Một số người quen trong các trường đại học biết tôi có chút ít kinh nghiệm và kiến thức về nền văn minh Ấn Hà nên đề nghị tôi tổ chức các đoàn du lịch và nghiên cứu, thăm viếng Ấn Độ và Nepal. Thế là ngay trong thời kỳ ngồi ghế trường đại học lẫn sau khi tốt nghiệp, trong những tháng hè tôi làm thêm một công việc nữa là hướng dẫn một số người sang viếng đất Phật.
Tôi sắp xếp lộ trình chuyến đi lần theo con đường của thái tử Tất Đạt Đa (Siddharta) căn cứ vào nội dung một số kinh sách nguyên thủy để lại mà ngày nay nhiều thánh tích vẫn còn tồn tại.
Lâm Tỳ Ni (Lumbini)
Năm 1974 tuyến đường đi từ thủ đô Kathmandu của Nepal đến Lâm Tỳ Ni chưa được thuận tiện nên chúng tôi phải đi ngược sang thủ đô New Delhi của Ấn Độ rồi mướn xe hơi đến Gorakhpur, tới Naugard sát biên giới Nepal. Anh em nghĩ qua đêm tại đây và thuê xe ngựa để hôm sau vào Lâm Tỳ Ni thuộc địa phận nước Nepal. Sáng sớm tinh mơ chúng tôi lên đường, lộ trình chưa đầy 30 cây số mà mất gần 7 tiếng đồng hồ mới tới Lâm Tỳ Ni. Vài đoạn đường sình lầy còn phải leo xuống phụ đẫy xe ngựa đi.
Lâm Tỳ Ni là vùng đất xanh tươi trải dài dưới rặng Hy Mã Lạp Sơn hùng vĩ, chính là nơi Đức Phật được sinh ra vào khoảng năm 563 trước Công nguyên. Thân phụ Ngài là quốc vương xứ Ca Tì La Vệ (Kapilavastu) thuộc họ Cồ Đàm (Gautama) trong dòng tộc Thích Ca (Shakya) anh dũng.
Theo truyền thuyết thì hoàng hậu Maya Devi một hôm nằm mộng thấy bốn vị đại thiên vương khiêng bà cùng chiếc giường đến dãy Hi Mã Lạp Sơn rồi đặt trên đỉnh núi thiêng Kailash. Thình lình một con voi trắng xuất hiện từ phương Bắc, trên chiếc vòi lóng lánh như cái sừng bằng bạc là một bông sen trắng. Con voi đi ba vòng chung quanh chiếc giường rồi húc nhẹ vào sườn bên phải như muốn chui vào bụng. Hôm sau khi tỉnh dậy hoàng hậu kể lại giấc mộng cho nhà vua. Quốc vương bèn mời các tu sĩ Bà La Môn danh tiếng đến nhờ đoán mộng. Họ vui mừng tâu rằng: “Xin bệ hạ yên tâm, hoàng hậu sẽ hạ sinh hoàng tử. Nếu lớn lên hoàng tử vẫn lưu lại cung điện sẽ thành một minh quân cai trị đất nước thật rộng lớn và phú cường. Còn nếu rời bỏ cung điện mà đi tu thì sẽ đắc đạo rồi sẽ dẫn dắt mọi chúng sanh ra khỏi bến mê”.
Gần đến ngày sinh nở, bà tâu với nhà vua cho phép trở về nhà cha mẹ ở Devadaha đúng theo tục lệ thời bấy giờ. Nhà vua ưng thuận và ra lệnh san phẳng con đường từ Ca Tì La Vệ đến Devadaha, đồng thời cho bày biện hoa kiểng, cờ xí hai bên đường. Hoàng hậu ngồi trên chiếc kiệu bằng vàng do thị thần khiêng, phía sau là đám đông dân chúng tiễn chân.
Đi đến khoảng giữa hai châu thành, ngang qua khu rừng Lâm Tỳ Ni đang có rất nhiều cây vô ưu trổ đầy hoa, hoàng hậu ra lệnh dừng lại dạo cảnh. Hoàng hậu dừng chân bên một gốc cây, vừa đưa tay vói cầm cành hoa vô ưu thì ngay lúc ấy bà chuyển dạ. Lúc còn đang đứng, tay nắm cành cây, hoàng hậu hạ sinh hoàng tử. Thế là cả đoàn hộ giá vội vàng đưa hoàng hậu quay trở về cung.
Quãng đời niên thiếu của thái tử Tất Đạt Đa (Siddhartha) sống trôi qua trong nhung lụa xa hoa. Vua cha hết mực cưng chiều và luôn tránh cho con khỏi nhìn thấy những cảnh đau khổ, già nua, bệnh tật, chết chóc, buồn rầu của kiếp người. Ngài được theo học đủ các môn võ bị cũng như làu thông mọi triết thuyết trên đời. Đến tuổi thành niên Ngài cưới vợ rồi có con, sống trong cảnh vàng son và được mọi người trọng vọng.
Cũng theo sử liệu ghi chép, một hôm khi ra khỏi cung điện Ngài mới khám phá ra những đau khổ của cuộc đời và kiếp người, từ đó ngài quyết tâm tìm cho ra giải pháp giúp 17
nhân loại thoát khỏi nỗi đau chung. Thế là vào năm 29 tuổi, thái tử từ bỏ vương quốc, để lại sau lưng vợ đẹp con ngoan mà lên đường tìm chân lý.
Sau đó Lâm Tỳ Ni đã sớm trở thành một nơi linh địa để cho chiêm bái hành hương. Vào năm 250 trước Công nguyên, hoàng đế A Dục (Ashoka) trong chuyến du hành cùng đoàn tùy tùng đến nơi đây đã cho dựng một trụ cột với bức tường đá bao quanh để ghi dấu chuyến viếng thăm của mình. Tại Lâm Tỳ Ni còn có đền thờ hoàng hậu Maya được xây dựng khoảng thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, bên trong có phiến đá khắc họa sự tích Phật đản sinh. Một di tích quan trọng khác nơi đây là hồ Pushkarni, nơi hoàng hậu tắm trước khi lâm bồn mà cũng là nơi hoàng tử Tất Đạt Đa được tắm lần đầu tiên sau khi được sinh ra.
