Tôi và nhỏ quen nhau hơn mười bốn năm từ những năm cấp ba trên ghế trường chuyên ban Lý Tự Trọng. Ngày đó, tôi học bang A còn nhỏ học bang B và hai đứa nổi tiếng ở hai lĩnh vực khác nhau hoàn toàn. Nhỏ nổi tiếng vì học giỏi còn tôi nổi tiếng và khá đình đám ở trường vì là cán bộ đoàn nòng cốt của trường. Tôi biết nhỏ vì học kỳ nào nhỏ cũng được nhận học bổng học sinh giỏi, một điều rất ít thấy ở trường tôi ngày đó. Còn nhỏ, cũng như các học sinh khác của trường chắc cũng biết tôi vì những hoạt động phong trào hay các cuộc thi do đoàn trường đề xuất hầu như đều có sự có mặt của tôi. Tuy nhiên, suốt những năm lớp 10, tôi với nhỏ chưa hề gặp mặt nói chuyện lần nào.

Đến năm lớp 11, tình cờ tôi và nhỏ học chung lớp học thêm môn hóa. Một bữa nọ, tôi và nhỏ đều đến sớm. Lúc đó trời mưa nên vô lớp tôi cảm thấy hơi lạnh. Liếc nhìn sang nhỏ, tôi hỏi bâng quơ mấy câu cho có chuyện và rồi hai đứa bắt đầu làm quen. Tôi bất ngờ khi biết nhỏ cũng như tôi đều ở cùng quê, đều xa nhà và ở trọ nhà người quen đi học. Nói là cùng quê chứ nhà tôi và nhà nhỏ chắc cách nhau ít nhất gần cả mười cây số vì tôi ở ngoại thành Nha Trang còn nhỏ ở xa trên huyện Diên Khánh. Nghe nhỏ nói tôi ngạc nhiên và thầm thương cảm cho nhỏ khi tưởng tượng đến quảng đường xa vời vợi nhỏ phải đạp xe gần 20 cây số về thăm nhà , gấp đôi quảng đường của tôi về nhà.

Kể từ ngày đó tôi với nhỏ bắt đầu trò chuyện nhiều hơn và dần dần thân nhau. Càng biết về nhỏ, tôi càng ngạc nhiên gấp bội. Nhỏ cho biết cả nhà nhỏ ăn chay trường và không thể ăn đồ mặn được. Nhỏ có hai người chị đều đang học đại học và ba mẹ nhỏ nghỉ hưu ở nhà. Lúc đó, tôi chẳng hiểu tại sao nhỏ lại ăn chay vì với tôi ăn chay chẳng có mùi vị gì và là hành xác. Vì thế, tôi nói nhỏ là nhỏ gầy mòn, xanh xao, ốm yếu là tại vì ăn chay.

Rồi một hôm, nhỏ mời tôi tới chổ nhỏ đang ở trọ . Đến nơi, tôi sửng sốt giật mình, xúc động mà muốn rơi nước mắt. Cái gọi là nơi trọ của nhỏ chỉ là một chiếc giường ở nơi một góc khuất tối tăm của một căn phòng chật hẹp của nhà người quen ba nhỏ. Hằng ngày, sau giờ đến trường, nhỏ tự đi chợ nấu ăn. Thức ăn chủ yếu là cơm với nước tương và thỉnh thoảng có thêm vài món đồ chay đạm bạc mẹ nhỏ gởi hay của người quen biếu tặng. Tiền học bổng nhận được , nhỏ để dành mua đồ ăn qua ngày và lâu lắm mới dám về thăm nhà một lần , phần vì đường xá xa xôi, phần vì gia cảnh của nhỏ cũng khá khó khăn. Biết hoàn cảnh của nhỏ, các thầy dạy thêm đều cho nhỏ học miễn phí nên nhỏ càng cố gắng học để không phụ lòng của mọi người. Khó khăn là vậy nhưng nhỏ lúc nào cũng vui tươi, cũng hài lòng. Nhỏ còn hồ hởi bảo với tôi là nhiều khi buồn cười lắm , mỗi khi nhỏ đói, không có gì ăn là tự nhiên có ai đó đến mang đồ cho nhỏ ăn sống qua ngày. Càng nghe nhỏ nói, tôi càng xúc động nghẹn ngào, vừa thương nhỏ và vừa khâm phục nhỏ vô cùng. Những gì nhỏ đang khổ đau gánh phải đều ngược với cuộc sống của tôi. Tôi sống cùng gia đình dì, được dì lo cho ăn uống đầy đủ , có người giúp việc ở nhà nên hầu như tôi chẳng phải làm gì, chỉ mỗi việc đi học rồi về. Vậy mà nhiều khi tôi còn than thở thở than, than thân trách phận.

