VẤN:Gia đình con gốc Hoa theo đạo Phật, thờ Phật nhưng cũng thờ rất nhiều vị thần thánh khác như ông Địa, Quan Công, Thần tài. Gia đình con cũng rất kính tin Tam bảo. Khi con hỏi mẹ con tại sao đã thờ Phật còn thờ Quan Công, Thổ Địa, Thần Tài, mẹ con bảo là để các Ngài phò hộ trong công việc làm ăn. Tuy nhiên, mỗi lần đến ngày rằm lễ tết cúng bái, trên bàn Phật thì cúng đồ chay nhưng bàn của các vị Thổ Địa, Thần Tài lại để đồ cúng mặn kèm với thuốc lá dù gia đình không ai hút thuốc. Mẹ con bảo là các Ngài có thích ăn đồ mặn và thích hút thuốc. Con thật sự hoang mang liệu như vậy có đúng không? Tại sao đã là các vị thánh thần còn thích ăn đồ mặn như thế có trái với giới luật Phật giáo là nên khuyến khích Phật tử ăn chay giảm sát sanh. Nếu cúng đồ chay cho các vị này có được không? Con xin cảm ơn Sư rất nhiều.

ĐÁP:

Trước khi bước vào thế giới thờ Thần Tài, Ông Địa, Ông Quan Công ta thử lý giải về hai cụm từ chánh tín và mê tín trong Đạo Phật. “Chánh” theo nghĩa dịch Việt là sự đúng đắn, ngay thẳng, liêm khiết; “Tín” là niềm tin. Hai từ “chánh” và “tín” ghép lại có thể được hiểu là niềm tin đúng đắn. Chánh tín phải được hình thành trên cơ sở chánh pháp. Những gì đức Phật nói ra, giảng dạy trong kinh điển của Ngài được gọi chánh pháp. Dựa trên kinh điển đó, chư vị Bồ tát, Tổ sư diễn đạt bằng sự giác ngộ của mình, mà được nhiều thế hệ hiện tại và về sau chấp nhận, có thêm thắt các ý làm cho nội dung sáng tỏ hơn, nhằm đem lại phương pháp cho người sau tu tập, “luận” cũng có thể gọi là chánh pháp.

Trái với từ chánh tín là “mê tín”, là một dạng tin tưởng thiếu cơ sở, mơ hồ, hoang tưởng, thiếu sự nhận định sáng suốt... không đem đến lợi ích cho cuộc sống cá nhân hay xã hội. Mê tín là một kiểu tin tưởng vào đấng thần linh, có quyền năng ban thưởng, giáng họa... một cách mù quáng, thiếu cơ sở, thiếu suy xét, điều mà Phật giáo không thể chấp nhận bởi đạo Phật là một đạo trí tuệ, đạo như thật, và đến bằng sự giác ngộ giải thoát. Mặc khác, mê tín còn là dạng biểu hiện tâm lý yếu đuối, thiếu niềm tin vào bản thân, cầu viện vào một đấng siêu nhiên, thần lực để cầu xin vụ lợi cá nhân mà bản thân không tự nỗ lực.

Làm Phật tử thì tôn kính Phật, Phật là Bổn sư, Phật tử là Bổn đạo, Bổn đạo thì thờ Phật, không thờ các vị thần khác, nghe lời Phật dạy, không nghe lời ngọai đạo chỉ dẫn. Đó là những lời dạy của giới sư truyền đạt trong thời gian các Bạn quy y Tam Bảo, thọ trì ngũ giới cấm.

Tục thờ Ông Địa - Thần tài, nguồn gốc bắt đầu từ Trung Quốc rồi sau đó lan dần sang các nước khu vực Đông Nam Á, trong đó có tín ngưỡng dân gian Việt Nam, người xưa quan niệm thờ cúng Ông Địa - Thần tài trong nhà để cầu mong cho gia đình êm ấm, làm ăn phát tài phát lộc.

