VẤN: Xin Sư cho con biết hạ lạp là gì và cách tính tuổi hạ lạp của người xuất gia? Khi nào thì gọi là tỳ kheo, đại đức, thượng tọa, hòa thượng và để được những phẩm vị này người tu hành cần làm những gì? Những phẩm vị này dành chung cho cả các tông phái như Bắc Tông, Nam Tông và khất sĩ hay chỉ dành cho một tông phái riêng biệt? Nếu một người ở phẩm vị cao như thượng tọa hay hòa thượng vì một nhân duyên gì đó phải xuất chúng không còn tu nữa và sau này muốn trở lại tu hành vẫn giữ phẩm vị ấy hay sẽ bắt đầu lại từ đầu? Xin Sư hoan hỷ cho con được biết.

ĐÁP:

Hạ lạp là gì, cách tính tuổi hạ lạp?

Theo nghĩa đen là trọn năm (tuổi) tu, cũng gọi: Pháp lạp, Giới lạp. Tỳ Kheo an cư được một mùa hạ, kể là một hạ lạp, tức là một tuổi tu. Giáo hội xét theo hạ lạp số nhiều hoặc số ít mà sắp đặt ngôi thứ của vị Tỳ Kheo, ngôi thứ ấy kêu là lạp thứ (từ điể̃n Phật học- Hoa Linh Thọai)

Sau khi đức Thế tôn thành đạo độ nhiều đệ tử Tỳ kheo, những vị Tỳ kheo đi hoằng pháp từ làng này sang làng nọ, tụ lạc nầy sang tụ lạc nọ, mùa nào cũng đi, dầu mưa, dầu nắng, rất cực nhọc, giá lạnh và thô hạnh. Vì sự du hóa của các Tỳ kheo như vậy nên những ngoại đạo nói rằng: “Đến mùa mưa, loài chim, kiến còn biết làm tổ để trú mưa, các đệ tử Sa môn Cồ Đàm cứ đi mãi và dậm phải côn trùng”. Đức Thế Tôn dùng huệ nhãn để quán xét, Ngài nhận thấy nhân duyên đến, nên ban hành lễ An Cư Kiết Vũ hằng năm để những người xuất gia hành trì có an lạc. Lý do Ngài ban hành an cư là nhằm mục đích duy trì truyền thống chư Phật trong quá khứ; với lòng từ bi lớn của người xuất gia trong đối với côn trùng và những chồi non khi mưa đâm chồi nẩy nở; Để người xuất gia có 3 tháng trau dồi thân tâm, phát huy giới định tuệ, trở về sống nội tâm nhiều hơn là ngoại cảnh.

Kiết vũ tiếng Pali Vasssa, nghĩa mùa mưa. Kiết Vũ là mùa mưa an vui- hạnh phúc. Ám chỉ chư tăng tu học tốt. Theo Phật giáo Bắc tông, sử dụng danh từ phổ thông là An Cư Kiết Hạ, nhập hạ v.v... Để tìm hiểu An Cư Kiết Vũ, chúng ta cần tìm hiểu một số vấn đề liên quan với luật tạng để thấy tầm quan trọng của mùa An Cư Kiết Vũ.

Thời gian an cư:

Ấn Độ một năm có ba mùa: mùa lạnh, mùa mưa và mùa nắng. Mùa mưa bắt đầu từ 16 tháng 6 đến rằm tháng 9; mùa lạnh từ tháng 9 đến tháng 2; mùa nắng từ tháng 2 đến tháng 6.Tại sao an cư ngày 16 mà không phải là ngày rằm? Ấn Độ xưa kia chia 1 tháng làm hai giai đoạn, 2 tuần đầu là thượng tuần kể từ mùng 1 đến rằm, hạ tuần từ 16 đến 30. Ngày 16 cũng là ngày mùng 1 của hạ tuần, do đó nên nhập hạ ngày 16, ra hạ ngày rằm, vì ngày rằm là ngày cuối của thượng tuần. Tuy nhiên, truyền thống Phật giáo Bắc tông nhập hạ ngày 16/4 mãn hạ rằm tháng 7, thời gian nhập hạ của Phật giáo Bắc tông được nhân rộng và thành truyền thống theo Phật giáo Trung Hoa cổ.

