VẤN: Con thích yên tĩnh và tu thiền hơn là niệm Phật. Tuy nhiên, con chỉ biết được Phật Giáo qua kinh sách và trên mạng mà chưa có duyên gặp được một vị thầy nào chỉ dẫn cả. Con đọc thấy có rất nhiều phương pháp tu thiền. Có bạn bảo tu thiền phải có thầy tổ hướng dẫn kẻo đi lạc đường, vào ma cảnh và có thể loạn tâm. Con thường chỉ thiền theo cách quán niệm hơi thở nhưng vẫn lo sợ. Có đúng là con cần phải có một vị thầy chỉ dẫn không và làm thế nào để con gặp thầy con? Nếu như vẫn chưa đủ duyên thì con nên tu theo phương pháp hành thiền nào là tốt nhất là đúng với pháp Phật? Con xin cảm ơn Sư rất nhiều.

ĐÁP:

Trong cõi Nam diêm phù đề có rất nhiều dạng chúng sanh đang trầm luân trong biển khổ sanh tử. Con người trên hành tinh địa cầu lúc nào cũng khổ vì cuộc sống, khổ vì đau yếu lúc tuổi già, khổ vì bệnh họan, nhức nhối, khổ vì những cuộc truy hoan, cờ bạc rượu chè trong tăm tối, khổ vì tử biệt sanh ly, khổ vì muốn mà không được, khổ vì người không muốn gặp mà lại gặp, khổ vì thuơng nhau mà không được gần nhau, khổ vì thân tâm không ổn định, luôn bị cắn rứt oằn ọai, khổ vì người ác muốn phục thiện mà không làm được, khổ vì đời sống cộng đồng, luôn dính chặt vào nhau, không được tách rời riêng lẽ, khổ vì tấm thân vô thường, khổ vì sự kết dính bằng một tấm thân tứ đại, sự hiểu biết, sự khôn khéo, sự ngu muội thật nặng nề mà con người có trách nhiệm phải lê gót chân đi suốt cả khoảng đường dài một trăm năm nhập cuộc.

Đức Phật ra đời là nhằm khai thị cho chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến, khai thị theo nghĩa đen là khai mở cho giác ngộ thấy biết, hiển bày đường ngay lẽ thẳng cho chúng sanh xuyên suốt, thấu thị chơn lý giải thoát của Phật, của ba đời chư Phật mà đi theo nẻo chánh. Theo nghĩa bóng Phật là người thắp sáng ngọn đuốc trong đêm tối giúp cho chúng sanh thấy đường đi và vượt khỏi bóng đêm của thế giới năm trược, cõi đời dẫy đầy tham sân si, ác kiến. Đức Phật Thích Ca ra đời là nhằm cứu giúp chúng sanh tự khai sáng cõi tâm, trợ duyên, cân nhắc khuyến dạy và dùng nhiều phương tiện khéo léo, thiện xảo để đưa đường dẫn lối giúp cho chúng sanh thoát khỏi kiếp trầm luân, ra khỏi ái dục nơi bến bờ biển khổ sông mê.

II .

Hành trình trên 2500 năm hòa quyện, Đức Phật Thích Ca hội nhập vào cõi ta bà đó, Ngài có nhiều phương tiện diệu dược phương thang để trị bệnh chúng sanh. Có nhiều pháp môn tu để đối trị các pháp bất thiện, diệt trừ những tham sân si, những chướng nạn, trầm nịch của chúng sanh. Chúng sanh có bao nhiêu bệnh, Phật có bao nhiêu thuốc mà phổ trị. Kinh Tâm Địa Quán, quyển 7, nói: Pháp Phật có 84,000 tổng trì môn có khả năng kết thúc các chướng hoặc và tiêu trừ binh ma. Pháp Phật có nhiều phương tiện để phá trừ các chướng nạn, các nghiệp lực của chúng sanh trong thế giới ta bà, cứu giúp chúng sanh ra khỏi những khổ đau phiền não.

