Từ những ngày đầu chân ướt chân ráo đến Bồ Đề Đạo Tràng cho tới khi hoàn thành xong ngôi chùa trong sự mầu nhiệm, đã có biết bao bạn bè, thân hữu, học trò đệ tử và nhiều Phật tử cùng thiện nam tín nữ từ trong nước và khắp nơi trên thế giới đến đây và dừng chân trú ngụ nơi Việt Nam Phật Quốc Tự một thời gian, hoặc để tiếp sức với tôi trong công việc hoặc để mong tìm sự thanh thản cho bản thân. Dù với mục đích gì thì tất cả chúng tôi cũng đã cùng chia sẻ với nhau những ngày tháng khó quên trên đất Phật. Tôi ghi lại đây là vài mẩu chuyện vui buồn về một số người đã đến rồi đi và để lại những kỷ niệm đáng nhớ.

Ngay khi tôi vừa mua đất xong thì có một người Việt Nam sinh sống ở Thụy Sĩ là Hồ Gia Thông, pháp danh Huệ Trí, cựu huynh trưởng Gia đình Phật tử, tình nguyện đến làm công quả trong ba tháng. Anh đang đi làm nên phải xin nghỉ phép dài hạn để sang đất Ấn và là người Việt Nam đầu tiên hiện diện tại chùa để tiếp sức với tôi.

Anh đến chùa đúng vào mùa hè, thời tiết nắng như thiêu như đốt. Khi anh vừa mới đến, tôi nói anh ra chợ Gaya cách chùa 12 cây số mua chiếc xe đạp để làm phương tiện di chuyển. Chỉ khoảng đường ngắn như vậy mà lúc về tới chùa anh kiệt sức nằm lăn ra ngủ li bì suốt hai ngày. Thời tiết nóng bức nên thông thường hai thầy trò phải giăng mùng ngủ ngoài sân. Đêm đêm anh không bao giờ ngủ yên giấc mà thức dậy bốn năm lần, lui cui xách nước tưới trên nền đất cho đỡ nóng. Kết thúc thời kỳ làm công quả, Thông lắc đầu nói rằng đã từng chịu nhiều gian nan trong đời, nhưng chưa bao giờ anh cảm thấy vất vả như ba tháng vừa qua. Kết quả anh sụt mất 9 ký lô, khi trở về Thụy Sĩ bạn bè quen biết anh không ai nhìn ra nữa.

Một điểm đặc biệt của chùa Việt Nam là ngay từ những ngày đầu đa số các tu sĩ đến phụ giúp tôi đều là người ngoại quốc, mà một trong những người có mặt sớm nhất là thầy U Pawara người Myanmar.

Thầy U Pawara – học trò của vị tăng thống xứ Myanmar – sang Ấn Độ theo học tại trường Magatha (Ma Kiệt Đà) ở Bồ Đề Đạo Tràng từ lớp đầu tiên cho đến khi đậu tiến sĩ.

Vào ngày động thổ miếng đất ở Bồ Đề Đạo Tràng, thầy đến tham dự và sốt sắng tiếp tay với Hồ Gia Thông lo chuyện cúng kiếng, thái độ tự nhiên chẳng khác gì đã quen biết với thầy trò tôi từ lâu. Sau lần đó tôi đã chú ý đến thầy.

Cho đến khi cất xong ngôi pháp xá, tôi phải sang châu Âu dạy học nên nhắn thầy đến phụ giúp, giao cho giữ chức trị sự nên đặt luôn tên Việt Nam là thầy Sự. Tôi bảo trợ việc học cho thầy, ngược lại thầy tận tâm quán xuyến công việc trong ngoài và tiếp đãi khách hành hương lưu nghỉ tại chùa. Thầy cũng là người thay mặt tôi đi dự hầu hết các buổi lễ lạt, giao tiếp với địa phương và đây chính là điều tôi cám ơn thầy nhiều nhất.

