Hàng trăm năm qua, bầu nguyên khí trong sạch dưới cánh rừng Yên Tử vẫn miệt mài truyền nguồn năng lượng tinh khôi của đất trời giao hòa vào từng hơi thở, từng bước chân du khách. Mái chùa, phiến đá tĩnh tại kể chuyện về một vị vua hóa Phật.

Cuộc đời tôi, có rất nhiều chuyến đi. Chuyến đi xa đầu tiên năm 13 tuổi, chuyến đi tới tình yêu năm 17 tuổi. Có những chuyến đi vào đời thường và có cả những chuyến đi vào cái tôi khuất lấp, vào tâm thức và bản ngã của chính mình, đánh thức khe khẽ những mảnh đất trong lành đã bị cuộc sống mưu sinh làm loãng đi phần nào như chuyến hành hương về Yên Tử.

Yên Tử và những giá trị tâm linh huyền ảo

Yên Tử những ngày cuối tháng 2 chớm sang Xuân, trời mưa bụi mù. Cả một cánh rừng hiện ra với hàng trăm ngôi chùa, am, miếu lớn nhỏ thấp thoáng trong đám lá rừng cũng cổ kính và già nua không kém. Không gian tĩnh lặng nhuốm màu tâm linh và tràn ngập một không khí giác ngộ đạo Phật.

Với nhiều người, đi lễ chùa mà gặp mưa là một điềm lành. Vì vậy, khi cơn mưa sớm đột nhiên trút xuống buổi sớm hôm ấy, tôi không thấy bất kỳ ai trong mấy ngàn người đang leo bộ theo con đường mòn lên chùa Đồng dừng bước. Họ cứ đi và bước những bước chân vững chãi về phía đỉnh thiêng như một cuộc hành hương tìm lại chính mình.

Hành trình viếng thăm Yên Tử của tôi bắt đầu từ con suối Giải Oan với một cây cầu đá xanh nối hai bên bờ. Lần theo dấu tích cây cầu cổ kính chỉ dài cỡ 10 m, tôi mường tượng đến khung cảnh nguy nga tráng lệ khi xưa, nơi hàng ngàn người theo vua Trần Nhân Tông tới tận đây rồi gieo mình tự tử khi không khuyên nhủ được ngài hồi cung. Vị vua anh minh thương cảm nên lập cho họ một ngôi chùa siêu độ để giải oan, từ đó con suối này được đặt theo tên như vậy.

Hàng trăm năm đã trôi qua, ngày nay, cây cầu bé nhỏ ung dung bắt nhịp cho những tín đồ của nhà Phật hành hương trở về miền đất linh thiêng Yên Tử, trở về với cái hồn tâm linh của dân tộc, tìm lại sự cũ kĩ của một người quê xưa có truyền thống giáo dục và tự trọng.

Đường lên Yên Tử quanh co, uốn lượn, khi thì qua suối, băng rừng với nhiều tầng cây trùng điệp, khi thì phải vươn gối leo lên các bậc cấp đá được sắp đặt thật khéo, kết hợp hài hòa giữa tự nhiên và bàn tay con người.

Ngay từ dưới chân núi, du khách đã có thể lắng tai nghe rõ tiếng chuông chùa ngân nga, nửa như muốn tan, nửa như muốn hiện càng làm cho không khí tâm linh thêm phần kỳ ảo.

Tiếng chuông chùa Yên Tử ngân xa cùng với cảnh núi non, mây trời thanh tịnh tạo thành một bầu không khí trầm mặc, cổ kính, tuy đôi chỗ còn xác xơ và khổ hạnh. Nhưng vì thế mà Yên Tử trải qua hàng trăm năm vẫn giữ được vẹn nguyên tinh thần Phật giáo nguyên thủy đến tận ngày nay.

Ngay khi chân đặt lên những bậc đá đầu tiên của chuyến hành hương, mọi du khách và Phật tử chẳng ai bảo ai, tất cả đều tự điều chỉnh âm lượng, lời ăn tiếng nói, điều chỉnh từng bước đi, hành vi ứng xử của mình. Tôi cảm nhận được một tinh thần tập thể từ lòng tốt, sự giúp đỡ, từ những câu chuyện và tiếng nói cười giữa người với người trong suốt con đường leo bộ khó và mệt này.

Suốt dọc đường, nhiều Phật tử và du khách thường đảnh lễ và đọc kinh mọi nơi, mọi chốn, ngay cả trên đường chống gậy leo chùa Đồng, chứ không chỉ dưới chân các bức tượng Phật. Chậm rãi bước theo từng bậc đá chênh vênh, lòng tôi tự hỏi, các vị ẩn sĩ xưa kia sao có thể tìm một nơi hẻo lánh, cheo leo và cao vời vợi đến vậy để tu tập?

Đến chùa Hoa Yên, tôi dừng lại rất lâu bên một tảng sân rộng, nơi một bà mẹ đang ru đứa bé của mình say ngủ. Sao câu hát ru con nào của người xưa nghe cũng đứt gan đứt ruột! Lúc ấy, tôi cũng ước mình được ru vào một giấc mơ trưa văng vẳng câu kinh êm đềm, nhẹ nhàng như vậy bằng những hồi chuông chùa thanh thản.

