Yangon là thành phố lớn nhất Cộng hòa liên bang Myanmar và nơi đây có Chùa Vàng là điểm du lịch nổi tiếng. Không chỉ thế, Chùa Vàng là quốc bảo, là thánh địa mà người dân Myanmar gửi vào đó sự kính ngưỡng của mình dành cho Đức Phật.

Những người hay đi du lịch các nước Đông Nam Á thường truyền cho nhau một kinh nghiệm: Nếu ở Thái Lan đừng bao giờ mạo phạm hoàng gia để mang tội khi quân, thì tại Myanmar, đừng dại dột đụng chạm đến Đức Phật và Chùa Vàng dưới bất kỳ hình thức nào. Đã có người nước ngoài - vốn là một chủ bar - bị tống giam vì đưa hình ảnh Đức Phật đeo tai nghe trong một poster quảng cáo; trong khi ở VN, một tờ tạp chí đã bị các nhà sư Myanmar phản ứng gay gắt vì đăng ảnh người mẫu mặc áo dài in hình Chùa Vàng.

Vì sao Chùa Vàng nổi tiếng và thiêng liêng đến thế?

Đầu tiên, đối với khách tham quan nói chung, tất nhiên là do nơi đó có rất nhiều vàng. Vàng dát mỏng và vàng khối cùng vô số trân ngọc quý giá. Trên đỉnh phù đồ cao 99 m nghe nói còn có một viên kim cương 76 carat. Tọa lạc trên ngọn đồi Singuttara bao phủ toàn cảnh Yangon, đây có thể được xem như ngôi chùa có giá trị lớn nhất thế giới.

Còn đối với phật tử, Chùa Vàng là nơi lưu trữ các thánh tích Phật giáo, bao gồm cây gậy của Phật Câu Lưu Tôn, cái lọc nước của Phật Câu Na Hàm, một mảnh áo của Phật Ca Diếp, 8 sợi tóc của Phật Thích Ca.

Đứng giữa sự xa hoa lộng lẫy này, giữa 90 tấn vàng với ngôi bảo tháp sừng sững tỏa hào quang và 1.000 tháp nhỏ chi chít xung quanh, những du khách ngây thơ có thể băn khoăn đôi chút khi nghĩ về cuộc đời khổ hạnh của các tu sĩ như họ từng biết đến trước đây. Thái tử Tất Đạt Đa chẳng phải đã từ bỏ thành Ca Tỳ La Vệ và địa vị tôn quý để tìm con đường giải thoát chúng sinh đó sao?

Du khách ngây thơ đi một vòng quanh khuôn viên rộng 60.000 m2 của Chùa Vàng, quan sát những người dân Myanmar - với đủ già trẻ trai gái giàu nghèo - đang tụ tập đọc kinh, thành kính khấn vái hay chỉ ngồi an nhiên tự tại bên cạnh các pho tượng Phật tự tại an nhiên... và bất giác hiểu ra một điều. Trong con mắt sân si của phàm nhân thì vàng có giá tới 36 triệu VND/lượng, nhưng trong đôi mắt khép hờ của Đức Phật thì thứ kim loại hiếm quý này và gỗ đá có gì khác nhau. Cũng như đối với Đức Phật thì quần thể đền tháp nguy nga tráng lệ, tòa sen bằng vàng khối nạm kim cương cũng chẳng khác gì ngôi chùa nhỏ rêu phong đơn sơ một pho tượng gỗ. Nơi đâu lại chẳng có Phật.

Dhammazedi là quả chuông lớn nhất thế giới với trọng lượng 270 tấn được làm từ đồng, bạc, vàng và hợp kim. Đại hồng chung khổng lồ này là do vua Dhammazedi sai người chế tạo và cúng cho Chùa Vàng vào năm 1484.

Năm 1608, một toán quân viễn chinh Bồ Đào Nha do Philip de Brito e Nicote chỉ huy đã tổ chức cướp phá Chùa Vàng. Chúng lấy chuông Dhammazedi với ý đồ nấu chảy để đúc đại bác, nhưng trên đường vận chuyển ra biển thì tàu đắm trên sông Yangon. Quả chuông vĩnh viễn ở lại với Myanmar, cho đến nay vẫn chưa tìm ra tung tích và chính thức trở thành một huyền thoại.

Phía tây bắc tháp chính, chúng tôi may mắn chiêm ngưỡng một quả chuông khác có kích thước nhỏ hơn nhiều nhưng số phận thì không kém phần ly kỳ so với tiền bối Dhammazedi. Đó là chuông Singu Min nặng 25 tấn do vị vua cùng tên cúng dường vào năm 1779.

Năm 1824 thực dân Anh xâm chiếm Myanmar. Tại Yangon, họ biến Chùa Vàng thành một pháo đài vì vị trí chiến thuật đặc biệt quan trọng của đồi Singuttara. Và cũng như bọn kẻ cướp Bồ Đào Nha, họ cũng lấy quả chuông Singu Min để chuyển đến Calcuta. Nhưng một lần nữa tàu đắm và chuông chìm xuống sông. Người dân bản địa đã đề nghị những kẻ chiếm đóng được trục vớt quả chuông với điều kiện nó phải trở về chốn cũ. Những người Anh ngạo mạn đã đồng ý ngay tức khắc vì nghĩ rằng người Myanmar sẽ chẳng bao giờ làm được điều đó bằng kỹ thuật lạc hậu của họ. Và thế là, chỉ với các thợ lặn kiên nhẫn cột hàng trăm cây tre quanh quả chuông, người dân đã trục vớt thành công.

