VẤN: Con rất thích đi chùa nhưng quả thật mỗi lần vào chùa con thấy e ngại vì không biết làm thế nào để gặp quý sư thầy, sư cô khi có chuyện cần thưa hỏi. Có bạn bảo người xuất gia rất bận rộn và hạn chế gặp cư sĩ nếu không cần thiết nên con cũng e ngại. Vào chùa nhiều khi con thấy bất cứ ai từ nhỏ đến lớn mặc áo xuất gia con đều xưng con hết, đôi khi chỉ là chú tiểu con cũng xưng con với người ấy, như vậy có đúng không. Mỗi chùa một kiểu tu và một màu áo làm thế nào để biết ai hạ lạp cao và thấp? Xin Sư cho con biết những nguyên tắc xưng hô cơ bản trong chốn thiền môn để con biết hành xử cho đúng. Con xin cảm ơn Sư rất nhiều.
ĐÁP:
I .Đến chùa lễ Phật hay tụng kinh Phật là việc làm của Phật tử tiến bộ. Đối với người Phật tử khi đến chùa luôn có một phong cách riêng. Chiếc áo tràng luôn nổi bật trên thân người Phật tử một dáng vẻ thướt tha tà áo màu lam hay nâu, đượm nét văn hóa tiêu giao giải thoát, thoát ly sanh tử luân hồi giữa chốn phồn hoa đô hội.
Đệ tử của Đức Phật có bốn chúng chính thức: một là Tỳ kheo những vị theo Phật xuất gia nam, hai là Tỳ kheo ni những vị đi theo Phật xuất gia nữ, ba là những vị đi theo Phật, tu tại gia nam (Ưu bà tắc), bốn là những vị đi theo Phật tu tại gia nữ (Ưu bà di).
Những người tu xuất gia nam, tức là quý Sư (dùng theo ngôn ngữ hán nôm), quý Thấy (từ chữ Sư được dịch ra tiếng Việt). Đối với Phật giáo thế giới người Tây phương chỉ biết có từ ngữ Sư, Nhà Sư là cách xưng hô chung dành cho những bậc tu sĩ đáng kính (vénable). Tại Việt Nam việc tôn xưng hai từ “Sư, Thầy” người Phật tử được hướng dẫn rất kỹ: vị tu sĩ nam tu theo hệ thống Phật giáo Bắc tông thì tôn xưng là “Thầy”, mô Phật bạch Thầy, thưa Thầy; đối với Phật giáo Nam tông và Khất sĩ thì vị tu sĩ nam được tôn xưng là “Sư”, mô Phật bạch Sư, thưa Sư. Người Phật tử không thể tôn xưng lẫn lộn và sẽ được chư Tăng Ni cân nhắc điều chỉnh ngay khi đối diện với quý “Sư, Thầy”.
Những người Phật tử có nhơn duyên theo Sư, Thầy, những bậc đạo cao đức cả, có trí tuệ xin quy y tam bảo, được Sư, Thầy ban cho pháp danh và truyền tam quy ngũ giới trở thành đệ tử của Sư, Thầy đó và tôn xưng vị đó là “Thầy” hay “Thầy Bổn sư” và vĩnh viễn không thay đổi người Thầy của mình. Tuy nhiên, người Phật tử có tâm tầm cầu học đạo cũng có thể học Phật với Thầy khác gọi là “y chỉ sư”, nhưng phải được Thầy Bổn sư cho phép, hoặc Thầy Bổn sư viên tịch. Tuyệt đối niềm tin của Phật tử chân chánh không thay đổi Thầy Bổn sư.
