Hà Nội đang vào mùa thu với những cơn gió nhẹ êm xua tan đi bớt cái nắng hè gay gắt. Giờ này có lẽ khắp các tuyến đường, bao hoạt động chuẩn bị cho đại lễ đón chào Thăng Long, thủ đô ngàn năm văn hiến chắc đang diễn ra náo nhiệt, tưng bừng. Lòng người viễn phương xa xôi như tôi thoáng chạnh lòng khi thấy bóng hình quê hương qua những câu ca điệu hát, qua những thước phim tư liệu đong đầy chất nhạc và thơ. Lịch sử hôm nay ghi dấu về một Hà Nội-Thăng Long ngàn năm văn hiến với bao triều đại vua chúa thịnh suy phủ lớp bụi rêu phong nghe da diết cõi lòng .
“Tạo hóa gây chi cuộc hý trường
Đến nay thấm thoát mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.”
Dấu ân Thăng Long, kinh đô lâu đời nhất của Việt Nam là nhờ công của vua Lý Công Uẩn hay Lý Thái Tổ, vị vua đầu tiên của triều Hậu Lý được hai nhà sư là Lý Khánh Vân và Sư Vạn Hạnh nuôi dưỡng và giúp gây dựng cơ đồ . Vì thế, không có gì là ngạc nhiên khi triều đại nhà Lý hùng mạnh dưới sự lãnh đạo của Lý Thái Tổ mang đầy bản chất Phật giáo của bi, trí, và dũng . Vua Lý Thái Tổ cũng chính là người có tầm nhìn chiến lược khi dời kinh đô từ Hoa Lư chật hẹp về La Thành. Tự nhiên tôi nhớ bài lịch sử năm lớp 4 vẫn thuộc lòng lòng rằng khi thuyền vua về đến bến, có con rồng đất xuất hiện nên vua đặt cho Đại La là Thăng Long có nghĩa là rồng bay lên. Thăng Long- Hà Nội giờ đây đã một ngàn năm rồi đó
Thật sự khi nghĩ về chiều dài lịch sử đất nước, tôi không hoài cảm về vua Lý Thái Tổ hay vua Trần Nhân Tông, một vị vua anh minh, một Phật hoàng của Việt Nam trong các cuộc kháng chiến quân Nguyên Mông gìn giữ cõi bờ mà tôi lại thương nhớ về ông Nguyễn Trãi, một nhân vật vĩ đại có công lao xây dựng cơ đồ nhà Hậu Lê, một danh nhân văn hóa thế giới, một trung thần oanh liệt như vậy mà cuối đời lại bị chết thảm dưới các thế lực tranh chấp, tị hiềm nơi chốn cấm cung. Vậy mà với tinh thần của một nhà nho học, của một bậc tôi trung “quân xử thần tử,” ông vẫn chấp nhận khẳng khái lên đoạn đầu đài và ba đời bị tru di tam tộc như một vết nhục ô danh khi chiến tranh sẵn sàng xả thân vì nhau nhưng khi hòa bình lòng tham lam dễ đẩy con người đến chổ nghi kỵ, tỵ hiềm và hạ thủ đớn đau.
Nguyễn Trãi (1380-1442), hiệu là Ức Trai, là con của Nguyễn Phi Khanh và là cháu ngoại của tư đồ Trần Nguyên Đán. Ông sống trong thời đại lịch sử đầy sôi động cuối nhà Trần, nhà Hồ và theo phò Lê Lợi chống nhà Minh . Sau khi nghĩa quân của Lê Lợi đánh được quân Minh ra khỏi bờ cõi và Lê Lợi được xưng lên làm vua hiệu là Lê Thái Tổ, Nguyễn Trãi đã thay mặt cho vua viết Bình Ngô Đại Cáo, bản tuyên ngôn độc lập thứ hai sau “Nam Quốc Sơn Hà” của Lý Thường Kiệt. Chính ông cũng đã thay mặt vua viết rất nhiều chiếu văn kêu gọi hiền tài ra giúp dân giúp nước .
