Trong mỗi chúng ta, ít nhiều gì cũng có hiểu biết đôi chút về quần thể đền đài Angkor.

Vậy mà khi Angkor mở ra trước mắt, trong tôi tràn ngập một cảm giác choáng ngợp, không thể tưởng tượng và vô cùng khó hiểu trước sự kỳ vĩ của nó.

Quần thể Angkor là một trong bảy kỳ quan vĩ đại của thế giới, được UNESCO công nhận. Có không biết bao nhiêu sách báo, công trình khoa học nói về các kiến trúc này.

Bị bỏ quên 600 năm

Từ TP du lịch Siem Reap, chúng ta đi 10 phút là xe lọt vào một khu rừng đại ngàn, nguyên sinh và hùng vĩ. Hai bên đường là những cây cổ thụ sống hàng trăm, hàng ngàn năm tuổi. 15 phút sau là chúng tôi đến quần thể Angkor mà ngỡ như mình lạc vào một thế giới khác, thế giới của lâu đài, tháp cổ huyền bí. Quần thể Angkor gồm rất nhiều đền, đài, tháp, lăng, hoàng cung… với công năng là thủ phủ của một đế chế hùng mạnh nhất của đất nước này từ cổ chí kim.

Ở đó có hoàng cung của vua, có lâu đài của các hoàng hậu và quần thần, có cơ sở hạ tầng của ngoại giao, kinh tế, quân sự, văn hóa-xã hội. Và có cả nơi thờ tự, hành lễ của quốc giáo, đó là đạo Phật và đạo Hindu. Mỗi đền đài rộng 9-12 ha. Dù có ở đó nhiều ngày nhưng khó có ai có thể đi hết các đền đài Angkor trong một chuyến du lịch.

Quần thể Angkor được xây dựng vào khoảng thế kỷ 11, tức là đã gần 1.000 năm cho đến thời điểm bây giờ. Nó được xây bởi một vương triều hùng mạnh mà người ta gọi là đế chế Angkor. Mỗi khu đền họ xây 30-40 năm. Vật liệu xây dựng chủ yếu là bằng đá. Đá này được lấy từ một ngọn núi cách đó đến 45 km. Thời đó họ kéo đá bằng voi và con đường kéo đá về xây đền đài đã sâu thành một con sông, chảy qua TP Siem Reap ngày nay. Khi đền đài xây dựng xong, vương triều Angkor cư ngụ nơi đó rồi bị quân Xiêm chiếm đóng 90 năm và sau đó quần thể Angkor bị bỏ quên hẳn đến hơn 600 năm. Sau, mãi đến thế kỷ 18 người Pháp mới phát hiện được.

Thời gian quá xa xưa, thân phận kỳ bí và sự vĩ đại của các ngôi đền, tháp khiến cả thế giới đổ về đây để thận trọng nhìn ngắm cho thỏa thích. Xung quanh quần thể Angkor ngày xưa, người ta đào một cái hào sâu và rộng như một con sông rồi thả cá sấu ở dưới để làm tuyến lũy bảo vệ. Tương tự thế, trong mỗi khu đền cũng được đào một cái hào bao quanh và có thả cá sấu. Đường vào quần thể Angkor thì có bốn cửa nhưng đường vào mỗi khu đền chỉ có một cửa. Ở mỗi cửa vào, người ta lấy đá kết với nhau thành một con đường đi dài hàng trăm mét và to như quốc lộ Việt Nam. Trước khi vào quần thể Angkor, ta bắt gặp mấy chục pho tượng người to, một bên là người thiện, một bên là kẻ ác đang cưỡi con rồng chín đầu.