Tín ngưỡng thờ phượng là một nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc Việt. Ngay từ buổi đầu hình thành Nhà nước sơ khai, người ta đã biết thờ phụng các vị thần tự nhiên, siêu nhiên, như: thần Đất, thần Mây, thần Mưa, thần Gió, thần Sấm, thần Sét...

Tín ngưỡng thờ thần này bắt nguồn từ tâm lý e sợ các hiện tượng tự nhiên đó bỏ rơi họ, không quan tâm đến họ, hoặc thờ phụng mà không lý giải được trong thời điểm lúc bấy giờ. Và đó cũng là tâm lý thể hiện sự tri ân đến các sự vật, hiện tượng tự nhiên xung quanh đã tạo cho họ có được môi trường sống, làm cho cuộc sống của họ được giàu có, sung túc.

Ông Địa:

Đời sống của dân tộc Việt phần lớn dựa vào nông nghiệp, mà nông nghiệp thì lại phụ thuộc rất nhiều các điều kiện tự nhiên như: đất đai, thời tiết, khí hậu... trong đó có thể nói, đất đai được xem là yếu tố cơ bản cấu tạo nên vạn vật, giúp cho người ta có được cuộc sống ấm no. Vì vậy, thần Đất hay Thổ Thần là một trong những vị thần được cư dân nông nghiệp luôn để tâm đến trước nhất. Để được yên ổn làm ăn, họ phải khấn vái, cúng kiến, tôn vinh các thần để các thần phù hộ cho họ hạnh phúc và bình an, vì lẽ đó mà Thổ Địa được họ sùng kính và tôn thờ. Họ xem Thổ Địa như là một vị thần bảo hộ cho mảnh vườn, thửa ruộng của họ...

Thần Tài:

Thần Tài theo tín ngưỡng là một vị thần mang đến tài lộc, của cải, sung túc cho gia đình, mỗi khi làm việc gì, ta thường thấy gia chủ cầu khấn Thần Tài.

Có một tên lái buôn tên là Âu Minh khi qua hồ Thành Thảo, Thủy thần cho một cô nô tỳ tên là Như Nguyện. Âu Minh đưa Như Nguyện về nuôi trong nhà, làm ăn ngày càng trở nên phát đạt. Sau đó, vào một ngày tết, vì lý do nào đó, Âu Minh đánh Như Nguyện. Như Nguyện quá sợ hãi chui vào đống rác và biến mất. Kể từ đó, Âu Minh làm ăn luôn thua lỗ, sa sút, chẳng mấy chốc trở nên phá sản, nghèo xác nghèo xơ. Hóa ra Như Nguyện chính là hóa thân của Thần Tài. Từ đó người ta thường lập bàn thờ để thờ vị thần này.

Lý do vì sao lại kiêng cử hốt rác hay quét rác trong 3 ngày đầu năm? Vì sự tích Âu Minh - Như Nguyện như trên mà người ta sợ hốt rác là sẽ hốt luôn cả Thần Tài trong đống rác đó thì việc làm ăn sẽ không suôn sẻ. Việc thờ Thần Tài ở nơi xó xỉnh cũng có nguồn gốc từ đây...

Một điển tích khác:

Thần tài là vị quan cai quản tiền bạc trên trời, khi đến thế gian thất nghiệp nên thường đi lang thang khắp nơi xin ăn. Có một cửa hàng kinh doanh buôn bán gà, vịt, heo quay ế ẩm, thấy Thần Tài đến ăn xin nên mời vào ăn. Thần Tài ăn rất nhiều và kỳ lạ thay từ lúc Thần Tài vào ăn thì khách ăn khác kéo đến nườm nượp, người bán hàng thấy vậy nên ngày nào cũng mời Thần Tài vào ăn. Khách hàng ở quán đối diện trước nay rất đông khách bỗng dưng cũng chuyển hết qua quán bên này ăn.