Dường như đã có một sức mạnh huyền bí nào đó hiện hữu trong những quả chuông thiêng của Chùa Vàng làm nản lòng những đội quân hùng mạnh đến từ phương Tây. Của Myanmar ở lại Myanmar bất chấp pháo hạm và kỹ thuật quân sự hiện đại. Có lẽ do thấu hiểu điều này mà vào năm 1827, trong một cử chỉ thiện chí, trung tá J.R Alexander đã cho đúc một quả chuông tương tự Singu Min để trao tặng Chùa Vàng.

Những bảo vật Phật môn hay vàng bạc châu báu đã làm nên danh tiếng Chùa Vàng trên khắp thế giới như một điểm hành hương linh thiêng và kiệt tác kiến trúc của nhân loại. Tuy nhiên đối với người Myanmar, điều đó chưa đủ để ngôi chùa tuyệt đẹp này trở thành bất tử trong thăng trầm của lịch sử dân tộc.

Tháng 1.1946, đại tướng Aung San - người khai sinh quân đội Myanmar - đã diễn thuyết tại Chùa Vàng để kêu gọi chính quyền thực dân Anh trao trả độc lập, nếu không sẽ tiến hành tổng bãi công và nổi dậy trên cả nước. Sau một năm, ông dẫn đầu đoàn đại biểu tới Anh để đàm phán và ngày 27.1.1947 hai bên đã ký một thỏa thuận lịch sử, theo đó Myanmar sẽ trở thành một quốc gia độc lập trong 12 tháng tới. Nhưng chỉ 6 tháng sau, người anh hùng của nhân dân Myanmar đã bị ám sát.

42 năm sau cũng tại Chùa Vàng, một người con của đại tướng Aung San đã nối bước cha anh đứng lên lãnh đạo cuộc cách mạng phi bạo lực chống chính quyền quân sự. Trước cử tọa một triệu người, Aung San Suu Kyi - người phụ nữ nổi tiếng nhất Đông Nam Á hiện đại - đã nói: "Tôi muốn đọc cho các bạn nghe vài điều mà cha tôi đã nói về dân chủ: Chúng ta phải biến dân chủ thành tín ngưỡng của người dân... Dân chủ là hệ tư tưởng duy nhất cộng hưởng với tự do và củng cố hòa bình". Ngọn gió đầu tiên của mùa xuân Myanmar bắt đầu thổi, và cho dù cả dân tộc còn phải đi qua một đoạn đường dài trắc trở với nhiều người ngã xuống, vào tháng 3.2016 Myanmar đã có tổng thống dân sự đầu tiên sau nửa thế kỷ.

Sáng sớm một ngày tháng 7.2016 tại Yangon. Bên bờ hồ Inya tĩnh lặng, người dân Myanmar đang hối hả bắt đầu một ngày mới. Những người đàn ông mặc longyi, miệng nhai trầu và tay cắp ô. Những người phụ nữ thoa thanakha trắng xóa trên khuôn mặt bầu bĩnh. Những chiếc xe buýt cũ kỹ như xe đò VN 20 năm trước lao vun vút, thình lình tạt vào lề đường và các chú lơ xe hò hét như điên...

Trước khách sạn 5 sao Melia Yangon vào loại lớn nhất nơi đây (thuộc sở hữu của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai VN), khoảng chục cảnh sát đội mũ sắt, mang bốt da nai nịt gọn gàng, vũ trang bằng súng trường M16 và shotgun, ngón tay đặt hờ trên cò súng, không ngừng quan sát mọi thứ đang chuyển động trong tầm mắt… Thêm một tiểu đội cảnh sát triển khai ở sảnh chính bảo vệ lễ khai trương khách sạn có sự tham dự của các quan chức cao cấp của chính phủ. Súng ngắn giắt lưng, bộ đàm cầm tay, lúc nào trông họ cũng khẩn trương và căng thẳng.

Súng ống bao giờ cũng đem lại nỗi bất an, bên cạnh sự náo nức từ thành quả của thu hút đầu tư nước ngoài như một chỉ dấu của nền kinh tế khởi sắc. Sự tương phản này đã phản ánh chính xác những biến động chính trị - xã hội của Myanmar trong suốt một thời gian dài, từ những cuộc đàn áp đẫm máu trong quá khứ đến việc chuyển giao quyền lực ôn hòa của chính quyền quân sự; từ những cuộc xung đột - được cho là kéo dài nhất thế giới - giữa quân chính phủ với các nhóm vũ trang người Karen, Shan vẫn tiếp diễn đến nay... Không thể đoán định một cách chính xác tương lai của đất nước này thế nào khi giới chức lãnh đạo quân đội vẫn có thể chi phối hoạt động chính trị, cũng như cường quốc lân bang vẫn chưa bao giờ từ bỏ tham vọng đưa Myanmar vào vòng cương tỏa. Tuy nhiên, đối với những người dân yêu kính Đức Phật của quốc gia một thời phát triển rực rỡ này, một ngày mới đã thực sự bắt đầu. Như những quả chuông thiêng ở Chùa Vàng đã chọn cách ở lại đất mẹ, người dân Myanmar đã và đang tự chọn cho dân tộc mình một con đường đến phồn vinh.

(Theo Thanh Niên)



Có phản hồi đến “Chuông Thiêng Chùa Vàng Ở Đất Phật Myanmar”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com