II .Những bậc thiền gia chân chính đáng kính có ba bậc:
Đệ tử Phật là những tu sĩ học đạo giải thóat đáng kính, đáng tôn thờ. Thời đức Phật tôn xưng là Tôn giả, Sa môn (Sramana). Danh xưng Hòa Thượng cũng có từ thời Phật, chính Ngài Xá Lợi Phất được Đức Phật tôn vinh làm Hòa Thượng đỡ đầu cho Tôn giả La Hầu La xuất gia trẻ tuổi, Ngài Mục Kiền Liên làm Giáo Thọ dạy dỗ các vị Tôn giả trẻ tuổi. Những bậc tu sĩ đáng tôn kính ấy có ba bậc:
Một là Hòa Thượng (Upadhyaya) còn gọi là Thân giáo sư, hay Lực Sanh, người tạo ra sức mạnh cho đệ tử, thuộc ảnh hưởng chúng, đạt tiêu chuẩn 60 tuổi đời, 40 tuổi đạo (hạ lạp) trở lên (nội quy Ban Tăng sự GHPGVN). Là bậc Thầy cao cả của chư Tăng Ni và nam nữ Phật tử, vị đứng đầu lãnh đạo trong một ngôi tự viện, tịnh xá, vị Sư trưởng của Tăng đoàn, bậc xuất chúng trong đại chúng, người tu sĩ tiêu biểu trong các tu sĩ đệ tử Đức Phật. Công đức của một vị Hòa Thượng được chia sẻ cho chư Tăng Ni, Phật tử, trí huệ của bậc Hòa Thượng luôn có một đẳng cấp truyền đạt cho đệ tử pháp môn tu học đạo giải thoát hiệu quả. Là người có trí huệ quyết định thành bại cho chính mình và cho mọi người.
Hai là Thượng Tọa (Sthavira-Thera) tiêu chuẩn từ 45 tuổi đời, 25 tuổi đạo (hạ lạp) trở lên (nội quy Ban Tăng sự GHPGVN), thuộc đương cơ chúng, năng lực của vị Thượng Tọa luôn xuất chúng, có tài năng trí huệ họat bác trong quảng đại quần chúng giúp cho chư Tăng Ni, Phật tử được học Phật pháp tiến đến giải thoát.
Ba là Đại Đức (Bhadanta), vị tu sĩ có đức hạnh lớn lao, cao vời, thuộc hàng đại chúng thường tùy chúng tiêu chuẩn 20 tuổi đời, 4 năm tu xuất gia.; những vị Tăng mới thọ Tỳ kheo giới mọi việc làm còn phải vâng lời các bậc tu hành cấp trên. Theo luật Phật sau khi vị xuất gia nam thọ Tỳ kheo giới cho đến 6 năm sau mới được hướng dẫn một người nam đệ tử xuất gia.
Ngoài ra còn có bậc Đại Đức Tỳ kheo thâm niên từ khi thọ Tỳ kheo đến 20 năm sau, tuy chưa lên hàng giáo phẩm Thượng Tọa, nhưng rất đáng kính, các vị chuẩn bị bước lên hàng giáo phẩm Tăng
Những tu sĩ xuất gia nữ, tức là quý Sư Ni, xưa vẫn theo danh xưng phổ thông là Sư Ni, Sư Thầy để tỏ lòng tôn kính bậc nữ tu đáng kính. Ngày nay những người Phật tử có nhơn duyên nương theo Sư Ni, xin được đặt pháp danh truyền tam quy, ngũ giới quy y Tam Bảo tu hành, vị Sư Ni đó là Bổn sư của Phật tử. Sư Ni cũng có ba bậc, gồm hai bậc giáo phẩm và một bậc đại chúng.
Ni Trưởng: (tức là Hòa Thượng bên Ni bộ) vị nữ tu sĩ Phật giáo đạo hạnh, đạo cao đức cả, là Thầy của chư Ni, có năng lực truyền giới hướng dẫn, dạy đạo cho chư Ni học đạo tu hành tiến đến giải thoát. Ni Trưởng là nữ tu sĩ có từ 60 tuổi đời, 45 tuổi đạo (hạ lạp) trở lên (Nội quy Ban Tăng sự GHPGVN). Đối với Ni giới, Ni Trưởng là người có trình độ năng lực tự quyết định cho chính mình và quyết định sự thành bại dành cho Ni giới và Phật tử. Phật giáo Việt Nam có rất nhiều Ni Trưởng đạo hạnh cao khiết làm tấm gương tiêu biểu muôn đời trong hàng Ni giới và nam nữ Phật tử.
