VẤN: Con có xem một số bài báo cũng như đọc những câu chuyện Phật Pháp nói về nhân quả của việc sát sanh, oan oan tương báo. Lòng con cảm thấy thương cảm nhưng cũng lo sợ vì mình đã phạm lỗi sát sanh quá nhiều. Gia đình con từng làm nghề đồ tể giết rất nhiều heo bò gà phân phối cho những người khác. Gần đây quá nhiều chuyện xảy ra trong gia đình, người thân thường xuyên bị tai nạn, bệnh liên tục, làm ăn lụi bại, cơ sở không còn như xưa nhưng gia đình vẫn tiếp tục hành nghề. Ba con bảo mình giết súc vật chứ có giết người đâu, nếu không thì lấy gì mà ăn. Má con dạo này bệnh liên tục nên chỉ biết làm lễ đến tất cả đình chùa, xem bói và bảo phải làm lễ cúng mới trừ được họa. Mâm cúng lại cũng cần có gà vịt. Con thật sự hoang mang liệu nhân quả sát sanh là có đúng không? Con thật sự cũng phân vân muốn gia đình chuyển nghề nhưng lại chẳng biết làm sao vì rất khó thuyết phục được ba con. Nếu nghiệp sát sanh là có thật thì con nên làm gì để giải hóa được nghiệp này cho gia đình? Con xin cảm ơn Sư.

ĐÁP:

I .

Ngày 27 tháng 9 năm 2014, Đại Đức Thích Tấn Minh đi tụng kinh cầu an cho một Bà Cụ sống đến tuổi thượng thọ tại quận Bình Thạnh. Theo người nhà kể lại: Bà xuất thân làm nghề mổ giết gà vịt. Nay mang bệnh già, gần trút hơi thở cuối cùng, con cháu lo niệm Phật nhưng không “chết” mà phải nằm nói sản: “…nó đến đó, nó đến đó, đem dao cứa cổ đi, đem dao đến đây…”. Đó là hậu quả của việc làm mổ gà vịt cho khách “làng ăn”. Sau khi Sư Tấn Minh đến tụng kinh, tụng đến chú “Tiêu Tai Cát Tường”, Bà càng la hoảng lọan hơn nữa, tức là Bà phải chịu trả quả báo “tìm dao cứa cổ mình cho chết thì mới chết, chứ tụng chú lực của Phật cho an lạc để trút hơi thở cuối cùng thì không được... Trường hợp trên nếu chẳng phải quả báo, thì là gì? Cho đến ngày 09 tháng 09 Bà mới qua đời, trong trạng thái khổ đau.

Ông Gian Văn Diện, ở Chợ Đào, Cần Đước, Long An, trong những năm 1950 đến 1962 làm nghề đồ tể giết heo bán thịt tại Chợ Đào. Về sau mắc bệnh lên cơn suyển, mỗi lần lên cơn suyển, cách thở in tuồng như lúc “heo bị giết hại”. Năm 1962, Ông đi núi Bồng Lai, diện kiến Đức Tôn sư Thiện Phước - Nhựt Ý, nguyện bỏ nghề đồ tể, xin xuất gia tu hành, được đặt pháp danh Thiện Hạnh, hằng ngày tinh chuyên tụng kinh Di Đà, thần chú vãng sanh, lạy Phật cầu siêu cho số heo bị ông giết hại, càng tu lâu về sau lạ thay bệnh suyển giảm dần cho đến khi tuổi cao, năm 1978 trở thành vị Đại Đức Trưởng lão viên tịch trong an lạc, xứng đáng là tu sĩ chốn tòng lâm.

Một gia đình quan chức trước năm 1975, ở cạnh nhà Cư sĩ Hữu Từ Hà Lâm Phước, đường Trịnh Văn Cấn, Quận Nhì, giàu có, dư ăn dư để. Có một điều Ông hay giết chó ăn thịt. Nhà Ông có nuôi một bầy chó, khi đi làm việc về lúc 11 giờ trưa, bầy chó lúc nào cũng quây quần ngoắt đuôi mừng rỡ, cứ như thế đôi ba ngày Ông dùng búa nhỏ đập đầu một chú chó để ăn thịt. Và cứ như thế đến hết đời ông. Đến ngày giờ sắp mãn phần, miệng Ông lúc nào cũng tru quấu! quấu! như tiếng chó sủa cho đến khi trút hơi thở cuối cùng! Thật khổ thay phải không các Bạn!

