VẤN: Con thấy các sư thầy, sư cô mặc rất nhiều màu sắc y áo và kiểu dáng khác nhau nhưng con không hiểu ý nghĩa của việc khác nhau này. Làm thế nào để con phân biệt sự khác nhau thông qua các màu sắc, kiểu dáng y áo. Có một số sư thầy, sư cô mặc y áo con thấy quá sặc sỡ, viền đủ kiểu, nhìn vào rất chói mắt, không khác thời trang ở đời thường, như thế là có đúng chánh pháp không? Ở các buổi trai đàn con thấy rất nhiều vị sư chủ đàn mặc nhiều bộ y áo rất lộng lẫy, ban kinh sư dâng cúng còn vẽ mặt, cầm rất nhiều phang lộng, vậy các bộ y áo ở các buổi dâng cúng này khác với y áo đời thường như thế nào. Việc đắp y có từ bao giờ? Quý sư thầy, sư cô theo cấp bậc như đại đức, thượng tọa, hòa thượng thì y áo khác nhau làm sao? Sự khác nhau trong y áo giữa các tông phái? Y bát của người tu có được tặng cho Phật tử tại gia hay không?


ĐÁP:

Nguồn pháp y:

Theo Luật Tạng (Vinaya), Tăng đoàn của Phật lúc ban đầu ăn mặc không khác biệt gì với những người tu hành thuộc các truyền thống tôn giáo khác. Vì thế vua Bimbisara xin Phật cho các đệ tử được ăn mặc khác hơn để mọi người dễ nhận ra. Đúng vào thời điểm ấy, Phật và người đệ tử thân cận nhất là A Nan đang du hành ở phương Nam để thuyết giảng. Phật nhìn thấy những thửa ruộng lúa hình chữ nhật, chia cắt bởi những con đê tăm tắp, liền bảo A Nan cứ theo mẫu ấy mà may áo cho Tăng đoàn. Vì thế, trong kinh sách tiếng Hán, chiếc áo cà-sa còn gọi là “Cát triệt y” hay “Điền tướng y”, mảnh áo mang hình những thửa ruộng, tượng trưng cho sự phong phú và phước lành.

Một ý nghĩa khác, chiếc áo cà sa còn gọi là “Phấn tảo y”, gồm nhiều mảnh ráp lại vì đó là những mảnh vải nhặt được ở bãi tha ma, tượng trưng cho những gì tầm thường nhất và cũng để nhắc nhở người tu hành về tấm thân vô thường của họ, người tu mặc vào gọi là đệ nhất đầu đà khổ hạnh, phạm hạnh. (Pháp Đầu Đà - HT Thích Bửu Chơn, biên dịch)

Chiếc áo tu sĩ tại các quốc gia Phật giáo:

Sau Phật nhập diệt 200 năm, Phật giáo được chia thành nhiều bộ phái, trong đó có hai phái chính là Đại chúng bộ và Thượng tọa bộ, Đại chúng bộ còn gọi là “Bắc tông” truyền đạo sang các xứ Bắc Á, Đông Bắc á, nhất là tại Trung quốc, tu sĩ Phật giáo chế tác lễ phục của dân tộc Trung quốc thành chiếc “áo tràng”, chiếc áo thường phục thì chế tác thành chiếc áo “vạc hò” nâu hoặc đen…

Phật giáo truyền vào Nhật Bản thì chiếc “áo tràng” của tu sĩ được chế tác thành chiếc áo “nhật bình”, gần giống như chiếc áo “kimono” quốc phục của Nhật Bản, nhưng có màu lam, hoặc nâu, đen.

Phật giáo truyền vào vùng lãnh thổ Tây Tạng, các Lạt ma mặc pháp phục theo quốc phục Tây tạng, màu nâu sậm.

Phật giáo tại bản địa, tức là Nguyên thủy hay Nam tông Phật giáo khi du nhập vào các xứ thuộc phía Nam của Ấn Độ như Sri Lanka, Thái Lan, Myanmar, Lào, Campuchia…thì vẫn giữ nguyên theo quốc phục Ấn Độ, nhưng màu sắc có khác: màu đỏ sậm, màu vàng họai sắc.

Tất cả các lọai lễ phục có màu sắc vàng sậm, nâu, lam, đen (không có màu huỳnh anh) nhìn chung thuộc về “bạc màu, hư hoại” đều là biểu tượng cho sự khổ hạnh “bần tăng” thanh bần lạc đạo, rất cao cả và đáng tôn đáng kính.