Chư Tăng Ni đệ từ Đức Phật hằng năm phải an cư để thúc liễm thân tâm trau giồi giới thân huệ mạng, tạm trú thời gian 3 tháng trong mùa mưa. Nếu tiếp tục đi hành đạo sẽ làm mất phẩm hạnh của chư Tăng Ni và cũng là làm mất tâm từ bi của người đệ tử Đức Phật. Là đệ tử Đức Phật, chư Tăng Ni dù bất cứ nơi nào, dù ở đông bán cầu hay tây bán cầu cũng đều an cư trong mùa mưa.

Cách tính tuổi hạ lạp

Chư Tăng ni tập trung an cư tại một trú xứ tự viện, trú xứ đó lúc bấy giờ gọi là trường hạ, chư Tăng Ni không an cư không phải đệ tử Đức Phật, không được tính tuổi hạ lạp, không được tính tuổi đạo, tính tuổi sanh mệnh của người con Phật, ghi nhận công đức quá trình cống hiến đời mình đi theo giáo pháp Đức Phật.

Hiện nay Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đang cố gắng duy trì khóa an cư kiết hạ, chư Tăng Ni từ Tỳ kheo (nam tu sĩ), Tỳ kheo ni (nữ tu sĩ) trở lên có tham dự tu học trong ba tháng mới tính tuổi hạ lạp, các bậc tu khác thấp hơn không tính tuổi hạ lạp

II .

Hòa Thượng

Tiếng gọi tôn xưng những vị tu sĩ Phật giáo, tuổi đời và tuổi đạo đều cao. Trong Bộ Hành Hộ nói: Năm hạ sắp lên tức vị Xà Lê, mười hạ sắp lên tức vị Hòa Thượng. Tiếng nước Hồ gọi là Hòa Thượng, Trung quốc gọi là Lực Sanh, cũng gọi Thân Giáo Sư (Sa di Luật Giải, trang 181 - Việt dịch HT Thích Hành Trụ)

Hòa thượng là vị đứng đầu trong tam sư chủ trì giới đàn, truyền giới cho các Giới tử thọ giới. Hai vị sư kia là Yết Ma và Giáo Thọ. Hòa Thượng chủ trì Giới đàn gọi là Hòa Thượng đàng đầu (đường đầu)

Hòa thượng là vị giáo sư thân cận, có khả năng dạy ba môn học giới, định, tuệ cho học tăng. Ở Việt Nam, người ta dùng từ Hòa Thượng để chỉ những tăng sĩ, cao tuổi đời và đạo, có uy tín trong tăng chúng (Theo Hiến Chương thường là trên 40 tuổi đạo và 60 tuổi đại hội của Giáo Hội.( từ điễn Phật học - Hoa Linh Thọai)

Tứ Phần Luật thì Hòa Thượng là vị giáo phẩm đỡ đầu cho các vị Tỳ kheo, Sa di các vị nầy xin thọ giới học đạo giải thoát. Khi thọ giới phải có 3 vị Hòa Thượng đàn đầu, Yết Ma A xà lê và Giáo Thọ a xà lê

Theo kinh Phạm Võng thì Hòa Thượng là một trong hai vị giới sư truyền giới. Về Bồ Tát giới có hai vị Sư là Hòa Thượng đỡ đầu, hai là A xà lê, thầy Giáo Thọ giúp cho giới tử thọ học (từ điển Phật học - Đoàn Trung Còn)

Thượng Tọa

Người tu hành ở ngôi trên, có 3 bậc: một là cao tuổi tu, hai là thọ giới trước, ba là có phước trí nhiều hơn người. Thượng Tọa là người truyền trao giới pháp cho nhiều tu sĩ thọ học tu hành.

Trong Bồ Tát giới kinh, phần giới khinh câu số 1 có nói:”Phật tử dù là quốc vương, chuyển luân vương, hay bá quan đã thọ Bồ Tát Giới thì đối với bậc Thượng Tọa là Hòa Thượng, A xà lê, Đại Đức, người đồng học, trang đồng kiến, đồng hành, nên đứng dậy tiếp rước, thưa hỏi” (từ điển Phật học - Đoàn Trung Còn)

Theo giới đàn truyền giới thì vị giới sư Yết Ma a xà lê là vị Thượng Tọa hướng dẫn về giới luật cho giới tử . Trong quyển Hiến Chương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, thì giáo phẩm Thượng Tọa là bậc tu hành phải đủ 25 ha lạp, 45 tuổi đời trở lên.