II .

Trong quyển Hồi hương bút ký có một đoạn mô tả: Vào đời Thanh Tuyên Tông, năm Đạo Quang ở huyện Đào Khê (Trung Quốc) có một kẻ chuyên môn mổ thịt trâu đem bán mà mọi người ai cũng biết, đó là Phạm Đăng Sơn. Suốt đời giết hại không biết bao nhiêu con trâu, vừa đem bán, vừa để ăn. Một hôm trên không bỗng nhiên mây đen tích tụ lại, trời đất tối sầm, rồi mưa gió nổi lên dữ dội, sấm chớp vang rền. Ngay lúc ấy, sét đánh trúng Phạm Đăng Sơn nhưng không chết, song mặt mày cháy lém, da thịt cuộn lại, đau đớn rên la, kêu rống lên một cách thê thảm, hai mắt đẫm lệ trợn lên như sắp lồi ra ngoài. Do lửa đốt, da thịt nứt nẻ, anh ta dùng tay cạo những chỗ thịt bị rã nát, vò lại rồi bỏ thẳng vào miệng vừa ăn vừa nói: thịt trâu ngon quá. Trải qua chừng vài tháng rồi tắt thở. Những người chứng kiến cảnh ấy, ai nấy đều cảm thấy lạnh xương sống. Nên biết rằng sự báo ứng của nghiệp sát sinh hết sức là trầm trọng, mà quả báo của việc giết trâu bò lại càng trầm trọng hơn vì chúng có công với người đời.

Câu chuyện này xảy ra ở Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào cuối thời nhà Thanh. Một người đàn ông sinh sống bằng nghề giết mổ lợn. Ông có bốn con trai và một con gái. Ba người con trai lớn theo nghề của cha kiếm tiền, cuộc sống gia đình rất khá giả. Sau khi ông chết đi, ba người con trai lớn vẫn tiếp tục nghề đó. Một ngày nọ, họ mua một con lợn về chuẩn bị mổ thịt, thì họ bị sửng sốt khi nghe con lợn nói: “Làm ơn đừng giết tôi, đừng giết tôi”. Họ hỏi: “Ngươi vừa mới nói gì?”. Con lợn nói: “Ta là cha của các con. Đừng giết ta. Ta bị đầu thai thành lợn, bởi vì ta phạm phải tội rất lớn đó là giết rất nhiều lợn khi còn sống. Hôm nay ta được xếp đặt để gặp các con để truyền đạt một điều quan trọng: “Hãy từ bỏ nghề mổ lợn và tìm nghề khác mà làm”.

Con lợn chết sau khi nói xong. Mấy anh em buồn khóc thảm thiết và đem chôn con lợn này. Họ chia nhau tài sản của gia đình và mỗi người đi một đường. Người con trai đầu trở thành đại lý bán gạo; người con trai thứ ba mở một cửa tiệm bán quần áo. Người con trai út vẫn còn rất bé. Người con gái thì theo chồng. Người con trai thứ hai vẫn tiếp tục làm nghề giết mổ lợn bất chấp lời cảnh cáo của cha mình. Một hôm anh ta dùng hết gia tài của mình mua một bầy lợn. Khi anh lùa bầy lợn qua một bờ đê, một cơn gió mạnh đột ngột tới làm thành bão cát bao phủ cả vùng trời. Gió rất mạnh và tràn khắp vùng làm anh ta không cách nào mở mắt ra được. Anh ta không còn chọn lựa nào khác đành phải ngồi xuống bờ đê và đợi hết gió. Cơn gió kéo dài 4 giờ đồng hồ. khi anh ta mở mắt ra, không thấy còn con lợn nào cả. Anh ta đã mất sạch hết tiền. Anh ta cảm thấy hối hận, và ngồi ở đó khóc và khóc đến khi đôi mắt bị mù.