Sau 6 giờ đi bộ qua hàng ngàn bậc đá, cuối cùng tôi cũng tới được đỉnh thiêng Yên Tử - nơi chùa Đồng ngự trị. Đỉnh thiêng chào đón tôi bằng bầu không khí trong lành tưởng như vô nhiễm. Và khi ngước mắt nhìn lên, cả một không gian bao la với bầu trời trong vắt hiện ra ngay bên trên một đỉnh thánh mẫu uy nghi, tráng lệ.

Mọi thứ bụi trần đều dừng lại hết bên ngoài cánh cửa chùa, chỉ còn những niềm vui sướng hân hoan trực vỡ òa trong tim của các tín đồ đạo Phật, khi được gặp những tâm hồn kính Phật từ khắp mọi phương trời. Bởi một mối nhân duyên đẹp đẽ nào đó mà dù gần dù xa, họ đều đã gặp nhau nơi xứ Phật bình dị, đơn sơ này.

Lư hương chùa Đồng tỏa ra hương thơm đến lạ. Hương thơm ấy không nói nhiều, nhẹ nhàng loang ra, gợi cho tôi bao nhiêu là chuyện quê hương, chuyện làng xóm, chuyện của ngày xưa và hôm nay….

Trời và đất nơi đỉnh thiêng Yên Tử từ ngàn năm nay cũng đã hợp sức tạo nên một vùng rộng lớn với điều kiện thuận lợi không kém gì xứ sở Phật đà già la của đức Phật thích ca để giúp những bậc tu hành đắc đạo.

Giống như Đức Phật Tổ Thích-ca-mâu-ni, vua Trần Nhân Tông cũng lấy pháp tu thiền để đạt đạo. Người tu theo pháp môn này rất cần một nơi thanh tịnh, yên tĩnh, không khí trong lành để thiền. Núi rừng Yên Tử cách biệt với phàm trần, là một nơi lý tưởng để tu tập. Đặc biệt, vạt núi sườn nam của Yên Tử hội tụ đủ thiên thời, địa lợi và linh khí của đất trời thanh tịnh, giúp cho người tu thiền có được các điều kiện ngoại cảnh đó.

Tôi toàn tâm toàn ý thưởng ngoạm và thu vào tầm mắt tất cả vẻ đẹp vừa hùng vĩ mà hoang sơ, vừa uy nghi mà gần gũi của cả vùng Đông Bắc rộng lớn. Những ánh nắng đầu tiên của mùa Xuân rơi rớt trên mái vòm các ngôi chùa tạo với đảo nhỏ thấp thoáng trong vịnh Hạ Long thành một bức tranh của danh họa mực tàu nào đó.

Một nỗi niềm rưng rưng kỳ lạ trào dâng trong tôi khi đứng trước những bức tượng Phật cao sừng sững. Những bức tượng Phật ánh lên nét bình thản, khoan thai như trăm năm qua vẫn vậy. Không gian tĩnh lặng và trong trẻo của nó đã gột sạch lòng tôi. Ở Yên Tử, tuyệt nhiên không thấy lòng mình dậy sóng.

Yên Tử không chỉ là trung tâm Phật giáo quan trọng, đánh dấu sự ra đời của thiền phái Trúc Lâm, mà còn là huyệt đạo ký ức, văn hóa, tâm thức, lịch sử của người Việt, là một danh lam thắng cảnh thiêng liêng, một địa linh cho mọi người chiêm bái.

Yên Tử trong thế kỷ 21

Trời chập choạng tối. Một chị trong đoàn đã kiệt sức rủ chúng tôi xuống núi bằng 2 tuyến cáp treo là tuyến Bạch Long từ khu tượng An Kỳ Sinh xuống chùa Một Mái dài gần 900 m và tuyến Hoàng Long từ chùa Hoa Yên đến suối Giải Oan hơn 1 km nữa.

Hai tuyến cáp treo Yên Tử đã hoàn thành từ lâu với những khen, chê, vui, buồn, thành công và khiếm khuyết… như ta đã biết. Tuy nhiên, nhờ đó mà hệ thống y tế, giao thông và dịch vụ cơ bản cũng đã được quần thể danh thắng Yên Tử chuẩn bị cho du khách chu đáo hơn.

Yên Tử sau lịch sử 700 năm hình thành, giờ đây đứng sừng sững giữa núi sông bằng một dáng đứng văn minh, hiện đại của thế kỷ 21. Kết hợp với nếp sống Phật giáo tâm linh, nay đã trở thành một địa điểm du lịch đầy mê hoặc, hấp dẫn không chỉ với Phật tử cả nước, mà ngay cả du khách trong và ngoài nước cũng mong mỏi được một lần tới đây chiêm bái Phật.

Chúng tôi hoàn thành chuyến hành hương về đất Phật trong niềm hoan hỷ và an lạc. Những lời mộc mạc trong bài này không đủ diễn tả những niềm vui của tôi trong chuyến đi, nhất là cảm nghiệm về đức Phật. Có lẽ, Ngài đang ở đâu đấy, giữa núi non, mây trời, trong từng tảng đá, cây cỏ và trong tâm thức dung dị của mỗi con người Việt Nam, trong những nụ cười hiền hậu, trong ánh mắt sáng ngời đầy đức tin và niềm lạc quan vui sống.

(Theo Đầu Tư Bất Động Sản)



Có phản hồi đến “Núi Thiêng Yên Tử Trong Tâm Linh Người Việt”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com