Tuy nhiên lúc chúng tôi đến thì nơi này trông rất đìu hiu, chỉ có một ngôi làng nhỏ với khoảng vài chục người dân sống ngay gần trụ đá vua A Dục, nơi Phật giáng trần. Tôi vô cùng bàng hoàng và xúc động, không ngờ nơi thánh địa quan trọng như vậy mà lại quá điêu tàn! Tôi không cầm được nước mắt, liền trì chú, tụng kinh, tọa thiền, rồi yêu cầu mọi người cùng nhau khấn nguyện. Và một trong những lời cầu nguyện rất thành khẩn mà tôi lặp đi lặp lại rất nhiều lần là mong sao trước khi nhắm mắt tôi có thể nhìn thấy Lâm Tỳ Ni được hồi sinh và phát triển đúng với tầm vóc lịch sử lớn lao của nó.
Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu)
Từ Lâm Tỳ Ni chúng tôi đi tiếp đến Ca Tì La Vệ, kinh đô của vua cha Tịnh Phạn, nơi Đức Phật trải qua cả thời tuổi trẻ cho đến ngày xây dựng gia đình, sống với vợ đẹp con thơ trong phú quý vinh hoa.
Địa điểm này cho đến giờ vẫn còn nhiều tranh cãi vì có người cho rằng Ca Tì La Vệ nay là một vùng ở địa phận Ấn Độ. Nhưng theo tôi thì địa điểm trên đất Nepal có phần chính xác hơn, bởi nó nằm dọc theo dòng sông Balganga vùng Tilaurakot. Lý do là ngày xưa các vương triều thường xây cất cung điện, lâu đài, nhà ở trên bờ sông để dễ di chuyển vật liệu xây dựng.
Những kết quả khai quật khảo cổ cho thấy 2.600 năm trước nơi đây từng tồn tại một xã hội có tổ chức rất qui củ, văn minh và biết thưởng thức cuộc sống. Trước phòng khách lớn là vườn hoa có nhiều hồ sen (hiện nay vẫn còn), gần nhà bếp có giếng nước và nhà ăn. Kế bên phòng khách lại có mấy phòng ngủ xây gần nhau cho khách khứa có chỗ nghỉ ngơi.
Cổng thành có đến ba lớp, hai bên có chốt canh cùng với phòng tiếp tân, chứng tỏ ngày xưa khách phương xa đến viếng sẽ được mời vào ngồi nơi này trong khi chờ đợi quân lính vào bẩm báo với nhà vua. Vào mùa Đông, đứng từ nền cũ của thành Ca Tì La Vệ, khi trời đẹp chúng ta có thể nhìn thấy rặng Hy Mã Lạp Sơn hùng vĩ với chiếc áo khoác trắng tinh dệt bằng tuyết vô cùng lộng lẫy. Chung quanh nơi này vẫn còn những vùng hoang sơ rất nên thơ với hồ ao, rừng cây, chim muông. Ngoài vị thế đẹp, nơi đây còn là vựa lúa của Nepal vì đất đai phì nhiêu, chứng tỏ tổ tiên dòng họ Thích Ca rất am tường kiến thức về canh nông và ý thức phát triển dân tộc rất cao.
Chúng tôi đến đây vào một buổi chiều tà khi hoàng hôn bắt đầu buông xuống và vầng trăng lưỡi liềm treo lơ lửng trên đầu cành. Lần đó đã để lại trong tâm trí tôi một ấn tượng sâu sắc khó quên. Tôi đứng bất động để cho bao ý nghĩ miên man xâm chiếm đầu óc và nước mắt ràn rụa chảy dài trên má. Thỉnh thoảng vài cánh chim lẻ loi bay ngang qua, tiếng hót dịu dàng của chúng càng làm cho tôi thêm xúc động. Tôi có cảm giác như đang nhìn thấy trước mắt hình ảnh một vị hoàng tử trẻ tuổi đã dám hy sinh tất cả, từ bỏ danh vọng tiền tài để theo đuổi ý nguyện giải thoát cho chúng sanh khỏi mọi đau khổ trầm luân.
Xa xa phía ngoài cổng thành là một ụ đất cao, theo truyền thuyết đó là vết tích của con ngựa Kiền Trắc (Kanthaka) khi một mình trở về đã không chịu vào thành mà gục chết ngay tại chỗ. Hiện nay hàng năm người dân địa phương vẫn đến khu vực này để tế lễ. 18
Vệ Xá Li (Vesali)
Theo sử sách, giữa đêm khuya Đức Phật rời cung điện cưỡi con ngựa Kiền Trắc băng qua cổng thành phía Đông ra đi. Lìa bỏ kinh thành, vị thái tử trở thành người tu sĩ và đi bộ khá xa mới tới Vệ Xá Li (Vesali, ngày nay là Vaishali) lưu lại học hỏi với các bậc thầy của nhiều tôn giáo, tông phái khác nhau. Nhưng Ngài sớm nhận ra rằng đấy không phải là chân lý tối thượng nên tiếp tục lên đường.
Vệ Xá Li lúc bấy giờ là kinh đô của Cộng hòa Licchavi, một trong những nước cộng hòa tự trị đầu tiên của thế giới cổ đại (thế kỷ 6 trước Công nguyên) mà người đứng đầu đất nước do dân bầu lên.
Đức Phật sau khi thành đạo đã trở về thăm viếng nơi đây nhiều lần. Vệ Xá Li cũng là trạm dừng chân cuối cùng của Ngài trước khi tiếp tục hành trình đến Câu Thi Na là nơi Ngài nhập niết bàn.
Vệ Xá Li cũng chính là nơi Ni đoàn được thiết lập mà người đầu tiên chính là bà Kiều Đàm Di - mẹ kế của Đức Phật. Sau khi nhà vua Tịnh Phạn băng hà, bà đi bộ vượt hơn bốn trăm cây số từ Ca Tì La Vệ đến nơi này để xin Đức Phật cho xuất gia. Đức Phật từ chối nhưng do đại đệ tử A Nan khẩn cầu nên cuối cùng Ngài nhận lời. Chính vì vậy mà các tôn giáo khác thời đó cũng như bây giờ đã chỉ trích Đức Phật kịch liệt về việc này.
Khi bị xứ Ma Kiệt Đà đem quân tràn đến tiêu diệt, người dân trong vùng chạy tứ tán, một số chạy ngược đến vùng Kathmandu lập vương quốc cũng lấy tên là Licchavi, rồi sau mấy trăm năm lại bị tiêu diệt và đẩy lên vùng núi, nay chính là dân tộc Rai ở trên vùng cao của Hy Mã Lạp Sơn. Từ khoảng 20 năm nay họ có phong trào kéo nhau trở về vùng đồng bằng. Hiện nay sắc tộc Rai còn sinh sống và chúng ta vẫn thấy được sự thông minh, đẹp đẽ, thanh lịch hiện lên trên nét mặt của họ mà Đức Phật thường đề cập trong kinh điển.