III .

Trong kinh Phạm Võng, Đức Phật dạy rằng: “Người Phật tử nếu lấy tâm từ mà làm việc phóng sanh thì thấy tất cả người nam đều là cha mình, tất cả người nữ đều là mẹ mình. Vì mình trải qua nhiều đời đều do đó mà sanh ra, nên chúng sinh trong sáu đường đều là cha mẹ của mình.

Nếu giết hại sanh mạng để ăn thịt tức là tự giết cha mẹ mình, cũng là giết thân cũ của mình. Tất cả đất, nước là thân trước của mình. Tất cả gió lửa là bản thể của mình.

Cho nên, thường thực hành phóng sanh thì đời đời sanh ra thường gặp Chánh pháp. Khuyên dạy người làm việc phóng sanh, nếu thấy người đời giết hại súc vật, nên tìm phương tiện để giải cứu, khiến cho chúng được thoát khổ nạn”.

Người Phật tử thuần túy thường là trường chay giới sát, đôi khi có phương tiện phóng sanh, các vị liền thực hiện giúp cho các loài được sống. Hoặc người Phật tử được quý Sư cân nhắc làm việc phóng sanh để cầu thọ cho Ông Bà, Cha Mẹ... Đó cũng là pháp môn tu của người Phật tử tại gia, chúng ta cần trân trọng.

Lão Pháp sư Viên Nhân nói: “Nhân quả báo ứng như bóng theo hình. Sát sanh tự có ác báo của sát sanh. Phóng sanh tự có thiện báo của phóng sanh. Đừng nên để ý đến sự phê bình, hủy báng của kẻ khác”.

Trong Luận Đại Trí độ dạy rằng: “Trong tất cả các tội ác, tội sát sanh là nặng nhất. Trong tất cả các công đức, không giết hại là công đức lớn nhất”. Tại sao phải phóng sanh? Nói một cách đơn giản, phóng sanh tức là cứu mạng sống.

Chúng ta đã tạo sát nghiệp nặng nề từ nhiều đời nhiều kiếp đến nay. Kinh Hoa Nghiêm dạy rằng: “Nếu ác nghiệp này có hình tướng thì cho đến cùng tận hư không cũng không dung chứa hết”.

Kinh Dược Sư Lưu Ly Bổn Nguyện Công Đức dạy rằng: “Cứu thả các sanh mạng được tiêu trừ bệnh tật, thoát khỏi các tai nạn”. Người phóng sanh tu phước, cứu giúp muôn loài thoát khỏi khổ ách thì bản thân không gặp các tai nạn.

Trong kinh Phạm võng, Bồ Tát Giới sám văn, Đức Phật dạy: “Phật tử không được tự mình giết hại, dạy người giết hại, dùng phương tiện giết hại, tán thành việc giết hại, hoặc thấy người khác giết hại mà vui mừng tán thành.

Tất cả các loài có sự sống, có sanh mạng, đều không được giết hại. Bồ Tát phải luôn phát khởi, gìn giữ tâm từ bi, hiếu thuận, dùng phương tiện mà cứu mạng, bảo vệ cho tất cả chúng sanh. Người thích sát sanh thì làm ngược với bốn tâm vô lượng: từ, bi, hỷ, xả. Như vậy là phạm vào tội ba-la-di của hàng Bồ Tát”.

IV .

Dừng nghiệp và chuyển nghiệp:

Làm Phật tử, việc chuyển nghề sát sanh không khó lắm, chỉ cần Phật tử có chút ít giác ngộ: thấy việc sát sanh là tội trọng, làm con Phật không làm khổ chúng sanh yếu hèn (trâu, bò, heo, chó), không bức hiếp chúng sanh mê muội hơn mình (cầm thú), chuyển nghề thì thanh thản nhẹ nhàng hơn, giảm bớt quả báo bức ngặt về sau. Không nên hành hạ gia súc trước khi lên bàn mổ, vì không tránh khỏi bị quả báo diêm vương ngục tốt cầm tù, chết ngạt trong lao lý...

