VẤN: Con đọc tin biết rất nhiều ca sĩ, diễn viên, người mẫu trong giới showbiz chuyên dùng bùa ngải, nuôi ngải và làm hại nhau cũng vì bùa ngải. Nhiều người phải xuất ngoại sang các nước như Thái Lan, Miến Điện, Lào để mua ngải, chơi ngải hoặc lên các vùng sâu vùng xa của đất nước như ngoài Bắc thỉnh bùa ngải Xứ mường. Có người dùng nào ngải máu, bùa Lỗ Ban, cúng tế linh đình và con nghe nói hàng tháng phải đến cúng gia trì gặp vị thầy sên ngãi cúng rất nhiều tiền thì bùa chú mới linh nghiệm. Vậy bùa ngải thật sự là gì và tại sao lại có tác dụng như vậy? Bùa ngải nào là mạnh nhất. Ai mới có thể sên được bùa ngải và nếu dùng bùa ngải thì có như thế nào không? Con xin cảm ơn Sư.
ĐÁP:
I .Ca sĩ, diễn viên, người mẫu là những nghệ sĩ có chức năng làm vui cho mọi người sau những ngày giờ làm việc mệt nhọc tại cơ quan, công ty, xí nghiệp. Đồng thời họ còn giữ gìn và phát huy những nét đẹp của nền văn hóa dân tộc. Người nghệ sĩ trong sáng nói lên được ý thức dân tộc, bảo vệ ý tưởng dân tộc. Người nghệ sĩ cũng là những chiến sĩ trên chiến trường văn hóa và chính lời ca tiếng hát, điệu bộ, những nghệ thuật ca hát lúc nào cũng được phát huy những cái mới, làm thành bức tường góp phần bảo vệ truyền thống, bảo vệ biên cương của tổ quốc. Cũng có khi các nghệ sĩ làm được việc đại sự, là đem lời ca tiếng hát giới thiệu những nét độc đáo của văn hóa dân tộc Việt với cộng đồng các dân tộc trên thế giới, những quốc gia tiến bộ. Nơi nào phát huy văn hóa của đất nước mình thì biên cương của Tổ quốc được mở rộng đến tận chừng đó.
Từ thập niên 60 đến nay, con người trên thế giới, nhất là tại các quốc gia tiến bộ xem bóng đá là môn thể thao vua, giúp cho con người thêm năng lượng sống, nhiều phấn khởi và niềm vui tươi trong sinh họat hằng ngày. Bóng đá có thể làm ngưng chiến tranh, ngưng bắn giết lẫn nhau, bóng đá làm cho các quốc gia từng thù hận với nhau, trở lại bắt tay, sống chung với nhau, dù chỉ trong thời gian nhất định trong những ngày có World Cup.
Hiện nay còn có phong trào văn nghệ, các ca sĩ tài năng đem lời ca tiếng hát xoa dịu những xâu xé, bắt tay nhau sau những cơn giận dữ. Những lời ca tiếng hát của các ca sĩ có thể làm cho con người đình chỉ những sự hung ác, sự dịu dàng của người nghệ sĩ là động lực niềm vui chung, thúc đẩy con người tiến đến hòa nhịp bắt tay nhau cùng ca hát. Tại Việt Nam các chương trình ca nhạc, các ca sĩ có thể nói là được trọng vọng vô cùng. Một ca sĩ về làng, đi đến đâu quần chúng đều bỏ công ăn việc làm đi theo chân người ca sĩ đó cho đến khi họ rời khỏi làng. Trên các phương tiện truyền thông hiện nay các chương trình ca nhạc chiếm lĩnh, nổi bật hơn các chương trình khác. Các chương trình khi lên sóng truyền hình lúc nào cũng có ca nhạc, ca nhạc xong rồi mới nói chuyện, ca nhạc xong rồi mới trở về chương trình chính thức. Chương trình ca nhạc hiện nay như là một chương trình vua, người nghệ sĩ luôn được sáng giá tôn vinh trong đời sống cộng đồng.
Văn nghệ là một bộ môn có giá trị, thì người nghệ sĩ cũng phải sinh họat cộng đồng thật nghiêm túc và trong sạch, tác phong tiêu biểu để xứng đáng là người nghệ sĩ mẫu mực trong làng ca nhạc. Theo Sư nghĩ mỗi người nghệ sĩ hiện nay luôn có trách nhiệm với chính mình, bảo vệ bộ môn ca kịch, đưa làng ca kịch lên hàng đầu, không ai đi làm chuyện mơ hồ ảo tưởng làm tổn hại lẫn nhau, công sức đâu mà chia sẻ cho các ông thầy bùa ngãi “ăn theo”, tốn tiền lãng phí vô ích.