Nơi đây hiện nay rất nổi tiếng về trái xoài và vải, đặc biệt giống xoài được người địa phương giữ kỹ như của gia bảo. Nhưng sắc tộc Raj thì không người nào còn sống tại vùng Vaishali, theo nghiên cứu và tìm hiểu của tôi từ nhiều năm trước. Một dân tộc anh hùng, trai tài gái sắc, vang danh thời xưa mà Đức Phật thường ca tụng nay đã bị tiêu diệt gần hết. Thật là vô thường, vô thường!
Vương Xá thành (Rajgir)
Sau Vệ Xá Li chúng tôi đến Hoa Thị Thành (Palatiputra, nay là Patna), một trong những kinh đô đầu tiên của Ấn Độ nằm trên bờ sông Hằng. Từ đây chúng tôi đi về Rajgir, một thị trấn nhỏ, bao bọc bởi nhiều núi đồi rất đẹp và khá yên tĩnh vì dân rất thưa. Nơi này vào thời Đức Phật từng là kinh đô đẹp của xứ Ma Kiệt Đà, một vương quốc hùng mạnh thời bấy giờ, nhiều trang lịch sử đẹp và cũng đầy đau thương đã từng xảy ra tại đây. Nay thì chỉ còn lại sự hoang sơ, bao phủ bởi đồi núi và rừng cây, cách xa thị trấn vài cây số toàn đồng không mông quạnh.
Rajgir (tức Rajagiha) ngày xưa có tên Vương Xá chính là kinh đô xứ Ma Kiệt Đà (Magadha) của nhà vua nổi tiếng Tần Bà Sa La (Bimbisara). Theo sử sách, khi thái tử Tất Đạt Đa đi ngang qua, vua Tần Bà Sa La nhận biết vị tu sĩ này thuộc dòng dõi vương gia với phẩm cách thật cao quí bèn đề nghị:
- Xin Ngài đừng đi tu mà hãy ở lại nơi đây, tôi sẽ chia nửa vương quốc để cùng trị vì.
Đức Phật bèn trả lời:
- Tôi đã từ bỏ cả ngai vàng ra đi thì không có lý do gì lại đồng ý ở đây để nhận nửa vương quốc khác.
Thấy không thể thuyết phục được nên vị vua này đã thỉnh cầu thái tử sau khi đắc đạo hãy trở về thăm ông. Ngài giữ lời và về sau khi thành đạo, Ngài lui tới Vương Xá rất thường xuyên. Cảm kích công đức của Phật, nhà vua tặng Ngài một ngôi vườn trồng nhiều tre tên là Trúc Lâm (Veluvana). Vùng này gắn bó với một quãng đời của Phật đồng thời cũng chứng kiến nhiều chông gai trong đời Ngài. 19
Nơi đây cũng gắn với câu chuyện về nàng Ambapalli của nước cộng hòa Vaishali, một đứa trẻ bị bỏ rơi dưới gốc cây xoài nên mới có cái tên là Amabapalli, mà tôi thường dí dỏm dịch sang tiếng Việt là Công Tằng Tôn Nữ Thị Xoài; về sau lớn lên là một kỹ nữ sắc nước hương trời, vừa xinh đẹp vừa tài năng. Nhan sắc kiêu sa diễm lệ của nàng đã làm bao vương tôn công tử của nhiều nước thời bấy giờ đắm say điên đảo kể cả vua Tần Bà Sa La. Nhà vua nhiều lần giả dạng thường dân đến gặp gỡ nàng và say mê đến độ đã toan cất binh đánh chiếm xứ này. Chuyện kể rằng khi Đức Phật ở trên Linh Thứu Sơn, có lần nhà vua đến hỏi ý kiến Đức Phật về việc ấy. Ngài không trả lời mà quay sang hỏi đại đệ tử A Nan:
- Này ông A Nan, nước đó vợ chồng có yêu quý nhau hay không?
Ngài A Nan trả lời ở nước ấy vợ chồng rất yêu thương quý trọng nhau.
- Thế con cái có yêu quý cha mẹ không?
- Dạ có.
- Vua quan có thương dân chúng không?
- Dạ có.
- Trật tự an ninh ra sao?
- Nơi này nổi tiếng là bình yên nhất.
Khi đó Đức Phật mới quay sang nhà vua:
- Nếu một đất nước mà vợ chồng hòa thuận, con cái tôn trọng cha mẹ, vua quan thương dân, dân quý kính vua quan, xã hội trật tự, thì nơi đó có một sức mạnh phi thường. Chớ bao giờ đụng đến.
Sách ghi lại rằng kể cả những đại đệ tử của Phật như ngài A Nan, Xá Lợi Phất, khi gặp Ambapalli cũng thấy rúng động. Về sau khi qui hướng về với Phật, bà đã cúng dường một vườn xoài lớn tại Vệ Xá Li. Việc bà theo học Phật đã kéo theo một phong trào phụ nữ đến với đạo Phật.
Khi đến thành Vương Xá, trên đường lên Linh Thứu Sơn ở phía trái có vườn xoài của Jivaka, vị bác sĩ riêng của nhà vua. Ông này là con của một người kỹ nữ, bị bỏ rơi ngay khi mới chào đời. Một buổi sáng, vị công tử trong triều vua Tần Bà Sa La đang cỡi ngựa thì nghe tiếng trẻ con khóc nên sai lính hầu đến xem. Người lính nhìn thấy một đứa trẻ đang ngọ nguậy bèn lên tiếng: “Jivaka” có nghĩa là “còn sống”, thế là đứa bé được mang tên đó. Vị công tử đem đứa trẻ về nuôi dưỡng cho đến khi khôn lớn và gửi đi học nghề thuốc với một vị thầy danh tiếng. Sau bảy năm trời miệt mài học hỏi, Jivaka xin với thầy học cho được trở về quê nhà. Ông thầy ra lệnh Jivaka đi vào rừng tìm cho ra một loại thảo mộc không phải là cây thuốc mang về để nghiên cứu. Jivaka vâng lời thầy đi suốt bảy ngày bảy đêm, lặn lội tìm kiếm khắp nơi rồi thất thểu trở về bẩm lại với thầy không thể tìm thấy được. Chừng đó vị thầy mới xác nhận Jivaka đã tiếp thu đầy đủ kiến thức một cách cặn kẽ và cho phép được chính thức hành nghề.
