VẤN: Con được nghe giảng là Phật tử và những người tu hành theo Phật pháp phải nên lấy giới luật làm đầu, sống chánh niệm tỉnh giác, phải biết thiểu dục tri túc để xả bớt những ham muốn, chia sẻ yêu thương bố thí đến cho người khác để được phước. Các bài giảng của các vị thầy, nhất là các bậc trưởng thượng đều khuyên Phật tử đừng nên tham đắm tiền bạc, người càng có ít của cải, sống càng thanh bần càng hạnh phúc.
Tuy nhiên bước vào chùa hiện nay, con thấy chùa nào cũng to lớn và cứ mỗi lần chùa xây dựng sau đều lớn hơn chùa trước, kinh phí đến hàng trăm tỷ đồng. Các vị thầy khi đi cúng cầu an cầu siêu còn ra giá ngay với Phật tử. Vào bãi giữ xe có chùa toàn dùng xe hơi, nhiều xe rất là sang trọng. Báo chí gần đây không biết sao lại tập trung vào các vấn đề ở chùa, đưa hình ảnh rất nhiều chùa mà họ dùng danh từ "nhà sư đại gia" hay "phú tăng" thay cho chữ "bần tăng" làm phật tử cơ sở như con rất là buồn. Rất ít chùa hay các vị trưởng thượng con cảm nhận có đời sống thanh bần vì nhiều chùa giờ vào con thấy từ ăn uống, tiện nghi còn sướng hơn Phật tử chúng con ở ngoài rất là nhiều, lễ nghi hình thức đình đám, tiệc tùng sinh nhật và thậm chí có nhà sư còn thường xuyên đến nhà hàng dự tiệc sinh nhật của Phật tử...
Xin Sư cho con biết vậy chữ thanh bần giản dị, thiểu dục tri túc là không còn hạnh phúc theo Phật pháp mà tất cả giờ cũng đều bị vật chất hóa? Nếu người trong chùa dùng tiền như vậy thì có bị phạm giới không? Tại sao lại có quá nhiều chùa xây dựng tốn kém, chỉ biết tô chuông đúc tượng để ghi kỷ lục mà không làm điều gì có lợi hơn? Con xin cảm ơn Sư rất nhiều.
ĐÁP:
I .Giới luật là Thầy
Năm 544 trước tây lịch, tại rừng Sa la song thọ, xứ Câu Thi Na, thuộc bang Bihar, Ấn Độ ngày nay, là thời gian Đức Phật niết bàn, tôn giả A Nan và đại chúng quá buồn tủi, khóc dật dã. Tôn giả A Nan thưa: “Phật nhập Niết bàn còn quá sớm, sau khi Ngài niết bàn, chúng con tu hành không biết hỏi ai, ai là người dẫn đạo cho chúng con? - Phật nói: “Các ông đừng khóc lóc dật dã như thế, sau khi Ta niết bàn, các ông hãy nương theo giới luật tu hành, giới luật còn là Ta còn, giới luật mất là Ta mất...”
Đạo không luật đạo mất, nhà không luật nhà tan, người không luật như tài xế lái xe đi trong đêm tối không thấy đường biên phải leo lề. Khổng tử nói: “Không có nước nào luôn luôn mạnh. Cũng không có nước nào luôn luôn yếu. Hễ những người thi hành pháp luật mạnh thì nước mạnh. Hễ những người thi hành pháp luật yếu, thì nước yếu. Nhà Tống (Trung Quốc) một vương triều tồn tại hơn ba trăm năm nhờ giữ vững kỷ cương phép nước.
Giới là hàng rào ngăn không cho phạm, luật là điều răn, phân định tội phước sau khi phạm, người tu phạm giới luật như cái đãi bị lũng không còn đựng đồ dùng được nữa. Người phạm giới như diệm nhơ không đựng được nước sạch cho mọi người dùng, người tu phạm giới như tự soi gương vui hay buồn, như xe mất chốt gãy trục không còn lăn bánh được nữa. Người tu giữ giới luật như dũng tướng ra trận chiến thắng muôn vạn quân binh. Người tu có giữ giới thì thân khẩu ý thanh tịnh, tam nghiệp thanh tịnh thì chánh niệm thường sanh. Chánh niệm sanh thì các pháp bất thiện không còn, pháp thiện sanh khởi, hữu dụng cho chùa, cho Tăng Ni, Phật tử.
