Hoặc đóng cửa khép kín với thế giới bên ngoài như Bắc Triều Tiên. Hoặc mở cửa sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế như Việt Nam. Bhutan lại chọn chiến lược, “Cánh cửa mở hé”!. “Mở hé” trong ngoại giao, kinh tế, văn hóa - giáo dục.

Xem thêm:

Vì Sao Bhutan Muốn Mọi Người Ngừng Ăn Thịt?

Trung Quốc có diện tích 9.597.000km2 với số dân 1.385.538.000 (tính đến tháng 1/2017). Ấn Độ có diện tích 3.287.263km2 chứa số dân cũng đông không kém 1.335.317.189 (tính đến tháng 1/2017). So với Trung Quốc và Ấn Độ, Bhutan có diện tích thật khiêm nhường 47.000km2 (1/7 diện tích Việt Nam) và dân số chỉ 774.830 người (ít hơn dân số Đà Nẵng - Việt nam). Trong một vị trí địa lý rất ư tế nhị, thế mà Bhutan không “hòa tan”, cũng không “biến mất” trên bản đồ thế giới.

Vương Quốc Bhutan theo chế độ quân chủ lập hiến, nhà Vua là nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo đất nước thông qua Quốc hội, Hội đồng Bộ trưởng và Hội đồng Cố vấn Hoàng gia; trong Hội đồng Cố vấn Hoàng gia có các vị Tăng Già.

Sau khi Ấn Độ độc lập từ Anh năm 1947, thì ngày 8/8/1949 một hiệp ước giữa Bhutan và Ấn Độ được ký kết. Từ đó đến nay Ấn Độ là đối tác tin cậy của Bhutan. Công dân Ấn Độ đến Bhutan hoặc ngược lại không cần visa, chỉ cần cung cấp chứng minh nhân dân là đủ. Tại thành phố Thimphu, công nhân xây dựng quốc tịch Ấn Độ chiếm 1/3 dân số Bhutan. Những con đường hiểm trở cheo leo vách núi của Bhutan in đậm dấu chân công nhân Ấn Độ.

Năm 2014, sau khi nhậm chức, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chọn Bhutan là quốc gia thăm viếng ngoại giao đầu tiên. Thủ tướng Bhutan cũng vậy!

Ngược lại Bhutan chưa ký kết ngoại giao với Trung Quốc, dù Trung Quốc tích cực tìm kiếm tình bạn núi liền núi với láng giềng Bhutan. Trong một lần trả lời phỏng vấn truyền hình New Delhi năm 2014, thủ tướng Bhutan Tshering Tobgay nói: “Chúng tôi thậm chí chưa còn có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Làm sao có thể mở Sứ quán nếu như còn chưa có quan hệ ngoại giao?”. Do vậy, hiện nay Trung Quốc chưa có đường bay trực tiếp đến Bhutan. Người Trung Quốc muốn đi du lịch Bhutan phải quá cảnh đất nước thứ ba như Ấn Độ, Thái Lan hoặc Singapore.

Vương Quốc Bhutan cũng chưa có quan hệ ngoại giao với các quốc gia nằm trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Hiện chỉ có Ấn Độ và Bangladesh mở đại sứ quán tại Thành phố Thimphu - Bhutan.

Ngoại giao đã hẹp, vấn đề nhập quốc tịch Bhutan lại càng hẹp. Dù dân số chưa tròn 800 ngàn, Bhutan cũng chẳng thiết tha tăng dân số. Nếu công dân Bhutan lấy vợ hoặc lấy chồng và sanh con với người nước ngoài thì, người nước ngoài và những đứa con khó mà nhập quốc tịch Bhutan. Những “dâu”, “rể” và con cháu của “dâu”, “rể” muốn vào Bhutan đều phải xin visa như khách du lịch bình thường. Cô bạn của tác giả bài viết này là người Việt Nam, có chồng và có 2 con với công dân Bhutan, thế mà 15 năm nay vẫn thuê nhà ở Thái Lan để bay đi bay về thăm chồng cho gần. Thu nhập được bao nhiêu chi hết cho tiền vé máy bay và xin visa vào Bhutan.

