VẤN: Hôm trước con có dẫn bạn đến chùa lễ Phật. Bạn con là người ngoại đạo và không biết nhiều về Phật Giáo. Lúc đó là giờ cúng Ngọ buổi sáng nên vô tình chúng con thấy được một hình ảnh rất đẹp là nhiều chư tăng y áo trang nghiêm bước vào chánh điện tụng kinh cùng đại chúng. Bạn con thắc mắc hỏi tại sao các nhà sư tướng hảo oai nghi như thế lại đi tu, có phải vì họ chán đời thất tình không, nếu ở ngoài thì sẽ làm được nhiều việc có ích hơn cho xã hội hơn là trốn và chùa ẩn lánh tu hành. Con bảo các thầy vì muốn cứu độ cho chúng sinh, giúp mình thoát khỏi sanh tử luân hồi phải tu mới độ đời. Bạn không tin, nói chỉ có những người yếm thế, chán đời hoặc thất tình mới vào chùa rồi viện dẫn những ví dụ bạn biết và nhất là tuồng cải lương Lan và Điệp. Con giải thích thế nào bạn cũng không nghe, bảo thật uổng một đời người, thất tình thì sẽ có tình mới sao lại đi tu. Xin Sư hoan hỷ giúp con làm sáng tỏ việc này cho bạn. Con xin cảm ơn.

ĐÁP:

I .

Câu nói làm nhà Sư là yếm thế của Bạn ấy không phải là không có cơ sở! Vì ở vào thời gian xa xưa, các nhà Sư chỉ có tu ở non núi, ít gần gũi quần chúng, một phần do chiến tranh Nam Bắc triều, chiến tranh Trịnh Nguyễn, chiến tranh Việt Pháp, theo sau là công cuộc truyền đạo Kitô của người Tây dương; làm nhà Sư chỉ có việc tụng kinh niệm Phật cầu phước, cầu siêu, hoặc chỉ làm theo nhu cầu của mọi người sống trong chiến tranh, còn theo phong kiến, cục bộ lắm; xem Đức Phật như thần thánh, còn mê tín, ít hiểu biết giáo lý, không rõ Tam bảo là gì, nên khi gặp các nhà Sư, người dân Việt Nam trong đó kể cả tín đồ rất xa lạ với nhau, tạo điều kiện cho những nhận định nhà Sư tu hành là “yếm thế” hay “thất tình”.

Tính nghiêm khắc của Đạo Phật:

Đức Phật Thích ca là người sáng thế ra Đạo Phật, giáo lý Đạo Phật là giáo lý dành cho những người có căn lành với Phật trong muôn vạn kiếp, người tự quyết đoán cho mình và có khả năng quyết đoán cho người mới mong có cơ sở xuất gia đầu Phật.

Khi vào Đạo Phật, theo Bắc truyền thì phải trường chay niệm Phật, giới luật tinh nghiêm, có Thập sư ban hành giới luật, nhà Sư cưu mang suốt đời trong mình pháp y Phật, xa lìa dục nhiễm để làm môn đệ nhà Phật, làm Hòa Thượng. Theo Phật giáo Nam truyền, thì người xuất gia phải có ít nhất 19 vị giới sư để làm các việc chứng minh, truyền giới, làm chứng cho người xuất gia đầu Phật mới thành nhà Sư, thành Trưởng lão A-la-hán.

Người không có căn lành, nói nôm na là không phải “căn tiên cốt Phật” làm gì có cơ hội bước chân được đến cửa Thiền, huống gì nói đến chuyện xuất gia làm nhà Sư. Người có căn lành còn là người tốt cả hai mặt “tâm” và “tướng”. Đức Tôn Sư Thiện Phước Nhựt Ý dạy: “Như Lai tướng hảo bởi tâm ngài đại hảo - Như Lai tướng đại quang minh bởi tâm ngài đại quang minh”.

Người có tâm tốt thì xuất hiện tướng tốt, trí minh thần sáng, làm việc gì cũng minh bạch, tâm nối liền với tướng như “bóng với hình”. Đây chính là phần tích cực nội tại nhà Sư đấy Bạn ạ!

II .

Nghiên cứu giáo lý:

Chúng sanh ai muốn giải thoát như Phật thì nguyện làm Phật. Đạo Phật là đạo tự giác tự ngộ, ai tự giác tự ngộ thì làm Phật - Chữ “Buddha” hay “Bụt” có nghĩa là giác ngộ, người giác ngộ, ai giác ngộ thì người đó là “Phật”.