Tết năm ấy, tôi tình nguyện chở nhỏ về bằng chiếc xe đạp của tôi . Không ngờ nhà nhỏ xa hơn tôi tưởng tượng nhiều nhưng vì lúc đó có nhỏ trò chuyện , cùng ngắm cảnh đồng quê yên bình, thanh tịnh, xanh tươi trong tiết xuân se lạnh tràn về mà bao lâu rồi hai đứa cứ vùi đầu lo học chẳng chú tâm gì nên quảng đường cũng rút ngắn khá nhiều. Dù cũng ở quê như nhỏ nhưng phong cảnh làng quê của nhỏ rất đẹp với một cánh đồng sen rất lớn làm tôi thích thú vô cùng. Gần đến nhà nhỏ, đi ngang qua một ngôi chùa, nhỏ bảo tôi nghe người ta nói là chùa đó ngày xưa có hai con rắn vào tu nghe kinh. Tôi nghe nhỏ nói nhưng cứ tưởng nhỏ đang kể chuyện cổ tích nhưng vẫn lắng nghe sợ làm nhỏ buồn. Đến nhà nhỏ, tôi ngạc nhiên không tưởng tưởng được vì nó giống như một ngôi chùa với rất nhiều liễng, câu đối chữ nho, kinh kệ và chuông mõ. Ba mẹ nhỏ đã già nhưng rất ung dung, tự do tự tại, hiền từ. Ngồi nói chuyện với ba nhỏ tôi mới biết nhà nhỏ có họ hàng xa với nhà ngoại tôi. Vậy ra tôi và nhỏ cũng có họ hàng. Lúc ấy, trong đầu tôi, biết bao câu hỏi mà không câu trả lời nào thỏa mãn là tại sao nhà nhỏ lại như vậy, tại sao lại ăn chay và thích đi tu vì với tôi, chỉ những ai thất tình, chán đời mới đi tu mà thôi.

Rồi mùa Vu Lan lại về , tôi rủ nhỏ đi chùa. Dù lúc đó không phải là Phật tử và cũng chẳng biết đạo Phật là gì nhưng tôi lại thích đi chùa vào các dịp lễ Vu Lan và tết. Năm đó, tôi cùng nhỏ đi chùa.Hai đứa vào chùa cài hoa, vô chánh điện lạy Phật, nghe giảng rồi leo lên các bậc tam cấp lên núi xem tượng Phật tổ màu trắng nổi tiếng. Từ trên cao nhìn xuống , thành phố Nha Trang lung linh trong ánh đèn. Xa xa về phía đông, biển bạt ngàn trải rộng trong tiếng vi vu của những hàng thùy dương đung đưa trong gió. Ngước nhìn xuống phía dưới sân chùa , người người hối hả chen chúc nhau đi dự lễ và được cài hoa. Xung quanh chùa, nhang khói mờ mịt và đâu đâu cũng có thể nghe được âm điệu của bài hát “Bông hồng cài áo” và “Ơn nghĩa sinh thành ” càng làm tôi nhớ nhà, nhớ má tôi vô cùng. Thẩn thơ đi dạo, ngắm cảnh chán, tôi với nhỏ ra về. Vừa ra khỏi cổng, tôi bất ngờ thấy thằng bạn chung lớp ngồi kế bên tôi cũng đi chùa ra về. Tôi chọc hắn bảo hắn đi chùa chắc để cầu duyên nên ăn mặc chải chuốc, bảnh bao hơn ngày thường. Còn nhỏ, nhỏ nép bên tôi cứ như con thỏ con rụt rè, sợ sệt.