Đại Đức

Đại Đức (Vénérable) tiếng dùng để xưng tụng các bậc nhà sư, thuộc vào hàng tôn quý, nhất là quý Sư bậc Tỳ kheo, Tỳ kheo ni. Giữa chư Tỳ kheo với nhau vị nầy gọi vị kia cũng là Đại Đức, người tu tại gia khi nói chuyện với người tu xuất gia cũng xưng là Đại Đức, tức là người có phước đức nhiếu, đạo hạnh cao, giải thoát ra khỏi thế giới phàm phu (từ điển Phật học Đòan Trung Còn)

Đứng về góc độ đối thọai, xưa ngọai đạo thường gọi Đức Phật là Đại Đức Sa Môn Cồ Đàm, Đại Đức Sa Môn Cù Đàm, Đại Đức Sa Môn Gotama. Đệ tử Phật thì không dùng danh xưng đó, e bất kính.

Theo tìm hiểu của Sư từ những năm 1965-1967 thì Phật giáo Nam tông, Phật giáo Khất sĩ thì danh xưng Đại Đức chỉ dành cho những bậc đạo cao đức trọng, những bậc tu hành thâm niên có đẳng cấp, những bậc Tỳ kheo thâm niên từ 6 năm trở lên (theo Phật giáo Khất sĩ), những bậc lãnh đạo Tăng đoàn, Trưởng đoàn gọi danh xưng Đại Đức Trưởng Lão, Đại Đức Sư Trưởng...Trưởng Lão là bậc tu hành cao kiến, hạ lạp cao lãnh đạo Tăng Đoàn.

Giáo Thọ là một trong ba vị sư chủ trì giới đàn. Giáo Thọ là ông thầy giảng giới luật cho người được thọ giới (giới tử). Hai người kia là vị Hòa Thượng chủ trì chung giới đàn, vị Yết Ma trông nom cách thức lễ nghi truyền giới (từ điển Phật học - Hoa Linh Thọai)

Đứng về gốc độ giới đàn thì Tam Sư là Hòa Thượng (Hòa Thượng Đàn Đầu), Thượng Tọa (Yết Ma A xà lê), Đại Đức (Giáo Thọ A xà lê) 3 bậc thầy nầy rất quan trọng đối với hàng tu sĩ .

Về tổ chức Giáo Hội thì giáo phẩm hiện nay có 2 cấp là: Hòa Thượng và Thượng Tọa. Theo hiến chương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam hiện nay quy định thì hàng Đại Đức thuộc về hàng đại chúng (Nội quy Ban Tăng sự Giáo Hội PGVN, chương X, điều 45, Danh xưng giáo phẩm, trang 11), dù là Tỳ kheo thâm niên hay mới thọ giới Tỳ kheo cũng gọi là Đại Đức.

Tỳ kheo:

Trong Đạo Phật từ ngữ Tỳ kheo, Tỳ kheo ni thuộc về giới phẩm của người tu sĩ đệ tử chính thức của Đức Phật, gọi Tỳ kheo hay Tỳ khưu, Tỷ khưu, Bí sô, Bật sô, Tỷ hô, Huân sĩ bên nữ tu sĩ gọi là Tỳ kheo ni, Tỷ kheo ni, Bí sô ni. Tỳ kheo không phải là một chức quyền, mà là do công đức tu hành, được bổn sư cho phép thọ giới để tiếp tục vào hàng đệ tử Đức Phật. Tỳ kheo có nghĩa là Khất Sĩ, Bố Ma, Phá Ác (Bách khoa toàn thư - Kinh Kim Cương luận giải - Đại sư Tông Mật)