II . Nguồn gốc của ngải:
Ngải thuộc họ thực vật, thân thảo, có củ. Củ nhỏ nhất thì nhỏ hơn củ nghệ một chút như ngải đen, ngải nàng thâm, nàng xoài; lớn hơn thì có thể to bằng con heo đất như ngải hổ, ngải tượng...vv... Một số loài đã có tên khoa học và đã được công nhận tính năng chữa bệnh hay giúp ích cho cơ thể con người, bởi các nhà nghiên cứu khoa học công bố. Chẳng hạn có những loại củ cây ngải có thể giúp tăng cường sinh lực, tăng sự dẻo dai mà dân phu trầm thường hay dùng trong những chuyến luồn rừng dài ngày. Người ta thường hay nói “ngậm Ngải tìm trầm” là vì thế. Nhưng đa phần cây ngải vẫn còn mang nhiều bí ẩn mà tên gọi chỉ được truyền miệng qua kinh nghiệm dân gian.
Năm 1960 khi còn tu ở núi Bồng Lai (Bà Rịa), Sư sống chung với Sư MK người miền đồng bằng sông Cửu Long, hay làm việc trồng cây ngải, luyện chú, tưới nước dầu thơm lên cây ngải. Cây thực vật Sư dùng làm ngải đó lại là một lọai rau thơm ở rừng, đến mùa mưa chư Tăng Ni thường đi hái đem về làm rau sống để ăn. Việc luyện ngải có thời gian nhất định, mỗi ngày vị Sư đó niệm chú (chú của lục miên, lục lèo chi đó?) tưới nước thơm sáng, trưa, chiều, tối...mới đầu chúng tôi chưa biết gì nên cũng có hơi sợ, nhưng khi quen dần thì chẳng có gì ghê gớm lắm, chẳng có gì là rùng rợn linh thiêng.
Có những loài ngải có tính dược liệu, có những loại ngải có tính độc, nhẹ thì gây mẩn ngứa ngoài da, nặng hơn thì có thể ngộ độc, dẫn đến bệnh tật hoặc mất mạng.
Cũng có những nơi các thầy luyện ngải phải nuôi ngải bằng máu gà và máu của mình... rồi tắm cho ngải, cho ngải ăn vào giờ nhất định, đọc thần chú cho ngải nghe v.v... Chăm ngải còn hơn cả chăm con so, cùng với đủ thứ chuyện ly kỳ, thâm u huyền bí khác. Thường các loại ngải để làm bùa có khoảng 100 loại, nằm rải rác trên thế giới trong rừng sâu núi thẳm. Bởi nó là loại cây có những tính chất đặc biệt, lại tồn tại lâu năm trong những nơi chướng khí ngút ngàn, nên ngải này có tính linh (thuộc ma tính), là nơi mà các loài yêu ma quỷ quái rất thích cư ngụ ẩn náu.
Vậy mà có người tin tưởng đến mua chuộc. Có mua thì có bán, và đây chỉ là sự tưởng tượng, đưa con người từ thiện đến ác. “Chuộc ngải” nhằm sử dụng làm cho người nhiều tính nhạy cảm phải bị mê hoặc: dùng tiền chuộc ngải để làm cho người khác phái mê. Tác dụng của ngải, chẳng phải do ngải mê hoặc đối phương, mà chủ yếu là do nước dầu thơm cao cấp hấp dẫn, kích thích quyến rủ tác động hình thành sự yêu đương dẫn đến sanh ái dục? Hoặc là chuộc ngải để hãm hại đối phương. Việc nầy chỉ khi nào đối phương nhẹ dạ yếu lòng sợ sệt nghĩ rằng mình bị bùa ngải, như người đi đêm nhút nhác luôn tưởng tượng có ma rồi run sợ theo sự tưởng tượng đó, chứ thật ra ngải bùa chẳng có tác dụng gì để hãm hại người khác?
Chuộc ngải để trong “ví” đi đến đâu được tăng uy tín, thật ra thì người nghệ sĩ giỏi, có phong độ đâu cần phải chuộc bùa ngải để hãm hại người khác làm cho người khác sẩy chân sa cơ, nhường chổ cho mình bước lên đài danh vọng? Việc nầy thuộc ảo tưởng, nếu có thì người nghệ sĩ đó thuộc dạng chẳng có uy tín, giỏi dang gì cả Người đó chỉ giỏi làm ra tiền bao nhiêu đem “biếu không” cho mấy thầy bùa, thấy ngãi có dịp phung phí ăn chơi mà thôi!
