Hiện nay việc trông coi chùa nhờ vào Hội đồng điều hành gồm tổng cộng 326 người đều là những vị rất gắn bó ngay từ thuở ban đầu xây cất chùa. Chỉ một ít người thường xuyên làm việc trực tiếp với tôi như bà Sâm, ông Trí, bà Liên, chị Hélène, các anh François, Jérôme, Durant, Jacques…, đa số còn lại duy trì mối quan hệ thư từ mà không ra mặt.

Một thành viên trong Hội đồng điều hành giữ liên lạc thường xuyên với tôi là cô Trần Thị Hạnh, pháp danh Từ Ngọc Duyên, sinh sống tại Canada. Năm nay cô đã ngoài 80. Tuy điều kiện tài chính không dồi dào nhưng cô rất thành tâm, cố gắng tiết kiệm để thỉnh thoảng gửi cúng chùa 10 đô la, 20 đô la. Khoản tiền này đối với tôi có giá trị rất lớn vì nó chuyên chở cả tấm lòng thành của cô. Ngoài ra, cô còn ưu ái dành cho tôi một công đức. Thông cảm với những gian nan của tôi trong việc xây dựng chùa nên mỗi khi tụng một thời kinh nào cô đều hồi hướng công đức cho tôi. Cô nói một câu khiến tôi rất cảm động:

- Thưa thầy, con biết thầy rất bận bịu ít có thì giờ tu tập nên con tụng kinh thay cho thầy.

Điều này giúp tôi tăng thêm sức mạnh và nghị lực, mặc dù đôi lúc tôi cũng cười thầm khi nghĩ rằng chuyện tu tập mà cũng có người… tu giùm.

Hai người khá thân thiết khác là vợ chồng anh Liêm và chị Loan. Sang Mỹ với hai bàn tay trắng, sau mấy chục năm vợ chồng anh trở nên một trong những người thành đạt ở đất Hoa Kỳ. Tuy thành công nhưng họ vẫn giữ cuộc sống giản dị. Năm 1989 khi tôi sang Mỹ có dịp gặp gỡ và cả hai vợ chồng cùng tôi sang Ấn Độ chiêm bái ngay trong năm đó. Sau khi nhìn thấy công việc tôi làm, anh chị rất xúc động và hứa trở về Mỹ thu xếp công việc trong sáu tháng rồi sẽ trở qua tiếp tay với tôi.

Ý nguyện ấy phải đến 13 năm sau mới có thể thực hiện được. Vào năm 2002, vợ chồng anh mời tôi đi viếng ngọn núi thiêng Kailash ở Tây Tạng rồi cùng trở về Việt Nam Phật Quốc Tự tại Bồ Đề Đạo Tràng. Dịp này anh chị xin được cúng dường toàn bộ chi phí lát đá cẩm thạch nền chánh điện và đích thân anh đứng ra trông coi thợ làm đến khi hoàn tất.

Trước đó anh chị thường than phiền:
- Chúng tôi lấy làm lạ tại sao chưa bao giờ thầy đặt vấn đề yêu cầu chúng tôi đóng góp gì cả?
Tôi cười nói:

- Đi xin tiền tôi mắc cỡ lắm nên ít khi hỏi xin. Vả lại anh chị có lòng thì cúng cho chùa chứ bản thân tôi cũng không có nhu cầu gì.

Một người trong Hội đồng điều hành có nhiều nhiệt tâm và rất gắn bó với chùa là bà Bùi Thị Sâm, pháp danh Diệu Nhung. Năm 2003 bà đã 77 tuổi. Quê quán bà ở Hà Đông, có đến 12 người con và lập nghiệp tại miền Nam. Sau năm 1975 bà cùng các con sang Mỹ rồi qua Pháp định cư. Bà là người bộc trực, khá nóng tính, tuy là phụ nữ nhưng tính cách cứng cỏi còn hơn đàn ông. Một tay bà quán xuyến lo lắng mọi mặt cho chồng con. Khi còn trẻ bà không hề quan tâm đến tôn giáo, đến lúc về già bà tìm đến Phật pháp và kể từ đó rất tận tụy trong việc đạo.

Hiện nay bà là Chủ tịch Hội Phật giáo tại Montpellier (Pháp). Thông thường bà rất tiết kiệm trong chi tiêu nhưng hễ cần tiền cho việc phước đức thì không bao giờ đắn đo. Bà có dâu lẫn rể là người nước ngoài nhưng đều chăm lo cho bà rất chu đáo. Tuy nhiên khi đến đất Phật bà làm việc quần quật chẳng khác gì người làm công. Điều này khiến tôi rất cảm động. Bà có lòng quý mến nên đề nghị nấu cơm cho tôi nhưng tôi không bao giờ dám nhận. Với một người công đức lớn lao như vậy nếu mình thọ dụng không khéo sẽ bị tổn phước. Ngay cả những đồ đạc bà cho tôi cũng không dám sử dụng.

