Lúc còn ở trong nước, tôi đã may mắn được đọc khá nhiều tài liệu về ngài Huyền Trang, ở tài liệu nào tôi cũng tìm thấy nhiều điều vô cùng hấp dẫn về con người phi thường này, một con người đầy tình thương, lòng độ lượng và dũng cảm, mà lại vô cùng khiêm cung, lễ độ. Ngài là một con người sống đầy lý tưởng cao quý, không những cho đất nước của mình mà cho cả nhân loại, nên càng đọc về lịch sử của ngài tôi lại càng thấy thích, càng muốn sống một cuộc sống có ý nghĩa để noi theo gương con người vô cùng vĩ đại đó.
Khi sang Pháp, tôi đã có dịp đọc được tập sử liệu đặc sắc “Đại Đường Tây Vực ký” của thầy Huyền Trang. Trong cuộc sống, nếu có những người chỉ đeo đuổi mục đích làm giàu hay tạo dựng danh vọng cho bản thân, thì ngược lại cũng có nhiều người sẵn sàng cống hiến cả đời mình để phụng sự cho lợi ích của nhân loại. Một trong những tấm gương sáng chói là thầy Huyền Trang, một con người bằng xương bằng thịt như tất cả chúng ta, nhưng có ý chí sắt đá, một tình thương rộng lớn, một tấm lòng sắt son theo đuổi đến cùng lý tưởng cao quý của mình.

Vào năm 629 khi vừa tròn 28 tuổi, Thầy bắt đầu rời đất nước Trung Hoa, khởi hành từ Trường An đi bộ theo con đường tơ lụa, trải qua biết bao gian lao khổ ải để đến vùng đất Ấn Độ. Mãi đến năm 645 Thầy mới về đến thành Trường An, nghĩa là đã rời Đại Đường tổng cộng 17 năm, gồm hai năm đi đường, hai năm trở về và 13 năm lưu lại Ấn Độ.

Thầy Huyền Trang chu du nhiều nơi để học đạo, tu tập, thu thập kinh điển và thăm viếng nhiều thánh tích Phật giáo. Trên đường đi Thầy ghi chép lại tỉ mỉ từ địa thế, cảnh vật, khí hậu cho tới phong tục tập quán của từng nơi mình đi qua bằng những nhận xét sâu sắc và vô cùng tinh tế. Những tư liệu cực kỳ quý giá này chẳng những giúp người Trung Hoa thời xưa mà cả những học giả thời nay hiểu được cặn kẽ về đất nước Ấn Độ, Nepal, Pakistan, Bangladesh và hàng trăm xứ khác trên đường đi. Đồng thời các nhà khảo cổ học đã căn cứ vào đó mà phát hiện ra bao nhiêu dấu vết, di tích lịch sử liên quan đến đời sống Đức Phật.

Tính ra Thầy Huyền Trang đã đi gần 30 ngàn cây số, qua 128 nước và mang về tổng cộng 657 bộ kinh. Sau khi về nước, dù được vua Đường Thái Tông trọng dụng, Thầy không ra làm quan mà chuyên tâm dốc chí dịch kinh Phật trong suốt 20 năm cuối đời.

Nếu những ghi chép trong quyển Du Ký cho thấy rõ tính khoa học của Thầy thì khi tổ chức công việc dịch thuật Thầy tỏ ra tài tình và chu đáo không thua gì một cơ quan văn hóa ngày nay. Để tiến hành sự nghiệp vĩ đại này, Thầy tổ chức đời sống cực kỳ nề nếp và khắc khổ, canh ba mới đi nghỉ mà canh năm đã dậy, ngày này qua ngày khác, năm này sang năm nọ không hề sai chạy. Công việc của Thầy mang lại kết quả lớn lao, không những làm cho đạo Phật phát triển mạnh ở khắp Đông Á mà còn ảnh hưởng lớn đến ngôn ngữ và văn học Trung Hoa.

Gương hy sinh và chuyến hành hương thỉnh kinh vô tiền khoáng hậu của thầy Huyền Trang càng thôi thúc ước mơ thuở nhỏ trong tôi. Tôi bắt đầu say mê nghiên cứu đất nước, con người và nền văn minh Ấn Độ, với ước vọng tha thiết có được cơ hội đến chiêm bái một trong bốn thánh địa của Phật giáo. Đó là Lâm Tỳ Ni (Lumbini, thuộc Nepal) nơi Đức Phật giáng trần, Bồ Đề Đạo Tràng (Bouddha Gaya) nơi Phật đắc đạo, Lộc Uyển (Sarnath) nơi Ngài thuyết giảng lần đầu tiên và Câu Thi Na (Kushinagar) nơi Phật nhập Niết Bàn (cả ba thuộc Ấn Độ).