Năm 12 thi xong, tôi rủ nhỏ lên nhà tôi chơi cho đỡ buồn vì nhỏ không có bạn bè gì nhiều. Còn tôi, dù nổi tiếng đình đám ở trường nhưng bạn bè chỉ để xã giao là chính chứ chẳng thân thiết gì mà sẻ chia, tâm sự như với nhỏ. Ở nhà, tôi thường hay kể chuyện nhỏ cho gia đình tôi nghe và má tôi rất thương nhỏ khi biết nhỏ tu hành và ăn chay trường. Má tôi là Phật tử và má tôi bảo nhỏ có căn tu. Tôi nghe má bảo vậy chứ trong cái đầu non nớt, hiếu động của tôi lúc ấy, tôi chẳng hiểu có căn là gì và cuộc sống của nhỏ cứ như là người ngoài trái đất tôi không thể nào hiểu nổi

Rồi tôi đậu vào trường đại học Bách Khoa trong sự vui mừng khôn xiết của gia đình, nhất là má tôi, người ngày đêm khấn nguyện, chạy lên chạy xuống xem tin tức , mua báo cho tôi. Để cảm ơn trời Phật, má tôi bắt tôi mang gạo lên chùa cúng dường tam bảo. Thật ra, tôi chỉ làm cho má tôi vui chứ đến chùa lúc ấy tôi cũng chẳng có cảm giác gì nhiều. Lúc đó, tôi chuẩn bị khăn gói vào Sài Gòn trọ học và mất liên lạc với nhỏ. Vì cả nhà tôi và nhỏ đều không có điện thoại nên tôi cũng chẳng biết làm sao gặp nhỏ. Tôi đinh ninh nhỏ sẽ đậu vào trường đại học sư phạm như truyền thống giáo viên của nhà nhỏ. Nhỏ học quá giỏi nên nhỏ thi trường nào mà chẳng đậu. Tôi nghĩ vậy.

Vào đại học, tôi tiếp tục nổi đình nổi đám vì thành tích học tập và nhất là các phong trao đoàn ở lớp, ở trường. Tình cờ, thông qua nhỏ bạn cùng lớp và cũng là bạn học chung trường cấp ba ngày xưa, tôi biết nhà nhỏ đang trọ học. Đến thăm nhỏ, tôi sửng sốt vô cùng. Tôi không ngờ nhỏ rớt sư phạm nên giờ phải học cao đẳng kinh tế đối ngoại. Đúng là học tài thi phận. Nhỏ vẫn gầy gò, xanh xao vì ăn uống cực khổ và đạp xe đi học khá xa từ quận Tân Bình sang đến Phú Nhuận gần cả chục cây số. Nhìn nhỏ, tôi đau lòng nên la nhỏ bảo nhỏ phải ăn uống nhiều vô cho có sức khỏe. Tôi tròn trịa, mập mạp bao nhiêu thì nhỏ lại ốm yếu bấy nhiêu, chẳng cân xứng tý nào. Tôi bảo nhỏ thiếu gì cứ sang bảo tôi đừng ngại , tôi sẽ giúp nhỏ. Thấy tôi la, nhỏ lại cười bảo tôi la nhỏ thêm nữa đi làm tôi cũng cười theo. Nhỏ vẫn vậy, chẳng bao giờ dám la hay tranh cãi gì với tôi.

Từ đó, cứ lâu lâu tôi lại sang thăm, trò chuyện, động viên, an ủi nhỏ, mang cho nhỏ vài lon sữa, trái cây, bánh kẹo. Nhỏ ăn chay nên tôi chẳng biết mang gì cho nhỏ ngoài những thứ ấy. Tôi được gia đình chu cấp đầy đủ, lại tự nấu ăn nên không phải lo đi làm thêm như nhỏ. Tôi thích đến thăm nhỏ vì bên nhỏ tôi chẳng phải câu nệ gì. Nhỏ cho tôi chút ít cảm giác bình yên của sự chân thành, thật thà, khiêm nhường. Nhỏ thích tôi đến với nhỏ vì nhỏ được truyền thêm chút ít năng lượng của tự tin, năng động để nhỏ được mạnh mẽ hơn. Nhỏ cũng thích tham gia hoạt động này kia nhưng nhỏ rụt rè, yếu đuối cứ như con thỏ con thấy chốn đông người là lặn mất. Vì vậy, nhỏ suốt ngày cứ thích nghe tôi kể các hoạt động đoàn hội, tình nguyện, các hoạt động ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng của tôi mà cảm thấy vui lây. Còn tôi, tôi cho rằng nhỏ quá tự ti, rụt rè, quá nhân hậu và chân thật nên khó tồn tại ở đời. Nhỏ kể tôi nghe những lần nhỏ bị lừa gạt , dụ dỗ lấy tiền mà tôi bực dùm cho nhỏ. Nhỏ bảo dù nhỏ biết người ta lừa mình nhưng nhỏ vẫn cứ đưa càng làm tôi tức hơn. Tôi vừa bực nhỏ vì nhỏ không có tiền mà cứ để người ta lường gạt nhưng cũng thương nhỏ vì tính thật thà, nhân hậu ấy.

