VẤN: Theo con được biết y áo ngày xưa thời Đức Phật biểu hiện cho những gì thanh bần, nghèo nàn giản dị nhất. Y áo ban đầu là lấy từ những mảnh vải ở nghĩa địa rồi khâu lại hoặc những loại vải hoại sắc nghèo nàn vì đời sống của người xuất gia là xả phú cầu bần. Tuy nhiên hiện nay, mỗi lần lễ nghi con thấy y áo ai cũng mặc sặc sỡ, đủ sắc màu. Các vị thầy thuyết pháp mỗi khi đưa hình lên băng đĩa cho đẹp đều chọn những y áo cũng đầy màu sắc, bằng những loại vải gấm tốt thượng hạng, viền xanh viền vàng đủ kiểu nhằm bắt mắt người xem. Cá biệt mỗi khi tổ chức cúng dường trai tăng con nghe y áo đã được gợi ý nên mua ở đâu, vải gì và nhìn vào cũng đầy màu sắc và nữ tính không hề thích hợp với chốn thiền môn. Xin Sư cho con biết người xuất gia tu hành có được mặc những y áo thời trang, đeo những xâu chuỗi đắc tiền từ đá quý, ngọc, hay vàng bạc không? Con xin cảm ơn Sư.
ĐÁP:
I .
Nguồn gốc pháp phục Ca Sa
Trước khi nói đến hạnh lành của chư tôn giả, chư Tỳ kheo bần Tăng, đệ tử trong Tăng đoàn Đức Phật, chúng ta tìm hiểu về nguồn gốc chiếc Y, áo Ca Sa, pháp phục của Tăng đòan Phật
Vào khoảng năm 605 trước tây lịch Thái tử Sĩ Đạt Ta nửa đêm vượt kinh thành Ca Tỳ La Vệ để xuất gia tầm Đạo. Sau khi vượt khỏi dòng sông Anoma, Ngài giả từ Sa Nặc, tự cắt bỏ râu tóc và đổi y phục Sa Môn của người thợ săn để mặc. Đó là chiếc Cà sa đầu tiên trong Phật Giáo. Bồ Tát Sĩ Đạt Ta trong quá trình xuất gia đã lượm những vải bỏ vá lại và kết thành chiếc áo mặc che nắng che mưa, đó là chiếc áo Ca Sa đầu tiên trong Đạo Phật.
Theo Luật tạng, thì Tăng đoàn của Phật mới đầu chư tôn giả mặc pháp phục không khác mấy với đạo Bà La môn. Lúc bấy giờ nhà vua Tần Bà Sa La thấy như vậy mới xin Phật nên cho chư tôn giả mặc pháp phúc khác với ngoại đạo. Trên đường đi hành cước về phương Nam, đi ngang những mảnh ruộng trải dài bên đường, được người nông dân chia thành từng mãnh hình chữ nhựt, Phật dạy A Nan may pháp phục Ca Sa như những mảnh ruộng kia. Từ đó pháp phục của Tăng đoàn Phật, được may vá thành áo Ca Sa như những mãnh ruộng kia, gọi là Cát Triệt Y hay Điền Tướng Y tượng trưng cho sự tăng trưởng và phước lành .
II .Ý nghĩa Y Ca Sa
Y là chiếc áo; Ca Sa là hoại sắc, tức là chiếc áo hoại sắc, áo ngã màu; một loại màu không giống với màu sắc được đặt tên và theo quy định của thế gian hữu tình. Vì vậy, áo Ca Sa có màu hoại sắc, hoại sắc tức là màu sắc nầy không giống với màu sắc khác của thế gian. Y Ca Sa là chiếc áo hoại sắc, áo có màu sắc khác với màu sắc thế gian; nên nói là áo xuất thế gian, áo giải thoát, áo ruộng phước. Ao xuất thế gian chính là Pháp y, áo pháp xuất thế, giáp sắt của người đệ tử Đức Phật khi mặc vào là để chống lại, diệt trừ các phiền não trong thế giới sanh tử luân hồi. Như những mũi tên, đao, gươm, giáo, mác không xuyên thủng được, nên Y Ca Sa không còn là Y phục của thế tục nữa, y nầy ở các Đạo khác không có, nên gọi áo giải thoát (trích Tỳ Ni Hương Nhũ, do Kiến Nguyệt Lão Hòa Thượng biên soạn, Tỳ kheo Thiện Chơn biên dịch). Y Ca Sa cũng gọi “Pháp y”, áp pháp mặc vào được giải thoát khổ đau phiền não, sanh tử luân hồi.