Vào những năm 1973, 1974 đại đa số các gia đình ở Bình Đại, Bến Tre ngoài nghề trồng dừa còn làm nghề chài lưới cá biển. Sau khi quy y Tam Bảo tại Quan Âm tu viện, Đức Tôn sư khuyên bỏ nghề, lên rừng làm rẩy tạo vườn, làm nghề thợ may, buôn bán có nhiều gia đình vâng lời về tại Phương Lâm, Đồng Nai, Hiếu Liêm, Bình Dương vừa làm rẩy, mua bán rất khá giả, vừa tu hành cư gia, sống rất hạnh phúc.

Tội thì ai cũng tội, làm phước thì ai cũng làm phước, tuy nhiên chỉ vì mưu sinh mà tạo tác nghề nghiệp sát, khi trở thành Phật tử nên chuyển nghề sát sanh mà làm nghề khác để được xứng danh với người con Phật. Hành tinh ta đang sống mọi người không thực hiện nghiệp sát, chắc chắn thế giới nầy không đau binh chinh chiến, không có sự tàn sát lẫn nhau, xâm lăng lẩn nhau, không có cảnh bom đạn trút lên đầu nhân lọai! Người xưa thường truyền đạt cho nhau, ghi vào sách Phu Thê Ngôn Luận câu: “Nhứt thiết chúng sanh vô sát nghiệp, Hà sầu thế giới động đao binh” - Nghĩa là: Nếu tất cả chúng sanh không sát hại (ăn thịt) lẫn nhau, Thì lo gì thế giới có chiến tranh. Hoặc câu:

Nhất thiết chúng sanh vô nghiệp sát

Thập phương hà xứ động đao binh

Gia gia hộ hộ đồng tu thiện

Thế giới hàn sầu bất thái bình.

Cầu siêu bạt độ:

Là Phật tử, hằng ngày ngoài công việc gia đình, xã hội và bản thân, Bạn quy định cho mình một thời gian thích hợp, có thể từ 21 giờ 00 đến 21 giờ 30, tắm rữa sạch sẽ, mặc áo tràng chỉnh tề, đến trước bàn Phật dâng hương cúng nước Phật, kế đến khai khóa niệm Phật, như sau:

- Quỳ lạy Phật 03 lạy - Tụng bài Tán Dương Chi - Tụng 01 bài chú Đại Bi - Tụng bài xưng tán Phật A Di Đà - Niệm danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật 108 câu (hay nhiều hơn càng tốt) - Niệm tứ thánh - Niệm bài chú Tiêu tai kiết tường (21 lần) - Niệm chú Vãng sanh (21 lần) - Niệm bài chú Thất Phật diệt tội chơn ngôn (21 lần) -Tụng bài sám hối (sám hối thế cho người có nghiệp sát):

Vãng tích sở tạo chư ác nghiệp

Giai do vô thỉ tham sân si

Tùng thân ngữ ý chi sở sanh

Nhứt thiết ngã kim giai sám hối

Nam mô Cầu sám hối Bồ tát ma ha tát

- Tiếp đến niệm hồi hướng cầu siêu bạt độ cho các loài vật bị sát hại từ trước - Niệm Tam Quy y. Tất cả thời kinh trên chỉ trong vòng 30 phút - Sau khi tụng niệm xong lạy 03 lạy rồi lui ra (các bài kinh tụng đều có trong kinh Tam Bảo).

Mỗi đêm nên thực hành như thế, Bạn cảm thấy nhẹ nhàng, do các loài vật bị sát hại lần lượt nghe niệm Phật, niệm chú mà “đắc phục nhân thân” quy y Tam Bảo, thoát hóa luân hồi.

HT Thích Giác Quang



Có phản hồi đến “Nhân Quả Sát Sanh Có Đúng Không? Làm Thế Nào Để Hóa Giải?”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com