Khất Sĩ: nhận thức ăn của người cúng dường, thọ dụng trong ngày, không nhận tiền, vị Tỳ kheo đi trì bình vào lúc 8 giờ đến 9 giờ đó hạnh của ba đời chư Phật. Trì bình khất thực là phương tiện độ tha đem pháp lành đến mọi người, mọi tầng lớp xã hội hướng họ trở về với những pháp thiện. (Phật học từ điển - Đoàn Trung Còn)

Bố Ma: Hàng phục các nghiệp lực, khai trừ nghiệp chướng, nghiệp dứt tình không, trong vắng lặng, ngoài hiện tướng trượng phu giáo hóa muôn loài

Phá Ác: Thân khẩu ý sạch trong, trong tâm luôn chứa đức từ bi hỷ xả, làm các việc lành, không làm ác, nơi nào có Tỳ kheo nơi đó không còn những ác đạo quấy nhiễu chúng sanh

III .

Hoàn tục trở lại tu!

Trong luật tứ phần, Phật dạy người xuất gia khi phạm giới cấm, giáo đoàn buộc tu sĩ đó phải hoàn tục. Hoàn tục lập gia đình, khi phát tâm vào chùa tu lại phải thọ giới lại từ đầu, chứ không được phục giới.

Người tu sĩ xuất gia khi hoàn tục, có gia đình, có thê tằng tử phược, cưu mang việc thế tục khó mà xuất gia lại. Tuy nhiên việc xuất gia lại chỉ là một phần triệu việc trong chốn thiền môn, trong một triệu người có một người hoàn tục rồi xin xuất gia lại mà thôi.

Khi hoàn tục, nhà chùa báo lên Giáo Hội, ban tăng sự các cấp và thông báo trên toàn quốc về danh tánh vị tu sĩ hoàn tục. Vị tu sĩ hoàn tục phải giao nộp giấy tăng tịch, chứng điệp thọ giới lại cho Giáo Hội cất giữ, hay bổn sư cất giữ. Vị Bổn sư tổ chức họp Tăng giải y, thu hồi bát với vị tu sĩ xin hoàn tục. Xả giới từ giới Tỳ kheo, giới Sa di, cuối cùng còn lại giới Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, tức là làm Phật tử cũng tu hành nhưng tu với gia đình, lo lao động làm ăn nuôi gia đình, làm người Phật tử tốt.

Thọ giới lại ngày từ đầu là: Hai năm tu hành tập sự, rồi thọ Sa di, hai năm sau thọ Tỳ kheo giới. Vấn đề nầy không giải quyết thân sơ gì cả! Người hòan tục xin xuất gia lại phải biết. Tại Quan Âm Tu Viện, nơi có tập chúng tu học đông, không sử dụng tình cảm thân sơ, nên thực hiện rất nghiêm túc vấn đề nầy.

Người tu không tính tuổi đời

Tính tuổi hạ lạp làm thời gian tu,

Có tu kiết hạ mỗi năm

Mới là tu sĩ thật tâm tu hành.

Đừng để giáo phẩm hổ danh

Sa môn chẳng rõ ngọn ngành Thích Ca

Hai mươi lăm thế kỷ qua

Truyền thống hạ lạp không xa cửa thiền.

“Vũ kỳ” Tăng sĩ sống riêng

Biệt lập, biệt thỉnh phá viềng cội xưa.

An cư nối chí Phật thừa

Trau giồi đạo hạnh cũng vừa tĩnh tâm.

Người tu phá giới sai lầm

Tâm không thanh tịnh, não phiền “hoàn gia”

“Tiến” là chánh, “lui” là tà

Gia thê đới tử Ta bà khổ thân

Xuất gia hoàn tục nhiều lần

Bước vào tu lại tính “phần mới tu”

Vì tham sân đã mờ lu

Phải thọ giới lại “vi vu khó mà”

Cần xem kỹ người “hoàn gia”

Nay xin tu lại “hậu”, “tiền” phải minh.

Người tu ở giữa sân trình

Oai nghi phải đủ dễ nhìn dễ coi

Làm thầy xả bỏ “cái tôi”

Tu tâm dưỡng tánh xứng ngôi Tăng già.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Cách Tính Hạ Lạp Như Thế Nào? Sự Khác Nhau Giữa Các Danh Phẩm Của Những Bậc Xuất Gia”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com