Nhỏ rất có khiếu hội họa và vẽ rất đẹp nên nhiều lúc tôi khuyên nhỏ thi vào trường mỹ thuật để tha hồ vẽ vời. Vì thế, cứ đến lễ Giáng Sinh, nhỏ thường làm thiệp rồi mang đến tặng tôi. Nhìn nét vẽ dễ thương cùng lời chúc ngộ nghĩnh của nhỏ, tôi phì cười. Sinh nhật nhỏ vào ngày cuối năm nên tôi thường mang quà sang tặng nhỏ và hứa hẹn khi nào tết về quê lên nhà thăm nhau nhưng chẳng có năm nào chúng tôi làm được điều đó cả.

Tôi theo gia đình sang Mỹ định cư trong bí mật và im lặng và nhỏ cũng không biết gì. Đến khi nhận được email của nhỏ, tôi đã sang Mỹ được gần một năm. Nhỏ bảo tôi hồi Giáng Sinh nhỏ mang thiệp sang ký túc xá Bách Khoa thăm tôi thì mới biết tôi đã sang Mỹ rồi. Từ đó, tôi và nhỏ liên lạc với nhau qua email. Nhỏ thích thú nhận thư và đọc email của tôi dù là gởi riêng hay gởi chung cho tất cả mọi người. Còn tôi, tôi muốn nghe và biết nhỏ đã thay đổi như thế nào. Vì nhỏ giỏi cả hai ngoại ngữ Anh Pháp và làm việc chăm chỉ nên nhỏ ra trường xin việc không khó khăn gì. Công việc đang tiến triễn thuận lợi và đang là trợ lý giám đốc cho một công ty nước ngoài, nhỏ bất ngờ nộp đơn xin thôi việc vì nhỏ bảo rằng nhỏ không thích sự bon chen, cạnh tranh và muốn làm những công việc có ý nghĩa như nghề y tá của tôi. Nhỏ chuyển sang làm việc mua bán máy móc và chăm sóc những khách hàng khiếm thính. Nhỏ bảo công việc khá mệt nhưng nhỏ rất vui vì được chăm sóc những người tàn tật, làm việc đầy ý nghĩa và nhỏ tha hồ được đi làm từ thiện. Những lần trò chuyện hay gọi điện thoại cho nhỏ, tôi toàn được nhỏ kể chuyện việc làm, chuyện từ thiện, điều mà tôi thường làm với nhỏ trước đây khi còn ở Việt Nam mà vui lây với nhỏ. Tôi mừng cho nhỏ đã tìm được việc làm yêu thích, đúng sở nguyện của mình.

Tôi bắt đầu chuyển hướng tu tập theo Phật pháp và nhỏ càng mừng gấp bội vì giờ đây nhỏ có bạn đạo nói chuyện với nhỏ. Cả nhà nhỏ đều tu hành nhưng mỗi lần nhỏ nói chuyện gì liên quan đến Phật pháp với người xung quanh là ai cũng nhìn nhỏ như người ngoài trái đất nên nhỏ rất sợ và khổ tâm. Ngày xưa, tôi thân với nhỏ là vậy mà cũng nào có hiểu biết gì về Phật pháp mà nói chuyện hay hiểu nhỏ. Thế là những câu chuyện của chúng tôi giờ đây hầu như chỉ toàn là chuyện Phật pháp và làm việc từ thiện. Từ ngày hiểu thêm chút ít về Phật pháp, tôi mới có thể lần lần hiểu và trả lời những thắc mắc ngày xưa của tôi về nhỏ và gia đình nhỏ. Lần lần, tôi cũng hiểu hơn về hai chữ căn tu mà ngày xưa má tôi nói về nhỏ. Nhỏ có phúc duyên và căn tu từ bao đời bao kiếp nên hiểu và hành trì lời Phật dạy từ lâu lắm rồi chứ không u mê, vô minh, si lầm như tôi, cứ nghĩ rằng lanh lợi, thông minh, ứng xử với đời tài ba mới là lẽ sống. Thế là tôi lại bắt đầu bài học vỡ lòng thực tập ngũ giới để giảm bớt sầu khổ và rèn tâm, luyện tính của mình được từ bi, nhân hậu, chân thật hơn.