Trong các phương tiện thiện xảo đó, khi nhận đệ tử đầu tiên Đức Phật dạy về pháp tứ diệu đế: khổ đế, tập đế, diệt đế và đạo đế, giúp cho mọi người thấy cõi đời là khổ và tìm đường thoát khổ. Tiếp theo những năm tháng tu hành giúp cho chư Tăng tu thiền quán, như: quán thân, quán thọ, quán tâm, quán pháp. Hai mươi năm sau Ngài giới thiệu thế giới Cực Lạc, dạy tu Tịnh Độ niệm danh hiệu Phật A Di Đà. Trước khi nhập diệt Ngài dạy tu giữ giới hạnh: “ta tịch rồi các Tỳ Kheo hãy lấy giới luật làm Thấy, giới luật còn là ta còn, giới luật mất là ta mất”

Các pháp trên (thiền, tịnh, luật) ai có nhơn duyên pháp nào thì tu theo pháp đó, pháp nào tu cũng thành Phật. Nay Bạn có nhơn duyên tu thiền, tức là Bạn ham thích cảnh vắng lặng, vắng cả nội tại và ngọai cảnh. Thường thì người tu thiền, ít năng động, thân tâm điềm thị, thân không hiếu động theo vật dục, tâm thường xuyên giữ chánh niệm, đó là những hiện tượng thường sanh khởi của người ham thích tu thiền. Tuy nhiên quá trình chọn pháp tu hành, nếu là Phật tử Bạn phải chọn pháp tu thiền của Phật dạy, không nên chọn pháp môn thiền nào khác ngoài pháp thiền của Phật nhé!

III .

Quá trình hướng dẫn Phật tử tu thiền, vị Bổn sư thường đưa người đệ tử lần lượt bước vào vườn thiền, chọn pháp tu nào phù hợp:

· Thời xưa Phật thường thuyết ra thọai đầu, như Thiện Lai Tỳ Kheo, đệ tử nghe liền đắc đạo

· Nói về công án như “Phật dùng cành hoa sen làm biểu tượng chánh pháp nhãn tạng, làm cho đại chúng ngơ ngác, chỉ có Ca Diếp mĩm cười”, ngộ được ý Phật nói gì?

· Thời nay không có những người lợi căn như thế nữa nên trước nhất các vị sẽ dạy pháp tu quán chiếu đề mục đất, nước, tượng Phật, Bồ Tát cho dễ tu dễ chứng (Kinh Thập Lục Quán)

· Hoặc pháp môn ngũ đình tâm quán, tức là năm pháp quán tưởng làm cho tâm ý ngưng đọng lại không còn tán loạn, các thức tình ngừng hẳn không còn dấy động. Ấy là năm pháp tu dành cho người mới nhập đạo, hạnh tu Thanh Văn thừa, đương phấn đấu diệt phiền não tham sân si, để đạt chánh niệm. Nay nói về ngũ đình tâm quán là pháp chủ chánh trong thời mạt pháp để các Bạn dễ dàng chọn pháp tu:

Một là Bất Tịnh Quán: Quán tưởng tướng chẳng sạch, quán tưởng cảnh giới, thân tướng chẳng sạch. Nhìn chung hành giả tu pháp nầy thường xuyên ngồi thiền như các đệ tử thời Đức Phật sanh tiền. Trong đó gồm có quán trụ xứ bất tịnh. Khi chưa sanh ra thì ở trong bào thai của Mẹ rất nhơ nhớp, cho đến khi được sanh ra mang thân tứ đại tất cả các căn, các cửa trong thân cũng đều là không sạch (thân bất tịnh), lúc nào mình cũng cảm thấy gớm ghiếc về thân của mình. Thời Phật, chư Tăng mỗi buổi sáng đi làm việc Phật trì bình khất thực xong rồi đến nghĩa địa Thi Lâm ngồi thiền quán chiếu trước thây người chết. Quán chiếu mỗi ngày như thế cho đến khi thây chết chỉ còn là bộ xương, thì các vị hoàn tất hành trình tu hành của mình, diệt được ái dục, các vọng niệm về dục nhiểm không dấy sanh, các vị đắc đạo. Đó là pháp ngưng lòng tham dục. Ai tham dục nhiều trước nên quán tu pháp này.