Cuối đuôi con rồng là một cái cổng vào. Thật ra phải gọi nó là một tháp canh mới đúng, bởi sự đồ sộ, cao hơn 20 m, ngang hơn 20 m. Ở mỗi khu đền, sau cái hào sâu bao quanh là một bờ tường đá bao quanh. Sau bờ tường đá cao là những ngôi đền, tháp. Đường vào đền thường có ba cửa. Cửa chính dùng để cho vua đi, cửa phụ cho quan đi và cửa trái dành cho thứ dân. Bên trong các bức tường là những đền đài tráng lệ và vô cùng to lớn, chúng cao đến 60-70 m, bề ngang đến hàng trăm mét và dài có khi mấy trăm mét. Trải qua chiến tranh, phong ba bão tố gần ngàn năm nhưng khu đền, tháp cũng vẫn trơ cùng tuế nguyệt. Có những khu đền nặng không biết bao nhiêu triệu tấn mà đến nay chúng không sụt lún 1 cm. Tất cả chất liệu xây dựng đều làm từ đá. Từ vách sàn đến cột chống đỡ và cả mái che mưa che nắng. Du khách hoàn toàn không thể hiểu được bằng cách nào người ta đưa những khối đá nặng hàng chục tấn lên đỉnh tháp cao 60-70 m và nó được kết cấu bằng chất liệu gì.

No say những điều kỳ bí

Nhìn tổng thể, quần thể Angkor là một tác phẩm điêu khắc vĩ đại, nó tinh tế đến từng đường tơ kẽ tóc và đậm đà văn hóa Khmer. Bất kỳ ở đâu, từ chân tường rào cho đến trên mái lợp, chúng ta đều bắt gặp những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc trên đá. Các họa tiết thể hiện niềm tin tín ngưỡng, những truyền thuyết Phật giáo, dân gian. Thể hiện cả những quan hệ quốc tế, quân sự, kinh tế, văn hóa-xã hội và cảnh quan, sản vật của đất nước Campuchia vào 1.000 năm trước. Đó là một pho sử liệu hoành tráng của đất nước Campuchia. Nhìn vào đó, người của 1.000 năm sau bắt gặp đời sống của người 1.000 năm trước, giúp cho người ta rút ra nhiều điều thú vị. Hàng ngàn bức tượng vũ nữ Apsara với khuôn mặt, trang phục, trang sức và kiểu tóc khác nhau đã giúp người ta nhận ra rằng kiểu tóc của cô dâu, trang phục thi hoa hậu ngày nay chính là được lấy từ ý tưởng của những tượng nàng Apsara đó. Và cái sóng tôn lạnh ngày nay cũng chính là bản copy của hình mái đá ở các khu đền Angkor.

Điêu khắc, hội họa, nghệ thuật trong thời đế chế Angkor phát triển cũng thật dễ hiểu vì lúc đó họ đã có những trường đại học dạy điêu khắc và ca múa nhạc.

Không chỉ dừng lại ở đó, giao thông cũng được vương triều Angkor chú trọng và làm nên những kỳ tích. Cách Angkor hơn 100 km có một chiếc cầu to, dài hàng trăm mét, ngang khoảng 40-50 m, được xây dựng đã hơn 900 năm mà không sụt lún 1 cm, chất liệu cũng toàn bằng đá. Hiện nay UNESCO đã tài trợ kinh phí bảo vệ chiếc cầu cổ này.

Đường vào tham quan các đền đài Angkor rất quanh co, gồ ghề đá… và rất dài, vậy mà dường như khách Tây, khách Tàu, khách Việt… đông đúc dập dìu đi như không biết mệt, bởi tầm mắt họ đã no say những cái kỳ bí, vĩ đại của quá khứ lẫn hiện tại. Ngoài các thành quách Angkor, du khách được xem những thân cây cả ngàn tuổi mọc trên bờ tường, rễ thòng xuống to như ngôi nhà. Trên những cây này là những tổ ong mật, ong vò vẽ, có đường kính 3-4 m. Chị Pô Pha chỉ cho đoàn chúng tôi nơi đây Hollywood đã từng đến quay một bộ phim nổi tiếng thế giới, đó là phim Bí mật lăng mộ cổ.

Rời Angkor, tôi cứ thảng thốt thế giới thật là kỳ vĩ, vĩ đại.

Rời Camphuchia, trong tôi có quá nhiều ấn tượng.

(Theo PLO)



Có phản hồi đến “Choáng Ngợp Thánh Địa Phật Giáo Angkor Wat”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com