Thiểu dục tri túc
Nghĩa đen ít muốn biết đủ, tức là người tu sĩ xuất gia giữ giới, xả bỏ thế tục, cắt ái từ thân, không còn sống theo ngũ dục tài sắc danh thực thùy của thế gian, lúc nào cũng không thấy thiếu thốn về vật chất, không sử dụng những mớ vật chất xa hoa phung phí làm tốn hao tiền của đàn na tín thí. Từ đó mới rảnh tâm rảnh trí học đạo giải thoát, không ham muốn điều xằng bậy, ái dục ở thế gian, thiền môn mới nghiêm tịnh. Người tu sĩ xa lìa thế tục vật chất, ái dục của thế gian gọi là Sa môn, là bậc tu hành tắt lửa lòng, dục vọng không sanh khởi, đấy là con người sống “ít muốn biết đủ”.
Đằng sau của người xuất gia trong quá trình hội nhập còn có một Phật sự không thể thiếu là công tác từ thiện. Chỉ có công tác từ thiện mới thực hiện lòng từ bi của Đức Phật, là cứu cánh của Bồ Tát. Bậc Bồ Tát tu bố thí, sau mới tu tất cả hạnh lành thiền định, trí tuệ rốt ráo viên mãn.
Sư tu Tịnh độ, giữ hạnh Khất sĩ của 3 đời chư Phật, không đua đòi theo lối sống xa hoa vật chất. Năm 1960 khi còn là chú tiều trên núi trong người chỉ có 2 bộ đồ nâu, lúc làm Sa Di có 2 bộ y vàng thay đổi hằng ngày, có khi phải mặc y ướt vì mùa mưa không kịp khô, cả đời mặc pháp y chỉ có một màu, màu hoại sắc, không bao giờ thay đổi nay mốt nầy, mai mốt nọ.
Cũng như hiện nay làm Hòa Thượng xung quanh chỉ là những vật dụng, thuốc men bình thường, sử dụng trong tuổi cao niên. Vậy mà cũng có người chỉ trích, có người theo dõi công khai, có người lén lút nhòm ngó. Khi đến họ lom khom đi tới đi lui, thấy Sư chỉ sống trong phạm vi có 5m x 6m = 30 m2, một căn phòng vừa phải, không có cửa sau, với chiếc đơn gỗ của thời làm Tăng sinh, cách đây gần 40 năm rồi, không nệm ấm chăn êm chút nào, các vị mới bật ngửa: “Hòa Thượng lãnh đạo, thường trực môn phong sống như thế sao nhỉ?”. Và xin thưa Sư như thế thì quý Thầy khác cũng vậy thôi Bạn ạ!
II .Tăng Ni là biểu tượng của thanh bần lạc đạo
Chư Tăng Ni là bậc xuất gia cao cả, các vị luôn biết hạnh lành của mình phải làm gì, hằng ngày không sanh khởi đòi hỏi nhu cầu vật chất mà tĩnh lặng trong cơn thiền niệm, tiến đến giải thoát. “Tri túc thường lạc”, biết đủ là vui, không mong cầu, không đòi hỏi nhu cầu vật chất “thanh bần lạc đạo”. Trong chốn thiền lâm, chư Tăng Ni không ai thích sống xa hoa vật chất, một là vì phải bận tâm quản lý số vật chất đó rất phiền phức, hai là trong khi mọi người xung quanh còn sống trong nghèo nàn thiếu thốn. Do đó chư Tăng Ni cũng có trách nhiệm thấy mình, biết mình lúc nào cũng cần tu, sống đơn giản là bản chất của chư Tăng Ni (Lời dạy của Đức Tôn sư HT Thiện Phước-Nhựt Ý, 1966). Bài “Lễ bái Tam Bảo” vào năm 1970 của Đức Tôn sư đã từng cân nhắc chư Tăng Ni Non Bồng sống thanh bần để tránh các nghiệp lực có thể phá họai đường tu như sau:
Một lạy chư Tăng nghiêm trì giới luật
Hai lạy chư Tăng tấn đạo nghiêm thân
Ba lạy chư Tăng tứ tướng oai nghi
Bốn lạy chư Tăng thận trọng quả báo
Năm lạy chư Tăng năng tác Phật sự
Sáu lạy chư Tăng chung thủy thanh bần
Bảy lạy chư Tăng phụng kỉnh Tam Bảo
Tám lạy chư Tăng lánh xa phái nữ
(Tông chỉ Liên tông Tịnh Độ Non bồng, trang 30)
Tại Quan Âm Tu Viện, sống tập thể trong Tăng viện và Ni viện hiện có 280 vị, nhu cầu đời sống đơn giản, tương rau đạm bạc, mỗi năm được tu viện cấp phát hai bộ y, thuốc men, một ít vật dụng cần thiết. Trường hợp trong năm đó có một vài Tăng Ni lâm bệnh thông thường thì không sao, nhưng nếu bệnh nặng, hoặc bệnh cần phải mổ xẻ, nằm điều trị tại bệnh viện lâu dài thì phải có sự lo liệu kinh phí từ tu viện và đại chúng Tăng Ni hỗ trợ cho nhau, để điều trị thoát cơn bệnh hiểm nguy.