Ngoài ra tôi lại may mắn thêm được đọc một đoạn kinh Đại Bát Niết Bàn (Mahaparinirvana), Đức Phật Thích Ca khuyên các đệ tử nên đi chiêm bái một trong bốn thánh địa, điều này làm tăng thêm niềm khát khao viếng các thánh tích Phật giáo của tôi.

Tuy nhiên kinh nghiệm cho tôi thấy rằng ngoài điều kiện kinh tế còn phải có phước duyên mới đến được những nơi linh địa. (Chẳng hạn như tôi có một môn sinh rất giàu có, từng đi chu du nhiều nơi trên thế giới. Sau khi đến với Phật pháp, anh đề nghị tôi sắp xếp dịp nào hai thầy trò cùng đi viếng bốn thánh tích Phật giáo bằng máy bay riêng của anh. Nhưng rồi cả tám lần chuẩn bị lên đường, lần nào cũng gặp trở ngại khách quan khiến cho chuyến đi không thành. Rồi anh chẳng may mắc phải một căn bệnh nan y và coi như ước nguyện đó không bao giờ thực hiện được).

Đến cuối năm 1969, khi còn đang theo học tại đại học Nantes và Sorbonne bên Pháp, tôi có dịp đến Bồ Đề Đạo Tràng lần đầu tiên trong đời.

Bouddha Gaya là một thị trấn nhỏ thuộc bang Bihar ở miền Đông Bắc Ấn Độ, cách thủ đô New Delhi chừng 1.000 cây số. Lần đầu tiên đặt chân đến vùng đất được mệnh danh là cái nôi của Phật giáo, nơi Phật Thích Ca thành đạo, lòng tôi dâng lên niềm xúc cảm vô hạn.

Trải qua hơn cả ngàn năm, Phật giáo phát triển mạnh mẽ tại Ấn Độ cho đến thế kỷ thứ 13 thì chẳng may tại đất nước này xảy ra những biến cố binh đao đã hủy hoại gần hết những di tích quý báu của đạo Phật. Ngày nay Ấn Độ có số lượng Phật tử rất khiêm tốn so với các tôn giáo khác ở nước này.

Trong khi đó Phật giáo vẫn tiếp nối và phát triển mạnh tại các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Đạo Phật truyền vào nước ta đã hơn 2.000 năm, thế mà trên quê hương của Ngài lại vắng bóng ngôi chùa Việt Nam, trong khi các ngôi chùa của nhiều nước như Trung Hoa, Nhật Bản, Miến Điện, Thái Lan, Tây Tạng, Nepal, Tích Lan, Bhoutan… đã hiện diện tại đây từ lâu.

Nhìn thấy các nước đang góp phần làm hồi sinh Bồ Đề Đạo Tràng nhằm gìn giữ di sản tinh thần vô giá của nhân loại, trong lòng tôi ấp ủ ước mơ có một người nào đó phát tâm lành xây dựng một ngôi chùa Việt Nam đầu tiên nơi thánh địa, xem như phần đóng góp nho nhỏ của Phật giáo Việt Nam vào vùng đất thiêng này. Đồng thời cũng giúp cho những người con Phật khi đến chiêm bái thánh địa có chỗ dừng chân trú ngụ tại nơi trang nghiêm thanh tịnh để có được sự an lạc, tăng trưởng thêm bồ đề tâm trong những ngày lưu lại vùng linh địa.

Nhớ lại nội dung các hồi ký cũng như bút tích các vị chân sư và chư vị Tổ sư đều có ghi rằng nơi Đức Phật đắc đạo và vài nơi thánh địa khác rất linh thiêng, nếu người nào thành tâm cầu nguyện thì sẽ được chứng giám, thế là tôi bèn phát tâm khấn nguyện.

Kể ra tôi thấy mình cũng khá tham lam vì đã cầu xin rất nhiều. Lúc bấy giờ tôi chỉ là một sinh viên nghèo và rất tầm thường đang sống nơi xứ lạ quê người. Nên tôi cầu nguyện sau khi tốt nghiệp sẽ tìm được chỗ dạy học thật tốt hầu có được nhiều điều kiện để tổ chức cuộc sống như ý. Và mong ước lớn nhất là được phước duyên gặp nhiều bạn lành để cùng nhau làm được nhiều việc phước đức, đặc biệt là góp sức xây dựng ngôi chùa Việt Nam đầu tiên tại Bồ Đề Đạo Tràng, nơi Đức Phật đắc đạo.

Kể từ đó, việc xây dựng một ngôi chùa trên đất Phật trở thành nỗi ưu tư triền miên trong tôi. Thế nhưng gian nan thử thách dẫy đầy, có lúc tưởng chừng như ước mong thiết tha này tan thành mây khói và không bao giờ có thể thực hiện được.

HT Thích Huyền Diệu



Có phản hồi đến “Tình Thương Và Lòng Độ Lượng - Ước Mơ Ấp Ủ”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com