Thầy gắn bó với chùa suốt 11 năm, cư xử hòa nhã với mọi người và rất thân cận với tôi. Đây là một trường hợp khá đặc biệt, bởi vì thầy tu theo Nam tông còn tôi thuộc phái Bắc tông, hai phái có nhiều điểm khác biệt từ tín ngưỡng đến tập tục. Đó là chưa kể điểm khác nhau cơ bản về văn hóa, về truyền thống nhưng chúng tôi đã chung sống, tu tập và làm Phật sự chung một cách thân thiện, an lạc như anh em ruột thịt cùng một gia đình, cùng một tông phái.

Đôi khi tính cách quá chu đáo của thầy cũng mang lại vài điều vui vui. Trong chùa có đặt một bàn thờ vong, thỉnh thoảng khách thập phương ghé chùa chiêm bái mang theo bức ảnh của người thân đã khuất và xin đặt tại đây để chùa tụng kinh cầu nguyện cho hương linh sớm được siêu thoát. Tục lệ này chỉ Phật giáo Việt Nam mới có, vì vậy thầy Sự không hiểu được mà tôi cũng sơ ý không giải thích cho thầy, mặc dù hằng ngày thầy vẫn quen lệ mang nước cúng kiếng. Có lần một phái đoàn Phật tử bên Mỹ sang hành hương đưa cho tôi ảnh của họ để làm visa đến Nepal, còn dư mấy bức tôi bỏ trong hộc bàn. Lúc tôi đi dạy học ở nước ngoài, khi dọn dẹp các hộc tủ thầy Sự nhìn thấy mấy tấm ảnh bèn đặt hết trên bàn vong. Thời gian trôi qua, tôi cũng không chú ý cho đến khi một phái đoàn khác ở Mỹ sang chiêm bái. Hôm đó tôi đang ngồi ngoài sân với thầy Sự thì một anh hớt hải chạy xuống hỏi thầy: “Sư huynh ơi, trước khi tôi sang đây còn đến ăn cơm với vợ chồng anh chị Liêm mà sao bây giờ lại thấy hình của họ trên bàn thờ vậy?”. Chừng đó tôi mới hay cớ sự và mọi người được một trận cười nghiêng ngửa.

Hôm khác tôi đi ngang qua phòng thầy Sự ở tầng trệt bỗng nghe mùi nước hoa phụ nữ phảng phất đâu đây. Tôi ngạc nhiên vì trong chùa lúc bấy giờ chỉ có mấy thầy trò nên để tâm chú ý và khám phá ra hễ mỗi khi thầy Sự đi ngang qua lại nghe mùi thơm thoang thoảng. Đến chừng tôi kêu lại hỏi thì thầy ngượng nghịu thú thật đó là dầu thơm của mấy phụ nữ trong đoàn hành hương bỏ lại, thầy tiếc không quăng đi mà giữ để xài. Lần khác cũng xảy ra chuyện tương tự, nhưng kỳ này lại là cái áo veste của phụ nữ, thầy rất thích cứ mặc ngày này qua ngày nọ khiến ai nhìn thấy cũng phì cười.

Điểm đặc biệt của thầy U Pawara là luôn luôn đối xử một cách ân cần, chu đáo và vui vẻ đối với tất cả mọi người đến viếng chùa khiến ai cũng quí mến. Đáp lại những lời khen ngợi, thầy thường nói với mọi người rằng: “Tôi nhờ nương náu nơi đây mà học hành thành tài, vì vậy đổi lại tôi thấy mình có bổn phận chăm sóc bất cứ người Việt Nam nào đến với Việt Nam Phật Quốc Tự”.

Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ, thầy về nước và nhận nhiệm vụ phó viện trưởng Viện đại học Phật giáo ở Myanmar. Từ đó đến nay chúng tôi chưa có dịp gặp lại nhau. Tuy nhiên hễ bất cứ tu sĩ Việt Nam nào qua Myanmar thầy đều tiếp đãi rất nồng hậu và sốt sắng giúp đỡ mọi mặt.