Được một thời gian, người bán hàng thấy Thần Tài chẳng làm gì mà suốt ngày được ăn uống ngon, lại toàn dùng tay ăn bốc, thân thì hôi thúi. Nghĩ Thần Tài sẽ làm khách sợ không dám đến ăn và hao phí đồ ăn, nên người bán hàng mới đuổi Thần Tài đi. Quán đối diện ngày xưa rất đông khách, nay vắng tanh, thấy vậy liền mời Thần Tài vào ăn, kỳ lạ thay mọi người lại kéo hết sang quán này ăn. Mọi người thấy vậy nên ai cũng giành mời cho bằng được Thần Tài đến ăn hàng quán của mình.

Người dân khu vực đó thấy Thần Tài không có quần áo mặc nên dẫn đi mua, mọi người đưa Thần Tài đến cửa hàng nơi quần áo của ông bị bán, sau khi mặc quần áo mũ nón vào thì Thần Tài nhớ lại mọi chuyện và bay về trời. Mọi người coi Thần Tài như là báu vật và lập bàn thờ, tôn thờ từ đó. (VTC News)

Bạn thấy không, câu chuyên trên chỉ là chuyện hư cấu, thuộc loại “truyện phím” trong dân gian, xuất xứ không rõ ràng. Vậy mà chen nhau đem những nhân vật “truyện phím” đưa lên bàn thờ thật khó hiểu!

Chúng ta có thể liệt các vị Thần Tài, Thổ Địa thuộc tín ngưỡng dân gian, những người không phải Phật tử, theo lương giáo có thể phụng thờ để tín ngưỡng trong việc làm ăn mua bán. Người dân Việt Nam xem thờ Thần Tài, Thổ Địa là mang lại niềm vui cho gia đình, nhất là trong những ngày xuân, tuy nhiên không nên cúng heo quay, gà vịt, gây thêm tội sát sanh và trở thành mê tín dị đoan, nên cúng đồ chay cho nhẹ nhàng tinh khiết. Người Phật tử có giới không thờ.

Thờ Quan Công:

Quan Công tên thật là Quan Vũ, tự là Trường Sinh, sau đổi thành Vân Trường, người làng Giải Lương, tỉnh Hà Đông. Từ thuở nhỏ, nghĩa khí của Quan Công đã bộc lộ, nhân thấy có kẻ cừơng hào hiếp đáp người yếu, Quan Công liền giết đi rồi sống cuộc sống giang hồ phiêu bạt. Rồi Quan Công gặp Lưu Bị và Trương Phi, 3 người kết nghĩa vườn đào, gọi là “yên đào viên kết nghĩa”, thề cùng sống chết đem lại giang sơn cho nhà Hán. Đi theo phò tá Lưu Bị, Quan Công luôn một lòng vì chủ, không quản ngại vào nơi nước sôi lửa bỏng. Luôn giữ một tấm lòng son sắc sáng ngời .

Hầu hết các chùa Việt xưa đại đa số vẫn có thờ tượng Quan Công, gọi là thờ ông Già Lam - ở Hà Nội gọi là đền thờ Quan Thánh - Năm 1010 vua Lý thái Tổ lập đền thờ gọi là Đức Chân Vũ hay Huyền Thiên Trấn Vũ - Vào đời nhà Lê (1676-1704) gọi là Đức Trấn Vũ; ở bến Tây Luông, huyện Thọ Xương gọi là Đền thờ Quan Công - ở phường Hà Khẩu, Hà Nội gọi là Miếu thờ Quan Đế - Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương, Phật giáo Tứ Ân ở miền Tây Nam phần Việt Nam thờ Quan Thánh Đế Quân - ở Biên Hòa, Đồng Nai xây chùa thờ Ông.

Người Việt Nam thờ Ông Quan Công nhiều là do đi xem bói, trong sách Tam Thế Diễn Cầm, quy định người nam đến tuổi phải thờ Ông Quan Công, chứ không phải do lòng thành tín ngưỡng. Người Phật tử tiến bộ nên giữ chánh tín, xa lìa mê tín, có quy y Tam bảo thì chỉ thờ Phật, Bồ tát, A-la-hán mà thôi.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Phật Tử Có Nên Cúng Đồ Mặn Và Thờ Quan Công, Thổ Địa, Thần Tài?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com