Y Ca Sa có nhiều thứ bậc, dành cho những người học Phật, học đạo giải thoát của Đức Phật, phát tâm thọ giới, thọ mặc. Tuy nói nhiều thứ bậc, nhưng khi người Thích tử phát tâm thọ giới mang mặc pháp phục thì người đó đã dứt bỏ những phiền não của thế gian, hoặc phát nguyện dứt bỏ những phiền não của thế gian: tham, sân, si hỷ, nộ, ái ố ai lạc dục. Gọi là Pháp y tức là chiếc áo không vướng bận thế gian, khi thọ mặc vào thì thầy Tỳ Kheo không còn một mảy may phiền não, ngự phục được những khí độc tham sân si. Theo hệ thống Phật giáo Nam truyền thì chiếc “Pháp y” tu hạnh đầu đà xuất phát từ pháp môn tu của Thầy Tỳ Kheo phải lượm vải nhơ nhớp của người bỏ, giặt giũ lại, rồi may y để mặc – Thầy Tỳ Kheo chỉ cần có Tam y với một màu hoại sắc, tức là : - Y Tăng Già Lê - Y Uất Đa La Tăng - Y An Đà Hội, hoặc loại vải lượm ở các nghĩa địa lộ thiên bên đất An Độ xưa - Vải người khác không còn cần dùng nữa – Vải bỏ bên đường – Vải bỏ nơi đống rác – Vải lau chùi cho hài nhi – Vải đắp cho người bệnh (trích dẫn sách Hạnh Đầu Đà, trang 06 và trang 11, do nhà dịch giả Tỳ Kheo Bửu Chơn).
Theo Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam, chiếc Y Ca Sa còn gọi là “Y thượng bá nạp.” “Đại y” của Tỳ Kheo xuất phát từ loại vải thô sơ, không còn cần dùng trong việc may mặc ở thế gian nữa, loại vải màu hoại sắc, hoặc cùng màu vàng, màu trắng, để có thể nhuộm lại thành một màu vàng sậm, không dùng những loại chỉ bằng tơ, lụa, hàng, nỉ, nhiễu, len, tố cẩm tự, đồ vật của sanh mạng, cấm dùng màu đen, trắng, xanh, tím, đỏ, vàng anh, màu tươi tốt… (trích trang 3, quyển Luật Khất Sĩ, Giới Bổn Tăng, Giới Bổn Ni của Sư Tổ Minh Đăng Quang). Loại vải được mang đến cung dưỡng Nhà Sư Khất Sĩ bằng sự phát tâm thanh tịnh. Chiếc Y Cà Sa của giáo phái Khất Sĩ được may nối từng miếng vải nhỏ, loại vải mà người đời không còn sử dụng được. Do đó, khi Nhà Sư Khất Sĩ mang vào ngự chế được khí tham sân si của chính mình và còn ngự phục lòng tham sân si của chúng sanh. Y Ca Sa của Nhà Sư Khất Sĩ chính là chiếc áo bá nạp được kết lại từ miếng vải nhỏ như nói ở trên, nên có bài kinh tụng :
Áo đã mặc nhiều năm rách rả
Lượm vải bô chằm vá khiếu khâu
Khẽ khằm từng miếng kế đâu
Thành y Bá nạp ngõ hầu che thân
(trích Kinh Tam Bảo Khất Sĩ - Nhớ Ơn Phật, trang 158)
Chiếc Y Ca Sa bá nạp được may nối từ nhiều miếng vải nhỏ, mỗi miếng vải tượng trưng cho mảnh ruộng phước, giúp cho người Phật tử có ý thức về sự tôn kính Sa môn, gieo bòn phước điền. Làm gì người thế gian có thể mặc được mà động lòng tham ? Nên nói ngự phục lòng tham của chúng sanh là vậy! (Lễ Dâng Y Ca Sa” của Hòa Thượng Thích Giác Quang - 2008).