Hai là Từ Bi Quán : Quán tưởng đức từ bi của Phật, Bồ Tát luôn mở lòng từ bi phổ cập tất cả chúng sanh. Hành giả tu pháp nầy thường xuyên ngồi thiền quán chiếu về lòng từ của Phật, Bồ Tát hay năng cứu vớt chúng sanh, cứu những chúng sanh đang trầm nịch nơi biển khổ, xem chúng sanh như ruột thịt, thân bằng quyến thuộc, hay phát tâm tế khổ độ sanh giúp chúng sanh không còn đói khát Đó là pháp ngưng lòng sân giận. Ai hay sanh lòng oán hận, ái dục nên tu pháp này.

Ba là Nhơn Duyên Quán : Quán tưởng các nhân duyên, quán tưởng lý thập nhị nhơn duyên, nối tiếp với nhau trong ba đời: vô minh duyên hành - hành duyên thức - thức duyên danh sắc - danh sắc duyên lục nhập - lục nhập duyên xúc - xúc duyên thọ - thọ duyên ái - ái duyên thủ - thủ duyên sanh - sanh duyên lão tử ưu bi khổ não và chúng sanh lẩn quẩn trong vòng ưu bi khổ não từ đời nầy sang đời khác, không lúc nào ra khỏi. Trong một niệm nhơn duyên quán cũng cho chúng ta thấy, chúng sanh luôn bi dao động trong vòng sanh tử luân hồi quả báo. Đằng sau những thú vui của vật dục là những khổ đau chồng chất lên chúng sanh không lúc nào ra khỏi.

Pháp quán nhơn duyên sẽ đưa chúng sanh thoát khỏi những oằn ọai khổ đau, sanh tử luân hồi: người tu thường quán chiếu van hữu vũ trụ, thế giới nầy không có gì là thật, do ta chấp lầm là thật rồi mê đắm (vô minh) bước chân vào vòng sanh tử luân hồi đó thôi. Hành giả thường xuyên quán chiếu mọi sự diễn biến trong thế gian: vui khổ, hạnh phúc, bất hạnh khổ đau vốn không thật, các pháp vốn tương tác với nhau mà có, thân nầy là duyên hợp huyễn có; tách rời các pháp thì vạn vật (vũ trụ nhân sanh) chỉ còn là không, là mộng huyễn. Hành giả tu pháp nầy cũng có thể quán chiếu thân là do sự tương tác kết hợp của máu, thịt, gân, xương; nếu tách rời máu, thịt, gân, xương thì không có thân nầy Đó là phép ngưng lòng si mê. Ai nặng lòng si mê nên tu phép này.

Bốn là Giới Phân Biệt Quán: Quán tưởng phân biệt các cảnh giới. Quán tưởng phân tích sáu cảnh giới (lục giới ) và mười tám cảnh giới ( thập bát giới), tức là trong thân chúng ta có 6 căn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý); sáu trần (sắc thanh, hương, vị, xúc, pháp; sáu thức (nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức thân thức và ý thức). Ba giới nầy tuy biệt lập, nhưng lúc nào cũng tương tác nhau biến thành “ngã chấp” nên có “ta”. Nếu tách rời các giới ra thì không còn có “ta” nữa, phá được ngã chấp. Phá ngã chấp thì vạn hữu vũ trụ đối với ta chỉ là mộng huyễn, không còn có tư kiến cái nầy của ta, cá kia của ta, phá được “pháp chấp” hành giã dứt mê lầm (vô minh). Đó là pháp quán ngưng sự chấp mình (ngã chấp). Ai nặng tình ngã chấp nên tu pháp này.