Ngoài ra còn có ông bà Ngô Văn Cử ở Mỹ, cũng như rất nhiều vị khác ở Âu châu, Úc châu, Việt Nam rất nhiệt tâm với việc chùa. Lại có nhiều anh chị em phát nguyện ba tháng không ăn sáng hay một nhóm khác nhịn ăn tối suốt hai tháng để góp tiền gửi sang cho chùa. Tôi hết sức trân trọng và hiểu rõ rằng nếu không có những con người thành tâm như thế thì Việt Nam Phật Quốc Tự không đạt được những thành tựu như hiện nay.

Tôi còn giữ ấn tượng rất đẹp trong một lần đến New Zealand dự hội nghị về giáo dục vào khoảng năm 1995. Hôm đó tôi vào siêu thị tìm mua mấy món đồ, bỗng nhiên có hai vợ chồng người châu Á cứ lẽo đẽo đi theo, nhưng hễ tôi quay lại thì lập tức họ nhìn đi chỗ khác. Suốt hơn một tiếng đồng hồ như thế, tôi cảm thấy lạ lùng bèn chặn họ lại và hỏi:

- Xin lỗi ông bà có phải là người Việt Nam không?
Cả hai tỏ vẻ bối rối:
- Dạ đúng rồi. Chúng con là người Việt Nam.

- Tại sao nãy giờ hai ông bà cứ đi theo tôi hoài vậy?

Bỗng nhiên hai người chắp tay xá tôi:
- Thưa thầy, có phải đúng là thầy Huyền Diệu không? Chúng con nhìn thấy thầy trong một cuốn phim nói về đất Phật.
- Dạ phải, tôi là Huyền Diệu. Nhưng ông bà cần gì?
Cả hai tỏ ra rất vui mừng:
- Chúng con muốn mời thầy về nhà, nhưng không biết có đúng người hay không nên còn ngần ngại.

Tôi ngạc nhiên:

- Sao ông bà không hỏi, nếu không phải thì thôi chứ có gì đâu mà ngại? Ông bà cứ bám riết phía sau khiến tôi tưởng lầm là công an theo dõi.

Thế là họ chở tôi về nhà. Hai vợ chồng khoảng 60 tuổi, đều là công nhân và đang tá túc trong một căn nhà cũ kỹ không được tiện nghi lắm. Họ ân cần mời nước và hỏi tôi muốn xem phim giới thiệu về tôi hay không? Tôi cám ơn và từ chối vì không có thì giờ. Sau đó họ trịnh trọng mang ra một bao thư đựng 25 đồng New Zealand (tương đương 10 đô la Mỹ) và nói rất chân thành:

- Đây là tấm lòng của chúng con xin được đóng góp một viên gạch nhỏ cho ngôi chùa Việt Nam đầu tiên trên đất Phật. Xin thầy cầu nguyện cho gia đình con được an vui hạnh phúc.

Tôi cầm bao thư mà cảm động rơi nước mắt. Tôi còn nhớ người vợ tên là Thúy còn người chồng tên Võ Văn Sang.

Một vị giáo sư khác người Âu Mỹ đã góp tiền xây dựng 10 căn phòng cho chùa, tôi dự định gắn một tấm bia kỷ niệm trước dãy phòng này để tri ân nhưng ông nhất quyết từ chối và nói rằng : không nên để cho ai biết việc làm này ngoài Đức Phật, ông ta và tôi. Chỉ ba người biết là quá đủ rồi và ông xin mang tấm bia về nước để giữ làm kỷ niệm. Quả thật, đây chính là hành động bố thí của các vị có hạnh nguyện Bồ Tát, điều này đã làm cho tôi có thêm nghị lực và tình thương trong việc tiếp tục xây cất ngôi chùa đầy khó khăn tại thánh địa.

Ngoài ra còn có rất nhiều vị ân nhân ẩn danh mà tôi mong ước một ngày nào đó sẽ hân hạnh được diện kiến. Những người này thấu hiểu khó khăn của chùa nên đã âm thầm đóng góp bằng cách chuyển tiền – có khi là khoản lớn lên đến cả trăm ngàn USD – vào tài khoản của chùa tại ngân hàng dưới hình thức ẩn danh. Lại có những người thỉnh thoảng mua vé số gửi đến chùa qua đường bưu điện. Điều này khiến tôi rất cảm động và tri ân tất cả những tấm lòng đã hướng về Việt Nam Phật Quốc Tự.

Cuối cùng nhờ vào sự gia trì của Tam Bảo, của hồn thiêng đất nước và sự ủng hộ chân thành của những vị hảo tâm khắp nơi, chúng tôi lần lượt vượt qua mọi trở ngại để ngôi chùa được hoàn thành vượt quá sự mơ ước ban đầu.

HT Thích Huyền Diệu



Có phản hồi đến “Tình Thương Và Lòng Độ Lượng - Tri Ân Những Tấm Lòng”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com