Trải suốt mấy nghìn năm đạo lý “bần Tăng” thoát tục tự tại vô ngại trong Đạo Phật vẫn còn nguyên vẹn đó, chỉ trừ một ít người sống phóng túng tha hóa, không thắng phục những vật dục thế gian ảnh hưởng đến Phật Pháp bị hoại. Chư Tăng Ni tại các chùa, Thiền viện, Tu viện là những tu sĩ học làm Phật, là những sứ giả Như Lai trong quá trình hội nhập. Các vị đã biết mình là ai và phải làm gì cho xứng đáng là đệ tử Đức Phật. Các vị và chính bản thân Sư vẫn còn có những tâm niệm như chư tôn giả thời xa xưa: mà Đức Phật hằng ca tụng:
Những vị ấy không than van sầu muộn những chuyện đã qua, Không nóng nảy khao khát những gì chưa đến,
Mà chỉ tập trung tâm trí vào hiện tại.
Do đó các vị ấy tự tại.
(Đức Phật và Phật pháp - ĐĐ Narada)
Ảnh hưởng báo chí
Gần đây một số sách báo đăng trên mạng, nói về các Nhà Sư “phú Tăng” đứng gần bên xe con bóng loáng, sử dụng điện thọai “I Phone 6”, Nhà Chùa bán trẻ mồ côi, Nhà Sư sống chung phụ nữ, phòng tắm Nhà Sư toàn là hình phụ nữ lõa hình v.v...? Một số nơi khác ngụy tạo những bài đăng trên fecebook nói xấu hàng giáo phẩm Tăng Ni lãnh đạo Giáo Hội Phật giáo Việt Nam các cấp... Chẳng lẽ Bạn là Phật tử lại đi tin vào những lời vu khống chư Tăng Ni như thế hay sao? Tất cả điều do những người ngoài đạo Phật, những người không tốt, người điên, bêu xấu chư Tăng Ni! Việc báo chí đăng tải nhiều tin tức của chùa chiền, chỉ là thổi phồng từ chuyện ở trong nhà bằng “cái chén”, ra ngoài đồng bằng “cái ô”, báo chí “lá cải” thì thường là chuyện “ít xích ra to” để bán báo đó Bạn ơi.
Năm 1987, một vị Giảng sư nổi tiếng ở Tp.Hồ Chí Minh, nói: “theo nhà Phật thì Nhà Sư hành cước đi chân không, đầu đội trời chân đạp đất, bản thân tôi cũng muốn vậy lắm, không cần đi xe con. Tuy nhiên ở một thời điểm tôi đi thuyết giảng, nếu không có phương tiện đi lại thì không thể đến nơi đến chốn đúng giờ thuyết giảng, do đó tôi phải đi xe con, nhưng ngoài giờ đó thì thôi vậy...”
Trên bước đường hành đạo, có những Thầy Sư lưu trú những nơi sang trọng, đây chỉ là phương tiện nhất thời đối với các bậc Trưởng lão, già yếu, phải có đủ một số vật chất theo yêu cầu để phục vụ cho tuổi già, ở vào thời kỳ thân hoại. Những Thầy Sư hành đạo tại các trú xứ Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc, những vùng lạnh giá khắc nghiệt quanh năm, nóng như Malaya, Thái Lan, Việt Nam phải có đủ cở sở vật chất để bảo vệ sức khỏe đó là điều tất yếu. Những Thầy Sư ở nông thôn cần có xe cộ để đi đến thành thị, nơi xa làm Phật sự. Trong thời kỳ hội nhập của Phật giáo, mọi việc từ thể chất đến tinh thần đời sống của Thầy Sư nhất thiết đều phải dùng phương tiện để giúp cho Phật sự trôi chảy. Khi việc xong buông xả, tất cả đều trở lại nếp sống thanh bần lạc đạo, chẳng có gì là “đại gia” hay “phú Tăng”?