Ni sư (tức là Thượng Tọa bên Ni bộ) là Thầy giáo thọ của Ni giới, là bậc đạo hạnh, đạo đức cao khiết, vì là đương cơ chúng nên có ảnh hưởng lớn trong hàng Ni. Bậc giáo phẩm có khả năng hướng dẫn giáo hóa chư học Ni học giáo lý Phật để mở thông trí tuệ, học Phật pháp để tiến tu giải thoát. Ni sư là bậc giáo phẩm đứng thứ hai trong hàng giáo phẩm Ni có từ 45 tuổi đời, (25 tuổi đạo) trở lên (Nội quy Ban Tăng sự GHPGVN).
Sư cô: (tức là Đại Đức bên Ni bộ) thuộc hàng đại chúng, gồm những vị thọ Tỳ kheo ni giới thâm niên rất đáng kính, chuẩn bị bước lên hàng giáo phẩm Ni; những vị Ni mới thọ Tỳ kheo ni giới tu hành từ 6 năm trở lên, là những Ni sinh, Học Ni có năng lực học hành giỏi, là tương lai tỏa sáng của Đạo pháp và Giáo Hội trong hàng Ni giới.
Ngoài ra, đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay còn có danh hiệu Tịnh nhơn Phật tử tu tại chùa, công quả, công phu bái sám, học Phật pháp cho đến 2 năm sau có nhiều công đức cơ bản, được bổn sư Tăng hay Ni cho phép thọ giới Sa di hay Sa di ni
Đối với 6 bậc giáo phẩm trên, trong đó có 4 bậc Hòa Thượng, Thượng Tọa, Ni Trưởng, Ni Sư và quý Đại Đức, Sư Cô tuổi đạo (hạ lạp) thâm niên, chư Tăng Ni, các Tịnh nhơn nam nữ, Phật tử đệ tử dù trẻ hay già đều xưng hô bằng “con” với các bậc trên trước.
III.Vào chùa khó gặp Thầy Sư
Sáu bậc Thầy vừa kể trên là những bậc tu hành đáng tôn kính, đãnh lễ gồm: Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức, Ni Trưởng, Ni Sư, Sư cô. Người Phật tử vào chùa muốn diện kiến “Thầy Sư”, chắc chắc sẽ được gặp để thưa hỏi xin học Phật Pháp, học giáo lý Phật học hay tác bạch cúng dường, những việc của Tăng Ni và các việc cần thiết trong Đạo Phật, trong nhà chùa. Gặp Thầy phải một lòng tôn kính, hai bàn tay chắp lại hình “búp sen”, theo Tịnh Độ Non bồng thì khi chắp tay, hai ngón tay cái “xếp vào nhau”.
Phật tử dùng từ “Mô Phật Bạch Thầy” hay “Mô Phật Thưa Thầy”, “Mô Phật Bạch Sư” hay “Mô Phật Thưa Sư” “chúng con” xin thưa hỏi việc...rất mong Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ... - khi Thầy đáp xong, Phật tử đáp lại: “Nam mô A Di Đà Phật: hay “Mô Phật”, không nên đáp lại bằng “A Di Đà Phật” có vẻ như ngang hàng không tôn kính Thầy Sư nhé Bạn.
Vào chùa khó hoặc không được gặp Thầy Sư là do Thầy Sư là những chức sắc, chức việc, giảng sư, giáo thọ... nên có nhiều công việc chứng minh, thuyết giảng, đứng lớp, hội họp, cúng kiến lễ lượt, tang chay, cầu siêu, cầu an, đối nội, đối ngọai... việc Phật sự quá tải, “làm hết giờ, chớ không hết việc”, trong công tác Phật sự ở một tu viện, thiền viện. Trường hợp “Thầy Sư” nhập thất, công phu hành đạo, hoặc cũng do giới luật áp dụng cho những Nhà Sư tu tịnh hạnh, phạm hạnh, độc cư độc thiện rất hạn chế tiếp xúc cư sĩ lại càng khó gặp hơn nữa Bạn ơi!
IV .Cách xưng hô “con” với Sư Thầy:
Ngôn ngữ “con” có từ vô thỉ, ở thời kỳ mọi người sống du mục, thời kỳ sống cộng đồng, thời kỳ tiến bộ đều có ngôn ngữ “con”. “Con” có từ khi cha me sanh ra thật thiêng liêng, nên thơ yêu dấu, dễ tiếp nhận. Về lễ nghi trong đạo ngoài đời đều có xưng hô bằng “con” với các bậc trưởng thượng cao niên.