Bốn tháng sau khi tôi làm lễ động thổ thì có thêm thầy U Nymandar đến với chùa. Thầy là người siêng năng cần mẫn, chí thú học hành, tuy nhiên tính tình lại khó khăn không ai chịu đựng được, cả ở nhà trường cũng như tại chùa Myanmar. Riêng tôi sẵn lòng nhận thầy về sống tại Việt Nam Phật Quốc Tự và giao cho làm thủ tự phù hợp với phong thái kỹ tính của thầy. Do chức vụ đó mà tôi đặt tên Việt cho thầy – gọi là thầy Thủ Tự.

Cả hai thầy người Myanmar sống với nhau khá hòa hợp, người nào lo việc nấy. Khi đến với tôi cả hai người đều gần 30, thầy Thủ Tự cũng lưu lại chùa gần 11 năm cho đến khi đậu tiến sĩ. Tốt nghiệp xong thầy U Nymandar được chính phủ Myanmar mời về nước giao cho trụ trì một ngôi chùa tại thủ đô Yangon và dạy trong đại học Phật Giáo tại đây. Thỉnh thoảng khi nào có người từ Miến Điện sang chiêm bái thầy đều gửi quà cáp, sách vở cho tôi. Điều này làm tôi vô cùng cảm động về lòng tri ân của thầy đối với Việt Nam Phật Quốc Tự.

Sự việc trên có thể nói đã thể hiện một hình ảnh rất tốt về Phật giáo Việt Nam vì lần đầu tiên người của hai phái Bắc và Nam tông chung sống hòa hợp với nhau. Riêng tôi tin tưởng rằng bất kỳ sự khác biệt lớn lao nào cũng có thể hóa giải nếu hai bên có tình thương và lòng độ lượng, thật sự tôn trọng nhau, không khống chế hay bắt buộc người kia phải hoàn toàn thay đổi quan điểm theo mình.

Babulan là người địa phương được tôi giao nhiệm vụ gác cổng cho chùa. Anh đối với tôi một mực quí mến, còn tôi đánh giá cao tính ngay thẳng, mặc dù không khỏi phiền lòng vì tật lười biếng của anh. Vợ anh cũng là công nhân làm tạp dịch cho chùa, buổi chiều vợ chồng cùng về nhà rồi tối Babulan trở lại ngủ gác chùa. Cuộc sống êm đềm và thân thiện, thủy chung của Babulan với chùa duy trì được trên 15 năm.
Lúc bấy giờ Babulan khoảng gần tứ tuần, đã lập gia đình từ khi… 12 tuổi với chị vợ khi ấy chỉ là một cô bé mới lên mười. Đây là tập tục lâu đời tại đây và như mọi người chồng khác ở Ấn Độ, Babulan đối với vợ chẳng khác nào vị chúa tể.

 Đối với mọi người anh an phận là một công nhân bảo vệ, nhưng với gia đình thì có địa vị khác hẳn. Hàng ngày đúng 12 giờ trưa chị vợ đội cơm đến chùa, hôm nào hơi trễ một chút là anh nổi nóng, vợ vừa xuất hiện liền rầy la ầm ĩ. Chị vợ không bao giờ dám phản ứng, chỉ lẳng lặng sắp xếp chỗ cho anh ngồi rồi lui cui đi múc nước… rửa chân chồng thật sạch sẽ. Sau đó chị dọn cơm, anh ăn xong nằm lăn ra ngủ. Người vợ thu dọn chén bát rồi đến kế bên ngồi quạt cho chồng yên giấc ngủ trưa.

Thời kỳ này tôi trồng lúa và vài loại cây trái. Thu hoạch khá nhiều, đôi khi ăn không hết nên tôi cho anh và bảo mang đi bán. Nhưng Babulan lười đến độ chỉ khi nào tôi làm mặt giận rầy la thì mới chịu đem đi.