Lai lịch của bùa chú
Từ ngàn xưa, bùa chú đã xuất hiện ngay cả trong những kinh sách của nhiều tôn giáo. Phần lớn các bùa chú này nhằm mục đích để cầu an, giúp cho thân nhân gia đình yên ổn. Ngoài ra nhiều bùa chú còn giúp để trị bệnh, trừ tà, phá bùa ếm đối... Những bùa chú này do một số lớn những nhà nghiên cứu về hiện tượng siêu linh huyền bí tìm ra. Một số bùa chú còn được tìm thấy do những tài liệu cổ từ Bí Mật giáo truyền lại.
Người Trung Hoa thường biết khá nhiều bùa chú mà theo bí tàng của Trương Thiền Sư (trong truyện Kim Dung ngời sáng lập đạo giáo cởi cọp, người ở động La Phù, núi Nga Mi, thời nhà Ân Thương phò Trụ mà diệt nhà Chu bị tử trận) thì có rất nhiều bùa trị bệnh giúp gia đình an vui, mua may bán đắt, cầu tài, an thai, trừ ác mộng, hộ thân. Trương Thiền sư, còn gọi là tài thần Triệu Công Minh. Triệu Công Minh nguyên sư có năng lực trừ ôn diệt ác, trừ bệnh diệt tai. Phàm kẻ có oan khuất cầu khấn thần chủ trì được vượt qua. Người buôn bán cầu tài có thể thu lợi lớn. Vì cầu thần mà thu họach tài lộc, nên dân gian xem thần là tài thần.
Tại Ấn Độ , các tư liệu cổ cho thấy' tôn giáo lâu đời nhất ở xứ này là tôn giáo mà người Aryen tin theo từ dân tộc Naga. Người Naga thờ vô số thần trong đó có cả thần nhân đạo từ bi và cả ác thần; ác thần thường gieo tai họa nên họ phải dùng các phương thuật để giải họa.
Theo nhà viết sử nổi danh của Mỹ William James Durant (1885-1981) thì những phương thuật này phần lớn là những bùa chú hay những Thần chú được tìm thấy rất nhiều trong kinh Atharva Veda.
Ngày xưa một số lớn người Ấn rất quý trọng những gì viết trong kinh nầy. Họ thường đọc Thần chú để được có con tốt lành, để sanh dễ dàng mẹ tròn con vuông, để tránh tai nạn bệnh tật, để ngủ yên giải, chống lại ác tâm của kẻ thù hoặc làm nản lòng chúng... Cũng theo William James Durant thì trong kinh Atharva Veda đôi khi còn có những câu thần chú mà lời lẽ rất mạnh mẽ dữ dội và đôi khi man rợ để cho phụ nữ đọc khi nào muốn chống lại tình địch.
Atharva Veda là một trong bốn loại kinh Veda giá trị và thiêng liêng nhất xứ Ấn gồm có các tri thức về các thần chú với các Mạn đà La, với Phạm Chí, những câu thần chú, những lời cầu nguyện.(trích thần bí hoc Đông Tây)
Tác dụng của bùa ngải
Trong những năm còn tu tại Tổ đình Linh Sơn, núi Dinh, Sư được gặp rất nhiều vị cư sĩ có tu luyện bùa chú, kể cả sử dụng ngải. Qua nhận định thực tế thì người sử dụng bùa ngải không phải là người ác. Các vị cũng là người có quyết tâm tu hành theo Phật, nhưng các vị có ý tưởng nhằm vào việc cứu người cứu đời, trong đó có nhiều thành phần: cứu đời bố thí miễn phí để cầu danh, có người cũng cứu người nhưng nhận tiền thù lao, có khi nhận số tiền lớn của ân nhân sau khi được tai qua nạn khỏi.
Bùa chú thuộc về tín ngưỡng thần bí trong dân gian, nhưng cũng ảnh hưởng nhiều đến tôn giáo. Xuất hiện trên thế giới từ lâu và khởi đầu từ những vị chân tu có ý đồ nghiên cứu tìm hiểu và thực hành bùa chú với chủ đích cứu đời, cứu người.
