Trên đường phố trung tâm New Delhi, đàn khỉ chạy nhảy, đùa giỡn; cạnh dải phân cách trên quốc lộ, những chú bò nằm nhởn nhơ, xe cộ đi qua đều phải tránh; trên nóc xe khách chật ních người nhưng ai nấy mặt mũi đều hớn hở; phụ nữ Ấn Độ bụng to, mông nở mới được coi là đẹp…
Bò và masala
Hơn 80% dân số Ấn Độ theo Ấn Độ giáo (đạo Hindu), coi bò là con vật linh thiêng, nên họ không ăn thịt bò. Theo báo chí Ấn Độ, người Hindu rất tôn trọng bò, đi ngoài đường gặp bò, họ hôn vào đuôi nó. Thực tế trong những ngày ở Ấn Độ vừa qua, tôi không thấy cảnh hôn đuôi bò, mà chỉ nhìn thấy bò rong ruổi khắp nơi, thậm chí nằm nhởn nhơ ngay dải phân cách trên đường, ai đi qua đều phải tránh chúng. Luật Hindu cấm ăn thịt bò, nhưng sữa bò được phép dùng.
Trong các bữa ăn ở Ấn Độ, tôi hay thấy có những miếng trắng trắng như đậu phụ; các bạn Ấn Độ cho biết, đó là bánh sữa bò. Người theo đạo Hồi chiếm khoảng 14% dân số Ấn Độ; họ không ăn thịt lợn vì cho rằng đó là con vật nhơ bẩn. Những bữa ăn của chúng tôi tại Ấn Độ không thấy có bóng dáng thịt bò, thịt lợn, mà chỉ có thịt gà, đôi khi có thêm cá, các loại bánh bột truyền thống của Ấn Độ và các món rau củ quả đậm mùi masala.
Với người Ấn Độ, masala là một loại gia vị quốc hồn quốc túy của họ nên nhiều món ăn đều có masala. Nhưng với nhiều người nước ngoài, đó là một thứ khó ăn, mùi rất khó chịu. Tôi có sự liên tưởng với món mắm tôm của Việt Nam khi nhiều người Việt cho là thứ khoái khẩu thì khách nước ngoài bịt mũi không dám ăn. Tôi và nhiều người trong đoàn (dự Hội nghị Phật giáo quốc tế lần thứ 5) không ăn được masala.
Có hôm quá ngán với các bữa tiệc trong khách sạn, tôi chuồn ra ngoài định thưởng thức món ăn đường phố của Ấn Độ thì gặp ngay quán Masala Corner (Masala góc phố). Trong bữa tiệc thết đãi của ban tổ chức, tôi có dịp trò chuyện với Sumit Mathur, người Ấn Độ, Giám đốc Cty Du lịch Top travel & Tour.
Anh hỏi: “Bạn có ăn được đồ Ấn không?”. Tôi thật thà nói không (mà không dám lắc đầu vì với người Ấn Độ, lắc đầu có nghĩa là có). Anh Sumit cho rằng, để thu hút du khách nước ngoài, món ăn của Ấn Độ cần thay đổi, phải có thêm nhiều món ăn quốc tế. Sau 5 ngày ở Ấn Độ, tôi và một số thành viên trong đoàn bị giảm cân.
Trò khỉ
Khi dạo chơi ở New Delhi, chúng tôi bắt gặp rất nhiều khỉ chạy nhảy trên đường phố. Một vài chú khỉ thản nhiên bước qua đường, ngay trước mũi xe chúng tôi. Sư cô Huệ Lan, người từng học ở Ấn Độ, kể rằng, có hôm đang đi đường thì thấy ai đó giật túi mình, hóa ra là một con khỉ.
Khi đi trên đường phố New Delhi, không nên để đồ ăn trong túi xách, vì dễ bị khỉ phát hiện, cướp giật. Người lái xe ba bánh chở chúng tôi đi dạo New Delhi cho biết, sở dĩ khỉ ở đây nhiều vì chúng mắn đẻ, trong khi người Hindu kêu gọi cho chúng ăn vào thứ Ba và thứ Bảy vì chúng được xem là đại diện sống của thần khỉ Hanuman.
Năm 2012, New Delhi đau đầu vì khỉ quá đông và táo tợn. R. B. S. Tyagi, Giám đốc cơ quan thú y thành phố, cho biết, bảy năm trước, chính quyền thành phố bắt đầu chương trình trả thưởng cho người bắt khỉ với số tiền 5 USD/con. Mức thưởng này tăng lên 9 USD hồi 4 năm trước và hiện là 12 USD. Dù vậy, rất ít người chịu làm công việc này.
Theo ông Tyagi, đã có 13.013 con khỉ bị bắt kể từ năm 2007, nhưng số lượng khỉ vẫn tăng. Ông R.M. Shukla, người đứng đầu cơ quan phụ trách đời sống hoang dã của New Delhi, cho biết, vấn đề này sẽ không bao giờ được giải quyết, chừng nào người Hindu vẫn còn cho khỉ ăn thường xuyên. Chúng thường vào nhà dân đánh cắp quần áo, cắn những người làm chúng giật mình, đột nhập tòa nhà Quốc hội, Văn phòng Thủ tướng, trụ sở Bộ Quốc phòng...
Đi xe kiểu Ấn
Trên đường phố New Delhi cũng như ở các địa phương khác, người Ấn Độ luôn thân thiện, hiếu khách. Khi thấy đoàn xe khách nước ngoài, nhiều người ngồi trong ô tô vẫn vẫy tay chào với nụ cười tươi rói. Về vùng quê, khi thấy khách chụp ảnh, nhiều người dân chạy đến xin chụp ảnh cùng khiến khách có cảm giác mình như ngôi sao Bollywood.