Babulan giúp việc cho tôi khá lâu, tuy không siêng năng nhưng chẳng gây rắc rối gì. Đến khi tôi khởi công xây chùa, có thêm một số người mới đến lưu lại gọi là công quả giúp đỡ chùa thì kể từ đó tôi gặp nhiều phiền toái hơn. Một lần tôi đi vắng, những người này gây khó dễ và cuối cùng tìm cách đuổi Babulan, vu khống cho anh ta nhiều điều không tốt. Về sau, chính những người gọi là công quả tự dưng cho mình là công thần và buộc Babulan thôi việc. Chính những người này đã gây không ít khó khăn cho chùa.

Hai thầy U Pawara và U Nymandar sau khi tốt nghiệp tiến sĩ đều trở về phục vụ cho đất nước của họ, vì thế tôi luôn mơ ước được những vị thầy người Việt có tấm lòng đến ở tại chùa. Thế rồi tình cờ một đoàn Phật tử sang Ấn Độ chiêm bái khi về nước đã giới thiệu một vị sư còn khá trẻ sang ở cùng tôi.

Hai thầy trò sống với nhau rất êm thấm. Tôi yên tâm về việc mỗi khi mình đi vắng đã có thầy Lyn thay mặt tiếp đón các Phật tử đến viếng chùa. Nhưng sau một thời gian thầy bắt đầu thay đổi, một phần cũng do vài vị Phật tử quá quý mến và cung phụng quá mức khiến thầy trở nên tự mãn. Thế là thầy sống như một ông vua con, tiêu tiền của đàn na tín thí như nước và chểnh mảng nhiệm vụ.

Đáng buồn nhất là thầy bị một số người không có thiện cảm với chùa mua chuộc và tung tin vu khống Việt Nam Phật Quốc Tự thuộc phe nhóm chính trị này kia. Đây là điều hoàn toàn xa lạ đối với tôi. Tôi quan niệm rằng: chùa là một nơi chốn thuộc về tâm linh, do đó không nên dính dáng đến chính trị hay ngả theo bất kỳ đảng phái nào.

Có người đề nghị nếu thầy chịu đứng ra tố cáo Việt Nam Phật Quốc Tự nọ kia thì sẽ được đài thọ vé máy bay đi Mỹ. Chỉ vì lời hứa hẹn bâng quơ ấy mà thầy đồng ý. Nhưng việc làm của thầy gặp phải sự phản ứng kịch liệt của các Phật tử có lòng bảo vệ chùa. Rủi ro thay, sau đó thầy cũng chẳng được đi Mỹ bởi vì những người muốn vu khống chùa không đạt được ý đồ đã quay lưng lại với thầy.

Tuy vậy tôi vẫn không để tâm phiền giận mặc dù khi biết được những chuyện không hay này tôi cũng khá đau lòng. Sau đó vào một ngày đẹp trời thầy lẳng lặng thu xếp đồ đạc tự động rời khỏi chùa.

Chị Năm Hélène định cư tại vùng Florida (Mỹ) từ mấy chục năm qua. Khoảng năm 1986, chị chủ động gửi thư cho tôi tự giới thiệu về mình và đề nghị được lưu lại tại chùa Việt Nam trong thời gian sang chiêm bái đất Phật. Tôi lập tức biên thư trả lời cho biết khí hậu Ấn Độ rất khắc nghiệt, đời sống khó khăn, phương tiện thiếu thốn, nhất là khi đó chùa chưa có điện phải xài đèn dầu. Vì vậy tôi khuyên chị nếu muốn sang thì chờ có phái đoàn chứ đừng đi riêng lẻ. Hơn nữa chùa Việt Nam không có phụ nữ nên chị cũng không thể lưu lại chùa.