Trong chuyến về thăm Việt Nam vừa qua, tôi và nhỏ đã bàn tính đủ điều để được gặp nhau, được đi cùng nhau đến chùa và sống bên nhau ít lâu để tha hồ trò chuyện, tâm sự, chia sẻ kinh nghiệm tu tập với nhau nhưng đúng là không duyên nên chúng tôi không thể gặp nhau dù cả hai đều đang hiện diện ở Sài Gòn. Nhỏ vì quá thương yêu bệnh nhân của nhỏ và họ quá thương nhỏ nên nhỏ tình nguyện làm việc suốt ngày nên không có thời gian đến gặp tôi. Lịch làm việc và học tập của nhỏ dày đặc nên tôi không đành lòng làm phiền nhỏ thêm. Nhỏ bảo tôi thương bệnh nhân của mình sao thì nhỏ cũng thế nên làm sao nhỏ nỡ bỏ họ đi gặp tôi trong khi họ đang cần nhỏ. Ngược lại, lúc nhỏ có thời gian rãnh thì tôi lại ở một phương trời nào khác rồi. Tôi bảo nhỏ thôi thì gặp nhau qua điện thoại, mình có lòng thương nhớ về nhau thì sẽ ở bên nhau dù ở chân trời góc bể nào cũng vậy.

Giờ cầm tấm thiệp Giáng Sinh ngày xưa nhỏ tặng tôi mà tôi bùi ngùi, xúc động nhớ nhỏ. Càng nghĩ, tôi càng cảm ơn duyên trời đã mang nhỏ đến bên tôi và làm bạn cùng tôi hơn mười mấy năm trời, khi vui sướng cũng như buồn đau, khi vấp ngã cũng như sai lầm, khi bực tức hay giận hờn, nhỏ đều sẵn sàng ngồi để lắng nghe tôi tâm sự. Hai mươi mấy năm trời bước đi trên cuộc đời, bao người đến, bao người đi, bao người tốt, bao người xấu, bao lời khen chê tôi đều nghe đầy đủ nên nhiều lúc tôi cảm thấy mất cân bằng, chới với khi cảm thấy cuộc sống chỉ toàn ganh ghét, hận thù . Nhớ về nhỏ, những sai lầm trong suy nghĩ của tôi rụng rơi, tan biến như trận mưa buổi sớm. Nhìn lại mình, tôi thấy xấu hổ vì mình đã làm được gì cho ai, mình đã tốt đẹp gì đâu mà lại đi than thở, chỉ trích mọi người. Nhỏ vẫn bảo tôi thư nào tôi viết cũng đều có lửa nhưng nhỏ ơi, lửa nguy hiểm lắm vì nếu không cẩn thận sẽ thiêu cháy cả cánh rừng. Chỉ có sự từ bi, nhẹ nhàng, nhân hậu như nhỏ mới là nguồn sống vĩnh cữu, an lành đến cho mọi người. Thôi thì mình hãy cùng nhau cố gắng tu tập, sống trọn vẹn một kiếp người, cần một tấm lòng dù để “gió cuốn đi.”

Nhỏ ơi, cảm ơn nhỏ đã đến bên cuộc đời tôi và làm bạn cùng tôi suốt mười mấy năm trường. Hy vọng tình bạn của tôi và nhỏ sẽ mãi mãi vĩnh cữu, trường tồn và thăng hoa tình cảm theo tháng năm của dòng thời gian.

Ngọc Hằng



Có phản hồi đến “Ngọn Đèn Không Tắt”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com