Tuy nhiên, chúng tôi khá sốc khi nhìn thấy những chiếc xe khách đi ngược chiều. Nóc xe chật ních người, nhưng mặt ai trông cũng hớn hở. Một sư thầy đi cùng đoàn chúng tôi kể, năm 1996, thầy đi học tại Ấn Độ, ban đầu, thấy mọi người ngồi trên nóc xe, thầy không dám đi. Nhưng chờ đến chiều tối vẫn chưa bắt được xe nào còn ghế trống trong xe nên đành tặc lưỡi ngồi lên nóc.
Bữa đó, thầy đang trên đường từ biên giới Nepal về thành phố Kushinagar. Thầy kể, ban đầu cũng sờ sợ, nhưng xe đi khá chậm và từ nóc xe được ngắm phong cảnh làng quê hữu tình, tận hưởng gió thổi mát lộng.
Cũng may, thầy chỉ phải ngồi nóc xe chừng hai tiếng rồi có chỗ ngồi ở dưới. Hướng dẫn viên du lịch cho biết, trên nóc xe có dây buộc vào người nên hiếm có trường hợp bị ngã khi xe đang chạy. Giá vé ngồi nóc xe rẻ hơn rất nhiều, có khi chỉ bằng 1/10 giá ghế ngồi.
Lúc đầu, đi xe trên đường, nếu ngồi đầu xe, tôi toàn phải nhắm mắt vì sợ. Các phương tiện giao thông ở Ấn Độ tay lái nghịch, hai xe đi ngược chiều cứ như sắp đâm nhau đến nơi. Đi nhiều cũng bớt sợ, lại thấy hay hay.
Hành hương đất Phật
Đoàn đại biểu Việt Nam gồm 22 người là một trong những đoàn đông nhất mà Bộ Du lịch Ấn Độ mời tham dự Hội nghị Phật giáo quốc tế lần thứ 5 diễn ra tại Ấn Độ vừa qua. Gần 300 đại biểu gồm Phật tử, học giả, đại diện các hãng lữ hành, các hãng thông tấn báo chí từ hơn 39 quốc gia trên thế giới tham dự hội nghị.
Ngoài ăn ở, các đại biểu di chuyển từ thành phố nọ sang thành phố kia của Ấn Độ bằng hai chuyên cơ. Điều này cho thấy chính phủ Ấn Độ rất chú trọng việc quảng bá du lịch tâm linh ra thế giới và có chiến lược bài bản.
Bên cạnh các buổi tọa đàm về chủ đề Phật giáo, phiên cuối của hội nghị dành trọn cho các hãng lữ hành nước ngoài và Ấn Độ làm việc trực tiếp với nhau. Các nhóm khảo sát của báo Ấn Độ Times of India tỏa ra khắp nơi để hỏi về cảm nhận của các đại biểu trong thời gian ở Ấn Độ.
Du lịch hành hương về đất Phật đang ngày càng nở rộ. Trong thời gian tham dự hội nghị, các đại biểu quốc tế được tham quan, chiêm bái hai thánh tích của Phật là vườn lộc uyển và bảo tháp Sarnath nằm ở bang Uttar Pradesh, tháp Bodh Gaya và Nalanda, trường đại học Phật giáo đầu tiên ra đời hơn 2.000 năm trước ở bang Bihar.
Thế nhưng, trong khi thịnh hành ở nhiều nước châu Á và lan ra khắp thế giới, Phật giáo lại biến mất tại Ấn Độ vào thế kỷ thứ 14 trước sự bành trướng của Ấn Độ giáo và Hồi giáo. Hiện nay, chỉ khoảng 1% dân số Ấn Độ theo đạo Phật. Đạo Hindu hiện là tôn giáo chính của Ấn Độ, dù không phát triển ra bên ngoài như Phật giáo.
Bánh phân bò
Dọc đường đi qua các vùng quê ở Bodh Gaya, tỉnh Bihar, chúng tôi thấy rất nhiều miếng tròn tròn trát lên tường nhà, thậm chí trát cả lên thân cây thốt nốt. Người hướng dẫn viên bản xứ cho biết, đó chính là những chiếc bánh phân bò làm từ phân bò tươi, trộn với rơm rạ, cỏ khô, dùng làm nhiên liệu đốt rất tốt. Vào những dịp lễ của người Hindu, người ta kiêng không đốt lửa đun nấu, nhưng có thể dùng bánh phân bò để đun. Cuối năm 2015, bánh phân bò trở nên sốt khi mạng trực tuyến eBay ở Ấn Độ rao bán mặt hàng này và bán hết veo.
Nạn hiếp dâm còn không?
Những ngày ở New Delhi, chúng tôi không dám ra đường chơi vào buổi tối vì nghe nhiều về nạn hiếp dâm ở Ấn Độ. Tôi hỏi anh Sumit là liệu ra đường buổi tối có an toàn không, nạn hiếp dâm giờ còn không. Anh cười phá lên: “Chắc bạn lại đọc qua báo chí chứ gì? Đó chỉ là một vài vụ việc, chứ không phải tất cả. Khổ thế, ai đến Ấn Độ cũng lo sợ vậy. Tôi mời các bạn đi dạo chơi buổi tối ở New Delhi để các bạn bỏ cái nhìn định kiến đó đi nhé”. New Delhi buổi tối hầu như không có dịch vụ giải trí, trò tiêu khiển gì. Anh Sumit khuyên mọi người ăn tối ở nhà hàng, rồi về nhà ngủ sớm để mai tiếp tục lên đường.
(Theo Tiền Phong)