Chỉ còn vài ngày nữa là đến Đại lễ Phật Đản, GHPGVN TP.HCM đã sẵn sàng cho lễ Tắm Phật, các buổi thuyết pháp, lễ chính thức... Dịp này Phật tử nên làm gì, tham dự lễ thế nào?

Thượng tọa Thích Tâm Hải, Ủy viên Thường trực Ban Trị sự, Trưởng ban Thông tin - Truyền thông GHPGVN TP.HCM cho biết, Đại lễ Phật Đản là một trong những lễ hội văn hóa, tâm linh lớn của người Phật tử.

Đây là ngày kỷ niệm Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được sinh ra ở thế kỷ thứ VII trước công nguyên trong hình hài của một nhân vật lịch sử.

Đức Phật đản sinh vào ngày trăng tròn tháng Vesak (hay Vaiśākha) theo lịch pháp Ấn Độ cổ đại, tương đương với tháng rằm tháng Tư âm lịch, tháng 5 tây lịch, do đó, thông thường Đại lễ

Phật Đản được tổ chức trong 1 tuần, ở Việt Nam chúng ta tổ chức trong 1 tuần, bắt đầu từ ngày mùng 8.4 cho đến 15.4 âm lịch.

Từ năm 1999, Liên hiệp quốc công nhận Ngày Vesak - Kỷ niệm ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đản sinh, thành đạo và nhập diệt, là lễ hội văn hóa của nhân loại.

Phật tử nên làm gì trong Đại lễ Phật Đản?

Theo Thượng tọa Thích Tâm Hải, Đại lễ Phật Đản tại Việt Nam đã được Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam hướng dẫn qua các thông bạch, thông báo rất sớm, thường từ tháng Giêng, tháng Hai âm lịch.

Ngày mùng 8.4 được bắt đầu bằng lễ Tắm Phật (Mộc dục). Mọi người có thể thiết trí mô hình vườn Lâm Tỳ Ni, hoặc biểu tượng Đản sinh của Đức Phật, tùy điều kiện và hoàn cảnh, cùng các thành viên trong gia đình thực hiện nghi lễ theo nghi thức được Ban Nghi lễ Phật giáo TP.HCM hướng dẫn, có thể tìm thấy trên Báo Giác Ngộ Online. Hoặc cũng có thể đến các chùa có thiết trí lễ đài, cùng quý thầy, cô Phật tử khác thực hiện nghi lễ trên.

Thượng tọa Thích Tâm Hải chia sẻ: “Là người Phật tử, chúng tôi nghĩ đây là dịp để tỏ lòng thành kính lên Đức Phật, đồng thời nhắc nhở về lối sống đạo đức mà mình tin tưởng, phát nguyện sống theo. Do đó, mỗi nhà nên có sự trang hoàng theo điều kiện, tối thiểu là cắm lá cờ Phật giáo, trưng bày hoa tươi, quả tốt cúng dường, tùy tâm và hoàn cảnh của mình mà làm. Chúng ta có thể xông trầm, dâng hương, lễ Phật và cầu nguyện vào mỗi sớm mai, tối đi làm về, hướng dẫn con cháu cùng thực hiện; đọc lại kinh Phật dạy, nghe thuyết giảng, tìm hiểu về cuộc đời và những lời dạy của Đức Phật để làm giàu nhận thức của chính bản thân cũng như có để chia sẻ với người thân, bạn bè và những ai muốn tìm hiểu”.


Vị Thượng tọa cũng nói thêm, thông điệp Đại lễ Phật Đản năm nay là ý thức về đạo đức cá nhân trong xã hội. Thông điệp này đã được Đức Quyền Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam – Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng đã chia sẻ đến Tăng Ni, Phật tử.

Một đoạn thông điệp có nội dung như sau: “Theo lời dạy của Đức Phật, trách nhiệm xã hội là tiêu chuẩn của cả đạo đức cá nhân và đạo đức xã hội. Mỗi cá nhân, mỗi tổ chức đều phải có trách nhiệm, nghĩa vụ hành động vì hạnh phúc, an lạc của nhân loại. Do vậy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người đệ tử Phật cũng phải nêu cao đạo hạnh, nghiêm trì giới luật và tuân thủ pháp luật; đồng thời siêng năng thực hành giáo lý từ, bi, hỷ, xả để nuôi dưỡng thân tâm. Đó chính là nền tảng thực hiện trách nhiệm xã hội, xóa bỏ điều ác, hận thù, vô cảm trong xã hội. Đây cũng chính là tiền đề và là động lực để mỗi chúng ta thực hiện trách nhiệm xã hội của mình, cùng nhau xây dựng xã hội tốt đẹp hơn”.

Phật tử tại TP.HCM tham dự Đại lễ thế nào?

Thượng tọa Trưởng ban Thông tin - Truyền thông GHPGVN TP.HCM cho hay, từ nhiều tháng trước, việc tổ chức Đại lễ Phật Đản tại TP.HCM đã được Giáo hội Thành phố họp, thảo luận và thống nhất phương án tổ chức.

Từ mùng 8.4 âm lịch, lễ Mộc dục (Tắm Phật) – nghi lễ tâm linh sẽ được cử hành tại Việt Nam Quốc Tự (222-224 đường Ba Tháng Hai, Q.10) với sự tham dự của các vị giáo phẩm Trung ương GHPGVN và TP.HCM.

Mỗi tối, sẽ có các buổi thuyết pháp, cũng tại Việt Nam Quốc Tự (hội trường lớn).

Lễ đài Phật Đản trung tâm của Phật giáo Thành phố sẽ đặt tại Việt Nam Quốc Tự, lễ chính thức được cử hành vào lúc 6 giờ sáng ngày rằm tháng Tư âm lịch (tức 15.5.2022), với sự tham dự của các vị giáo phẩm cao cấp của Giáo hội Trung ương và TP.HCM, đại diện các cơ quan chức năng Trung ương và Thành phố cũng như các tôn giáo bạn và Tăng Ni, Phật tử.

Bên cạnh đó, các quận, huyện, TP Thủ Đức cũng có chương trình Đại lễ Phật Đản, với quy mô, chương trình và thời gian linh hoạt, chẳng hạn như lễ thắp sáng 7 hoa sen trên kênh Nhiêu Lộc, các chương trình an sinh xã hội, hỗ trợ đồng bào có hoàn cảnh khó khăn, giúp đỡ và chăm sóc người bệnh, làm môi trường sạch và xanh hơn…

(Theo Thanh Niên)



Có phản hồi đến “Phật Tử TP. HCM Nên Tham Dự Đại Lễ Phật Đản Như Thế Nào?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com