Cứ ngỡ sau 20 năm bên vua từ khi chiến tranh khổ sở cho đến lúc xây dựng cơ đồ, ông sẽ được vua cẩn nhắc tin tưởng trọn đời. Vậy mà khi Trần Nguyên Hãn, anh em họ của Nguyễn Trãi, một tướng của nhà Trần có ý định tạo phản, Nguyễn Trãi đã vị vạ lây, bị bắt giam và sau đó không được trọng dụng.Thật đúng là:
“Danh hư thực họa nên cười quá,
Bao kẻ dèm pha xót người trung”
Vì thế, ông buồn nên xin về quê ngoại ở Côn Sơn sống đời sống nông nhàn, viết sách, làm thơ.:
“Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai
Côn Sơn có đá rêu phơi
Ta ngồi trên đá như ngồi nệm êm
Trong ghềnh thông mọc như nêm
Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm
Trong rừng có bóng trúc trâm
Dưới màu xanh ngát ta ngâm thơ nhàng.”
Tại Côn Sơn này, người ta cho rằng ông đã gặp bà Nguyễn Thị Lộ, một người vợ thứ rất tài giỏi. Tuy nhiên, cũng có giai thoại cho rằng ông gặp bà khi vẫn còn ở Kinh Kỳ. Tương truyền một hôm, Nguyễn Trãi nhân lúc rảnh rổi đi dạo Tây Hồ thì gặp một người con gái đẹp bán chiếu gon tên là Thị Lộ. Cao hứng Nguyễn Trãi mới mở lời:
“Ả ở nơi nào, bán chiếu gon?
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?
Xuân xanh nay độ bao nhiêu tuổi?
Đã có chồng chưa, được mấy con?”
Không ngờ cô bán chiếu cũng ngâm thơ đáp lại:
“Thiếp ở Tây Hồ bán chiếu gon,
Cớ chi ông hỏi hết hay còn?
Xuân xanh vừa độ trăng tròn lẻ
Chồng còn chưa có, có chi con!”
Nguyễn Trãi yêu sắc, phục tài của bà bèn dò hỏi gia cảnh rồi cưới bà làm thiếp.
Sau khi vua Lê Thái Tổ băng hà, Nguyễn Trãi được vua Lê Thái Tông mời ra kinh thành chăm lo triều chính . Ngài khuyên vua rằng : “Nguyện xin bệ hạ yêu thương và nuôi dưỡng dân chúng để nơi thôn cùng xóm vắng không có tiếng oán hận sầu than”. Bà Nguyễn Thị Lộ được đưa vào cung làm Lễ Nghi Học Sĩ để lo việc học tập của vua và của các cung nữ. Dù vua Lê Thái Tông rất anh minh nhưng lại hiếu sắc nên mới xảy ra các bi kịch tranh ngôi đoạt vị ở chốn hậu cung làm nhiều người vạ lây và nhiều cái chết thương tâm đã xảy ra. Năm 1442, vua Lê Thái Tông ngự giá ngang qua nhà Nguyễn Trãi tại Côn Sơn và vợ Nguyễn Trãi là bà Nguyễn Thị Lộ theo hầu vua. Trên đường về kinh Vua đột ngột qua đời tại Lệ Chi Viên. Vì thế, Nguyễn Trãi và bà Nguyễn Thị Lộ bị triều đình do hoàng hậu Nguyễn Thị Anh cầm đầu khép tội giết vua và bị tru di tam tộc. Đau đớn làm sao, một trung thần suốt đời vì dân vì nước lại bị chết thảm như vậy và phải chờ cho đến năm 1464, vua Lê Thánh Tông mới xuống chiếu giải oan cho Nguyễn Trãi và thân tộc. Tước vị bổng lộc được phục hồi nhưng mộ người xưa giờ đã xanh cỏ, chỉ còn lại tiếng bi ai, thương tiếc ngàn đời của người dân đất Việt cho một công hầu trung nghĩa như ông .