Chiếc Y Ca Sa theo hệ thống Bắc truyền, là Pháp y của Phật, chiếc áo giáp của người tu Đạo Phật. Các đạo khác không có, các bộ chư thiên, phi nhân, người đui, điếc, câm, ngọng, lé, lùn, khung dẹo, nói chung người tàn phế không mặc được, dù người đó phát tâm tín thọ học tập cũng không thọ mặc được. Vì đây là Pháp y của Đức Phật, được chư Phật, chư lịch đại Tổ sư truyền trao tận tay cho người tu Phật. Xưa gọi là truyền Pháp ấn, Tâm ấn, truyền Y bát. Xuất phát theo dòng lịch sử Phật Giáo, có từ thời Tổ Sư Ca Diếp đến Tổ Sư thứ 28 Bồ Đề Đạt Ma. Cho đến thời điểm Nhị Tổ Huệ Khả rồi đến Lục Tổ Huệ Năng thường là mang đậm nét truyền thừa Y và Bát trong chốn thiền lâm ở Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên thường truyền thừa cách nầy để gây ấn tượng niềm tin giữa Thầy và Trò. Nhất là các Hệ phái, các Môn phong biệt truyền ở Việt Nam thường truyền cho nhau từ Thầy cho Trò theo phong cách “truyền đăng tục diệm”, tức là lửa trước truyền nối lửa sau, lửa sau nối tiếp lửa trước, theo cách thức quy cũ “truyền Y Bát” cho nhau. Các vị đệ tử được truyền Y Bát xem như người đệ tử đó tâm đắc nhất với Thầy Tổ của mình. Cách thức truyền Y Bát sau thời điểm Lục Tổ Huệ Năng không còn nữa.
Cũng theo hệ thống Phật Giáo Bắc truyền, thì Y Ca Sa có 3 bậc : Thượng, Trung và Hạ, chia thành chín phẩm:
Bậc Hạ từ y 9 điều đến 13 điều. Ba y nầy mỗi điều có 2 khoản dài, 1 khoản ngắn – Bậc Trung có y 15 điều đến 19 điều. Ba y nầy mỗi điều có 3 khoản dài, 1 khoản ngắn – Bậc Thượng từ 21 điều đến 25 điều. Ba y nầy, mỗi điều có 4 khoản dài, 1 khoản ngắn. Dài nhiều ngắn ít, ý nói thêm Thánh bớt phàm. Y 25 điều tức là Y Bá nạp, vì trong 4 khoản dài, 1 khoản ngắn, tính ra có trên 100 miếng vải nhỏ nối ráp lại, nên cũng gọi Pháp y nầy là y Bá nạp cũng được (theo sách Tỳ Ni Hương Nhũ của Kiến Nguyệt Lão Hòa Thượng, Tỳ kheo Thích Thiện Chơn dịch).
III .Đời sống người xuất gia
Thanh bần lạc đạo, sống giản dị vui trong đạo lý, tri túc thường lạc, biết đủ là vui. Hằng ngày chư vị Tỳ kheo vui trong chánh niệm, mong một ngày nào thành tựu định lực, chứng quả vô sanh, định lực sanh các pháp thiện sanh, định lực mất thì các pháp ác sanh khởi, không còn tiếp nhận được năng lượng của Phật.
Chư Tỳ kheo chỉ có tam y nhứt bát, có bài thơ như sau:
Một bát cơm ngàn nhà,
Thân chơi muôn dặm xa,
Mắt xanh xem trần thế,
Mây trắng hỏi đường qua
(Đường xưa mây trắng - HT Thích Nhất Hạnh)
Tỳ kheo có 3 nghĩa: Khất Sĩ, Bố Ma, Phá Ác. Khất Sĩ là đi trì bình hóa duyên vật thực hằng ngày để nuôi thân tu học, đem pháp lành phổ cập đến muôn phương - Bố Ma là điều phục các ma oán tham sân si, hỉ nộ ái ố - Phá Ác suốt đời tu hành vận dụng các pháp thiện sanh khởi , các pháp ác không sanh, đem lại lợi lạc chúng sanh vạn loại. Qua ý nghĩa của hai chữ Tỳ kheo trên cho chúng ta thấy người tu Phật, chư Tăng Ni lúc nào cũng khổ hạnh, bần Tăng, bần sĩ. Khất Sĩ không tiếp xúc với vật dục thế gian, không có những vui hoan lạc trong bến nước tử sanh. Bố Ma xung quanh chư vị Tỳ kheo không có những phiền não tham sân, si, khát ái, không có nhu cầu đòi hỏi trong đời sống ngũ trược của thế gian. Phá ác, tự thân không làm ác, khuyến thiện mọi người không làm ác, không làm tổn hại chúng sanh, không làm chúng sanh đau khổ, đem lại lợi lạc an vui cho chúng sanh và con người (từ điễn Phật học - Đoàn Trung Còn).