Năm 1987 một nhà báo người Anh viết trên báo Financial Times: “Tốc độ phát triển kinh tế Bhutan còn thấp”. Nhà Vua thứ tư Bhutan Jigme Singye Wangchuck đã đáp trả nhận định trên bằng một khái niệm gây ngỡ ngàng các nhà kinh tế học và tâm lý học, trong đó có không ít các vị đã đạt giải thưởng Nobel, rằng: “Tổng hạnh phúc Quốc dân (Gross National Happiness) còn quan trọng hơn Tổng sản phẩm Quốc nội (Gross Domestic Product)”.

Lãnh đạo Bhutan xây dựng hạnh phúc cho Quốc dân dựa trên 4 trụ cột: Phát triển bền vững; bảo vệ môi trường; bảo tồn văn hóa và quản trị Quốc gia hiệu quả (good governance).

Các đối tác thương mại xuất khẩu của Bhutan là Ấn Độ 87,9%, Bangladesh 4,6% và Philippines 2%. Các đối tác nhập khẩu cho Bhutan có Ấn Độ 71,3%, Nhật Bản 7,8% và Áo 3%. Không Trung Quốc!

Theo nguồn Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2016, thu nhập bình quân đầu người Bhutan tính theo sức mua ngang giá (PPP) đạt 8.696USD/người, xếp hạng 116 thế giới (Việt Nam 6.895USD/người, xếp hạng 127 trên thế giới). Không chỉ thế, công dân Bhutan được hưởng giáo dục, du học và chăm sóc y tế miễn phí, được ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày.

Hiện nay nguồn thu nhập chính của Bhutan là thủy điện, du lịch và nông nghiệp. Thủy điện có vai trò quan trọng giúp hiện đại hóa Bhutan, đóng góp vào tăng trưởng hạnh phúc quốc dân và đóng góp hơn 40% nguồn thu ngoại tệ.

Du lịch là một nguồn thu mới, nhưng sẽ là nguồn thu chính trong tương lai của Bhutan. Muốn được cấp visa ở Bhutan khách phải trả 200USD/ngày vào mùa Xuân - Hè; 250USD/ngày vào mùa Thu - Đông cho các hãng du lịch của Bhutan. Với chính sách tài chính khe khắt, Bhutan đã loại được khách ba lô, khách mì gói. Dù khách đã chi một số tiền không nhỏ cho mỗi ngày ở Bhutan, nhưng vừa bước chân xuống sân bay Thimphu, khách đã được (bị?) “kèm cặp” với một chương trình tham quan, ăn, ngủ khép kín. Toàn bộ thời gian của khách ở Bhutan trong tầm kiểm soát của hướng dẫn viên địa phương. Với cách quản lý du khách nghiêm ngặt, Bhutan loại luôn những khách cố ý thuyết minh sai lệch về lịch sử, truyền thống, biên giới Quốc gia; hoặc tìm cách hủy hoại cảnh quan môi trường của Bhutan. Dù nguồn thu du lịch năm sau luôn tăng hơn năm trước bất chấp kinh tế toàn cầu suy thoái, Chính phủ Bhutan không để cho kinh tế phát triển nóng bằng cách: chủ động giãn thời gian thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật và công trình phục vụ dịch vụ du lịch!

Nông nghiệp là phương tiện sinh sống của hơn 80% người dân Bhutan. Nông nghiệp Bhutan chủ yếu là tự cung, tự cấp. Sản phẩm nông nghiệp có gạo, phô mai, kiều mạch, lúa mạch, bắp, táo, quýt và ớt. Ớt được người Bhutan sử dụng như rau, đặt biệt món ớt xanh xào phô mai ăn với bánh mì nướng ngon ngất trời mây. Bhutan có xuất khẩu lâm sản và nông sản, nhưng chiếm tỷ trọng không lớn trong nguồn thu ngoại tệ. Rừng nguyên sơ che phủ 72% diện tích, hiện Bhutan là một trong những quốc gia có tỷ lệ rừng cao nhất thế giới.

Khi dừng lại trên những con đường cheo leo vách núi, khách thấy có nhiều cây trổ bông màu đỏ rất đẹp, liền “ghẹo”: “Vui lòng cho tôi xin một cây về nước nhân giống được không?”. Gương mặt hồn hậu luôn tươi cười của hướng dẫn viên Bhutan đột nhiên biến mất, một tiếng “NO” sắc lạnh bật ra không cần suy nghĩ. Ý thức bảo vệ cảnh quan và môi trường đã thấm vào máu của từng người dân Bhutan!