Cách đây hơn hai năm, khi mới chân ước chân ráo vào đạo và được biết anh, tôi đã tranh luận rất gắt gay về Nguyễn Trãi. Tôi bảo cuộc đời thật là tráo trở, đen bạc, lòng người nham hiểm khó lường, khi hoạn nạn sẵn sàng bên nhau nhưng khi bỗng lộc dư thừa, quyền uy tột bực, họ lại nghi kỵ, thù ghét về nhau. Tôi thương ông Nguyễn Trãi và gia đình phải bị chết thảm như vậy mà không một lời ai oán. Nghĩa khí trượng phu, đạo công thần, tấm lòng vì nước vì dân của ông thật đáng trân trọng và khâm phục. Anh bảo tôi tại vì tôi nhìn có một phía, phản diện, đó là vì nhân quả nghiệp báo của ông nên ông mới bị như vậy. Tôi không chịu bảo chẳng lẽ trên đời mọi thứ cứ đổ vào nhân vào quả hết sao mà con người không chịu sống cho tốt đẹp, yêu thương lẫn nhau để sống mà cứ ganh ghét tỵ hiềm . Anh bảo đó là nhân quả từng người, nhân nào quả đó, mình gieo nhân lành gặt quả lành còn nhân ác gặp quả ác, quả đến khi nhân đủ nên có quả trong tức thời nhưng có quả đến vạn năm. Với một đứa hiếu thắng như tôi, tôi bất phục nhưng cũng thấy hay. Giờ, sau mấy năm có chút ít tìm hiểu về Phật giáo và tu hành, tôi mới hiểu hơn về cái luật nhân quả này . Dù thương tiếc cho ông nhưng có lẽ ông đã trả cho xong quả và hưởng quả của những nhân tốt đẹp do mình gây dựng . Biết đâu ông đã đầu thai làm nhiều vị vua vị tướng tài anh minh lãnh đạo đất nước chống giặc giữ nước qua các thời kỳ lịch sử đầy oai hùng .Có lẽ là vậy.
Nhìn về thế giới hôm nay với bao biến loạn, tôi lại hoài cảm về ngày xưa . Tôi cứ tự hỏi ngày xưa người ta không có internet, không biết máy bay, không xe hơi, không tàu vũ trụ, không có điện thoại, các phương tiện thông tin hiện đại nhưng tại sao tình cảm, tấm lòng, cách đối nhân xử thế của người xưa lại đẹp như vậy. Các giá trị đạo đức ngày xưa được chú trọng, rèn luyện, lễ nghĩa hiếu thuận, nền tảng đạo lý gia đình được đặt lên hàng đầu. Môi trường ngày xưa thật trong lành, sạch đẹp, văn chương thi phú hay các tác phẩm để đời cũng từ ngày xưa, cuộc sống thật đơn giản nhưng đong đầy tình người .Còn thế giới hiện nay cứ như điên đảo cả lên, lòng sân hận, độc ác, ganh ghét, tỵ hiềm, ích kỷ, thỏa mãn những nhu cầu vật chất, đặt vật chất đồng tiền lên làm trung tâm hành xử. Tại sao càng hiện đại, con người ta càng khổ sở như vậy. Tại sao càng hiện đại, nhu cầu vật chất đầy dẫy nhưng họ vẫn không hạnh phúc, không thỏa mãn bản thân mình mà chuyện gì cũng dám làm, cũng dám tàn hại lẫn nhau, tình thân quyến thuộc cứ như nước lã, nhồi da xáo thịt lẫn nhau cũng chỉ vì tham lam, đố lỵ. Đâu đâu cũng có chiến tranh hạt nhân, bom rơi đạn nổi, tàn sát, giết hại lẫn nhau như vậy, môi trường không còn nơi đâu an toàn, thực phẩm, nước uống đầy độc chất . Mà hãy nghĩ xem, con người để sống đâu cần phải cần rất nhiều thức ăn đâu, thậm chí rất ít vậy mà họ cứ sát hại, giết chóc muôn loài làm mồi cho những món nhậu:
“Xưa nay trong một bát canh
Oán sâu như bể ngập thành non cao
Muốn hay nguồn gốc binh đao
Lắng nghe lò mổ tiếng gào đêm thanh.”
Chiến tranh xảy ra cũng từ việc sát sinh này và nhân quả cứ ngày mỗi chất chồng. Vì thế, bệnh tật tai ương nan y đầy rẫy mà họ cứ khẩn cứ cầu cứ lạy để có được thuốc tiên sống trường thọ, giữ mãi vẻ đẹp thanh xuân, tươi trẻ, không già thật là buồn cười. Thôi, chẳng dám khuyên hay nói gì ai, ngẫm lại thân mình cũng đầy rẫy tật xấu, đố kỵ, tham sân si nên ráng nhìn vào trong, nhìn vào tâm mình mà tu mà lọc bớt.
