờ ?
Chôn hoa người bảo ngẩn ngơ
Sau này ta chết ai là người chôn ?
Ngẫm khi xuân muộn hoa tàn,
Cũng là khi khách hồng nhan về già.
Hồng nhan thấp thóang xuân qua
Hoa tàn, người vắng ai mà biết ai ?”
Cô thương thân cô, tấm thân liễu yếu đào tơ nhẹ như cánh hoa đào rồi sau này bóng xế chiều tà, ai sẽ là người chôn cô về với đất mẹ như cô chôn cất những cánh hoa đào này. Nhìn hình ảnh ấy mà buồn rơi lệ.
Nhớ ngày xưa còn ở Việt Nam, tôi có xem bộ phim này được đóng lần đầu tiên khi tôi còn rất nhỏ. Ngày đó tôi chẳng hiểu gì cả nhưng thấy sao quá buồn cho những nhân vật trong câu chuyện. Điều ấn tượng nhất trong tôi là các diễn viên quá đẹp và nhất là hình ảnh đa sầu đa cảm, mong manh của người đóng vai cô Lâm Đại Ngọc. Cả một vương phủ uy quyền giàu sang, thăng trầm dâu bể theo sự thịnh suy để từng người cũng bị lìa đời vì rất nhiều lý do thương tâm khác nhau. Tôi thương cô Vương Hy Phượng xinh đẹp, giỏi giang, quyền uy tột bực, quản lý cả vương phủ từ trên xuống dưới rất tài tình cả nghĩa lẫn tình cũng như cả những thủ đoạn mà cô phải ra tay vì danh gia vọng tộc và uy quyền. Để rồi cuối cùng cô cũng bị chết thảm.
Hình ảnh làm tôi thấy buồn và tội nhất là lúc Nguyên Xuân về thăm nhà. Nguyên Xuân, một người tài hoa xinh đẹp được cân nhắc lên làm Nguyên Phi yêu quý của vua, lộc tài tột bực mang uy danh gia vọng tộc về cho gia đình. Vậy mà khi về nhà, bà nội của cô cũng phải quỳ lạy chào làm cô bật khóc. Cô ví thân làm Nguyên Phi nhưng thua các anh chị em của cô vì cuộc sống trong cung cấm có khác gì là cá chậu chim lồng, đến gia đình, anh em cũng không thể gặp nhau, được sống bên nhau. Rồi lần lượt từng chị em trong khu vườn bị chết thê thảm, đau buồn. Tội nhất là Đại Ngọc và Bảo Ngọc, dù thương yêu nhau nhưng không thể đến với nhau vì sự yếu đuối, mỏng manh, đa sầu đa cảm của Đại Ngọc. Rồi khi Đại Ngọc qua đời, hoa viên tơi tả, gia đình sa sút, Bảo Ngọc cưới Bảo Thoa, quyết chí học hành nhưng cuối cùng cũng từ bỏ tất cả đi về một nơi xa xăm theo ý chí xuất trần, đến đi theo hạt ngọc tâm linh mang trên người khép lại một giấc mộng Hồng Lâu.
Sau này, khi có khà năng đọc truyện từ nguyên tác, tôi mới hiểu nhiều hơn và hình như những quyển truyện cùng các nhân vật ấy theo tôi đến cả xứ người. Đây cũng là bộ truyện duy nhất mà tôi mang theo khi sang đây và mỗi khi rãnh hay buồn đọc một vài đoạn thấy như mình có sự đồng cảm. Nghĩ về bộ phim, tôi thấy cô diễn viên đóng vai Lâm Đại Ngọc đúng là sinh ra để hóa thân làm nhân vật này. Từng ánh mắt, dáng đi, giọng nói, kiểu cách của cô như trong nguyên tác của truyện, một nét đẹp nhưng gầy yếu, mỏng manh, ưu buồn vô cùng, nhìn cô mong manh cứ như sương như khói phản phất mộng huyền. Rồi bất ngờ khi biết tin cô xuất gia, mọi người đều ngạc nhiên vì đời sống của cô rất giàu có và hạnh phúc. Nhìn hình ảnh cô xuất gia trong y áo sư cô lại toát lên một vẻ đẹp thanh cao, thoát tục. Thế mới thấy một lớp gấm áo lụa là, cô là Lâm Đại Ngọc và cởi bỏ lớp áo diễn viên, trở về với con người thật của mình với y áo nhà Phật, cô trở thành một con người xuất gia thoát trần khác hẳn. Và rồi, cô Lâm Đại Ngọc gầy yếu trong truyện cũng mất đi để lại bao thương tiếc cho đời còn cô xuất gia chư bao lâu, nợ đã hết, nghiệp đã xong, cô cũng trở về với Phật.