Bhutan thường được miêu tả là nền văn hóa Phật Giáo Himalaya truyền thống duy nhất còn sót lại tới thế kỷ 21. Đó là lý do Chính phủ Bhutan chỉ “mở hé” cánh cửa Quốc gia vì muốn bảo tồn nền văn hóa Phật giáo Tây Tạng truyền thống này. Trẻ em Bhutan từ 6 tuổi có thể học ở trường Phật Giáo Tây Tạng Druk hoặc trường Nyingma và bắt đầu làm quen cuộc sống tu tập ở chùa. Các em được dạy ngôn ngữ cổ kính của Kinh Phật, học chữ gốc Bhutan và học tiếng Anh. Sau thời gian ba năm, hoặc các em tiếp tục học giáo lý để trở thành Sư, hoặc quay trở lại sống trong gia đình. Ba năm đầu đời đã ươm mầm trong tâm hồn trẻ thơ nền tảng đạo đức Bhutan và văn hóa Phật Giáo Tây Tạng. Các em còn có vốn tiếng Anh đủ đọc báo tiếng Anh phát hành hằng ngày và líu lo với du khách.

Ấn tượng mạnh với khách là kiến trúc. Tất cả nhà cửa, công sở tại Bhutan dù mới xây hay đã xây hằng trăm năm trước đều thống nhất một kiểu kiến trúc cổ xưa. Nhà nước quy định rất rõ ràng về chiều cao, phong cách, hoa văn, màu sắc…, để kiến trúc Bhutan là một thể thống nhất, hài hòa, in đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của đất nước. Nhờ vậy, tại Bhutan không có “mái củ tỏi”, cũng không có “mái cong vút” của láng giềng!

Người dân Bhutan mặc quốc phục như một thói quen, họ mặc khi làm việc, giao tiếp và cả khi đi phố. Hãy nghe Thủ tướng Tshering Tobgay giới thiệu về Quốc phục Bhutan: “Gho” là trang phục dân tộc của tôi. Đàn ông Bhutan đều mặc như thế.“Kira” là trang phục của phụ nữ, váy dài chấm bàn chân. Giống như phụ nữ Bhutan, chúng tôi thích mặc màu sáng. Không giống như phụ nữ Bhutan, chúng tôi phải khoe chân ra”. Quốc phục của Bhutan không thể nhầm lẫn với Sườn xám của Trung Quốc hoặc Sari của Ấn Độ.

Thủ tướng Tshering Tobgay có bằng chuyên ngành quản lý công trường John F. Kennedy, ĐH Harvard. Thủ tướng Tshering Tobgay đã phát biểu tại cộng đồng học thuật uy tín TED Talk, rằng “Phát triển kinh tế là quan trọng, nhưng phát triển kinh tế không thể có được từ việc làm tổn hại môi trường tự nhiên nguyên sơ của đất nước và nhất là tổn hại nền văn hóa độc nhất của chúng tôi”.

… Trong một buổi chiều tà lạnh 90C, khách đi cùng hướng dẫn viên Bhutan tới ăn tối tại một nhà hàng trong thành phố Thimphu, tình cờ chứng kiến buổi tiệc tối của một gia tộc giàu có. Tất cả mặc Quốc phục, bữa tiệc gồm gạo lứt đỏ ăn với rau củ xào bơ và phô mai. Hình thức và ăn uống không khác biệt so với những người Bhutan khách được gặp. Từ đó, khách rút ra một kết luận: Quản trị đất nước của Vua và Chính phủ đã thu ngắn khoảng cách giàu - nghèo của người dân Bhutan.

Có lẽ chính sách “Cánh cửa mở hé” phù hợp với lòng dân Bhutan, thể hiện qua kết quả khảo sát năm 2007 của Đại học Leicester - Anh Quốc: 45% người dân Bhutan tự nhận mình rất hạnh phúc, 52% cảm thấy hạnh phúc, chỉ có 3% là chưa hài lòng về cuộc sống của mình. Từ cuộc khảo sát này bè bạn năm châu mới biết đến Bhutan, một đất nước bí ẩn hình thành trên vết gấp của dãy Himalaya, nằm trong 10 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới./.

Tạ Thị Ngọc Thảo

(Theo tathingocthao.com)



Có phản hồi đến “Bhutan - Hạnh Phúc Trong Cánh Cửa Mở Hé”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com