III .Sinh họat Tăng đoàn
Sự khổ hạnh của Đức Phật Bổn Sư Thích ca thì không ai bằng. Cuộc đời Ngài luôn đi du phương trì bình khất thực, chỉ trừ 3 tháng an cư mới dừng bước. Trên bước chân hành đạo, Ngài mang pháp y bằng những vải được lấy từ nghĩa địa lộ thiên, pháp y đó gọi là Tăng già lê (Đại y, Y ngự phục).
Chư đệ tử của Ngài cũng tu khổ hạnh, chư Trưởng lão, tôn giả lúc nào cũng vui với cuộc sống thiền vị trong chốn a luyện nhã, thanh tĩnh sơn lâm. Pháp y được mặc cũng từ vải vụn vặt rồi ráp lại, nhuộm thành một màu họai sắc, mọi người thấy không động lòng tham gọi y ngự phục, tức là y nầy mặc vào chấm dứt lòng tham lam, ái dục không sanh khởi, chúng sanh không động lòng “tham lam ích kỷ”.
Sau Phật nhập diệt 100 năm, Đại hội “Thất Bách kết tập”, tại Vương quốc Tỳ Xá Ly (Vaisali) đệ tử Phật chia thành hai bộ phái rõ rệt là: Thượng Tọa Bộ và Đại Chúng Bộ. Thượng Tọa Bộ do Ngài Da Xá lãnh đạo, gồm chư Trưởng lão tu tịnh hạnh phạm hạnh, thanh bần lạc đạo giữ gìn truyền thống Phật. Đại Chúng Bộ do Ngài Giác Thiên lãnh đạo. Ngài Giác Thiên có chế tác 10 điều tịnh, trong khi bên Thượng tọa bộ gọi là bất tịnh. Trong 10 điều của Giác Thiên, điều thứ 10 là chư Tăng Ni được giữ tiền vàng do tín chủ cúng dường (Lịch sử Phật giáo Ấn Độ - Thích Thanh Kiểm).
Theo lịch sử hình thành hai bộ phái cho chúng ta thấy việc giữ gìn giới luật Phật là quan trọng, Thượng Tọa Bộ chủ trương không ai có thể sửa đổi luật Phật sống khổ hạnh. Còn phái Đại Chúng Bộ, có nhiều tôn giả theo tân học, ảnh hưởng tri thức thế gian, áp dụng đời sống theo thời kỳ hội nhập, lý luận thực tiễn trong thời kỳ xã hội phát triển. Chư tôn giả yếu kém thể lực nên cần việc xây dựng Tăng xá nhà ở, tạo kho lẫm cất giữ tặng phẩm cúng dường. Việc đi lại có nhiều khó khăn thường xảy ra, nên được giữ tiền vàng để đi xe qua lại và làm Phật sự xây dựng chùa chiền.
Việc xây Chùa, đúc tượng, đại hồng chung
Xây chùa quy mô tráng lệ vốn có từ xa xưa. Tuy nhiên không gọi chùa, mà gọi “Tinh xá” nơi cất giữ tàng kinh Phật, còn chư tôn giả thì lúc nào cũng đi hành cước phương xa, có vị thì vào rừng sâu núi thẳm thiền định... thỉnh thoảng đến ngày “có trăng”, hoặc ngày “không trăng” của tháng mới trở về gần Phật để học Phật pháp, do đó việc xây dựng “Tinh xá” là hiếm. Thời Hán Minh Đế , triều đại Đông Hán năm 29 sau tây lịch khi Phật giáo du nhập Trung Hoa mới có ngôn ngữ “chùa” như Hồng Lô Tự nơi dành tiếp đãi khách của triều đình, hai Nhà Sư Nhiếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan lưu trú; cũng là nơi để kinh, dịch kinh, chứa kinh tạng. Ngoài ra, Hán Minh Đế còn cho xây chùa Bạch Mã Tự để tàng trữ kinh sách Phật từ Tây Vực đem về Lạc Dương, ngôn ngữ “tự” có nghĩa là “chùa” có từ đây.