Khẳng định:

Việc chư Tăng Ni mặc pháp y sặc sở là do hội nhập vào dòng đời tại các quốc gia Âu Mỹ, do dân trí phong hóa, văn hóa của quốc gia đó mà thôi. Tuy nhiên, Sư khẳng định không có chiếc áo tu sĩ Phật giáo nào màu sắc sặc sỡ Bạn ạ! Trong cuộc đời tu sĩ, như bản thân Sư là Hòa Thượng và các vị giáo phẩm khác tại Việt Nam, suốt đời chỉ mặc y phục màu nâu, vàng sậm gọi là hoại sắc, bạc màu đó mà thôi, chẳng còn có sự “bon chen” nào với thế cuộc Bạn ạ!

Mặt khác, sở dĩ các tu sĩ Phật giáo mặc lễ phục thuộc gấm, lụa, sa-tanh có “màu xanh”, “vàng ánh” là do ngày xưa các Vua Chúa hay phát tâm cúng dường chư Tăng, được mặc khi vào triều thuyết pháp, hay dự lễ hội có nhà vua dự. Ngày nay thì các vị Chủ tịch nước, Tổng thống, các vị Phật tử hiến tặng chư Tăng để tỏ lòng tôn kính và kỷ niệm.

Ngoài ra, kể từ khi Đức Phật ban truyền giới luật đến nay đã trên 2.500 năm rồi, nhưng chư Tăng Ni vẫn không vi phạm giới luật Phật “về lễ phục, giáo phục” của Phật và Tổ sư ban truyền với một lý do: “chư Tăng Ni không tự sắm theo ý muốn”!

Lễ phục, giáo phục Tăng Ni Việt Nam:

Theo mục a, điều 48, chương X, nội quy Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 2012 về lễ phục và giáo phục chư Tăng Ni từ hàng giáo phẩm đến thành phần đại chúng gồm có:

Lễ phục (pháp y):

Tỳ kheo (quý Thầy) mặc áo hậu màu vàng, tay rộng không quá 80 phân, y màu vàng.

Tỳ kheo ni (quý Cô) mặc áo hậu màu lam, tay rộng không quá 30 phân, y màu vàng.

Sa di (tập sự xuất gia nam) mặc áo hậu màu lam, tay rộng không quá 30 phân, mạn y màu vàng.

Sa di ni (tập sự xuất gia nữ), Thức xoa ma na (chuẩn bị lên giới Tỳ kheo ni), mặc áo tràng màu lam rộng tay không quá 30 phân, mạn y màu vàng.

Thành phần tịnh nhơn, chỉ dùng áo tràng nâu hoặc lam, tay hẹp.

Giáo phục (mặc thường nhựt làm Phật sự):

- Tăng Ni giáo phẩm: Tăng mặc áo tràng màu nâu, hoặc màu vàng sậm, tay rộng không quá 30 phân - Ni mặc áo tràng lam, tay rộng không quá 30 phân.

- Tăng Ni đại chúng: Tỳ kheo mặc áo tràng nâu, tay rộng không quá 30 phân - Tỳ kheo ni mặc áo tràng lam, tay rộng không quá 30 phân - Sa di mặc áo nhựt bình màu nâu, tay rộng không quá 20 phân - Sa di ni, Thức xoa ma na ni mặc áo nhựt bình màu lam, tay rộng không quá 20 phân.

Chư Tăng Ni hệ phái Khất sĩ, Nam tông Phật giáo mặc theo truyền thống (y vấn), màu vàng sậm (thuộc Phật giáo quốc tế).

Thường phục:

Tăng Ni thuộc thành phần đại chúng mặc theo hình thức thường phục khi năng tác Phật sự - Thành phần tịnh nhơn chỉ được ăn mặc theo hình thức thường phục. Hình thức thường phục theo kiểu áo “vạc hò” truyền thống.

Áo pháp của Phật tử tại gia:

Chiếc áo tràng là áo pháp của Phật tử tại gia, mặc vào khi lễ Phật, tụng kinh, lễ bái chư Tăng Ni, Thầy Tổ. Nam mặc áo màu nâu, nữ mặc áo màu lam.

Người tín đồ Phật tử đã thọ tam quy, ngũ giới theo Phật giáo Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc thì người cư sĩ mặc “nhiễm y”, tức là pháp y màu đen để phân biệt với người xuất gia. Tại Việt Nam và Nhật Bản, các vị Cư sĩ mỗi lần tụng kinh, nghe pháp, đi chùa, thọ trì Bát quan trai giới, có đeo một mảnh vải màu vàng, nâu hoặc lam nơi cổ (dây đay dài 80cm, ngang 6cm) tùy theo tổ chức của các Tự Viện, “dây đay” đó thay cho pháp y, ngoài ra không có giữ pháp y nào khác, có chăng là do quý Thầy Cô tặng cho Phật tử làm kỷ niệm.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Nguồn Gốc Pháp Y? Y Bát Có Được Tặng Cho Phật Tử Tại Gia Không?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com