Không ồn ào, nhộn nhịp, Bagan quyến rũ người đến bằng sự tĩnh lặng vốn có của vùng đất đỏ khô cằn với hơn 2.000 ngôi đền, chùa, tháp xen lẫn với những tán cây. Ở đây, tưởng như thời gian trôi chậm hơn vài nhịp so với cuộc sống bên ngoài.
Nằm ở trung tâm Myanmar, cách TP. Mandalay chỉ 145km về phía tây nam, nhưng chúng tôi cảm nhận được sự khác biệt hoàn toàn giữa hai vùng đất. Mandalay tấp nập, ồn ào tiếng xe cộ, máy móc thì Bagan là vùng đất tĩnh lặng, cổ kính. Dường như, qua nhiều thế kỷ, mặc cho thế giới bên ngoài phát triển với tốc độ chóng mặt thì Bagan vẫn trầm mặc.
Đến bến xe Bagan lúc 4 giờ sáng, khi ấy trời còn tối đen, người mỏi nhừ sau hơn 11 tiếng di chuyển bằng xe khách từ Yangon, chúng tôi bị ngợp bởi lời chào mời của gần hai chục tài xế taxi tại bến. Những tưởng sẽ có cãi vã vì tranh giành khách, nhưng ngược lại, những tài xế khác đều vui vẻ khi chúng tôi ngã giá được với một người với 12.000 kyat (hơn 200.000 VNĐ).
Vé để vào Bagan cho mỗi người khoảng 440.000 đồng. Qua khỏi cổng, nhóm 6 người chúng tôi quyết định không về thẳng khách sạn, mà nhờ Momo, người lái xe chở đến đền Shwesandaw để kịp ngắm bình minh. Trời tối căm, nhưng vừa leo lên đến đỉnh đền, tôi đã thấy hơn 20 du khách khác với máy ảnh, máy quay sẵn sàng đứng chờ bình minh.
Nói Bagan là linh hồn của Myanmar cũng không sai. Đó là vùng đất của những sớm bình minh mờ ảo, những chiều hoàng hôn buông vàng lên nóc những ngọn đền đẹp đến mê hoặc; là miền đất hứa với người muốn tìm đến những gì thuộc về quá khứ. Gần 6 giờ, chân trời phía Đông sáng rực, không ai bảo ai, tất cả đều lặng im, hướng mắt về phía xa. Thời gian như ngừng trôi, chỉ mỗi mặt trời chuyển động. Nắng bắt đầu trải dài lên những ngọn đền, len qua màn sương sớm, màu xanh của bạt ngàn tán cây đang ngủ được đánh thức. Trước mặt, không một tòa nhà cao tầng, không một chút dấu tích của thế giới hiện đại. Trước bình minh, một thành phố Phật giáo nguy nga vào thế kỷ XI đến cuối thế kỷ XII như đang hiện hữu. Những con người ngồi trên cao, tĩnh tại, không ồn ào, lặng lẽ một hồi lâu. Nghe đâu đó sót lại những cái thở phào thanh thản.
Mặt trời lên cao. Rời đền Shwesandaw, chúng tôi về khách sạn, nhận phòng, rồi cả nhóm thuê 3 chiếc xe máy điện với giá 7.000 kyat/ngày, bắt đầu hành trình khám phá Bagan. Ở đây, con người cũng hiền hòa như những vùng đất khác của Myanmar, chỉ với từ Mingalarba (xin chào), suốt đường đi, chúng tôi đều được đáp lại bằng nụ cười thân thiện. Đa số đàn ông và phụ nữ đều mặc longyi, một loại váy đơn giản, là một mảnh vải được quấn quanh người, dài đến mắt cá chân, nhưng với nam và nữ lại có cách mang khác nhau. Với đàn ông thì quấn một mảnh vải lớn và thắt nút ở đằng trước, còn đối với phụ nữ sẽ được gấp tà lại và khâu ở bên hông.
Bagan được chia thành 3 khu vực là Old Bagan, New Bagan và thị trấn Nyaung-U, đường đi nối giữa 3 khu này tạo thành hình thoi, được xây đường trải nhựa để du khách tiện đi lại. Phương tiện giao thông ở đây khá đa dạng, xe ngựa, xe tuk tuk, xe máy…, nếu thấy người nào đi xe máy điện, chắc hẳn đó là khách du lịch. Vì lý do an toàn, ở đây, du khách chỉ có thể chọn thuê xe máy điện, hoặc xe ngựa để tham quan. Cũng vì vậy mà không khí ở đây rất trong lành. Dọc đường đi, du khách rất dễ lạc nếu rời đường chính, len lỏi vào những con đường đất nhỏ dẫn đến các đền, tháp. Với hơn 2.000 ngôi đền, chùa, tháp lớn nhỏ còn sót lại qua thời gian, đây là nỗ lực rất lớn của người dân lẫn chính quyền địa phương. Điều đáng tiếc nhất dễ thấy khi đến đây là nhiều ngôi đền đã bị sụp, đổ mất phần nóc do động đất giữa năm 2016. Để tôn tạo, những người thợ dựng lại phần khung bằng tre, tạo hình theo phần kiến trúc bị đổ sụp, lấy từng viên gạch cũ ra, nếu viên nào còn sử dụng được sẽ để lại, còn không sẽ thay bằng gạch mới. Đặc biệt, mọi công đoạn đều được làm thủ công, không hề có máy móc. Sự nhẫn nại của con người ở đây khiến chúng tôi thán phục. Cảm giác như cuộc sống ở đây không có gì khiến họ phải hối hả, tất cả đều rất chậm rãi.
5 giờ chiều, nhóm kéo đến một ngôi đền vắng người để ngắm hoàng hôn, vì những ngôi đền lớn đều kín mít người. Trong khói chiều bốc lên từ những ngôi đền có người đến làm lễ, chiều Bagan đẹp như tranh vẽ.
Trời sập tối, chúng tôi quay về khách sạn, đường sá vắng hẳn người, chỉ lác đác bóng vài du khách đi kiếm quán ăn rồi về nghỉ ngơi sớm, chờ đón bình minh ngày hôm sau.
Lưu lại Bagan 2 ngày, đón trọn được những khoảnh khắc bình minh, hoàng hôn nơi đây, chợt nghĩ có lẽ hiếm chốn nào mê hoặc được lòng người như xứ sở của những ngôi đền này. Và có lẽ dù nhiều năm nữa, nhắm mắt lại, tôi vẫn mường tượng được từng tán cây, ngọn đền của xứ sở này.
(Theo Báo Khánh Hòa)