Theo giáo lý Nam truyền thì sự tịch diệt Niết bàn là chấm hết khổ đau, không còn trở lại thế gian (tức không hại người); theo giáo Bắc truyền thì tịch diệt đại Niết bàn (tức lợi người lợi mình); theo Phật giáo Tịnh độ tông thì vãng sanh Tây phương Cực lạc rồi hồi nhập Ta bà để cứu độ chúng sanh (tức lợi mình lợi người)... Ba cách nhập Niết bàn nầy, hiểu theo tiêu cực thì Đạo Phật là yếm thế, là vì chưa nghiên cứu thấu đáo giáo lý Phật, nhất là từ ngữ Niết bàn thì cho Đạo Phật là yếm thế; nếu chịu khó nghiên cứu kinh Phật một nhịp nữa thì ta sẽ thấy thế giới Niết bàn là thế giới bất sanh bất diệt, tức là sanh mà không sanh đi đâu cả, không sanh mà sanh Niết bàn. Thế nên người tu đắc đạo cao chừng nào thì tính tích cực càng cao siêu hơn nữa, chừng đó thì người mới hiểu Đạo Phật là tích cực lạc quan.

Thực chất của giáo lý hội nhập:

Đức Phật đã thành Phật trong muôn vạn kiếp, nhưng khi vào đời ngài phải hóa thân làm Thái tử Sĩ Đạt Ta rồi đi tu thành đạo, hiệu là Thích Ca Mâu Ni Phật giúp đời, lý tưởng của Ngài là lý tưởng hòa bình, khuôn thước giáo dục của Phật là nền tảng giáo dục tiêu biểu cho ngành giáo dục đào tạo thế giới. Đạo của ngài là Đạo hội nhập, vì không tách rời quần chúng, không gây mê tín dị đoan, xem hiện tượng thế gian là không thật, vô thường, khổ... tác động đến tâm hồn của những người hung bạo, cướp giựt, bọn xấu, khiến họ hồi tâm, cải tà quy chánh. Ăn chay niệm Phật là tích cực góp phần xây dựng đạo đức lương tri loài người.

Vào thế kỷ thứ VIII, tổ sư Bách Trượng Hoài Hải là người đầu tiên trong giới Thiền tông lập và kết tập những quy luật sinh họat hằng ngày của thiền sinh trong một thiền đường. Từ lúc Sư lập ra quy luật mới, nhiều thiền đường được thành lập với những điều kiện thuận lợi đáp ứng nhu cầu của thiền sinh. Sư nhấn mạnh sự kết hợp giữa thiền và các việc lao động trong và ngoài thiền viện như làm ruộng, cuốc đất, trồng cây, hái củi, một ngày phải làm nhiều việc giúp ích cho đời. Câu nói của Sư "một ngày không làm, một ngày không ăn" (nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực) đã gây ấn tượng đến ngày nay.

III .

Có duyên với nhà Phật thì mới tu Phật, như Sư từ đời Ông là Cư sĩ, đến Cha là Cư sĩ, Bà Nội là Sư Bà, đến đời Sư mới đi tu xuất gia làm Hòa Thượng, việc làm Hòa Thượng, làm nhà Sư là thầy của nhơn thiên, không phải dễ dàng như đi “đăng ký việc làm” Bạn ơi! Phải trải qua trên nữa thế kỷ mới đạt yêu cầu đó Bạn.

Ở mặt khác, trong những thế kỷ XVIII, XIX, làm nhà Sư, mọi người nghĩ đi tu là hết, là chấm dứt cuộc đời, lý do ít người thuyết pháp giáo hóa nên đối phương, ngọai đạo, mọi người hiểu tu sĩ Phật là yếm thế bi quan. Tuy nhiên ở thế kỷ XX, XXI thì có khác; do ngành hoằng pháp phát triển nên mọi người hiểu “làm một nhà Sư có lợi ích cho đời cho đạo”, cụ thể như nhà Sư Khuông Việt, Quốc sư nhà Đinh, nhà Sư Vạn Hạnh, Quốc sư nhà Lý, Phật hoàng Trần Nhân Tông, các bậc vãng bối như Sa môn Lê Khánh Hòa, HT Huệ Quang, Pháp chủ Khánh Anh, Sư Ông Bửu Đức, Sư tổ Minh Đăng Quang, HT Minh Nguyệt, HT Bửu Chơn, HT Thiện Hoa, HT Thiện Hòa, HT Trí Thủ, HT Thiện Hào, HT Thanh Từ, HT Thanh Tứ, HT Thiện Phước - Nhựt Ý, HT Thích Quảng Đức (tự thiêu tại ngã tư Phan Đình Phùng); các Phật tử như Thái úy Lý Thường Kiệt, Cụ Tâm Minh Lê Đình Thám, Cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, Cụ Hồng Tại Đoàn Trung Còn... các nhà Sư, Sư Bà làm công tác từ thiện, nuôi cô nhi, người già yếu cô độc neo đơn, nhà Sư, Sư Cô làm giáo sư, giáo viên, làm công tác giáo dục, làm văn hóa, làm từ thiện...

Từ ngữ “yếm thế” hay “thất tình đi tu” áp đặt cho nhà Sư là do người nghiên cứu giáo lý Phật hiểu chưa sâu giáo lý Phật và theo cao trào “nhận định” ở vào thời điểm xã hội Việt Nam ta chưa tiến bộ đó thôi!

HT Thích Giác Quang




Có phản hồi đến “Có Phải Nhà Sư Là Những Người Chán Đời, Thất Tình Mới Đi Tu?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com