Trở về gia đình với hai bàn tay trắng, thoạt tiên Jivaka có phần bối rối vì chẳng có chút của cải tiền bạc nào để làm lộ phí đi đường. Tuy nhiên ông thầy trấn an rằng với kiến thức của mình Jivaka chẳng những có thể tự nuôi thân mà sẽ trở nên nổi tiếng. Thế là Jivaka yên tâm lên đường. Quả nhiên khi ngang qua vùng Ba La Nại, ông lần lượt được mời chữa bệnh cho nhiều vị phu nhân và được họ biếu tặng nhiều vàng bạc châu báu. Jivaka mang về tặng cho cha nuôi để đền đáp ơn dưỡng dục nhưng vị này không nhận, đồng thời rất vui mừng thấy con nay đã nên người hữu dụng, có thể đem tài năng cứu nhân độ thế.
Tiếng lành đồn xa, nhà vua Tần Bà Sa La nghe tiếng bèn triệu ông vào hoàng cung bổ nhiệm làm bác sĩ riêng kề cận bên mình đồng thời giao nhiệm vụ chăm nom sức khỏe cho tăng đoàn. Nhờ vậy Jivaka có dịp hội ngộ với Đức Phật và tình nguyện xin làm đệ tử. Jivaka cũng tặng cho Ngài một vườn xoài mang tên Jivakambavana. Vườn xoài này kiên cố hơn Trúc Lâm tịnh xá vì cho đến nay vẫn còn lại nền đá với nhiều hành lang dài và hẹp.
Một trang sử đau thương của xứ Ma Kiệt Đà ngay trong thời kỳ Phật tại thế là sự việc vua Tần Bà Sa La bị chính con trai cầm tù và bỏ đói cho đến chết. Trước đây có lần 20
nhà vua ngỏ ý tặng phân nửa đất nước cho Đức Phật nhưng Ngài đã từ chối. Thế mà khi ông giao cả vương quốc cho A Xà Thế (Ajatasattu) thì con trai ông vẫn chưa an tâm nên đã giam cha vào ngục tối. Sử sách còn ghi rằng A-xà-thế đã cắt gân chân của vua cha để ông không di chuyển được.
Khi A Xà Thế lên ngôi bỗng nhiên bị mắc căn bệnh tâm thần. Bác sĩ Jivaka được triệu đến chữa bệnh nhưng cũng bó tay. Jivaka mách rằng căn bệnh này chỉ Đức Phật mới có thể trị dứt được, thế là bác sĩ Jivaka đưa vua A Xà Thế đến gặp Ngài lần đầu tiên. Lúc bấy giờ Đức Phật đang ngụ trong vườn xoài Jivakambavana cùng gần năm trăm tăng chúng. Khác với lệ thường những nơi có đám đông vài trăm người tụ tập bao giờ cũng ồn ào, nhưng ngược lại càng đến gần vườn xoài vua A Xà Thế càng cảm nhận một sự yên tĩnh lạ lùng đến độ ông ta đâm ra hốt hoảng và sợ sệt, tưởng chừng như ai đang có âm mưu hành thích mình. Trong lần diện kiến đó Đức Phật đã giảng kinh Sa Môn Quả nói về luật nhân quả cho vua A Xà Thế nghe.
Hầu như những nơi nào có liên quan đến đời sống Đức Phật về sau đều được xây tháp để tưởng nhớ ngài. Chẳng hạn ngoài cửa thành Vương Xá về phía Bắc có một ngọn tháp khác ghi dấu sự kiện Đề Bà Đạt Đa (Devadatha) và vua A Xà Thế đã thả con voi say để mưu hại Đức Phật. Đề Bà Đạt Đa là người em họ của Đức Phật và là một thành viên quan trọng trong tăng đoàn. Khoảng tám năm trước khi Phật nhập diệt, ông này bày tỏ ý muốn đứng ra thống lĩnh tăng già nhưng không được Đức Phật chấp thuận. Vì vậy ông nhiều lần tìm cách hãm hại Phật nhưng không thành.
Tại thành Vương Xá, ngoài Trúc Lâm tịnh xá còn có những di tích vô cùng giá trị của Phật giáo như Linh Thứu Sơn. Đỉnh núi linh thiêng này đánh dấu nơi Đức Phật thuyết giảng bộ kinh Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa mà ngày nay thu hút rất nhiều khách hành hương đến viếng. Thầy Huyền Trang xưa kia cũng đã từng đến chiêm bái Linh Thứu Sơn và mô tả nơi này rất rõ ràng tỉ mỉ trong trong ký sự của mình.
Khi tới đây, đoàn chúng tôi lần theo con đường mòn mang tên Tần Bà Sa La gợi nhớ sự việc ngày xưa nhà vua thường đi kiệu theo đường này lên đỉnh núi Linh Thứu. Tuy đã có Trúc Lâm tịnh xá của nhà vua tặng nhưng Đức Phật thường lưu lại Linh Thứu Sơn nhiều hơn.
Con đường dẫn lên núi ở phía tay mặt có nền tháp cũ mà theo truyền thuyết chính là nơi hoàng hậu Videhi mở dây buộc bụng. Số là khi mang thai, hoàng hậu thấy lạt miệng và chỉ thèm uống máu tươi. Mới đầu thoạt nghe vua Tần Bà Sa La rất hoảng sợ, vì ngài vốn theo hầu Phật nên không thể hạ lệnh giết bất kỳ tù nhân xấu số nào để thỏa mãn cơn thèm lạ lùng của vợ. Rồi nhà vua nghĩ ra một cách là tự lấy kim nhọn chích vào ngón tay của mình để hứng một ít máu cho vợ. Khi vừa cạn chén hoàng hậu cảm thấy khỏe khoắn hệt như được uống thần dược. Chuyện này khi đem bàn với các chiêm tinh gia thì họ quả quyết rằng: “Đứa trẻ trong bụng về sau sẽ lấy mạng của người mà nó đã một lần được uống máu”. Hoàng hậu nghe vậy rất hoang mang, vừa thương con nhưng cũng lo sợ cho tính mạng của chồng và cuối cùng quyết định giết đứa con còn trong bụng. Bà quan niệm rằng mất đứa con này thì còn đứa khác, chứ nếu nhà vua chết đi sẽ là một thiệt thòi cho đất nước và dân tộc. Thế là bà âm thầm dùng chiếc khăn lớn siết thật chặt quanh bụng. Tuy nhiên nhà vua nhanh chóng khám phá ra sự việc và hết sức phản đối không cho phép hoàng hậu hủy diệt một sinh linh. Nghe theo lời khuyên của chồng, hoàng hậu bèn tháo dây buộc bụng và địa điểm có nền cũ của cái tháp, chính là nơi đã chứng kiến cảnh này.