Theo quan điểm nguyên thủy, chỉ có những người sống viễn ly mới có thể đạt được Niết-bàn. Hoạt động chính của những vị này là thiền định và giảng dạy giáo pháp, không được thụ hưởng cuộc đời và chịu sống lang thang không nhà. Giới luật của Tỳ kheo là đời sống phạm hạnh, mẫu mực, thiểu dục tri túc, không vợ con và thực hành từ bi, được đề ra trong Luật Tạng.
Cuộc sống cơ hàn của Tỳ kheo được thể hiện qua chiếc áo cà sa của các vị đó, gồm có ba phần và do vải vụn kết lại. Vật dụng hàng ngày chỉ gồm bát khất thực, dao cạo, kim chỉ, đồ lọc nước và gậy kinh hành. Tỳ kheo không được nhận tiền bạc hay các vật dụng khác. Thức ăn là do sự cúng dường (Tỳ kheo - Bách khoa Từ điển)
Nghi lễ của Phật giáo
Nghi : là dáng, mẫu, nghi thức, nghi lễ, khuôn phép. Lễ : là lễ giáo, lễ bái, cúng tế, tôn thờ, cung kính …Nghi lễ tức là lễ nghi khuôn thước, hình thức lễ giáo đạo đức của Đạo Phật, là thước đo về tác phong đạo đức của con người. Làm người có lễ giáo thì có nhân từ cung cách ứng xử phân minh, là chỗ dựa niềm tin tâm linh của mọi người. Người có lễ giáo ăn nói mực thước, khiến cho mọi người kính nể yêu vì. Người có lễ giáo thì đứng đi điềm đạm, không vội vàng ngã mạn kiêu căn.
Đạo của Đức Phật Thích Ca là đạo giác ngộ nên ít chú trong đến việc cúng kiến tế lễ. Tuy nhiên sau khi Đức Phật nhập diệt, đời sống của Tăng đoàn có thay đổi, do sự thích nghi với phong tục tập quán, đáp ứng nhu cầu của quần chúng để tồn tại và phát triển, vấn đề nghi lễ được đặt ra đi kèm giữa tín ngưỡng phụng thờ và học đạo giải thoát.
Đạo Phật Việt Nam chịu sự ảnh hưởng đạo Phật Trung Hoa từ chế độ phong kiến Nhà Minh, nên dù Việt Nam đã có Đạo Phật, nhưng vẫn tiếp nhận những học thuật của Khổng, Lão và các tín ngưỡng dân gian. Do đó, khía cạnh nghi lễ của Phật giáo khá phức tạp và phát triển khá mạnh mẽ. Nhất là thời kỳ phong kiến kéo dài, nghi lễ tế tự được ưa chuộng khuyến khích. Vì vậy, triết lý đạo Phật cao siêu và trong sáng mà vẫn không khống chế hay giới hạn nổi sự phát triển của nghi lễ. Nhưng dù sao đi nữa thì nghi lễ cũng là bộ phận góp phần một cách thiết thực và hiệu quả trong công cuộc hoằng pháp lợi sanh.
Ngày nay các lễ nghi cúng kiến chẩn tế, đại chẩn tế, cúng dường trai tăng, cúng dường trai phạn, nghi lễ cầu an cầu siêu do bộ phận nghi lễ của tổ chức tự viện thực hiện. Thầy Sư không phải là những thầy tế lễ, nghi lễ chưa phải là cứu cánh nhưng cũng rất quan trọng trong sinh hoat tự viện. Trong công cuộc hoằng truyền chánh pháp mà thiếu bộ phận nghi lễ như thuyền bát nhã thiếu tay chèo! Nghi lễ là phương tiện đạo đức dẫn dắt chúng sanh và Phật tử, là những buổi thuyết pháp không chính thức thông qua nghi cúng kiến để hướng dẫn mọi người vào đạo!