Ở Việt Nam hiện nay, chùa là nơi thờ Phật, còn gọi là ngôi Tam Bảo, nơi tàng trữ kinh pháp của Phật và là cơ sở vật chất hành đạo của Thầy Sư. Có nơi được xây dựng quy mô hoành tráng như phủ, dinh của vua quan, trưởng giả, đại gia với sự hỗ trợ của triều đình và Phật tử mạnh thường quân, có khả năng tiền bạc đúc đại hồng chung to, tạo tượng Phật lớn ghi danh vào kỷ lục guinnes. Có nơi xây dựng Tịnh Xá đơn giản cho chư Tăng Ni dành thời gian tu tịnh. Có nơi Thầy Sư cũng lắm nghèo xây dựng quy mô nhỏ, có nơi như là am tranh vách lá, thảo am...Tất cả đều do Thầy Sư Trụ trì chủ trương kết hợp Phật tử thập phương bá tánh, nhiều gia đình mạnh thường quân, hảo tâm đóng góp tịnh tài tịnh vật cùng chung lo xây dựng cơ sở.
Có nơi do Đạo tràng Phật tử đứng ra xây chùa, niệm Phật đường sau khi hoàn thành, thỉnh Sư Thầy về làm Trụ trì. Thầy trò cùng tiếp tục trùng tu cho hoàn chỉnh, chùa hoàn chỉnh thì phải quy mô, ngôi Tam Bảo lớn, pháp khí thờ phượng phải cân đối...trở thành “chùa cao miễu rộng”.
Như vậy “chùa” biểu tượng văn hóa Phật giáo, là trung tâm tín ngưỡng của Tăng Ni, Phật tử, là nơi chơn truyền chánh pháp của Đức Thế Tôn, là dấu chân xưa của Đức Phật. Đây là tài sản chung, không riêng của vị Trụ trì, là tài sản của thập phương bá tánh Tăng Ni, Phật tử đóng góp công sức và trí tuệ mới hoàn thành. Chùa là nơi tích luũy những công đức chung của Trụ trì, chư Tăng Ni, Phật tử chứ không phải của riêng Thầy Sư Trụ trì. Do đó, dù xây dựng có quy mô hoành tráng bao nhiêu, đến đâu cũng do Thầy Sư, bá tánh Phật tử thực hiện. Vì vậy, làm sao các Bạn có thể trách Thầy Sư xây chùa, hao tổn công sức tài sản?
Phật giáo thời kỳ hội nhập
Hầu hết quý Thầy Sư là những bậc chân tu thiền gia chân chánh, tự thân xuất gia hành đạo ai cũng có những lý tưởng hạnh nguyện, ai cũng muốn trưởng dưỡng đạo tâm, thành nhân chi mỹ, để có đủ phương tiện giáo hóa chúng sanh, góp phần truyền thừa chánh pháp. Phật giáo Việt Nam đang ở trong thời kỳ hưng thịnh thứ hai trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Thời kỳ thứ nhất là triều đại Đinh, Tiền Lê, nhà Lý, nhà Trần, Phật giáo lúc bấy giờ là quốc giáo của nước Đại Cồ Việt, nước Đại Việt và thịnh hành cho đến triều đại vua Gia Long, đặt tên nước là Việt Nam. Các chùa lần lượt được xây dựng để nuôi dưỡng Tăng Ni tu học. Có nơi có Tăng Ni đông từ 300 đến 500 vị lưu trú tu hành, xưa như ở Lưỡng Xuyên Phật Học, chùa Ấn Quang; nay như ở Thiền viện Thường Chiếu, Trúc Lâm Trí Đức, chùa Long Phước Thọ (Long Thành), Quan Âm Tu Viện, chùa Phước Viên (Biên Hòa). Chư Tăng Ni được quý Thầy Sư cử đi học tại các Trường Phật Học từ Cao Cấp, Trung Cấp, đến Sơ Cấp, hàng ngàn Tăng Ni có học vị Tiến sĩ, Cử nhân, Tú tài Phật học đem trí tuệ của mình ra giúp Giáo Hội và xã hội.
Có những Tăng Ni chuyên học về pháp sự đạo tràng để phục vụ trong ngành nghi lễ, tụng kinh lễ tang, cầu an, cầu siêu. Có những Tăng Ni chuyên hoằng dương chánh pháp thuyết giảng, đứng lớp, làm văn hóa, làm báo chí, làm kinh tế, làm từ thiện, giữ tiền bạc vàng để làm Phật sự...là những họat động trong quá trình Phật giáo hội nhập. Lẽ dĩ nhiên trong sự hội nhập đó chư Tăng Ni ở thành thị có ảnh hưởng nhiều đến nếp sống thành thị, có sự hưởng thụ vật chất sung túc. Chư Tăng Ni ở các tỉnh, các vùng rừng núi, thôn dã, các Thiền viện, Tu viện tuy có hội nhập nhưng vẫn giữ nguyên phẩm chất thanh bần lạc đạo chốn thiền lâm.