Năm là Sổ Tức Quán: Quán tưởng đếm hơi thở. Tưởng và đếm những hơi thở vô ra, hơi dài, hơi ngắn tùy theo cơ địa của mình. Tức là thực tập “đếm số đều hòa hơi thở”: hít vào đếm “một, thở ra đếm “hai”, hít vào đếm “ba”, thở ra đếm “bốn”...và như thế đếm số điều hòa theo hơi thở cho đến “mười”. Rồi trở ngược lại tiếp tục hít vào đếm “một”...

Đó là pháp làm cho ngưng lòng tán loạn của mình, khi thiền định mà tâm còn tán loạn chấp trước nên tu pháp nầy (Phật học từ điễn Đoàn Trung Còn).

Sư là hành giả tu Tịnh độ, nhưng trong quá trình tu học giáo lý tại Phật học đường Tây Phương Bồng Đảo (niên khóa 1962-1965) quý vị Giáo sư vừa giảng dạy vừa hướng dẫn các Tăng Ni sinh thực tập về pháp tu quán sổ tức rất có hiệu quả, dẫn đến chánh niệm, các tư tưởng hay sanh khởi đều vong bặc

IV

Ngoài ra còn có pháp thiền thượng thừa, tối thượng thừa, thiền đốn ngộ, thiền ngọai giáo biệt truyền bất lập văn tự,...Bạn đang tu pháp môn thiền quán sổ tức, chúng ta sẽ bàn về thiền quán sổ tức.

Phàm làm việc gì cũng phải có Thầy. Thầy là người khai sáng, đưa đường dẫn lối cho chúng ta tu hành tiến đến thành công. Dù tu thiền hay tu Tịnh Độ, Bạn phải tìm Thấy hướng dẫn đạo, dạy cách tu thiền nào cho phù hợp với hoàn cảnh, phương hướng, xứ sở, cơ địa của Bạn. Ví dụ như Bạn xin nhập thất tu thiền thì Thấy sẽ ra quy định thời dụng biểu thực tập, trang trí nơi tu tập sao cho phù hợp với người tu thiền, không tiếp xúc với người ngoài, đơn giản hóa các lãnh vực vật chất, vật dụng trong phòng đến mức tối đa, không sử dụng điện thọai, tivi, cassette, internet... Việc ăn uống phải chuẩn bị từ trước, tìm người hộ trì, đem cơm nước cho Bạn...

Ở mức độ thực tập thường nhựt vẫn phải cầu Thầy dạy: quy định thời gian nào vào thiền, niệm chú vào thiền, thời gian xả thiền, niệm chú xả thiền. Trong năm pháp thiền, thực tập pháp nào cho phù hợp, cách thức ngồi, mắt ngó xuống (hám mục) bao nhiêu phần trăm, đầu hơi chút xuống thế nào, lưng thẳng ra sao v.v... nhìn chung khi Bạn phát tâm thực tập thiền phải cầu thầy làm hướng dẫn giúp Bạn thuần thục, thoải mái trong quá trình thực tập.

Làm đệ từ Phật phát tâm tu pháp nào cũng được. Bạn có nhơn duyên tu thiền thì cứ tu cho trọn. Tuy nhiên, Bạn có chọn tu thiền thật kỹ chưa, chứ không nên nay tu pháp nầy, mai tu pháp khác, sẽ bị lọan pháp. Không nên tu pháp thiền khác ngoài pháp thiền của Phật trở thành tu tạp pháp, thành quán tính thì không nên (điều nầy Bạn phải có lời thệ nguyện trước Phật). Thêm vào đó, Bạn phải làm sao gia đình và Bạn phải thật ổn định có thoả thuận, không xảy ra những đấu cấu thị phi luận bàn sự việc.

Lành thay Phật tử tu thiền

Đáng khen gia thế mối giềng cội căn

Thiền định trực chỉ chơn tâm

Niết bàn tỏa sáng không tầm đâu xa

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Có Phải Tu Thiền Cần Một Vị Thầy Hướng Dẫn Không? Phương Cách Thiền Hành Nào Là Đúng Nhất?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com