A Xà Thế sinh ra rất thông minh đĩnh ngộ. Một ẩn sĩ được mời tới xem tướng số và đặt tên cho hoàng tử đã phán rằng: “Đứa trẻ này về sau sẽ là người giết cha”. Hoàng hậu nghe vậy xúc động ngã ra bất tỉnh, đứa con đang bế trên tay rơi xuống đất và bị gãy một ngón tay út. Cái tên A Xà Thế (Ajasastu) được đặt cho đứa con có nghĩa là hoàng tử bị gãy ngón tay.
Cách nền tháp cũ không xa cũng đánh dấu nơi Đức Phật sau khi bị Đề Bà Đạt Đa lăn tảng đá làm bị thương đã được mang tới đây băng bó.
Đi khoảng trăm thước cũng lại có nền tháp cũ đánh dấu địa điểm vua xuống kiệu và tự đi bộ lên núi vấn an Phật.
Qua khỏi nơi này khoảng 400 mét là một nền cũ của tháp có bảng ghi: “Đây là chỗ nhà vua cho đoàn tùy tùng rút lui để một mình lên diện kiến Phật”.
Vượt qua dòng suối Linh Sơn Kiều – mà thầy Huyền Trang có nhắc trong ký sự – vào mùa mưa nước chảy róc rách với phong cảnh rất hữu tình, chúng tôi dừng chân tại một điểm cao, ghé vào chiêm bái các động thiền định của những đại đệ tử Đức Phật như A Nan, Đại Ca Diếp, Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, ngày nay vẫn còn lại những cửa động bằng đá mà nhiều Phật tử đến hành hương dát vàng lấp lánh. Thật xúc động biết bao khi nghĩ đến bao nhiêu thế hệ khách hành hương đã tìm đến đây, biết bao tấm lòng thành kính đã tỏa lan nơi chốn thâm nghiêm này.
Tới một ngã ba, dừng chân nơi con đường đâm thẳng qua dãy núi dẫn lên hương thất Đức Phật, mọi người nghiền ngẫm lại một sự kiện đáng ghi nhớ trong đời của Ngài. Lần đó Đề Bà Đạt Đa liên kết cùng với những thế lực khác tìm cách mưu hại Phật. Hai thích khách được thuê lên núi giết Ngài, nhưng khi đặt chân tới hương thất, mấy lần họ rút gươm ra rồi lại tra vào vỏ mà không sao đang tâm hạ thủ. Cuối cùng hai người đặt gươm kế bên nơi Phật đang ngồi tọa thiền, cung kính cúi lạy Ngài và ôm mặt khóc. Lúc bấy giờ Phật bèn mở mắt ra hỏi lý do. Những người này thú thật được thuê đến đây để giết Phật nhưng không thể ra tay vì cảm nhận sức mạnh tình thương của Đức Phật lan tỏa ra quá lớn. Đức Phật an ủi họ rằng ở đời ai cũng có lúc sai lầm, nay họ đã ăn năn hối cải thì mọi tội lỗi đều được bỏ qua. Ngài lại ân cần dặn dò khi trở xuống đừng theo con đường cũ, bởi vì nếu thấy họ ra về tay không thì những kẻ thuê mướn sẽ thủ tiêu ngay. Hai người này nghe theo lời Phật và khi xuống tới ngã ba thay vì đi đường cũ họ lại rẽ sang đường khác. Điều này ngụ ý nhắc nhở chúng ta trong đời nếu có những lúc phạm sai lầm thì lần sau không nên tái phạm.
Từ điểm cao này nhìn xuống, xa xa phía bên dưới là nền cũ nhà giam vua Tần Bà Sa La. Ngược lại từ nhà giam những hôm đẹp trời có thể nhìn thấy hương thất của Đức Phật. Chính vì thế Đức Phật thường lui tới nơi đó để nhà vua có thể trông thấy Ngài hầu vơi bớt phần nào nỗi đau khổ.
Khi trở xuống, chúng tôi đến thăm nền cũ của ngục thất mà nhà vua Tần Bà Sa La đã bị giam giữ cho đến chết. Trong lòng mọi người tràn ngập niềm thương cảm sâu xa. Truyền thuyết kể rằng hoàng hậu Videhi rất đau khổ vì xót thương chồng mà lại bất lực không ngăn cản được con. Bà phải lén lấy mật ong trộn với bột thoa khắp người để mỗi khi vào ngục thăm chồng thì cạo ra cho nhà vua ăn, nhờ vậy mà ông kéo dài cuộc sống thêm một thời gian. Về sau A Xà Thế lấy làm ngạc nhiên không hiểu sao vua cha bị bỏ đói quá lâu vẫn không chết, bèn cho điều tra và khám phá ra sự thật. Thế là vị vua con hạ lệnh trước khi hoàng hậu vào ngục thăm chồng phải tắm rửa sạch sẽ.
Đặc biệt vua A Xà Thế rất thương yêu đứa con trai của mình. Mỗi bữa cơm ông ta đều ăn chung với mẹ và con trai, mà đứa con của ông lại rất thương con chó nên mỗi lần ăn cơm chung lại có con chó cùng ăn, ông than phiền nhưng cũng không ngăn cấm được con. Một hôm đứa con bị nổi mụt nhọt trên người, nó đau đến độ khóc lóc cả ngày và bỏ cả cơm nước khiến vua A Xà Thế xót xa buồn rầu vô cùng. Hoàng hậu thấy vậy mới nói rằng: “Con biết không, ngày xưa cha yêu quý con còn hơn cả con đối với hoàng tử hiện nay. Ta còn nhớ rất rõ có lần con cũng bị một mụt nhọt ở ngón tay. Cha phải cho ngón tay của con vào miệng hà hơi liên tục, hễ mỗi khi cha ngừng con lại kêu khóc nên cha phải cố gắng thổi cho đến khi mụt nhọt khô đi và rớt trong miệng. Không dám ngưng lại vì sợ con kêu khóc, thế là cha bèn nuốt luôn vào bụng”.
A Xà Thế nghe mẹ kể xong vô cùng xúc động, ông hồi tâm hạ lệnh mở ngục thả tự do cho cha. Nhưng tất cả đều quá muộn màng: vua Tần Bà Sa La đã chết trong ngục tối. Từ đó vua A Xà Thế tỉnh ngộ. 22
Bồ Đề Đạo Tràng (Bouddha Gaya)
Chặng tiếp theo của hành trình, chúng tôi đến hang động trong núi Khổ Hạnh Lâm, nơi xưa kia Đức Phật trải qua thời kỳ tu khổ hạnh.