Tôi chưa bao giờ có dịp ra Hà Nội và cũng mong có ngày về thăm để được đặt chân trên mảnh đất Kinh Kỳ đầy oai hùng của dân tộc. Nhớ ngày xưa ở Việt Nam, tôi đã hứa với một người bạn thân rằng nhân kỷ niệm ngàn năm Thăng Long Hà Nội 2010, hai đứa sẽ đi ra Hà Nội chơi và dự lễ. Năm trước tôi về, tưởng bạn quên nhưng bạn vẫn nhắc lại lời hứa năm nào và chọc rằng không biết ai sẽ đi với bạn. Đành chọc bạn rằng giờ bạn đã có gia đình, lo cho vợ con không xong thì còn nghĩ gì đến chuyện cùng mình đi Hà Nội. Thế là Hà Nội vẫn chỉ trong trí tưởng tượng của tôi qua các hình ảnh, qua những bài thơ, câu ca:
“Hà Nội có Hồ Gươm
Nước xanh như pha mực
Bên hồ ngọn tháp bút
Viết thơ lên trời cao”.
Mà thôi, có lẽ tôi cứ giữ những nét đẹp cổ kính về Hà Nội trong trái tim để có cái mà yêu, mà nhớ, mà chờ đợi vì cứ sợ rằng Hà Nội giờ đây đã đổi thay với tốc độ phát triển kinh tế . Những nét bụi rêu phong hoài cổ mà tôi trân quý biết đâu sẽ bị tắt ngấm, sẽ làm cho tôi thất vọng khi chứng kiến sự thật phủ phàng. Lạy tạ các bậc tiền nhân đã có công gìn giữ bờ cõi, xây dựng cơ đồ gấm vóc cho quê hương ngàn đời còn lưu dấu, để tôi có cái nhớ và thương, có cái để tự hào về quê cha đất tổ của mình. Mong sao thế giới sẽ hòa bình, nơi nơi sẽ bãi chiến đao binh, nhà nhà yên vui hạnh phúc, tình cảm con người sẽ ngày mỗi thân thiết gắn chặt, những nét đẹp quân tử thủy chung, mạnh mẽ, kiên trung, nhân bản sẽ được lưu truyền như những cây “Tùng và Phong Lan”, như ông Nguyễn Trãi và bà Nguyễn Thị Lộ:
“Ta yêu Tùng
Vì Tùng vươn cao mọc thẳng;
Ta yêu Tùng
Vì Tùng sâu gốc bền cành;
Ta yêu Tùng
Vì trong phong ba tùng vẫn đứng vững;
Ta yêu Tùng
Vì trăm năm Tùng vẫn tươi xanh;
Tuyết sương năm tháng luyện mình,
Phục linh, hổ phách, trường sinh giúp đời!
Ta yêu Phong Lan
Dịu dàng, diễm lệ
Ta yêu Phong Lan
Sắc thắm muôn màu
Ta yêu Phong Lan
Cuộc đời bình dị
Ta yêu Phong Lan
Hương ngát rừng sâu
Tươi Lan tươi vẹn trước sau
Thơm Lan thơm cả ưu sầu, nhịp vui!
Tùng và Phong Lan
Bên kiên cường bên yểu điệu;
Tùng và Phong Lan
Nắng sớm gọi chiều sương;
Tùng và Phong Lan
Thanh gươm và tiếng hát
Tùng và Phong Lan
Sự nghiệp với tình thương.
Đời ai mong trọn chữ “hằng”
Yêu Tùng, yêu cả Phong Lan mới là…
Người ta hỏi:
Tuổi già còn chăm sóc
Vạn lớp Tùng xanh, muôn đoá Phong Lan.
Để làm gì?
Ta gảy nhẹ khúc huyền cầm, ta đáp:
Cho Đời thơm hôm nay
Cho Nước trẻ muôn xuân
Bao la gió núi, trăng ngàn
Biển Đông sóng lặng, Trời Nam thái bình!
Tùng ơi! Biếc sắc trời xanh,
Phong Lan ơi! Gửi thơ mình một câu:
Trời, hoa, biếc mãi mai sau
Phím tơ rung mãi nối đau Con Người”
Ngọc Hằng