Bùa là thuật ngữ “linh thiêng” xuất phát từ “chữ viết”. Chú là câu thuật ngữ được xuất phát từ “miệng” của người tu luyện, lời bí quyết của thầy phù thủy, thầy pháp. Thuật ngữ của “bùa” xuất phát từ ngôn ngữ Ấn Độ cổ, một lọai chữ phạn có dáng vẻ khác với chữ latin. Bùa chú có công năng trừ tà ếm quỷ giúp người, nhưng cũng có khi có người cầu khẩn thực hiện việc ếm đối làm hại đối phương. Bùa chú thường là do các vị tu sĩ ẩn tu trong non núi thường xuyên tu luyện, đọc những bài kinh, bài thánh kinh, thánh ca trong các tôn giáo như Bà la môn giáo, Phật giáo, phái Ni kiền tử, 6 phái triết học ở Ấn Độ có nhiều năm tu luyện như thế tác thành một năng lượng siêu nhiên cực kỳ mạnh mẽ, tất có ảnh hưởng đến quảng đại quần chúng tin tưởng.
III .
Kết khuyến:
Các tu sĩ thiên về tu luyện “Bùa chú” thường là những người có lý tưởng riêng, có người tu hành giải thoát cầu thoát ly sanh tử luân hồi. Cũng có khi thay đổi tâm tánh, lòng phàm nổi dậy hoàn tục đem những thành quả tu hạnh giải thoát, bước sang nghề làm “phú thủy”, “thầy pháp”, “pháp sư” độ bệnh trừ tà cho con người, cho trẻ con. Mới đầu thì nhân từ độ bệnh miễn phí cho mọi người, sau đó vì đường danh nẻo lợi sa chân vào tiền bạc, lợi dụng lòng tin tín đồ, làm việc buôn thần bán thánh làm giàu cho bản thân. Từ một người học đạo giải thoát trở thành một “thầy pháp” bá tánh không còn tôn kính nữa. Các ông “thầy pháp” tách rời ra khỏi Nhà Phật để tự lập “làm ăn” nên gọi thuộc lọai tín ngưỡng dân gian.
Qua 55 năm nghiên cứu tu học hành đạo, Sư thấy các ông “Gian đạo sĩ”, “thầy pháp” không có ông nào giàu có gì đâu? Thậm chí sau khi “thầy pháp” qua đời, đến đời con cháu thì tàn lụi, nhà cửa suy sụp, trống trước trống sau, không còn con cháu nối dõi. Chẳng qua đó là quy luật nhân quả nhãn tiền của việc buôn thần bán thánh, thương mãi bùa chú, thương mãi tâm linh, trao đổi tiền bạc bằng lòng tín ngưỡng của mọi người.
Người sử dụng bùa ngải, mua chuộc bùa ngải, cầu thầy bùa ngải để làm việc ếm đối người khác, làm cho đối phương suy sụp cũng chẳng hay ho gì. Thầy trò rơi vào diện bất chánh, không có “chánh mạng, chánh tư duy”. Tuy nhiên đối phương suy sụp không bằng bản thân suy sụp, cuối cùng “cò ngao” đấu tranh “lão nông” đắc lợi.
Người trí chăm hẳm vào sự nghiệp của mình, không ai rổi rảnh thời gian đi chuộc “bùa ngải” làm tổn hại kẻ khác. Vả lại, người có lương tâm nghề nghiệp chân chánh, không ai làm việc “tà mị” nhơ danh sự nghiệp.
Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Phẩm Phổ Môn, thứ 25, Phật dạy: “Nguyền rủa (bùa chú) các thuốc độc (ngải), muốn hại đến thân đó, do sức niệm Quan Âm, trở hại nơi bổn nhơn (mình hại người, nhưng mình đã bị hại).
Người nghệ sĩ chân chính, có đạo đức, tôn vinh nghệ thuật lên hàng đầu không ai đan tâm đi làm việc chuộc bùa ngải để hảm hại người khác, rất là mất uy tín Bạn ơi! Trong thế gian, việc các nghệ sĩ đi xuất ngọai chuộc ngải, mua bùa đem về sử dụng vào việc làm “hãm hại” người khác chỉ có được “nửa người” và cũng không trọn vẹn khi người “nửa người” đó đã bị “ thầy bùa” “hãm hại” trước đó rồi.
Làm người nghệ sĩ giúp vui
Đến đâu cũng hát cũng cười hân hoan
Từ hạ giới đến thiên đàng
Đâu đâu cũng khúc khải hoàn ca vang
Đồ, rê ,mi, phá nhạc vàng
Làm gì có chuyện chuộc nàng (ngải) hại dân
Người nghệ sĩ thuộc giai tầng
Sống giữa đại chúng làm vui cho đời
Làm gì có chuyện hại người
Nghệ sĩ chân chánh phước trời ban cho
Luôn hỷ lạc chẳng sầu lo
Cung trời Hóa lạc giao thoa với đời.
HT Thích Giác Quang