Thời kỳ Đức Phật giáo hóa, chư tôn giả khi bạch lên Phật một điều gì... cũng xưng bằng “con”, như: ngưỡng bạch Đức Thế Tôn, “chúng con” xin thành tâm kính lễ Đức Thế Tôn, Ngài là bậc ứng cúng cao thượng, chánh biến tri do Ngài tu học không thầy chỉ dạy - “con” xin thành tâm kính lễ Đức Thế Tôn, Ngài là bậc ứng cúng cao thượng, chánh biến tri do Ngài tu học không thầy chỉ dạy. Cung cách ứng xử với các bậc trên trước của người xưa trở thành lễ nghi khuôn phép, luật đạo. Ngược lại thì Đức Phật tôn xưng: ”Ta nói cho các “Ông” nghe - Nầy An nan, hãy lắng nghe, sau khi Ta tịch diệt, các Ông phải lấy giới luật làm “Thầy”...
Trong đạo Phật, bậc Thầy dạy đạo có tiếp nhận đồ chúng Tăng Ni, Phật tử, thì Thầy là người vừa dạy đạo, truyền giới cũng vừa thay cha me để bảo dưỡng đệ tử, nên đệ tử gọi Thầy bằng “Sư Phụ”, xưng hô với Thầy bằng “con”. Trong quá trình tu học với “Sư Phụ”, vị Thầy gọi đệ tử (trẻ tuồi, Tăng Ni sinh, chú Tiểu) bằng “con” và tự xưng bằng “Thầy hay Sư Phụ”. Đối với chư Tăng Ni từ trung niên đến cao niên thì Sư Phụ tự xưng là “Thầy”, gọi đệ tử bằng “huynh đệ”, “Thầy” hay “Ông”.
Việc xưng “con” trong nhà Phật thuộc lễ nghi khuôn phép, như vị sữa thơm tạo thêm năng lượng chốn thiền lâm, không thể thiếu giữa chư Tăng Ni đối trước các bậc tôn túc. Như trong bài sám hối, khi đối thú an cư: ”Bạch đại đức, “con” ở trong các tội nặng đều không phạm, còn tất cả oai nghi vi tế, sợ có chỗ lỗi lầm mà không tự hay biết, cầu xin Đại Đức từ bi chỉ thị cho, để “chúng con” tiện sám hối...” (trang 226, Giới Đàn Tăng,, phép sám hối).
Đối với Phật tử, Thầy cũng gọi bình thường bằng “ông, bà, chú, bác, anh, chị” hay gọi chung là “đạo hữu”, “quý Phật tử”, “ông thiện nam”, “bà tín chủ”.
Không xưng hô bằng “con”
Đối với những vị tu sĩ thuộc hàng Sa di, Sa di ni, Tịnh nhơn nam nữ xuất gia, chú tiểu, ông đạo ở chùa, tuy có sự cách biệt với thế gian, nhưng chưa phải là hàng xuất gia thật sự, chưa “xuất Sư” chưa phải làm “Thầy Sư” cách xưng hô không giống như xưng hô với các bậc giáo phẩm, Phật tử không phải xưng hô bằng “con”.
Tại các Tịnh xá Khất sĩ tôn xưng với nhau bằng “con trò”, con là con của chúng sanh chung, trò là trò của Đức Như Lai. Còn về cách tôn xưng giữa bậc giáo phẩm Trưởng lão, trên trước với hàng đệ tử Tăng Ni, Phật tử cũng giống như các tự viện Bắc tông
Cúi đầu đảnh lễ thánh hiền tăng
Năm xưa nơi bến nước Sông Hằng
Thế Tôn đi mãi trong lộng gió
Hình bóng ngàn thu như ánh trăng
Tìm ra chơn lý dưới bồ đề
Hội nhập độ đời thoát khổ mê
Tam chuyển pháp luân từ đạo đế
Khổ, tập, diệt mê bước chân về
Bên gối chân Thầy họ Thích Ca
Trung Thiên Điều Ngự cõi ta bà
Hai ngàn năm chín (2559) như còn đó
Hình bóng Thế tôn bên tâm ta.
HT Thích Giác Quang