Không ngờ ba tuần lễ sau, một hôm tôi vừa đến nhà ga định mua vé xe lửa đi Patna, thủ phủ bang Bihar, thì nghe nói có một phụ nữ Việt Nam vừa tới nơi mà lại bị lạc mất hành lý. Hóa ra chính là chị Năm Hélene vừa từ Mỹ sang. Chị nói rằng tuy có nhận được thư của tôi nhưng vẫn quyết định lên đường để thực hiện ước mơ ấp ủ mấy chục năm qua mà với chị là một hành trình thiêng liêng. Từ thuở nhỏ chị đã nghe kể nhiều về Bồ Đề Đạo Tràng, lớn lên bao lần dự định mà đều thất bại nên lần này chị nhất quyết ra đi. Theo lời chị thì cả chồng lẫn con chị đều phản đối chuyến chiêm bái này, thậm chí chồng chị mua tấm bản đồ Ấn Độ về nhưng tìm đỏ mắt cũng không hề thấy tên phi trường Gaya. Thế nhưng không ai lay chuyển được quyết tâm của chị.

Trước sự đã rồi tôi đành đưa chị Năm về ở tạm tại chùa Myanmar. Hằng ngày chị đi bộ đến chùa Việt Nam làm công quả, quét dọn, lau chùi, mà theo chị là để bòn phước. Những lúc rảnh rỗi chị lại kể cho tôi nghe chuyện đời. Chị thấp người, nhan sắc trung bình nhưng có niềm tự hào là trải qua mấy đời chồng Mỹ, người nào cũng rất quí thương chị. Quả nhiên chị lưu lại đây chưa được bao lâu, ông chồng David nóng ruột bay sang, cũng làm công quả để bòn phước một thời gian rồi hai vợ chồng cùng trở về Mỹ. Về sau họ viết thư cho tôi nói rằng sau chuyến đi họ nhận thấy cuộc đời có thay đổi theo chiều hướng rất tích cực. Riêng chị Năm còn thêm rằng chính nhờ chị làm liều như vậy mà giúp được người chồng hướng về tâm linh.

Ông Hữu từng là một viên chức cao cấp tại miền Nam trước đây, sau ngày 30 tháng Tư 1975 ông bị đi cải tạo vài tháng nên đâm ra có ấn tượng không hay với chính quyền mới. Ông sang Úc định cư rồi qua Ấn Độ dự định lưu lại tu tập vài ba năm.

Khi ông đang ở tại chùa, có lần một phái đoàn Phật tử từ Mỹ sang Bồ Đề Đạo Tràng chiêm bái đất Phật, nhưng tôi trêu ông bằng cách giới thiệu họ từ Việt Nam sang. Thế là từ hôm đó ông mất ăn mất ngủ, xét nét mọi người trong đoàn, lại còn yêu cầu các sư cô đừng nấu ăn cho họ. Ngày đêm ông phập phồng lo sợ, nghi ngờ những người này sang đây cốt để theo dõi mình. Vì vậy ông không còn có được sự bình an cần thiết để tu tập và chỉ đến khi tôi nói rõ sự thật ông mới bình tĩnh trở lại. Điều này cho thấy rõ mọi hạnh phúc hay bất hạnh phần lớn đều xuất phát từ suy nghĩ chủ quan của bản thân.

Mẫn là một sinh viên y khoa, cha mẹ đều là Phật tử rất mộ đạo nên có ý nguyện hướng con vào con đường tu tập. Nhưng khoảng năm 1990 hai mẹ con sang Ấn Độ, chỉ sau một thời gian ngắn va chạm với thực tế thì nản lòng ngay. Riêng chuyện rất nhỏ về việc đi vệ sinh cũng đã là một trở ngại không vượt qua được đối với Mẫn vốn quen với cuộc sống tiện nghi nơi đô thị. Lúc bấy giờ chùa chưa xây xong nhà vệ sinh, tôi sắm sẵn một số cuốc, mỗi khi đi vệ sinh cứ việc xách cây cuốc đào một lỗ, xong rồi lấp đất lại. Rồi những con vật không mời như gián, đỉa cũng khiến Mẫn thất kinh hồn vía và đành bỏ ý định lưu lại đất Phật.