Giống như một thầy thuốc thấy mọi người đang bị một căn bệnh nan y hành hạ nên thiết tha mong muốn tìm ra thứ thuốc hiệu nghiệm để cứu chữa, nhưng không phải cứ tìm là gặp được thuốc hay, ngược lại có khi phạm phải sai lầm chết người. Đó là trường hợp của thái tử Tất Đạt Đa khi theo tông phái quan niệm rằng những đau khổ trên đời chẳng qua là do cái thân này, nó như cái thùng chứa đầy sự dơ nhớp, tham sân si, chứa đầy tội lỗi… Vì vậy muốn hết khổ thì phải diệt nó đi, phải tìm cách thiêu hủy nó. Thế là tại vùng núi Dukgiri(Dungiri) gần cánh rừng Uruvela Vana, Ngài cùng với năm anh em A Nhã Kiều Trần Như thực hành những phương pháp tự hành xác khắc nghiệt nhất trong nhiều năm trời. Nhưng rồi Ngài vẫn không đạt được những gì mình mong mỏi.
Một buổi chiều khát nước đến khô cổ, Thái tử gắng gượng lê bước đến con sông Ni Liên Thuyền thì ngã quỵ. Tuy nhiên tinh thần vẫn còn minh mẫn nên Ngài cố sức bò về hang núi ngồi tham thiền. Đêm hôm ấy trăng tròn, dưới chân núi có người đang so dây đàn, nhưng khi dây bị chùng quá âm thanh không phát ra được, còn căng quá thì bị đứt. Thái tử tĩnh tâm lắng nghe, lát sau khi đàn đã được lên dây đúng độ thì bắt đầu phát ra giai điệu trầm bổng du dương. Lúc ấy Ngài khám phá ra một điều vô cùng quan trọng: mọi cách thức cực đoan đều không tìm ra chân lý. Xác thân tuy là nguyên nhân của mọi đau khổ nhưng nếu tiêu diệt nó đi thì lấy gì để đi tìm chân lý? Khi chiếc ghe chưa qua được bờ sông bên kia thì đừng đục phá nó.
Thế là thái tử nhất quyết từ bỏ con đường khổ hạnh cực đoan, thọ nhận chén cháo sữa của nàng Sujata dâng cúng. Sau khi dùng xong, Ngài cảm thấy sức khỏe bắt đầu phục hồi. Để xác quyết thuyết trung đạo là chân lý thật sự đưa đến giác ngộ, Ngài nói khi bình bát Ngài quăng xuống dòng sông Ni Liên mà trôi ngược dòng nước thì chân lý Ngài vừa tìm được là đúng. Quả thật vậy, bình bát của Ngài đã trôi ngược dòng nước. Rồi Ngài băng qua con sông Ni Liên Thuyền đến ngồi nhập định dưới cây bồ đề và cuối cùng đã tìm ra được con đường chấm dứt mọi đau khổ.
Hàng ngàn năm đã trôi qua, cho đến nay tư tưởng của Ngài truyền lại cho đời sau vẫn còn nguyên giá trị.
Đây cũng chính là điều tôi đã chiêm nghiệm được qua giáo lý Phật và cùng chia sẻ với các anh em đồng hành. Đó là trong việc tu tập phải nhớ không được quá nuông chiều thân xác nhưng đồng thời cũng không nên quá hành xác. Đức Phật đã dạy cả hai lối sống và tu tập cực đoan đều là sai lầm dẫn đến đau khổ. Tu mà thân tâm không an lạc, ăn uống theo kiểu ép xác khiến cho cơ thể suy nhược, đau yếu thì không sao có thể đắc đạo được. Tôi cũng tin rằng những vị xuất gia hay tại gia mà mặt mày lúc nào cũng ủ rũ, nhăn nhăn nhó nhó, than phiền chỉ trích đủ điều, thấy ai cũng xấu, coi tất cả thế giới đều là một màu đen, thấy cái gì cũng hốt làm của riêng, tự cho mình là cao thượng, chỉ có mình, tông phái mình, phe phái mình là trên hết, là tối thượng, không ai có thể sánh bằng, rồi chứng quả này quả nọ, khoe mình có phép thần thông, nhưng lại tham sâm si đầy rẫy, như vậy thật khó mà đắc đạo. Theo tôi nghiên cứu và nhận xét, Đức Phật vốn là một người vô cùng lạc quan yêu đời và có dư tình thương nên Ngài mới làm được nhiều việc phi thường, Ngài mới phân phát được cho chúng sanh, cũng như chúng ta phải có dư tiền của mới đem cúng dường được, vì rõ ràng ta không thể cho cái mà ta không có.
Lần theo con đường đi của Phật, chúng tôi đến Bồ Đề Đạo Tràng. Mọi người bồi hồi băng qua sông Ni Liên Thuyền đến tá túc trong ngôi chùa Myanmar tại vùng này. Sáng hôm sau tôi đưa anh em đến viếng nơi Phật đắc đạo.
Sách kể rằng Ngài đến ngồi kiết già dưới cội bồ đề và phát nguyện không đứng dậy nếu chưa chứng đắc được chân lý. Đêm trước khi Ngài đắc đạo, Ma vương đã dùng những ca nữ xinh đẹp múa hát quyến rũ để cản trở những nỗ lực của Ngài nhưng tất cả đều thất bại. Ngày hôm sau khi mặt trời mọc Ngài đã đạt được toàn giác. 23
Sau khi đắc đạo, Đức Phật đã ngồi kiết già ngay chính Kim Cang Tòa (Vajrasana) dưới cội bồ đề trong suốt bảy ngày đêm để cảm nhận hết những an lạc, những chân đế của Niết bàn.
Ở phía Đông Bắc cây bồ đề là tháp đánh dấu nơi Đức Phật đứng suốt tuần lễ thứ hai nhìn về cây bồ đề để bày tỏ sự tri ân đến cây bồ đề đã che mưa che nắng cho đến khi Ngài thành đạo (Animesa Locana), điều này cho chúng ta thấy Đức Phật rất tôn trọng lòng tri ân.