“Chỉ trông thông bách cành rơi
Lại nghe biển thắm đổi dời nương dâu
Thành đông người cũ còn đâu
Người nay chỉ thấy hoa rầu gió bay ?
Năm năm hoa chẳng đổi thay
Kiếp người biến cải, xưa nay khác nhiều.”
Hôm trước tôi có xem đoạn băng thuyết giảng của Pháp Sư Tịnh Không nói về cô. Pháp Sư có kể một hôm cô nằm mộng thấy có rất nhiều linh hồn của những cây cỏ xung quanh nhà cô vào than khóc là cô đã không tưới nước thường xuyên để chúng chết dần chết mòn. Cô không tin nhưng nhiều đêm như vậy làm cô suy nghĩ vô cùng. Lúc đó cô chưa đến với cửa Phật. Cô bảo những linh hồn bé nhỏ ấy nếu là sự thật thì phải cho cô môt tín hiệu như làm tắt bóng đèn. Họ đã làm tắt bóng đèn rồi làm sáng lên thế là cô mới biết đó là sự thật. Sáng sớm trở dậy, cô mới thấy đúng là có nhiều đám cỏ bị cháy khô nên cô vội mang nước tưới. Cô cứ tưới và tưới dù lúc đó là trưa nắng và ba cô không muốn cho cô tưới. Cô vẫn cứ làm và không giải thích với ba cô vì sợ mọi người không tin và đàm tiếu. Chẳng những tưới hết cỏ mà cô còn mang nước tưới hết xung quanh nhà. Vài ngày sau, trong giấc mộng, những linh hồn bé nhỏ ấy vào trong giấc mơ cảm ơn cô. Điều mà Pháp Sư Tịnh Không muốn gởi gắm qua câu chuyện là tất cả mọi loài đều ần chứa những mần sống và linh hồn của mình. Trong những tàn cây đều chứa đầy sự sống, là nhà của quỷ thần ngự trị nên hãy mang lòng từ bi ra đối xử với muôn loài xung quanh. Đó mới là hạnh của người con Phật. Còn tôi, nghe câu chuyện trên tự nhiên lại liên tưởng đến hình ảnh cô mang hoa đi chôn trong truyện, vừa thấy thương và vừa thấy buồn. Những cánh hoa mỏng manh vô tri vô giác ấy cũng có linh hồn trong đó mới làm cô động tâm đến như vậy thôi.
Giờ cô đã đi xa hóa kiếp về với Phật. Giấc mộng hồng lâu lại tiếp tục diễn ra trên cuộc đời ở nhiều phương diện và bối cảnh khác nhau. Cả chiều dài của câu truyện với bao nhiêu cảnh đời của nhân vật cũng chính là sự đại điện cho hàng lớp sóng tâm của chính mỗi con người, thay đổi, thịnh suy, giận hờn, khổ đau, vui vẻ chảy mãi không ngừng. Mình mang tâm buồn đối cảnh thấy tâm buồn còn mang tâm vui ra đối người thì thấy đời vui lắm, thật đúng là:
“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”
Tâm mình loạn động theo trần cảnh bủa vây nên chỉ có định tâm mới thoát những lưới trần đang giăng mắc vì “tâm bình thế giới bình, tâm an vạn vật an.” Xunh quanh, tiếng lá cây, gió thổi cũng chính là sự nhắc nhỏ cho chính tâm mình liệu có còn tiếp tục loạn động khổ đau không. Đời người qua mau, thời gian liên tục chạy nên tâm mình cũng đua tranh níu kéo về những kỷ niệm xưa của quá khứ mà quên mất sự hiện diện trong phút giây hiện tại đang về. Xunh quanh mình, màng đêm đang buông xuống, chim chóc cũng từng bầy kéo về tổ. Ở phía sau, rừng thông già đang ru điệu à ơi theo gió đưa vạn vật vào trong giấc ngủ sau một ngày mệt nhoài. Tất cả cảnh vật xung quanh như đang ôm ấp, bao phủ lấy mình, bình yên, thanh tịnh quá. Mình cũng phải trở về với ngôi nhà của mình, với không gian riêng của mình hẹn ngày mai lại đến nơi đây.
Trăng đã lên. Vài ngôi sao lấp lánh trên bầu trời. Trăng thượng huyền mùa hạ.
Ngọc Hằng