Những việc tốt
Các bậc Hòa Thượng, chư vị lãnh đạo Giáo Hội, Thầy Sư, Bổn sư, các vị quản chúng hiện nay đang hướng về việc chấn chỉnh sinh họat thiền lâm, chỉnh đốn chư Tăng Ni trẻ tuổi, các tự viện trở lại nếp sống Tăng đoàn nghiêm túc như xưa. Phật giáo Việt Nam hiện nay có một bộ phận không nhỏ các chùa, Thiền viện (Thiền tông), Tu viện (Tịnh Độ tông) chủ trương nuôi Tăng Ni tu hành, không tham gia việc Giáo Hội, không tham gia việc thế gian, không đi học tại các Trường Phật học, chỉ có học Phật pháp tại Thiền viện, Tu viện. Có vị phát nguyện không giữ tiền vàng bạc cho rảnh tâm lo tịnh niệm mà thôi, vong bặt mọi chuyện thế gian. Cũng may thời mạt pháp còn có những chùa, Thiền viện, Tu viện, Tăng Ni nguyện sống thanh bần lạc đạo, sống nghiêm túc khộng lệ thuộc vật chất tiền bạc như thế! Nên nói đến việc “ăn ngon ngũ kỷ”, “sống tiện nghi”, tham gia “tiệc tùng thế gian” chỉ là bộ phận nhỏ, không có tại các trú xứ có Tăng Ni tu tập thể Bạn ạ!
Những việc cần chấn chỉnh
Tuy nhiên cũng có những người không tốt vào chùa tu hành “ẩn dương nương Phật” trốn tránh việc va chạm nặng nhọc thế gian. Các vị vẫn có gia đình “thê thằng tử phược”, lợi dụng lòng tin quần chúng Phật tử “mựơn danh đạo, tao danh đời”, lừa gạt Phật tử, học được một số ít pháp sự, chuyên đi tụng đám tang “tính tiền, tùy theo hoàn cảnh tang chủ mà ra giá cao thấp”. Một ít Tăng Ni, Tăng đầu lô, giả Sư ít học kém chữ, tìm cách len lõi vào Giáo Hội xin đăng ký thọ giới cụ túc. Họ cũng làm Sư như mọi người nhưng không tự nhận bổn phận tu sĩ, lại thích sống tách rời Tăng đoàn, sớm tìm cách lánh xa chùa chiền lập am thất riêng, phạm giới, phóng túng, cờ bạc rượu chè, tự ý mua sắm vật chất ngoài phạm vi đạo pháp, giường nằm nệm ấm chăn êm, đua đòi sử dụng những vật chất “lạ mắt” ở thế gian, vật chất hóa trong chốn thiền lâm... Đây chỉ là một số ít Tăng Ni kém ý thức, giả Sư mới có hiện tượng tha hóa tu sĩ.
Các Bạn Phật tử thâm niên, là Bồ Tát giới tại gia cũng có thể góp phần xây dựng lại những “việc chưa tốt” trong chốn thiền lâm, bằng cách “đóng cửa chùa nhắc nhỡ cho nhau”. Các bạn không nên đăng tải trên báo chí, công kích mạ lỵ Tăng Ni, tránh làm mất thanh danh Tăng đoàn Đức Phật, Giáo hội, đấy cũng là pháp cúng dường Tam Bảo theo hạnh Phổ Hiền Bồ Tát, công đức vô lượng.
Giới luật Phật Ngài đã khẩu tuyên
Theo bước chân xưa đến bên thềm
Hỏi thăm Tăng sĩ đồng hương cũ
Có nhớ vườn xuân cảnh êm đềm
Cảnh vườn tịch mịch tỏa ngát hương
Nhứt tâm chánh niệm giữa đêm trường
Hôm qua Bạn nhắc đường quê cũ
Chẳng vướng tơ vương ngộ chơn thường
Hồn quê gợi lại cảnh lâm san
Rừng núi hoang vu canh suối ngàn
Đèo dốc vượt qua lên tận đỉnh
Quan Âm tịnh hạnh mãi còn vang
Nhớ một buổi chiều ta với ta
Phạm hạnh chuyên tu thuở xa nhà
Năm chín, sáu mươi còn vang mãi
Âm vang chấn động cõi hà sa
HT Thích Giác Quang