Tuần lể thứ ba Đức Phật đi bộ phía Bắc đại tháp gần cội bồ đề (Chakamana). Ngài đi bộ từ đông qua tây suy nghĩ về hạnh phúc giác ngộ của Ngài: Không biết hạnh phúc này có nên dành lại cho riêng mình hay chia sẻ cho mọi chúng sanh. Cuối cùng Ngài quyết định đem kết quả tuyệt vời tìm được chia cho chúng sanh. Điều này nói lên tâm hồn rộng lớn của Phật, đồng thời cũng nói lên sự thành tâm của Ngài. Như người đói khát đã tìm đươc quá nhiều của cải, lẽ ra nên dành riêng cho mình và gia đình, nhưng ngược lại Ngài quyết định chia cho tất thảy mọi người. Vì vậy Ngài dành trọn 45 năm của cuộc đời mình để chia sẻ Phật Pháp cho chúng sanh.
Ngài trải qua tuần lễ thứ tư thiền định trong ngôi đền nhỏ không có mái che Ratanaghara.
Tuần thứ năm Ngài ngồi dưới cây ni-câu-đà (ajapala nignodha) nơi nàng Sujata đã dâng bát cháo trước đây.
Tuần thứ sáu Đức Phật trở ra bên hồ Muchilinda nơi con rắn chúa đã che chở cho Ngài khi trời mưa.
Và cuối cùng Phật qua tuần lễ thứ bảy dưới cây Rajyatana. Sau đó Ngài trở lại cội bồ đề và suy nghĩ cách để truyền đạt chân lý giác ngộ cho chúng sanh.
Hơn hai ngàn năm trăm năm sau, cũng tại nơi ấy chúng tôi cùng ngồi tập trung tĩnh tâm trong vòng 10 phút đồng hồ. Tôi tụng một thời kinh và niệm Phật. Đối với đa số anh em đó là lần đầu tiên trong đời họ thực hành thiền định. Mọi người vô cùng ngạc nhiên khi chỉ qua mấy phút ngắn ngủi mà họ tìm thấy một sự an lạc cao độ. Đây cũng là một trong những điều lạ lùng mà vùng đất thiêng này mang tới cho con người. Ai nấy đều cho rằng từ trước đến nay chưa bao giờ cảm nhận được một niềm hạnh phúc và bình an lạ lùng tràn ngập trong tâm hồn như thế. Tôi rất vui mừng về sự mầu nhiệm này. Suốt cả tuần lễ hàng ngày chúng tôi cùng nhau ra bên cây bồ đề để tôi tiếp tục hướng dẫn cách tu tập.
Ba La Nại – Lộc Uyển (Benares – Sarnath)
Từ Bồ Đề Đạo Tràng, chúng tôi đi xe lửa đến Ba La Nại thuộc bang Uttar Pradesh cách đó khoảng 265 cây số để viếng thăm sông Hằng. Đây là một thành phố cổ được xây dựng từ 3.000 năm trước Công nguyên, được xem là một trong những vùng đất thiêng liêng nhất của Ấn Độ giáo. Có thể nói những phong tục tập quán hàng ngàn năm của xứ Ấn Độ đến nay vẫn còn tiếp tục diễn ra nơi đây và thời gian không hề có tác dụng làm thay đổi. Thành phố này cũng là nơi ghi lại nhiều dấu ấn liên quan đến cuộc đời Đức Phật.
Dọc theo bến song có nhiều bậc thang lót bằng những khối đá, tiếng Ấn gọi là Ghat, là nơi mà tín đồ Ấn Độ giáo ngày ngày tập trung đến để cầu nguyện, cúng dường, thiền định, tắm rửa, thả hoa đèn và thiêu xác. Trên bờ bập bùng ánh lửa của những dàn thiêu với nghi thức tiến hành y hệt như cách đây hằng mấy ngàn năm.
Từ nơi này chúng tôi thuê xe đi đến Lộc Uyển. Sau khi đắc đạo, Đức Phật vượt hơn 200 cây số đường rừng đến Sarnath để tìm gặp lại năm anh em A Nhã Kiều Trần Như từng cùng tu khổ hạnh trước đây. Đức Phật cho biết mình đã chứng ngộ được chân lý và thuyết giảng bài kinh đầu tiên mang tên “Chuyển pháp luân”.
Ngài cho biết đã thể nghiệm ra con đường trung đạo đem đến trí tuệ, giải thoát mọi ràng buộc khổ đau và phát sinh an lạc. Đó là con đường bát chánh (bát chánh đạo): Chánh kiến (Hiểu đúng), Chánh tư duy (Nghĩ đúng), Chánh ngữ (Nói đúng), Chánh nghiệp (Hành động đúng), Chánh mệnh (Kiếm sống đúng), Chánh tinh tấn (Nỗ lực đúng), Chánh niệm 24
(Chú tâm đúng), Chánh định (Tập trung đúng). Sở dĩ gọi là chánh đạo vì đây là con đường của sự tỉnh thức, đối diện trực tiếp với khổ đau để diệt trừ chứ không phải để trốn tránh nó.
Đồng thời Đức Phật cũng nói về bốn sự thật mầu nhiệm gọi là Tứ diệu đế mà người tu đạo phải thấu hiểu.
Sự thật thứ nhất là “khổ đau” (Khổ đế): Sinh - lão - bệnh - tử là khổ, buồn - giận – ghen - tức - lo âu - sợ sệt - thất vọng là khổ, chia cách người thân hay chung đụng với người ghét cũng là khổ, sa vào trong ngũ uẩn (sắc: thân thể, thọ: cảm giác, tưởng: tri giác, hành: tâm hành, thức: nhận thức) cũng là khổ.
Sự thật thứ hai là “nguyên nhân của khổ đau” (Tập đế): Nắm rõ nguyên nhân của khổ là dục vọng và lòng ham mê lúc nào cũng đòi hỏi phải được chiều theo nhưng không bao giờ thỏa mãn.
Sự thật thứ ba là “chấm dứt khổ đau” (Diệt đế): Khi từ bỏ mọi dục vọng coi như đạt đến chân lý.
Và thứ tư là “con đường diệt khổ” (Đạo đế): Hiểu được đường dẫn đến giải thoát và kiên trì đi theo, đó chính là con đường bát chánh đạo.
Bài giảng này Đức Phật thuyết pháp vào năm 528 trước Công nguyên cho năm vị tỳ kheo, những người này hình thành nên tăng đoàn (sangha) đầu tiên trong lịch sử Phật giáo.
Câu Thi Na
Từ Lộc Uyển chúng tôi trực chỉ đến Câu Thi Na (Kushinagar), băng ngang những cánh rừng sala xanh ngát đẫm nước mưa để đến viếng nơi Đức Phật nhập diệt. Sau 45 năm đi khắp nơi để giáo hóa độ sanh, vào cuối năm 484, Đức Phật điềm tĩnh báo cho đại đệ tử A Nan biết rằng khoảng ba tháng sau Ngài sẽ đến thành Câu Thi Na – thủ phủ của tộc Malla – mà nhập Niết Bàn.