Qua sự giới thiệu của người quen, tôi liên hệ với một chuyên viên xây cất tên Quỳnh ở trong nước để mời sang làm việc tại Bồ Đề Đạo Tràng. Sau một thời gian, anh đề nghị tăng cường thêm người để phụ giúp. Lúc bấy giờ trong nước còn qui định rất chặt chẽ trong việc cho phép xuất cảnh nên cần phải có giấy mời chính thức từ nước ngoài thì mới được cấp hộ chiếu. Anh yêu cầu tôi viết thư mời cho một người thân của anh ở Huế sang giúp đỡ một tay. Tin lời anh giới thiệu, tôi đồng ý gửi thư mời. Đây là việc tôi vẫn thường xuyên làm một cách chóng vánh, thế nhưng đặc biệt lần đó hễ mỗi khi tôi vừa sửa soạn ngồi vào bàn định viết thư mời y như rằng có một bàn tay vô hình bày ra đủ thứ trở ngại, chẳng hạn như khi thì phải tiếp khách, khi lại nói chuyện điện thoại, lúc đi ra ngoài giải quyết một công việc cấp bách…, khiến tôi không sao hoàn tất được bức thư ngắn ngủi đó. Sự việc này lặp đi lặp lại hơn mười lần khiến tôi bắt đầu lưu ý và nghĩ ngợi. Thế là tôi đến gặp người trưởng nhóm thợ ở Huế để hỏi thăm về người mà tôi sắp sửa viết thư mời sang. Không ngờ anh này lên tiếng can ngăn và cho biết đó là một người xưa nay mang tai tiếng chuyên đi lừa gạt.

Qua sự việc này tôi càng tin tưởng có một bàn tay vô hình đã luôn luôn theo phò hộ cho tôi thoát khỏi những chuyện khó khăn trong đường tơ kẽ tóc. Quả nhiên về sau, anh kiến trúc sư đã gây cho tôi khá nhiều gian nan, như xui người lấy cắp vật liệu của chùa hay lôi kéo thợ thuyền đi làm nơi khác…

Cô Lộc là một phụ nữ trung niên, làm thư ký cho chùa Nam Thiên Nhất Trụ tại Sài Gòn. Cô quen với bà Sâm – thành viên Hội đồng điều hành – nên nhờ bà chuyển thư cho tôi bày tỏ mong muốn được sang Lâm Tỳ Ni làm công quả. Thế nhưng bà Sâm lại quên khuấy đi và mãi gần một năm sau mới chuyển thư. Đây cũng là một cơ duyên khiến cho thời điểm đó không phải cô Lộc đi một mình mà đưa cả con trai là Sơn – một kỹ sư xây dựng trẻ tuổi – cùng sang Bồ Đề Đạo Tràng. May mắn hai mẹ con qua đến nơi đúng vào lúc anh kiến trúc sư Quỳnh gây khó khăn cho chùa và bỏ ngang công trình đang làm. Thế là Sơn bắt tay vào làm giúp cho công việc không bị ngưng trệ. Tuy mới ngoài 20 nhưng Sơn rất vững tay nghề, là một kỹ sư năng động và rất có tấm lòng.

Sau sáu tháng, cô Lộc trở về nước còn Sơn lưu lại suốt một năm và nỗ lực đem hết khả năng giúp chùa hoàn thành những công đoạn cuối để kịp lễ khánh thành. Khi mới tới đất Phật, Sơn chưa có nhiều đức tin, nhưng sau một năm thì tư tưởng đã có nhiều thay đổi và hướng về tâm linh.

HT Thích Huyền Diệu



Có phản hồi đến “Tình Thương Và Lòng Độ Lượng - Vài Kỷ Niệm Vui”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com