Lời kết:
Trong đạo Phật chúng ta có hai phương pháp tu: một là xuất thế (thể nhập), hai là hội nhập (tiếp hiện). Xuất thế là bổn hoài của Phật và hạnh nguyện chư Tăng Ni bước đầu học Phật; hội nhập là chư Tăng Ni phải thông suốt ngũ minh: Thanh Minh, Nhân Minh, Công Xảo Minh, Y Phương Minh, Nội Minh (Kinh Tâm Địa Quán - phẩm Báo Ân). Chư Tăng Ni phát nguyện vừa tu cho chính mình vừa bước vào xã hội để giúp đời, trong đó có nhiều phương thuật để phục vụ. Phương thuật đó là Nghi Lễ (Nhân Minh cũng gọi là Đạo Đức Học) trong chốn thiền lâm. Nghi lễ đưa Đạo Phật gần gũi với xã hội, xóa tan làn ranh với cuộc đời, mà không đánh mất bản chất lẫn hình thức tu sĩ. Nghi lễ là chất keo dán kết giữa “người đời” và “người đạo”, “tuy hai mà một”, hướng dẫn cho mọi người vào đạo.
Trong quá trình tổ chức lễ nghi cúng kiến, vị Sám chủ (Thầy Cả, Pháp Sư) là vị chủ trì tổ chức lễ nghi, hướng dẫn nghi thức cúng kiến mặc pháp y bình thường hay mặc pháp y vải mịn, satin, lụa là sặc sỡ là tùy vị Sám chủ đó. Có khi các vị mặc pháp y màu xanh, màu đỏ tía, màu đỏ sậm, màu nâu, viền xanh, viền vàng... tư trang chuỗi có cả ngọc ngà trân châu, đây là pháp phục của vị Sám chủ. Pháp phục của vị Sám chủ đó phải được tô điểm nhiều hơn trong phần lễ phục vừa xứng đáng là vị Sám chủ trong đàn chẩn tế cũng vừa để phân biệt giữa vị Sám chủ và Ban kinh sư trong tổ chức nghi lễ .
Vị giảng sư thuyết pháp cũng thế, thuyết giảng “vũ hành phương tiện” là việc thiết yếu trong công cuộc hoằng truyền chánh pháp của Phật giáo. Chư Tăng Ni, Phật tử tu đúng pháp hay không cũng từ “thuyết giảng” của vị pháp sư, giảng sư. Vị Pháp sư phải có nhiều đức tính tốt trong khẩu giáo, thân giáo và trí tuệ, đạo hạnh khiêm cung, không ngã mạn cống cao, không xa hoa vật chất. Trí tuệ vị giảng sư phải thiết lập trên tinh thần vô úy của Bồ Tát Quan Âm, trí như sóng nước trùng dương, không sợ những bao la mênh mông của biển. Vị pháp sư đó quyết định sự thành bại trong thời thuyết giảng đối với Tăng Ni, Phật tử. Vị pháp sư đạt chuẩn sẽ không mặc pháp phục như Bạn phản ảnh! (Bảy đức tánh của vị giảng sư - HT Thông Bửu).
Phật giáo Việt Nam có nhiều giảng sư chân tu thạc đức, giảng sư kinh nghiệm, giảng sư đạo hạnh, giảng sư, giáo thọ trẻ tài năng...55 năm tu hành, 40 năm hành đạo, 30 năm thuyết giảng Sư chưa bắt gặp những pháp sư, giảng sư nào mặc pháp phục như Bạn phản ảnh, chỉ trừ các bậc Quốc sư (xưa mặt pháp y tím do Vua ban), Đại lão Hòa Thượng, Đại Hòa Thượng (Y đỏ tía), Sám chủ, Pháp sư (có khi mặc y xanh) chứng minh đại lễ.
Người tu thì ăn mặc bần Tăng khổ hạnh, mặc y phấn tảo, sống đơn giản. Riêng bộ phận Nghi Lễ, Hoằng Pháp, chúng ta không nên đem pháp tu hoằng giới, pháp tu khổ hạnh vào dây thì thật khó cho vị Sám chủ, vị giảng sư Bạn ạ!
Thanh bần lạc đạo cũng tùy duyên
Hạnh tu “tiếp hiện” giữa thị thiền
Mặc áo Ca Sa toàn lụa gấm
Là do lễ phục trước điện tiền
Trang nghiêm pháp phục chỉ nhất thời
Đứng giữa đàng tràng phải vậy thôi
Không nên xem nhẹ vị Thầy cả
Nghi lễ hàng đầu phải cao ngôi.
Lạc đạo thanh bần có từ xưa
Dứt sạch trần gian đến Phật thừa
Phật tử hộ trì bia sử đó
Và cùng theo bước dấu chân xưa
HT Thích Giác Quang