Có đến hơn 300 vị tăng chúng đi theo Ngài trong chuyến đi này. Dọc đường, Đức Phật nghỉ lại trong vườn xoài của cư sĩ Cunda, một người thợ rèn. Trong khi người nhà dọn thức ăn cho các vị tăng chúng thì đích thân Cunda cung kính dâng một món ăn đặc biệt dành riêng cho Ngài, đó là món Sukara Maddava. Sau khi thọ trai xong, Phật gọi Cunda đến bảo: “Con hãy đào đất chôn phần còn lại của món ăn này, đừng để cho ai ăn nữa”. Rời nhà Cunda, đoàn tăng già ra đi thẳng đến Câu Thi Na. Giữa đường Đức Phật bị một cơn đau bụng dữ dội, Ngài dừng lại và ngồi nghỉ giữa hai cội cây trong khu rừng sala rất đẹp. Lúc bấy giờ tuy không phải đương mùa mà những cây sala đột nhiên nở hoa trắng xóa và rụng đầy trên người đấng Như Lai cũng như trên áo của các vị đệ tử của Ngài. Đức Phật nằm trong thế sư tử tọa, đầu hướng về phương Bắc, trong lúc vầng dương đang ngả về phía Tây chiếu ánh sáng rạng rỡ khắp chân trời, làn gió nhè nhẹ rì rào mơn man trên những cành lá. Và từ đó Ngài nhẹ nhàng vào cõi Niết bàn.
Trong suốt sáu ngày đêm, chư thiên và dân chúng hai thị trấn Câu Thi Na và Pava cùng nhau thành kính cúng dường Đức Phật bằng hoa, hương, vũ và nhạc. Đến ngày thứ bảy, một đám rước vĩ đại được tổ chức để cung nghinh kim thân Đức Phật đến ngôi đền chính của bộ tộc Malla và an vị ngay phía trước. Kim quan Ngài được long trọng đưa đến một hỏa đàn chất toàn bằng gỗ quí ngát hương thơm.
Tin Đức Phật nhập diệt sớm loan truyền đi khắp nơi và sứ đoàn các nước đều vội vã lên đường kịp có mặt tại Câu Thi Na tham dự lễ hỏa táng. Tuy nhiên một vấn đề nảy sinh là tất cả tám nước chung quanh đều có nguyện vọng được gìn giữ xá lợi của Ngài, dẫn đến bất đồng ý kiến đầy căng thẳng, suýt có một cuộc chiến tranh xảy ra giữa các nước vì dành xá lợi Phật. Nhưng may thay có một vị Trưởng lão đã thành công đứng ra hòa giải và cuối cùng đi đến thỏa thuận chia xá lợi của Đức Phật ra tám phần cho các nước mang về đặt trong bảo tháp thờ và cúng dường.
Ngày nay khách hành hương tới Câu Thi Na đều đến đảnh lễ tại ngôi tháp trước đây nhiều thế kỷ vốn là tịnh xá bằng gạch nơi đặt bức tượng Phật nhập niết bàn bằng đá dài hơn sáu mét. Sau nhiều năm bị chôn vùi dưới đống đổ nát, khi được khai quật lên vào năm 1876, mầu nhiệm thay bức tượng thiêng liêng vẫn còn nguyên vẹn với nhiều bộ hài cốt phủ phục bên trên mà người ta tin rằng đó là thi thể của những tăng sĩ liều chết lấy thân mình che chở không cho những kẻ cuồng tín hủy hoại tượng Phật nhập niết bàn. Tượng rất đẹp, tạc Đức Phật nhập diệt trong tư thế vô cùng thanh thoát an lạc, đây là một tác phẩm điêu khắc tuyệt tác của thời đại vàng son thời Gupta.
*
* *
Chuyến hành trình theo dấu chân Đức Phật là một niềm vui đồng thời cũng là một nỗi hoài cảm man mác trước những cảnh đổ nát và hiu quạnh ở hầu hết các thánh tích. Chúng tôi sử dụng tất cả mọi phương tiện từ xe ngựa, xe bò, xe lôi, kể cả di chuyển bằng voi. Dù hết sức vất vả nhưng anh em vẫn thích thú vì có dịp tiếp xúc với bao nhiêu cảnh lạ cùng phong tục tập quán mỗi nơi mỗi vẻ làm phong phú thêm vốn sống.
Vào đầu thế kỷ 21 hiện nay, tức gần 40 năm sau, con đường của người hành hương trở nên đơn giản tiện nghi hơn nhiều, nhưng đồng thời cũng bớt đi những điều thú vị mà chúng tôi được thưởng thức trước đây.
Sau chuyến hành trình gian nan, khi trở về anh em rất phấn khởi và thay đổi rõ rệt. Hầu hết những anh em này từng đã đi du lịch nhiều nơi trên thế giới, nhưng chưa có ở đâu mang lại cho họ nhiều cảm nghiệm sâu sắc như nơi đây. Anh em bắt đầu đề nghị tôi mở những khóa hướng dẫn tu tập rồi những năm tiếp theo hầu như chúng tôi đều thu xếp cùng đi hành hương với nhau đều đặn mỗi năm.
Trước đó chúng tôi đối với nhau thân tình theo kiểu bằng vai phải lứa rất thoải mái, nhưng dần dà mọi người thay đổi cách cư xử, đối với tôi bằng thái độ cung kính, nhường cho tôi mọi thứ tốt nhất, thậm chí lại tách ra ăn riêng chứ không dám ăn chung nữa.
Đặc biệt trong đoàn có cả giáo sư Durant, một hôm bỗng dưng khi nói chuyện với tôi ông buột miệng gọi: “Thưa thầy”. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, ông giải thích một cách đơn giản:
- Trước đây anh là học trò của tôi, nhưng sau thời gian được anh hướng dẫn tôi cảm nhận một sự an lạc trong tâm hồn xưa nay chưa từng bao giờ trải qua. Vì vậy tôi xem anh như một người thầy về mặt tâm linh.
Thế là chúng tôi cùng cười với nhau và nói rằng:
- Thôi thì chúng ta cùng là thầy của nhau, thầy qua thầy lại thế là huề!
Kết thúc chuyến đi, chúng tôi quay về trời Âu và mỗi người lại bị cuốn vào những lo toan đời thường của riêng mình.
HT Thích Huyền Diệu